songhan
Thanh niên Ngõ chợ

'Nhiều đối tác nước ngoài đã thông báo giảm sản xuất và tạm dừng nhận đơn hàng'
09:41 | 22/04/2025Chia sẻ
Theo ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng, nhiều đối tác nước ngoài đã có thông báo giảm sản xuất và có yêu cầu tạm dừng nhận đơn hàng do chưa có nhu cầu sử dụng. Số lượng này đang dần tăng lên, trung bình từ 3- 5%/tuần.
Tâm điểm vĩ mô tháng 4: 'Vòng xoáy' thương chiến, xuất khẩu đột ngột sụt giảm
Vào đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó Việt Nam có thể chịu mức thuế lên tới 46%. Theo đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu sẽ sụt giảm do bất lợi về giá so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các đối thủ chịu mức thuế quan thấp hơn.
Đến nay, nỗi lo này không còn là dự báo khi số liệu của Cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt 16,75 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3.
Thực tế đã hiện hữu
Chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử theo đơn đặt hàng, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết, dù Mỹ đã thông báo tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày, nhưng nguy cơ vẫn treo lơ lửng. Vì vậy, nhiều đối tác nước ngoài đã có thông báo giảm sản xuất và có yêu cầu tạm dừng nhận đơn hàng do chưa có nhu cầu sử dụng.Đáng quan ngại, số lượng này đang dần tăng lên, trung bình từ 3- 5%/tuần. Nghĩa là cứ 100 khách hàng mà doanh nghiệp đang có, thì mỗi tuần có thêm 3 -5 khách hàng thông báo về việc tạm dừng nhận đơn hàng.
ADVERTISEMENT
“Từ nay đến hết 90 ngày mà Tổng thống Mỹ gia hạn, là nếu không có sự điều chỉnh về mức thuế quan này sớm thì các doanh nghiệp phía đầu cuối sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và cũng như doanh thu của doanh nghiệp”, ông Dương lo lắng.



Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Tương tự, trong lĩnh vực dệt may, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, dù trong quý I, doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng trên hai con số và Mỹ chiếm thị phần lớn nhất.
Tuy vậy, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên các sản phẩm dệt may Việt Nam đến 46% thời gian tới có thể gây sức ép lớn lên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ và EU có xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, do chi phí thấp và chính sách hỗ trợ tốt hơn. Cùng với đó, các nhà bán lẻ quốc tế yêu cầu nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xanh, giảm thải carbon.
Tại hội thảo "Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng chỉ ra rằng chính sách áp thuế quan của Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm sút do nhu cầu yếu đi và phải cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác khi không xuất khẩu được sang Mỹ.
Trong trường hợp xấu nhất, sau 90 ngày kể từ 9/4, Việt Nam không đạt nhiều tiết triển trong đàm phán với Mỹ, và chịu mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ từ đầu tháng 7 thì xuất khẩu có thể giảm từ 22 - 24 tỷ USD ( tương đương 5 - 6%) so với kịch bản thông thường.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Cần có gói hỗ trợ thiết thực
Tuy vậy, theo ông Lực, nếu Việt Nam đàm phán với Mỹ giảm mức thuế đối ứng khoảng 20 - 25% có hiệu lực từ 9/7 trong vòng một năm hoặc sớm hơn. Sau đó, tiếp tục đàm phán giảm mức thuế thấp hơn. Khi đó, xuất khẩu chỉ giảm từ 6 - 7,5% (tương đương 1,2 -1,5%) so với kịch bản thông thường.Trong trường hợp tích cực, Việt Nam chỉ bị áp thuế 10% như hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu sáng Mỹ, tương tự như 126 nước khác thì xuất khẩu của Việt Nam không bị ảnh hướng đáng kể.
Chính vì vậy, Chính phủ và cơ quan quản lý cần kiên định và chủ động hơn nữa trong các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ và tăng cường đối thoại đàm phán qua các kênh.
Cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm căn bằng thương mại hơn với Mỹ như tăng nhập khẩu từ Mỹ, tiếp tục giảm thuế đối ứng với hàng nhập khẩu tư Mỹ, TS. Lực khuyến nghị.
Đồng thời, cần chủ động sớm giải quyết kịp thời, hợp ký các quan ngại, vướng mắc mà Mỹ quan tâm. Có phương án đàm phán nhanh, hiệu quả, với những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để đạt được kịch bản thuế suất thấp hơn (20-25%).
“Chính phủ cần có gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và các ngành hàng chịu tác động tiêu cực, song song với việc kích cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa để bảo vệ mặt trận xuất khẩu”, ông Lực nêu rõ.

Nguồn: BIDV Research
Còn theo ông Lại Hoàng Dương, thời điểm này, phần lớn các các đối tác vẫn đang cân nhắc về việc đặt đơn hàng tiếp thèo và chờ đợi những chính sách thuế mới.
Tuy vậy, không ít doanh nghiệp nước ngoài đang tích cực gom hàng, phòng trừ giá cả tăng cao khi hết hiệu lực 90 ngày hoãn thuế,c. Vì vậy, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tiếp cận những đối tượng này để bù đắp doanh số giảm sút.
Ngoài ra, ông Dương cho biết, việc dùng hàng đổi lấy hàng với đối tác trong nước cũng đang gặp khó khăn đầu ra là điều doanh nghiệp đang tính đến.
“Trong các sản phẩm của chúng tôi, nếu đối tác cần sản phẩm gì thì chúng tôi có thể đổi lại những sản phẩm mình cần với giá trị tương đương để đảm bảo hai bên có thể tiêu thụ được hàng hóa”, ông Dương cho hay.
Về kiến nghị cụ thể, ông Bạch Thăng Long đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ xúc tiến thương mại hiệu quả, tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối toàn cầu, hỗ trợ xúc tiến ở các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ.
Cùng với đó, NHNN nên có gói tín dụng ưu đãi riêng dành cho ngành dệt may giống như các gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19, gói tín dụng xanh …đã triển khai trước đó; đồng thời cần ổn định tỷ giá hoặc có cơ chế bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp dệt may
“Tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi, giãn – hoãn – giảm thuế phí đối với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và xây dựng các quỹ tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị”, ông Long đề nghị.
10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực quý I/2025 đều trên 1 tỷ USD, nhóm dẫn đầu đạt trên 20 tỷ USD

Ngọc Bảo
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh Copy link
Thời sự
Chia sẻ
