BBC : Hàn Quốc và Thái Lan tận dụng Chiến tranh Việt Nam để phát triển như thế nào?

Don Jong Un

Trai thôn
NATO
Nửa thế kỷ trước, Chiến tranh Việt Nam kết thúc, để lại thiệt hại vô cùng lớn cho cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam và Mỹ. Cũng trong giai đoạn này, một số quốc gia tham chiến chứng kiến sự phát triển kinh tế vượt bậc.
Các nguồn của chính phủ Mỹ ước tính tổng cộng lính ******** Việt Nam thiệt mạng từ 1961 đến 1975 là 1.027.085 người, một con số mà giới chức Lầu Năm góc cho rằng có thể bị phóng đại lên 30%. Nhưng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam ước tính con số này từ năm 1954 đến 1975 là 1,1 triệu.
Ước tính số người chết của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là 254.257 người.
Số thường dân Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh, theo nhiều nguồn, có thể lên tới 2 triệu người.
Ngoài Mỹ, một số nước cũng điều quân tham chiến. Vào lúc cao điểm có 50.003 quân Hàn Quốc, 11.586 từ Thái Lan, 7.672 từ Úc, 2.061 từ Philippines và 552 từ New Zealand.
Trung Quốc cũng điều sang miền Bắc lực lượng đáng kể, lúc cao điểm có hơn 300.000 người, để giúp công binh, hậu cần và phòng không. Liên Xô và Bắc Triều Tiên cũng có quân nhân sang miền Bắc.
Lực lượng các nước khác cũng có người chết, chẳng hạn hơn 4.000 lính Hàn Quốc và khoảng 1.100 người Trung Quốc.
Không chỉ do chiến tranh tàn phá mà các chính sách sai lầm thời hậu chiến cũng để lại hậu quả kinh tế tàn khốc cho Việt Nam. Điều này chỉ bắt đầu được cải thiện từ thời kỳ Đổi mới vào năm 1986.
Đối với Mỹ, nhiều nguồn ước tính thiệt hại cho quốc gia này do Chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn đó là 168 tỷ USD, tương đương khoảng 1.000 tỷ USD hiện nay.
Nhưng cũng trong cùng thời kỳ, một số quốc gia đã chứng kiến cú nhảy vọt kinh tế đáng kinh ngạc.
Cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee

