
Trước làn sóng cắt giảm nhân sự đang lan rộng trên toàn cầu, AI được cho là có khả năng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Nhưng thực tế, AI chỉ thay thế các nhiệm vụ, không hoàn toàn thay thế con người hay việc làm.

Tại công bố Top 25 nơi làm việc xuất sắc hàng đầu Việt Nam 2025 do Great Place To Work - cơ quan toàn cầu về văn hóa nơi làm việc tổ chức tối ngày 22/05, vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Từ các tập đoàn công nghệ như Google, Meta, Amazon đến các lĩnh vực tài chính, bán lẻ, truyền thông…, xu hướng này đang làm thay đổi môi trường việc làm và tạo áp lực lớn đối với người lao động.
Ông Roland Wee, Chủ tịch HĐQT Great Place To Work ASEAN và ANZ cho biết, làn sóng cắt giảm nhân sự hiện nay không xuất phát từ một nguyên nhân đơn lẻ mà là hệ quả của nhiều yếu tố cộng hưởng. Điều này đến từ sự mở rộng quy mô quá mức trong giai đoạn đại dịch, áp lực chi phí ngày càng lớn, kỳ vọng gia tăng từ cổ đông, sự trỗi dậy của tự động hóa và các điều chỉnh chiến lược trong nội bộ doanh nghiệp.
Trong thời kỳ đại dịch, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ đã tuyển dụng ồ ạt với kỳ vọng rằng nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Làm việc từ xa, thương mại điện tử và điện toán đám mây trở thành xu hướng chủ đạo, buộc các doanh nghiệp phải mở rộng nhanh chóng để chiếm lĩnh thị phần.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng dần trở về mức bình thường, nhu cầu bắt đầu chững lại, dẫn đến việc điều chỉnh các dự báo doanh thu và rà soát lại quy mô nhân sự. Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng lực lượng lao động hiện tại đang vượt xa nhu cầu vận hành thực tế.
Cùng lúc đó, chi phí vận hành leo thang trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cao và chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn. Các doanh nghiệp đồng thời phải đối mặt với áp lực từ phía cổ đông trong việc bảo vệ biên lợi nhuận, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu và tối ưu hóa nguồn lực.

Các diễn giả chia sẻ tại chương trình tối 22/05.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI cho phép các doanh nghiệp tự động hóa nhiều công việc lặp lại, tinh gọn quy trình và giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công. AI có thể thay thế trực tiếp một số vị trí, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc khách hàng, phân tích dữ liệu, và vận hành nội bộ.
Điều này khiến nhiều người cho rằng, AI chính là nguyên nhân trọng yếu đẩy tiến trình cắt giảm nhân sự diễn ra nhanh hơn.
Ông Roland Wee khẳng định, AI chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các đợt sa thải gần đây. Điều cần lưu ý là AI thay thế các nhiệm vụ, không hoàn toàn thay thế con người hay việc làm. Trong trường hợp một công việc chỉ bao gồm những tác vụ lặp lại, dễ dự đoán, khả năng cao công việc đó sẽ bị AI thay thế hoàn toàn.
Đơn cử như tại Hirdaramani Vietnam Fashion Garments Limited, ông Madhawa Atapattu, Giám đốc điều hành chia sẻ, hiện nay, câu chuyện về AI và khả năng thay thế con người đang được nhắc đến rất nhiều.
Nhưng trong bối cảnh đó, ngành may mặc là ngành thâm dụng lao động, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tự động hóa hoàn toàn các công đoạn sản xuất. Mỗi sản phẩm, mỗi công đoạn may vẫn cần đến bàn tay con người. Tuy nhiên, Fashion Garments đang tiếp cận AI theo một hướng khác, tức ứng dụng công nghệ vào quá trình cải tiến thao tác, nhằm hỗ trợ người lao động sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng và đảm bảo tính nhất quán trong sản phẩm.
Từ đó, doanh nghiệp từng bước hướng đến mục tiêu “deskilling”, tức giảm sự phụ thuộc vào tay nghề cá nhân, thay vào đó là quy trình sản xuất được hỗ trợ bởi công nghệ, giúp tối ưu hóa năng suất và chất lượng.
“Trách nhiệm lúc này thuộc về doanh nghiệp, họ cần đầu tư vào đào tạo và phát triển con người, để họ có thể đảm nhận những nhiệm vụ có giá trị cao hơn, tức là những công việc mà AI chưa thể thay thế. Đây không chỉ là cách để tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, mà còn là bước đi cần thiết để tạo sự bền vững cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp trong dài hạn”, ông Madhawa Atapattu nói.
Trong bối cảnh AI đang được áp dụng ngày càng rộng rãi, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều phải thích nghi, ông Roland Wee chỉ ra, người lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong quá trình này.
Họ cần truyền đạt rõ ràng kế hoạch ứng dụng AI và mở ra các lộ trình học tập để người lao động có thể phát triển phù hợp. Người lao động mong muốn được đảm bảo việc tích hợp AI được thực hiện một cách công bằng, không mang tính bóc lột và các quyết định không chỉ đơn thuần nhằm cắt giảm nhân sự.
“Thực tế, những tổ chức chỉ xem việc ứng dụng AI như một dự án công nghệ thường gặp khó khăn trong việc tạo sự gắn kết. Ngược lại, các doanh nghiệp tiếp cận AI như một phần của quá trình chuyển đổi văn hóa với sự đồng cảm, minh bạch và trao quyền, sẽ có nhiều khả năng đạt được cả hiệu quả về năng suất lẫn sự đồng thuận từ người lao động”, ông Roland Wee nhấn mạnh.