30/4/1975 có phải là ngày giải phóng?

Ngày 30/4/1975, một bên gọi ngày này là giải phóng, bên kia gọi là quốc hận

Nguồn hình ảnh,HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ngày 30/4/1975 được một bên gọi là "giải phóng", bên kia gọi là "quốc hận".
29 tháng 4 2025, 11:00 +07
"Có người gọi 30/4 là Ngày Thống nhất - điều mà tôi không thể hiểu nổi. Đất nước thống nhất hai miền nhưng nhà nhà chia ly. Tôi không biết đó có thật sự là thống nhất hay không," nghệ sĩ gốc Việt Đinh Mỹ Loan chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Gia đình bà Loan, những người rời khỏi Sài Gòn đúng vào ngày 30/4/1975 khi Sài Gòn sụp đổ, không đặt tên cho ngày này.
"Chúng tôi chỉ gọi đó là ngày 30/4," bà Loan cho biết.
Nhưng nghệ sĩ đa phương tiện sinh năm 1972 tại Việt Nam này cũng nói rằng bà hiểu vì sao 30/4 được gọi là Ngày Giải phóng.
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh mà Mỹ và báo chí phương Tây gọi là Chiến tranh Việt Nam - Vietnam War, còn Hà Nội gọi là cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện vẫn có nhiều cách gọi khác nhau về ngày này.
Một cách chính thức, nhà nước gọi đó là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí chính thống vẫn gọi là Ngày Thống nhất đất nước. Trên mạng và ở một số diễn đàn đó đây, có nhiều đề xuất, chẳng hạn gọi đó là Ngày Hòa bình, Ngày Kết thúc chiến tranh...
Những tên gọi khác nhau thể hiện những mối quan tâm, tâm tư và mong muốn, lẫn những cách tiếp cận khác nhau.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, hiện giảng dạy Đông Nam Á học tại một số trường đại học ở TP HCM, cho rằng "ngày 30/4/1975 nên đặt là Ngày hòa bình, thống nhất đất nước là phù hợp nhất".
"Tại vì chúng ta thấy rõ rằng khi nhắc đến ngày 30/4 thì có 'triệu người vui, và triệu người buồn'. Nhưng trong khi cựu thù của Việt Nam là Mỹ đã hóa giải, hàn gắn, đã thành Đối tác chiến lược toàn diện, nhưng giữa những người Việt - cả người Việt trong nước với nhau, lẫn người Việt trong nước với người Việt ở nước ngoài - vẫn chưa thông tên gọi của ngày 30/4," ông Phúc nói với BBC News Tiếng Việt.
Theo nhà nghiên cứu này, cuộc chiến tranh đã chấm dứt 50 năm rồi, và tất cả những gì trong 21 năm Chiến tranh ở Việt Nam đã thuộc về quá khứ, thuộc về lịch sử.
"Mà lịch sử là câu chuyện của ngày hôm qua, không có chữ nếu," ông nêu quan điểm.
"Tôi thấy rằng, nên thống nhất đối với cả cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng và Nhà nước cũng như các báo chí chính thống của Việt Nam, nên thống nhất một tên gọi Ngày hòa bình và thống nhất đất nước," ông Phúc nói thêm.
"Ngày hòa bình, thống nhất đất nước là ngày hàn gắn những gì còn vướng mắc giữa người Việt với nhau," ông Phúc lập luận.
Nhưng ông Phúc cũng nêu thêm quan điểm rằng có một số người đánh giá rằng đây là cuộc nội chiến được quốc tế hóa.
"Còn bản thân tôi, tôi nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt Nam, thì tôi cho rằng cuộc chiến tranh này là một cái cuộc nội chiến được quốc tế hóa, nhưng vẫn có mang yếu tố giải phóng dân tộc vì có yếu tố quân đội nước ngoài ở trên lãnh thổ này," ông chia sẻ.
Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi vẫn lưu giữ lá cờ vàng của thời Việt Nam Cộng hòa