NGUỒN HÌNH ẢNH, GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh, Cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee
Sự trỗi dậy kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, thường được gọi là "Kỳ tích sông Hán", là một trong những câu chuyện thành công ấn tượng nhất của thế kỷ 20.
Từ một quốc gia bị tàn phá bởi Chiến tranh Triều Tiên, nghèo đói và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Hàn Quốc đã vươn mình trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, đứng hàng đầu trong các ngành công nghiệp như điện tử, ô tô và công nghệ thông tin.
Tuy chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa Chiến tranh Việt Nam và sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu đồng tình rằng có tồn tại sự liên quan giữa hai điều này.
Ước tính lợi nhuận tài chính từ Chiến tranh Việt Nam chiếm 7-8% GDP của Hàn Quốc trong giai đoạn 1966-1969. GDP của Hàn Quốc đã tăng gấp bốn lần từ 2,7 tỷ USD năm 1963 lên 10,73 tỷ USD năm 1973, theo nghiên cứu đăng tải năm 2013 từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc).
Vào đầu những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là một quốc gia nông nghiệp lạc hậu với cơ sở hạ tầng yếu kém và nguồn vốn hạn chế.
Chính phủ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee đã khởi xướng một loạt kế hoạch phát triển kinh tế năm năm, tập trung vào công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện những tham vọng này, Hàn Quốc cần nguồn vốn đầu tư, thị trường xuất khẩu và kinh nghiệm trong các ngành công nghiệp hiện đại.
Chính trong bối cảnh này, Chiến tranh Việt Nam mang đến những cơ hội lớn cho Hàn Quốc.
Một trong những tác động trực tiếp và đáng kể nhất của Chiến tranh Việt Nam đối với kinh tế Hàn Quốc là sự tham gia của quân đội nước này vào cuộc chiến.
Từ năm 1964 đến năm 1973, Hàn Quốc đã điều hơn 50.000 binh sĩ sang Việt Nam, trở thành lực lượng nước ngoài lớn thứ hai sau Mỹ.
Dòng vốn ngoại tệ từ các hoạt động quân này đã giúp cải thiện cán cân thanh toán của Hàn Quốc và cung cấp nguồn vốn cần thiết cho các nỗ lực công nghiệp hóa trong nước.
Charles M. Hernández, tác giả cuốn Lính đánh thuê trong Chiến tranh Việt Nam: Washington thuê lính Hàn Quốc, xuất bản năm 2020, chỉ ra doanh thu từ cuộc xung đột chiếm 40% tổng thu nhập ngoại hối của Hàn Quốc, và từ năm 1965 đến năm 1972, nước này đã kiếm được 1 tỷ đô la Mỹ và nhận được 2,7 tỷ đô la Mỹ dưới dạng các khoản vay nước ngoài cũng như các những lợi ích khác.
Tác giả này khẳng định "hoàn toàn hợp lý khi kết luận rằng sự tham gia của lính Đại Hàn vào cuộc chiến đã góp phần vào sự phát triển kinh tế nhanh chóng của quốc gia".
Sự hiện diện quân sự ấy không chỉ mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho Hàn Quốc thông qua các khoản thanh toán từ chính phủ Mỹ để trang trải chi phí cho quân đội Hàn Quốc, mà còn tạo ra cơ hội cho các công ty Hàn Quốc tham gia vào các hoạt động hỗ trợ hậu cần và xây dựng tại Việt Nam.
Các công ty xây dựng Hàn Quốc, điển hình là Hyundai và Hanjin, đã giành được các hợp đồng béo bở để xây dựng đường sá, cầu cống, căn cứ quân sự và các công trình hạ tầng khác ở miền Nam Việt Nam.
Khi xây dựng nhà ở quân sự ở Việt Nam, các kỹ sư của Hyundai đã bắt đầu làm việc với nhiều loại thiết bị hạng nặng hơn, làm chủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế liên quan đến việc sử dụng các loại máy này.
Với những lợi thế, cơ hội và yêu cầu đó, Hyundai không chỉ đạt được sự học hỏi và nâng cấp công nghệ vượt bậc ở Việt Nam, họ còn thu được lợi nhuận khổng lồ và tích lũy được vốn tài chính đáng kể — phần lớn số vốn này, một lần nữa, lại được tái đầu tư vào các dự án ở Hàn Quốc, chẳng hạn như việc xây dựng đường băng ở Osan, theo nghiên cứu năm 2014 của Giáo sư Jim Glassman từ Đại học British Columbia (Canada) và Giáo sư Choi Young-jin từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).
Đối với Hanjin - một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, công ty mẹ của Korean Air - họ đã tìm thấy một thị trường vững chắc cho các dịch vụ của mình. Công ty đã ký kết các hợp đồng trị giá 116 triệu đô la với quân đội Mỹ từ năm 1966 đến năm 1971, chiếm khoảng 11,5% tổng thu nhập của Hàn Quốc từ cuộc chiến, theo nghiên cứu năm 2019 của Đại học Duke (Mỹ).
Sau cuộc chiến, Hanjin đã bắt đầu hoạt động kinh doanh vận tải container, tận dụng lợi nhuận và các mối quan hệ có được thông qua quân đội Mỹ.
Cựu Đại sứ Slovakia tại Hàn Quốc Milan Lajčiak trong một nghiên cứu năm 2016 có tên Mô hình Phát triển của Hàn Quốc chỉ ra kinh nghiệm của các công ty xây dựng Hàn Quốc tại Việt Nam đã mở đường cho việc thâm nhập vào thị trường Trung Đông vào giữa những năm 1970 và sau đó.
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy việc xâm nhập Trung Đông vào năm 1975 để hỗ trợ các công ty xây dựng Hàn Quốc. Những động thái đó đã trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Á này, theo ông Lajčiak
Lính Hàn Quốc (Đại Hàn) bắt một nhóm người được cho là du kích Việt Cộng tại vùng núi non ở tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1966.

