"Tư bản ko thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông"
Những phân tích về mâu thuẫn của công thức chung của tư bản dựa trên học thuyết giá trị lao động đã cho phép C.Mác khái quát rằng: “Vậy là tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông”(31). Vậy làm thế nào để có thể giải thích được sự chuyển hóa của tiền thành tư bản trên cơ sở những quy luật nội tại của việc trao đổi hàng hóa, tức là phải lấy việc trao đổi vật ngang giá làm điểm xuất phát?
C.Mác cho rằng, “Sự biến đổi giá trị của số tiền cần phải chuyển hóa thành tư bản không thể xảy ra ở trong bản thân số tiền ấy”.(32) Trong công thức T-H-T, “sự biến đổi ấy cũng không thể nào phát sinh từ hành động thứ hai của lưu thông, từ việc bán lại hàng hóa, vì hành vi này chỉ chuyển thành hàng hóa từ hình thái tự nhiên của nó trở lại hình thái tiền mà thôi. Do đó, sự biến đổi ấy chỉ có thể xảy ra với thứ hàng hóa được mua vào trong hành vi thứ nhất T - H, nhưng lại không phải xảy ra với giá trị của nó, vì được trao đổi ở đây là những vật ngang giá, và hàng hóa được trả theo giá trị của chúng. Vậy là sự biến đổi đó chỉ có thể phát sinh từ bản thân giá trị sử dụng của hàng hóa, nghĩa là chỉ phát sinh từ việc tiêu dùng hàng hóa đó mà thôi. Nhưng muốn rút được giá trị từ việc tiêu dùng hàng hóa thì người chủ tiền của chúng ta phải có được điều may mắn là phát hiện được trong lĩnh vực lưu thông, tức là trên thị trường, một thứ hàng hóa mà bản thân giá trị sử dụng của nó có cái đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị, - một thứ hàng hóa mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hóa được lao động, và do đó sẽ tạo ra được giá trị. Và người chủ tiền đã tìm được thứ hàng hóa đặc biệt ấy trên thị trường: đó là năng lực lao động, hay sức lao động”(33)
Như vậy, lý luận hàng hóa sức lao động là cơ sở lý luận đặc biệt quan trọng, là chìa khóa để đi vào nghiên cứu những nội dung cơ bản của học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Để làm rõ vai trò của hàng hóa sức lao động trong tạo ra giá trị thặng dư C.Mác đã đưa ra khái niệm sức lao động, luận giải những điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa phổ biến và tính đặc biệt trong những thuộc tính của hàng hóa sức lao động.
Theo C.Mác, “sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”(34). Những điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa bao gồm:
Thứ nhất, “người chủ sức lao động …phải có khả năng chi phối được sức lao động ấy, do đó, người ấy phải là kẻ tự do sở hữu năng lực lao động của mình, thân thể của mình”(35), “Muốn duy trì mối quan hệ ấy, người sở hữu sức lao động bao giờ cũng chỉ bán sức lao động đó trong một thời gian nhất định”(36)
Thứ hai, “người chủ sức lao động phải không còn có khả năng bán những hàng hóa trong đó lao động của anh ta được vật hóa, mà trái lại, anh ta buộc phải đem bán, với tư cách là hàng hóa, chính ngay cái sức lao động chỉ tồn tại ở trong cơ thể sống của anh ta thôi”.(37)