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi vẫn lưu giữ lá cờ vàng của thời Việt Nam Cộng hòa.
Đối với nhiều người Việt ở Mỹ và một số quốc gia khác, 30/4 mang đến hoài niệm về sự mất mát, đắng cay.
"Nhiều nơi Mỹ và hải ngoại, tôi nghĩ 30/4 được gọi là Tháng Tư đen còn ở phía bên kia là sự giải phóng. Và tôi hy vọng rằng thế hệ tiếp theo sẽ tiến lên và có lẽ chúng ta có thể gọi đó là ngày chữa lành," đạo diễn gốc Việt Naja Phạm Lockwood nói với BBC.
Bộ phim tài liệu ngắn On healing land, birds perch (Đất lành chim đậu) vừa ra mắt của bà nói về những dư chấn sau chiến tranh Việt Nam, xoay quanh bức ảnh Hành quyết tại Sài Gòn nổi tiếng được chụp vào dịp Tết Mậu Thân 1968.
Nữ đạo diễn Naja Phạm Lockwood cho biết bộ phim của bà hướng tới sự chữa lành, hàn gắn.
Nghệ sĩ Đinh Mỹ Loan cũng đồng cảm: "Tôi cũng nhìn thấy nỗi buồn ở đó, tôi cũng hiểu vì sao với một bộ phận người Việt sống lưu vong ở Mỹ họ gọi là Black April (Tháng Tư Đen)."
Nghệ sĩ gốc Việt này cho hay bà không muốn đặt tên cho ngày này, một sự kiện mà bà cho là đầy xúc động đối với hàng triệu người trên thế giới.
"Tôi nghĩ một trong các vấn đề là đặt tên cho một điều gì đó, phải không? Đối với nhiều người, nỗi đau, các câu hỏi vẫn còn đó. Với tôi, khi nhắc đến ngày này, một từ nảy ra trong đầu tôi: Sự vắng mặt (absence). Đó là ngày của sự vắng mặt, ngày của sự chia ly," bà chia sẻ.
Theo bà Loan, thay vì đặt tên cho sự kiện này, câu hỏi cần đặt ra ở đây là chúng ta học được gì từ các cuộc chiến tranh.
"Cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc chiến ở Palestine. Cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Cuộc chiến ở Việt Nam. Chúng ta nhìn thấy những vụ giết người hàng loạt trên internet. Chúng ta có học được điều gì từ đó? Làm thế nào để ngưng giết chóc lẫn nhau?" bà nêu quan điểm.
Nghệ sĩ Mỹ Loan bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò họa sĩ, hiện làm việc trong lĩnh vực điêu khắc và hội họa, nghệ thuật đa phương tiện và biểu diễn

Nguồn hình ảnh,Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,Nghệ sĩ Mỹ Loan bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò họa sĩ, hiện làm việc trong lĩnh vực điêu khắc và hội họa, nghệ thuật đa phương tiện và biểu diễn
Đối với nước Mỹ, cho đến nay vẫn còn dư chấn hoang mang về cuộc chiến tranh cách đây đã nửa thế kỷ, theo Giáo sư Stephen B. Young, tác giả cuốn sách Kissinger's Betrayal: How America Lost the Vietnam War (Sự phản bội của Kissinger: Mỹ đã thua Chiến tranh Việt Nam như thế nào).
Ông Young, người từng làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ năm 1968-1972, sau đó là Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nói với BBC rằng vào thời điểm 30/4/75, "khoảng 30-40% người dân Mỹ cảm thấy vui mừng khi chiến tranh chấm dứt, nhưng khoảng 50-60% cảm thấy hoang mang vì nước Mỹ chưa bao giờ thua một cuộc chiến tranh".
"Lúc Mỹ coi như là không giúp được Việt Nam, nhiều người Mỹ họ hoang mang, rồi đến lúc sau thì họ muốn bỏ qua, không muốn nhớ đến, tại vì cái đó buồn quá. Mà thái độ đó, cho tới bây giờ vẫn có," ông Young cho biết.

