
Người bố 3 con suy kiệt sau 4 lần mổ, bác sĩ kêu gọi cộng đồng cứu giúp
(Dân trí) - Sau 4 lần phẫu thuật, anh Thành suy kiệt cả thể xác lẫn tinh thần. Trước tình cảnh gia đình bệnh nhân đã quá kiệt quệ sau 5 năm lấy "bệnh viện là nhà", bác sĩ kêu gọi cộng đồng cứu giúp.
Người bố 3 con suy kiệt sau 4 lần mổ, gia đình khẩn cầu giúp đỡ (Video: Hương Hồng).
"Anh ấy mà có mệnh hệ gì, các con em biết trông cậy vào đâu!"
Một ngày đầu tháng 5 oi ả, phóng viên Dân trí có mặt ở khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thăm anh Đặng Văn Thành (SN 1986, trú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), ngay sau khi nhận được thông tin về người đàn ông tội nghiệp từ phòng Công tác xã hội của bệnh viện.
Trên giường bệnh, anh Thành nằm bất động, cơ thể suy kiệt, tiều tụy đến mức chỉ còn da bọc xương. Xung quanh anh là đủ các loại ống với dây dẫn: ống truyền dịch, ống xông, ống dẫn lưu… giúp cầm cự mạng sống.
Anh Thành đã hồi tỉnh sau ca phẫu thuật giành giật sự sống. Người đàn ông 39 tuổi mấp máy đôi môi khô nứt. Dường như anh muốn nói điều gì đó, nhưng quá yếu không thể thốt thành lời, chỉ có những giọt nước mắt ứa ra lấp đầy hốc mắt trũng sâu.

Người đàn ông 39 tuổi suy sụp, tiều tụy sau 4 lần phẫu thuật (Ảnh: Hương Hồng).
Ngồi thất thần bên giường bệnh của chồng, ngước lên đôi mắt quầng thâm sau nhiều đêm mất ngủ, giọng chị Lê Thị Sen (35 tuổi, vợ anh Thành) nghẹn lại: "Chồng em vừa mổ lần thứ 4. Anh ấy yếu và đau lắm! Mỗi lần tỉnh dậy, anh ấy chỉ thều thào gọi tên các con rồi lại lịm đi...
Hôm trước, chạy theo xe cấp cứu, 3 đứa con cứ khóc đòi bố. Anh ấy mà có mệnh hệ gì, các con em biết trông cậy vào đâu!". Dứt lời, chị Sen bưng mặt khóc nấc.

Quanh anh Thành là đủ loại dây truyền, ống dẫn giúp anh duy trì mạng sống (Ảnh: Hương Hồng).
Đưa tay quệt nước mắt, chị Sen kể, năm 2009, chị kết hôn với anh Đặng Văn Thành rồi 3 đứa con là Đặng Văn Long (SN 2011), Đặng Thị Hà Thu (SN 2016) và Đặng Thị Hà Phương (SN 2017) lần lượt ra đời trong cảnh nghèo khó.
Gia đình thuần nông nhưng ruộng đất ít, anh Thành sức lại yếu nên chị Sen xin làm công nhân giày da để có tiền trang trải cuộc sống. Công việc vất vả, ráo mồ hôi là hết tiền, trong khi có đến 5 miệng ăn nên họ luôn trong cảnh "ăn bữa sáng, lo bữa tối". Nhiều năm qua, gia đình anh chị luôn thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.

5 năm trời ròng rã lấy "bệnh viện là nhà", người vợ nghèo đã vay mượn hàng trăm triệu để chữa bệnh cho chồng (Ảnh: Hương Hồng).
Kinh phí chữa trị tiếp theo khoảng 200 triệu đồng, bác sĩ kêu gọi cộng đồng cứu giúp
Theo chị Sen, cuối năm 2019, bố chồng chị phát hiện mắc ung thư đại trực tràng. Nghe bác sĩ nói đây là bệnh có thể di truyền, chị Sen đưa chồng đến bệnh viện thăm khám và bàng hoàng khi biết anh Thành có tới 177 polip trong đại tràng.
Ngày người bố bắt đầu xạ trị cũng là lúc anh Thành lên bàn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng.
Từ đó, chị Sen thường xuyên phải gửi 3 con nhỏ ở quê nhà và vay mượn hàng trăm triệu đồng để đưa chồng đi chữa bệnh. Gần 5 năm qua, người vợ nghèo cùng chồng lấy "bệnh viện là nhà".

Lâm vào cảnh bế tắc, cùng cực, nhiều lúc vợ chồng anh Thành chỉ biết ôm nhau khóc (Ảnh: Hương Hồng).
Lần này, chồng nằm viện hơn 1 tháng, trong người chị Sen không còn đồng nào. Chị chẳng biết phải vay mượn ở đâu nữa, bởi chỗ nào có thể vay, chị đã vay rồi. Có ngày, người vợ nhịn ăn để dành tiền mua cho chồng hộp sữa. Bế tắc, cùng quẫn, nhiều lúc hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc.
Bác sĩ Đặng Văn Thắng, khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Bệnh nhân Đặng Văn Thành được chẩn đoán rò tiêu hóa sau mổ viêm phúc mạc do thủng tá tràng, trên tiền sử bệnh nhân đã cắt toàn bộ đại tràng do đa polip".
Bác sĩ Thắng cho biết thêm, lần điều trị này, bệnh nhân Thành đã được phẫu thuật 2 lần để làm sạch ổ bụng và khâu lỗ thủng tá tràng. Hiện bệnh nhân vẫn bị rò dịch tiêu hóa qua lỗ thủng, suy kiệt, ăn qua xông, dẫn lưu ổ bụng. Bệnh nhân phải tiếp tục điều trị tích cực 1-2 tháng, dự kiến tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng (đã trừ BHYT).

Nơi quê nhà, 3 đứa trẻ luôn mong ngóng tin của bố mẹ từ bệnh viện (Ảnh: CTV).
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức để phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân, nhưng quá trình hồi phục còn rất dài và khó khăn. Bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt, dinh dưỡng đầy đủ và theo dõi sát sao để tránh các biến chứng.
Nếu sau này sức khỏe tốt hơn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật khâu lại lỗ rò. Bệnh nhân có cơ hội trở về cuộc sống bình thường, vì vậy, chúng tôi rất mong bạn đọc Dân trí và nhà hảo tâm dang tay cứu giúp", bác sĩ Thắng bày tỏ.