Chụp lại hình ảnh, Lính Hàn Quốc bắt một nhóm người được cho là du kích Việt Cộng tại vùng núi non ở tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1966.
Chiến tranh Việt Nam, bên cạnh đó, cũng gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp trong nước. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho quân đội Hàn Quốc và lực lượng đồng minh tại Việt Nam đã tạo ra một thị trường mới cho các nhà sản xuất Hàn Quốc.
Các ngành công nghiệp như dệt may, thực phẩm chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu, thúc đẩy sản xuất và tạo ra việc làm. Mặc dù quy mô không lớn bằng các khoản thanh toán trực tiếp, nhưng sự kích thích này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung.
Kim chi - món ăn "quốc hồn, quốc túy" của Hàn Quốc, theo bài viết đăng tải trên Korean Association of International Studies và năm 2006, lần đầu được xuất khẩu quy mô lớn là đến những người lính Đại Hàn tham chiến tại Việt Nam vào những năm 1960, 1970.
Trong giai đoạn từ 1960 đến 1970, xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng gấp 26 lần. Dù viện trợ quân sự và kinh tế đóng vai trò then chốt, những cơ hội thị trường mới cũng quan trọng không kém, khi doanh thu từ xuất khẩu thương mại và dịch vụ tại Việt Nam đã đạt tới 745 triệu đô la Mỹ vào năm 1967, theo bài viết đăng tải năm 2017 trên trang web E-International Relations chuyên về quan hệ, chính trị quốc tế.
Mặc dù không phải là yếu tố quyết định và trực tiếp, nhưng những cơ hội từ Chiến tranh Việt Nam đã góp phần quan trọng vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, giúp nước này có thêm nguồn lực và kinh nghiệm để hiện thực hóa các mục tiêu công nghiệp hóa và vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế trong suốt nhiều thập kỷ sau.
Nghiên cứu 2013 từ Asan nhận định trải nghiệm ở Việt Nam đã để lại một di sản nữa cho Hàn Quốc. Sự tham gia của Hàn Quốc vào cuộc chiến cùng với các quốc gia đồng minh khác – Việt Nam Cộng hòa, Úc, New Zealand, Thái Lan và Philippines – đã đưa Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ khi thành lập trở thành một nhân tố khu vực trên trường quốc tế.
Hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc từ đó nhanh chóng mở rộng, vượt ra ngoài viện trợ quân sự và kinh tế thông thường để bao gồm cả an ninh và thương mại quốc tế
 

