Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với tỉnh Thái Bình sáng nay. Theo đó, Thái Bình cần lấn biển để có không gian mới cho hạ tầng phát triển.
Sáng 12.5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ
Tỉnh ủy Thái Bình về đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình 4 tháng đầu năm 2025 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Thái Bình
ẢNH: VPG
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; kinh tế chưa có bước phát triển bứt phá, đột phá. Quy mô nền kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần đánh giá hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Thái Bình, từ đó có giải pháp phù hợp, đột phá, mang tính điểm tựa, đòn bẩy để tăng trưởng trong năm 2025 đạt 2 con số và phát triển bứt phá trong 5 năm tới.
Thủ tướng chỉ ra một số tiềm năng, lợi thế nổi bật của tỉnh như truyền thống lịch sử - văn hóa phong phú, nhân dân cần cù, đất hẹp người đông, lực lượng lao động lớn, điều kiện tự nhiên, đặc biệt là biển và khả năng lấn biển, khai thác hiệu quả quỹ đất.
Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh, việc Thái Bình sáp nhập cùng Hưng Yên sẽ tạo không gian, động lực phát triển mới, Thủ tướng yêu cầu sớm ổn định hoạt động các cơ quan, lưu ý bảo đảm thực hiện thông suốt, hiệu quả dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, chú trọng xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công, chuyển từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ.
Thủ tướng cũng giao 9 nhiệm vụ cụ thể cho tỉnh Thái Bình. Theo đó, cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu nào hoàn thành thì phải cố gắng hoàn thành tốt hơn, mục tiêu nào chưa hoàn thành thì phải có giải pháp, cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đạt được trong năm 2025.
Nghiên cứu, khai thác hiệu quả đất đai; phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình phải xong trong năm 2026.
Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội... Quyết tâm về đích sớm trong phong trào "Cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025"; triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị Thái Bình nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn từ khu vực TP.Hưng Yên tới khu vực TP.Thái Bình, từ đó kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Ngoài ra, cần triển khai nhanh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa 1.500 giường và đề án phát triển Trường đại học Y Dược Thái Bình thành trường đại học y dược hàng đầu của Việt Nam tiến tới trình độ tiên tiến khu vực, đạt chuẩn quốc tế trong khoảng 2 năm. T.Ư sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án này.