Cách thế hệ trẻ được giảng dạy về Chiến tranh Việt Nam​

Lịch sử Chiến tranh Việt Nam được phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong nhà trường, được coi là chỉ phản ánh quan điểm, lập trường của bên thắng cuộc.
Về cách dạy lịch sử cho học sinh, hiện cách tiếp cận chính được coi là vẫn là tuyên truyền để hun đúc lòng yêu nước, yêu Đảng ********.
Trong một bài viết gửi cho BBC News Tiếng Việt, Phó Giáo sư Alex-Thái Đình Võ tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ Việt Nam, Đại học Texas Tech, Mỹ cho rằng kể từ 30/4/1975, khi Việt Nam thống nhất về mặt địa lý và chính trị thì lịch sử cũng bị định hình lại dưới một trật tự duy nhất: một trật tự chịu sự kiểm soát của đảng và nhà nước cộng sản.
Bài viết có đoạn:
"Kể từ đó, lịch sử chính thống đã nghiêng hẳn về việc phản ánh và bảo vệ quan điểm, lợi ích và tính chính danh của chính thể ấy, hơn là thể hiện tính đa diện, đa chiều vốn có của lịch sử dân tộc. Giới viết sử - từ các nhà nghiên cứu, biên khảo hàng đầu cho đến những người làm sử ở cấp cơ sở - từ lâu đã bị kìm hãm trong khuôn khổ định sẵn, buộc họ phải tự giới hạn mình, không thể lên tiếng một cách trung thực và đầy đủ về những điều cần được nói," ông nhận định.
Kết quả là toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam đã bị giản lược một cách cực đoan - đóng khung trong một hệ thống kể chuyện mang tính huyền thoại về những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Trong hệ hình ấy, Chiến tranh Việt Nam đã bị tái định nghĩa hoàn toàn thành một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm - một cuộc 'chống Mỹ cứu nước' - dù rằng phần lớn những người trực tiếp tham gia hay bị ảnh hưởng, từ giới lãnh đạo đến binh lính và thường dân, đều là người Việt và mang cùng một dòng máu."
"Chính lối kể đó khiến lịch sử bị sử dụng như một thứ công cụ chính trị để cai trị, thay vì là một không gian đối thoại trung thực với quá khứ và con người. Nó làm lu mờ những sắc thái, những mâu thuẫn nội tại, và cả những khát vọng bất đồng trong lòng một dân tộc từng và vẫn tiếp tục bị chia cắt."
Trong khi đó, giảng viên Đinh Kim Phúc nhận định rằng chương trình lịch sử được giảng dạy phổ thông, thậm chí là đại học, ở Việt Nam chỉ phản ánh một "lịch sử chính trị", chứ không phản ánh được đầy đủ chức năng của môn lịch sử.
"Người ta với cái tinh thần - tôi phải nói thẳng là của bên thắng cuộc – để biên soạn, do đó không thuyết phục được người học, và thậm chí người dạy, dạy xong cũng mắc cỡ, vì những số liệu, sự kiện chưa được phản ánh đầy đủ."
"Và không phải là dạy lịch sử để làm thay đổi bản chất của 21 năm chiến tranh. Nhưng chúng ta phải làm sao cho người học hiểu rõ được bản chất sự kiện đó như thế nào, thì nó mới có thể thuyết phục được người học," giảng viên Đinh Kim Phúc nêu ý kiến. "Hiện nay, người học lịch sử có thể truy cập được tất cả các trang mạng trên thế giới, tất cả những tài liệu về lịch sử, khác với những năm 80 chỉ có một nguồn duy nhất."
Ông Phúc nêu ví dụ rằng sau ngày 30/4, có một cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam tên là Chân dung những tướng Ngụy Sài Gòn.
"Thời điểm đó ai đọc thì cũng cảm thấy rằng mình mới biết được bản chất của những tướng lãnh Sài Gòn, nhưng sau này rồi, thì sự thật nó không phải như vậy. Họ - dù muốn dù không - là bên thua cuộc, nhưng họ là những trí thức được đào tạo rất bài bản. Nếu như họ bất tài, vô dụng, chỉ ăn chơi, thì cuộc chiến tranh chỉ kéo dài 1, 2, 3 năm, 4 năm, 5 năm là cùng, chứ tại sao phải kéo dài 21 năm?" ông Phúc đặt vấn đề.
Nhóm người trẻ chụp hình lưu niệm trước Nhà hát Thành phố tại TP HCM nhân dịp 50 năm kết thúc chiến tranh