“Như vậy là để chuyển hóa tiền thành tư bản, người chủ tiền phải tìm được người lao động tự do ở trên thị trường hàng hóa, tự do theo hai nghĩa: theo nghĩa là một con người tự do, chi phối được sức lao động của mình với tư cách là một hàng hóa, và mặt khác, anh ta không còn có một hàng hóa nào khác để bán, nói một cách khác là trần như nhộng, hoàn toàn không có những vật cần thiết để thực hiện sức lao động của mình”.(38) Rõ ràng là, sự chuyển hóa của sức lao động thành hàng hóa là một quá trình lịch sử phát triển của quan hệ xã hội trong nền sản xuất xã hội. “Thiên nhiên không sinh ra một bên là những người chủ tiền và chủ hàng hóa, còn bên kia là những người chỉ làm chủ độc có sức lao động của mình. Quan hệ ấy không phải là một quan hệ lịch sử - tự nhiên mà cũng không phải là một quan hệ xã hội chung cho tất cả các thời kỳ lịch sử. Rõ ràng bản thân nó là kết quả của sự phát triển lịch sử trước đó, là sản vật của nhiều cuộc cách mạng kinh tế, là sản vật của sự diệt vong của hàng loạt những hình thái sản xuất xã hội cũ hơn”.(39) “Đối với tư bản thì không phải như vậy. Những điều kiện tồn tại lịch sử của tư bản quyết không phải chỉ là lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ. Tư bản chỉ phát sinh ở nơi nào mà người chủ những tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt tìm thấy được người lao động tự do với tư cách là người bán sức lao động của mình ở trên thị trường và chỉ một điều kiện lịch sử ấy cũng bao hàm cả một lịch sử thế giới. Vì thế, ngay từ lúc mới xuất hiện, tư bản đã báo hiệu một thời đại đặc biệt của quá trình sản xuất xã hội”(40)
Từ phân tích những điều kiện làm cho sức lao động trở thành hàng hóa phổ biến, C.Mác đã đi sâu phân tích tính đặc biệt của loại hàng hóa này biểu hiện trong các thuộc tính của nó. Theo C.Mác, “Giá trị của sức lao động, cũng như của mọi hàng hóa khác, được quyết định bởi số thời gian lao động cần thiết để sản xuất, và do đó, để tái sản xuất ra thứ sản phẩm đặc biệt ấy”(41). “Muốn duy trì cuộc sống của bản thân mình, một con người sống cần có một số tư liệu sinh hoạt nhất định. Như vậy, thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra sức lao động sẽ quy thành thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt ấy, hay nói một cách khác, giá trị của sức lao động là giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống của con người có sức lao động ấy”,(42) “tổng số các tư liệu sinh hoạt phải đủ để duy trì con người lao động với tư cách là như vậy ở trong một trạng thái sinh hoạt bình thường. Bản thân những nhu cầu tự nhiên như thức ăn, quần áo, chất đốt, nhà ở, v.v. cũng khác nhau tùy theo khí hậu và những đặc điểm thiên nhiên khác của từng nước. Mặt khác, quy mô của cái gọi là những nhu cầu thiết yếu, cũng như những phương thức thỏa mãn những nhu cầu đó, bản thân chúng cũng là một sản phẩm của lịch sử và vì thế mà phụ thuộc phần lớn vào trình độ văn minh của mỗi nước, ngoài ra cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện”(43)
“Như vậy, ngược lại với hàng hóa khác, việc quy định giá trị của sức lao động bao hàm một yếu tố l ịch sử và tinh thần. Nhưng đối với một nước nhất định và đối với một thời kỳ nhất định, thì tính trung bình, quy mô của những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động là một đại lượng nhất định”.(44)
Với tư cách là hàng hóa đặc biệt, giá trị hàng hóa sức lao động phải gồm ba phần: “Tổng số những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho việc sản xuất ra sức lao động bao gồm cả những tư liệu sinh hoạt cho những người thay thế đó, tức là cho con cái của những người lao động, khiến cho cái giống những người chủ hàng hóa đặc biệt đó được duy trì vĩnh cửu ở trên thị trường hàng hóa”(45) và “chi phí học tập ấy - những chi phí hoàn toàn không đáng kể đối với sức lao động bình thường - đều gia nhập vào tổng số những giá trị được chi phí để sản xuất ra sức lao động”(46)