Dấu ấn Chiến tranh Việt Nam trong 40 năm phát triển của Thái Lan​

Chụp lại hình ảnh, Căn cứ không quân Takhli ở Thái Lan trong Chiến tranh Việt Nam
Từ nửa sau thập niên 1950 đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Thái Lan trải qua 4 thập niên tăng trưởng kinh tế liên tiếp.
Từ một quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Thái Lan đã vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất, du lịch và dịch vụ quan trọng của khu vực Đông Nam Á.
"Thái Lan đã tận hưởng thời kì hoàng kim với rất nhiều FDI từ Mỹ, Nhật… vào những năm 1950, 1960, 1970, trong khi Việt Nam vào thời điểm đó phải đối mặt với chiến tranh," Tiến sĩ Morragotwong Phumplab từ Đại học Thammasat ở Bangkok nói với BBC News Tiếng Việt hồi tháng 3/2025.
Phát biểu trên không phải là về quan hệ nhân quả của Chiến tranh Việt Nam và sự phát triển của Thái Lan, nhưng các nghiên cứu cho thấy cuộc chiến này tác động khá lớn đến nhiều cột mốc quan trọng của Thái Lan trong những năm này.
Năm 1954, Thái Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) - có mục đích ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa ******** - và trở thành một đồng minh tích cực đối với Mỹ.
Vào những năm 1960, Thái Lan là một quốc gia có vị trí địa lý chiến lược, giáp ranh với các quốc gia đang chìm trong xung đột. Chính vị trí này đã biến Thái Lan trở thành một hậu phương quan trọng cho các hoạt động quân sự của Mỹ và các đồng minh trong Chiến tranh Việt Nam.
Sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ tại các căn cứ không quân và hải quân trên khắp Thái Lan, từ Takhli, Don Mueang đến Udorn, U-Tapao,.. . đã tạo ra một luồng vốn ngoại tệ đáng kể đổ vào nền kinh tế nước này.
Một trong những tác động kinh tế trực tiếp nhất là sự gia tăng chi tiêu của quân đội Mỹ và các nhân viên liên quan. Hàng chục ngàn quân nhân Mỹ đóng quân tại Thái Lan đã tạo ra nhu cầu lớn về hàng hóa và dịch vụ địa phương, từ thực phẩm, đồ uống, chỗ ở, đến giải trí và các dịch vụ cá nhân khác.
Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp địa phương, tạo ra việc làm và mang lại thu nhập cho người dân Thái Lan. Các thành phố và khu vực lân cận các căn cứ quân sự đã chứng kiến sự bùng nổ về kinh tế, với sự mọc lên của nhà hàng, khách sạn, quán bar và các cơ sở kinh doanh phục vụ nhu cầu của lực lượng quân đội.
Một bài viết năm 2017 trên The New York Times với nhan đề Why Thailand Takes Pride in the Vietnam War (Tạm dịch: Tại sao Thái Lan tự hào về Chiến tranh Việt Nam) chỉ ra rằng trong suốt cuộc chiến tranh, Hoa Kỳ đã đổ 1,1 tỷ đô la viện trợ kinh tế và quân sự vào Thái Lan, trong khi USAID rót thêm 590 triệu đô la nữa.
Cả hai khoản viện trợ này đều góp phần thúc đẩy kinh tế Thái Lan và gián tiếp chi trả, thậm chí còn dư, cho chi phí tham gia của Thái Lan vào cuộc chiến.
Khoảng 50.000 nhân viên quân sự Mỹ, chủ yếu là thuộc Không quân, đóng quân trên khắp Thái Lan vào cao điểm chiến tranh.
Các doanh nhân Thái Lan đã xây dựng hàng loạt khách sạn, nhà hàng và quán bar mới để phục vụ làn sóng lính Mỹ tiêu xài thoải mái, kéo theo dòng vốn nước ngoài chảy vào đất nước.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự quy mô lớn cũng đòi hỏi một lượng lớn lao động và vật liệu xây dựng. Các công ty xây dựng và cung cấp vật liệu của Thái Lan đã có cơ hội tham gia vào các dự án này, tích lũy kinh nghiệm và thu về lợi nhuận.
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng liên quan đến quân sự, như đường sá và sân bay, sau này cũng trở thành những tài sản quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Khi chiến tranh kết thúc, Thái Lan đã giữ lại toàn bộ thiết bị quân sự và cơ sở hạ tầng của Mỹ, góp phần vào quá trình hiện đại hóa đất nước.
Chiến tranh Việt Nam cũng gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Thái Lan. Mặc dù ban đầu chủ yếu phục vụ cho quân nhân Mỹ đến nghỉ ngơi và giải trí, nhưng sự hiện diện của người nước ngoài và sự phát triển của hạ tầng du lịch này đã đặt nền móng cho sự bùng nổ của ngành du lịch về sau.
Nghiên cứu được xuất bản năm 2001 của Giáo sư Porphant Ouyyanont từ Đại học Mở Sukhothai Thammathirat chỉ ra sự can thiệp của quân đội Mỹ ở Việt Nam tác động lớn đến ngành dịch vụ và xây dựng Bangkok trong những năm 1960.
Hoạt động xây dựng tăng mạnh với các khu dân cư, khách sạn và tòa nhà thương mại mới. Các ngành tài chính, thương mại và du lịch cũng tăng trưởng nhanh chóng, kéo theo sự phát triển của xây dựng.
Cũng tại thủ đô Thái Lan, theo Giáo sư Ouyyanont, sự hiện diện của quân đội Mỹ đã gián tiếp tạo ra một dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Từ Chiến tranh Việt Nam, Thái Lan dần trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, mang lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ và tạo ra nhiều việc làm.
Mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ trong thời kỳ này mang lại cho Thái Lan những lợi ích kinh tế khác.
Ngành công nghiệp tình dục nổi tiếng của đất nước, bùng nổ mạnh mẽ vào những năm 1960, đến từ sự hiện diện của binh sĩ Mỹ và cuộc khủng hoảng nông nghiệp khiến nhiều phụ nữ di cư từ nông thôn lên thành thị, theo nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Hiệu suất Kinh tế (Anh quốc).
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng sự phát triển kinh tế của Thái Lan không chỉ đơn thuần là kết quả của Chiến tranh Việt Nam.
Các chính sách kinh tế khôn ngoan của chính phủ Thái Lan, sự ổn định chính trị tương đối so với các nước láng giềng và khả năng thích ứng với các thay đổi của kinh tế toàn cầu được các chuyên gia đánh giá là những yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng dài hạn của đất nước.
Chiến tranh Việt Nam, trong bối cảnh đó, có thể được xem như một chất xúc tác, tạo ra những cơ hội ban đầu và cung cấp nguồn lực cần thiết để khởi động quá trình phát triển kinh tế.
Những khoản thu từ việc hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ đã cung cấp nguồn vốn ban đầu quan trọng cho việc đầu tư vào hạ tầng và các ngành công nghiệp mới. Sự phát triển của ngành du lịch, ban đầu được thúc đẩy bởi sự hiện diện của quân đội Mỹ, đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Thái Lan.
Chiến tranh Việt Nam mang lại những tác động kinh tế lớn cho Thái Lan nhờ vai trò hậu phương cho Mỹ. Chi tiêu quân sự, xây dựng và du lịch sơ khai tạo ra nguồn thu ngoại tệ và cơ hội kinh tế.
Dù không phải yếu tố duy nhất, những tác động này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi Thái Lan từ kinh tế nông nghiệp sang đa dạng và năng động, trở thành một trong những nước phát triển nhất Đông Nam Á
 

Có thể bạn quan tâm

Top