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nhóm người trẻ chụp hình lưu niệm trước Nhà hát Thành phố tại TP HCM nhân dịp 50 năm kết thúc chiến tranh
Cũng nhắc đến những sự kiện và hiện thực lịch sử được cho là không được phản ánh đầy đủ nhằm phục vụ một hệ tư tưởng đơn tuyến, ông Alex-Thái Đình Võ đã dẫn chứng rằng những bậc tiền nhân có công với đất nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nhất Linh bị làm lu mờ, gạt khỏi chính sử, nhường chỗ cho những nhân vật được tô vẽ hoặc huyền thoại hóa như Võ Thị Sáu hay Lê Văn Tám - những biểu tượng cách mạng được kỳ công nhào nặn nhiều hơn là được ghi chép trung thực.
Nhà nghiên cứu này cho rằng: "Chính thể Việt Nam Cộng hòa cùng với hàng triệu con người từng là công dân dưới thể chế đó bị gán cho cái tên 'ngụy quân, ngụy quyền' - như một tội danh chính trị phản dân tộc, phản tổ quốc. Lá cờ vàng ba sọc đỏ - từng là biểu tượng của một quốc gia, một nền cộng hòa, một giai đoạn lịch sử - bị tuyên truyền như một hình ảnh cần phải ruồng bỏ, xóa sạch, bất chấp chiều sâu và sự phức tạp của nó trong ký ức tập thể."
"Các sản phẩm văn hóa - từ âm nhạc đến văn chương miền Nam - bị định danh là 'đồi trụy,' 'phản cách mạng' và bị cấm đoán, thiêu hủy. Những câu chuyện về tù cải tạo, về các cuộc vượt biên, vượt biển của hàng triệu người và cả lịch sử của cộng đồng người Việt hải ngoại - tất cả bị làm lu mờ, tái định nghĩa, hoặc bị đẩy ra bên lề dòng chính sử Việt Nam."
"Đó không chỉ là sự lãng quên có chủ đích - mà là một nỗ lực có hệ thống nhằm tái cấu trúc ký ức, áp đặt một bản tường thuật duy nhất và xóa nhòa mọi vết tích của một lịch sử phức hợp và đa chiều. Và chính sự giản lược này khiến chúng ta, nhiều thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn tiếp tục lặp lại những khuôn mẫu cũ - ca tụng, kỳ thị, hoặc im lặng - thay vì đối diện với sự phức tạp và nhân tính trong lịch sử của chính mình."

'Quyền được biết sự thật lịch sử'​

Mỗi năm cứ đến ngày 30/4 thì chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc lại được bàn luận, không chỉ giữa người Việt trong nước với người Việt ở hải ngoại, mà còn giữa người Việt trong nước với nhau.
Nửa thế kỷ sau khi chiến tranh khép lại, sự phân cực trong xã hội vẫn ở cao trào, một "cuộc chiến" giữa "đỏ" và "vàng" vẫn hết sức gay cấn.
Điều đáng chú ý là "cuộc chiến" này có sự tham gia rất nhiệt tình của giới trẻ.
Trên mạng xã hội, vẫn liên tục xuất hiện những cuộc đấu tố những người được cho là "không yêu nước", "không thông cảm cho những hoạt động kỷ niệm 50 năm mới có một lần", "phản động", "Cali", "khát nước"… bằng những lời lẽ tục tĩu, thậm chí là rủa xả, trong khi cũng có những lời công kích từ phe "cờ vàng" đối với phe "cờ đỏ".
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết chính ông cũng là nạn nhân của những cuộc chiến trên mạng, cho biết "cả hai bên đều tấn công tôi, thậm chí nói là thằng già này kia chết đi".
Nhà nghiên cứu, giảng viên Đinh Kim Phúc

Nguồn hình ảnh,Đinh Kim Phúc
Chụp lại hình ảnh,Nhà nghiên cứu, giảng viên Đinh Kim Phúc
"Ngày 30/4/1975 đối với tôi nó như là ngày hôm qua, khi đó tôi 16 tuổi và bây giờ đã sống được thêm 50 năm nữa để xem vấn đề giữa dân tộc và quốc gia được giải quyết như thế nào," ông Phúc nói.
"Và thế hệ trẻ được quyền biết sự thật lịch sử, được quyền hiểu rõ lịch sử, từ đó có thể rút ra được bài học để mà giữ nước và xây dựng đất nước," giảng viên lịch sử nêu quan điểm.
Còn theo nhà sử học Alex-Thái Đình Võ, để hòa giải, người Việt Nam cần hòa giải với chính lịch sử, bằng cách can đảm đối diện với nó, nhận diện sự hiện diện của nhau trong lịch sử, trong hiện tại, và cả tương lai.
"Bởi nếu không thể thừa nhận sự tồn tại của nhau, thì chúng ta lấy gì để bắt đầu một cuộc hòa giải đúng nghĩa?
"Và nếu chúng ta không thể mở lòng để làm được điều đó, có lẽ chúng ta sẽ mãi giậm chân trong sự lão hóa của năm tháng, chứ không bao giờ đủ trưởng thành để hiên ngang đứng trên nền tảng của lịch sử mà bước tới tương lai," ông kết luận.
 
Ngày chữa lành con cặc khi mà từ nhỏ đã tiêm vào đầu tụi chó này lòng căm thù mà đéo dạy nó sự thật. Làm chó gì có hàn gắn dân tộc với cái giọng của này. Làm tụi nhỏ lớn lên có những hành động ngu si khi đi nước ngoài rồi lãnh hậu quả
 

Có thể bạn quan tâm

Top