Khác với hàng hóa thông thường là giá trị được quyết định bởi thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra chúng, “giá trị của sức lao động được quy thành giá trị của một tổng số những tư liệu sinh hoạt nhất định. Vì vậy, giá trị ấy thay đổi cùng với sự thay đổi của giá trị các tư liệu sinh hoạt đó, nghĩa là cùng với sự thay đổi đại lượng thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra chúng”(47). “Giới hạn thấp nhất, hay tối thiểu, của giá trị sức lao động tạo thành giá trị của cái khối lượng hàng hóa mà hàng ngày thiếu nó thì kẻ mang sức lao động, tức là con người, sẽ không thể khôi phục lại quá trình sống của mình, tức là tạo thành giá trị của những tư liệu sinh hoạt không thể thiếu được về mặt sinh lý. Nếu như giá cả của sức lao động rơi xuống mức tối thiểu ấy, thì nó sẽ rơi xuống thấp hơn giá trị của nó và khi đó nó chỉ được duy trì và phát triển dưới một trạng thái lay lắt mà thôi. Nhưng giá trị của mọi hàng hóa lại được quyết định bởi số thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hóa ấy với một phẩm chất bình thường”.(48)
Những điều kiện biến sức lao động thành hàng hóa đã tạo ra tình cảnh rất gay go đối với người chủ sức lao động. “Nếu không bán được năng lực lao động thì nó không có ích gì cho người lao động cả; ngược lại anh ta cảm thấy điều sau đây như là một sự tất yếu tự nhiên độc ác: năng lực lao động của anh ta, đã đòi hỏi một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định để tự sản xuất ra, thì cũng lại không ngừng đòi hỏi những tư liệu sinh hoạt mới để tự tái sản xuất ra(49)”, do đó, “Bản chất riêng của thứ hàng hóa đặc biệt này, tức là của sức lao động, còn biểu thị ra ở chỗ, khi hợp đồng đã được ký kết giữa người mua và người bán thì giá trị sử dụng của nó vẫn chưa thật sự chuyển sang tay người mua. Giá trị của nó, cũng như giá trị của bất kỳ một hàng hóa nào khác, đã được quyết định trước khi nó đi vào lưu thông, bởi vì một lượng lao động xã hội nhất định đã được chi phí để sản xuất ra sức lao động, nhưng giá trị sử dụng của sức lao động thì chỉ bao hàm ở những biểu hiện về sau này của sức đó mà thôi. Vậy, việc chuyển nhượng sức lực và biểu hiện thực tế của nó, tức là sự tồn tại của nó với tư cách là một giá trị sử dụng, bị tách khỏi nhau trong thời gian”.(50)
Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động là giá trị sử dụng cho người mua, phải đáp ứng được yêu cầu của của người mua. Đối với người mua là nhà tư bản thì hàng hóa sức lao động có giá trị sử dụng là tạo ra giá trị thặng dư trong quá trình tiêu dùng sức lao động. Do đó, “Quá trình tiêu dùng sức lao động đồng thời cũng là quá trình sản xuất ra hàng hóa và giá trị thặng dư”.(51)
Ngoài việc nghiên cứu tổng kết những thành tựu của các nhà kinh tế trước đó về giá trị, bổ sung, phát triển học thuyết giá trị, sáng tạo ra lý luận hàng hóa sức lao động, để xây dựng học thuyết giá trị thặng dư C.Mác còn nghiên cứu tổng kết có có phê phán những quan niệm trước đó về giá trị thặng dư. C.Mác cho rằng: “Tất cả các nhà kinh tế chính trị học đều phạm phải cái sai lầm là đã không xét giá trị thặng dư dưới dạng thuần túy, với tư cách là giá trị thặng dư, mà xét dưới hình thái đặc thù là lợi nhuận và địa tô”.(52)
Như vậy, cơ sở lý luận của học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin bao gồm học thuyết giá trị lao động, lý luận hàng hóa sức lao động và những quan niệm của các nhà kinh tế trước đó về giá trị thặng dư.