DAO SẮC KHÔNG GỌT ĐƯỢC CHUÔI
1/ Câu này quả đúng với Sử gia Trần Trọng Kim. Cụ là tác giả VIỆT NAM SỬ LƯỢC - cuốn sách lịch sử có sức hấp dẫn mà dù bị chính trị muốn chôn vùi đi nhưng nó vẫn cứ trỗi dậy. Thế hệ sử gia được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tươi đẹp dù được trang bị đầy đủ lý luận Mác-xít Lê-nin-nít đầy mình, rồi lại được Nhà nước tài trợ những chục tỷ, trăm tỷ thì vẫn chỉ ra những thứ tác phẩm chết lâm sàng ngay khi mới ra đời.
Kể từ 1954 đến nay, ở miền Bắc, dù Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, thành lập đủ các hội đồng, nhưng không có bộ sử nào ra hồn. Có chăng, sách in ra để các vị trong ngành tự bịt mũi và khen thơm với nhau mà thôi.
Song công bằng mà nói thì nếu cụ Trần Trọng Kim cho sống ở nhà nước Việt Nam cộng hoà hay Việt Nam dân chủ cộng hoà thì cụ cũng không thể viết nổi bộ sử như đã thành công là VIỆT NAM SỬ LƯỢC.
2/ Tôi nói Sử gia Trần Trọng Kim dao sắc không gọt được chuôi ấy là căn cứ vào Hồi ký MỘT CƠN GIÓ BỤI của cụ. Tôi chọn bản in đầy đủ đã in ở Sài Gòn trước 1975, chứ không chọn bản Phương Nam 2017. Vậy thì dùng sản phẩm của tư bản giãy mãi không chết cho nó dân chủ.
Riêng phần tư liệu đồng đại với cụ thì đúng kiểu nghe hơi nồi chõ nên bát nháo chi xiên cả.
Về quan điểm và góc nhìn của cụ Trần Trọng Kim đối với cụ Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, theo tôi nghĩ, nên tôn trọng. Tuy nhiên, với những tư liệu về Hồ Chí Minh và Việt Minh thì với độ lùi thời gian hiện nay soi chiếu vào, chúng ta thấy cụ Lệ Thần viết sai hết cả.
Những sự kiện thông sử đơn giản nhất về Hồ Chí Minh, về Đảng ******** Việt Nam, về Mặt trận Việt Minh đến học sinh cấp 3 đều biết rõ, cho nên tôi chỉ đánh dấu mà không cần viết thêm ra làm gì.
Tôi chỉ viết một chi tiết về sử liệu mà ít người biết nhưng lại được cụ Trần Trọng Kim khẳng định chắc nịch: "một nữ đảng viên tên là Đỗ Thị Lạc là người sau có đứa con gái với Hồ Chí Minh".
Chi tiết sử liệu này Sử gia Trần Trọng Kim không kiểm chứng mà nghe hểnh nghe hoảng từ một anh nhân chứng thứ cấp nào đó. Tôi xin nói rõ: Đỗ Thị Lạc tức Đỗ Thị Thuần là người Cao Bằng. Tên của bà được nhắc đến rất nhiều trong hồi ký của những người hoạt động bên Tàu từ Lê Quảng Ba, Hồ Đức Thành, Vũ Anh, Hoàng Quang Bình, Lê Tùng Sơn, Hoàng Điền... cho đến Phùng Thế Tài.
Bà Đỗ Thị Thuần là vợ Lý Quang Hoa tức Hoàng Văn Hoan. Khi đó, ông Hoan đã có vợ và con ở trong nước. Vợ ông là bà Phan Thị Uyển, hơn ông 2 tuổi, sinh năm 1903. Ông Hoan và bà Uyển đã sinh 1 người con trai vào năm 1926 đặt tên là Hoàng Nhật Tân - tức dịch giả Hoàng Thanh Đạm - người đã dịch Bàn về Tinh thần Pháp luật và Bàn về Khế ước xã hội.
Năm 1946, Hoàng Văn Hoan về nước và nói với vợ về người vợ Đỗ Thị Thuần. Bà Phan Thị Uyển với vị thế vợ chính thất đã cho đón vợ kế thất của chồng về. Do lâm bệnh, bà Đỗ Thị Lạc đã qua đời tại quê chồng năm 1948. Mộ táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu cho đến tận ngày nay.
Tóm lại, tận tín thư bất như vô thư, đọc chơi chơi vậy thôi. Lịch sử cần độ lùi của thời gian, càng lùi xa càng sáng rõ!
View attachment 366263View attachment 366264View attachment 366265View attachment 366266View attachment 366267View attachment 366268View attachment 366269View attachment 366270