Bí ẩn vụ hàng loạt trẻ em mất tích và ngành xuất khẩu con nuôi ở Hàn Quốc

Infants sent abroad for adoption lying on what apopears to be airline seats with lap seatbelts holding them in place

Nguồn hình ảnh,Truth and Reconciliation Commission
Chụp lại hình ảnh,Một cuộc điều tra mang tính bước ngoặt đã phát hiện ra rằng chính phủ Hàn Quốc đã vi phạm nhiều quyền con người trong nhiều thập kỷ
  • Tác giả,Juna Moon
  • Vai trò,BBC News Tiếng Hàn, Seoul
  • 28 tháng 3 2025
"Con có em mới đúng không? Mẹ con nói là không cần con nữa vì mẹ đã có em bé mới. Vậy nên, hãy đi với cô."
Đó là lời của một người phụ nữ đã nói với Kyung-ha khi cô bé sáu tuổi đang chơi trước nhà mình ở Hàn Quốc.
Kyung-ha đi theo người phụ nữ lên tàu và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, cô bé đã đến ga cuối cùng. Người phụ nữ đã biến mất.
Bị lạc và ngơ ngác, Kyung-ha đến đồn cảnh sát gần đó nhờ giúp tìm mẹ.
Nhưng cảnh sát lại gửi cô đến trại trẻ mồ côi ở thành phố Jecheon.
Khoảng bảy tháng sau, cô được một gia đình ở tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ nhận nuôi.
Shin Kyung-ha bị mất tích khỏi gia đình ở Cheongju thuộc tỉnh Chungcheongbuk-do của Hàn Quốc vào năm 1975 như vậy.
Kể từ khi con gái bị mất tích, mẹ cô, Han Tae-soon, hiện đã 73 tuổi, chưa có bất kỳ đêm nào ngủ yên.
Bà đến đồn cảnh sát hàng ngày, đi lại mất tới ba giờ mỗi chiều, phát tờ rơi và xuất hiện trên TV và radio - làm mọi cách có thể để tìm con gái mình.
Sau đó, vào năm 2019, sau 44 năm tìm kiếm, bà Han cuối cùng đã đoàn tụ với con gái đang sống tại Hoa Kỳ.
Đó là nhờ xét nghiệm DNA và sự giúp đỡ của 325Kamra, một tổ chức kết nối những người được nhận nuôi với gia đình ruột thịt của họ.
Composite photo of Han Tae-soon hugging her daughter and her daughter's ID papers and photos of her as a young girl, showing her date of birth as being in 1969

Nguồn hình ảnh,Han Tae-soon / BBC
Chụp lại hình ảnh,Bà Han Tae-soon đoàn tụ với con gái sau 44 năm
Tuy nhiên, cuộc đoàn tụ với con gái bà không chỉ toàn niềm vui.
"Tại sao đánh cắp con của người khác và đưa nó sang Mỹ? Con gái tôi nghĩ rằng nó đã bị bỏ rơi, đâu có biết là mẹ đã tìm kiếm nó suốt cuộc đời. Sức khỏe của tôi đã bị hủy hoại khi tìm kiếm con trong suốt 44 năm, nhưng ai đã xin lỗi tôi trong những năm đó? Không một ai cả," bà Han nói với BBC News Hàn Quốc.
Phải mất bốn thập kỷ sau khi con gái mất tích, bà Han Tae-soon mới biết được sự thật về việc con gái bà được nhận nuôi như thế nào.

Trẻ em Hàn Quốc bị đưa đi nước ngoài​

Câu chuyện này không chỉ xảy ra với bà Han.
Một báo cáo do Ủy ban Sự thật và Hòa giải độc lập công bố vào thứ Tư (26/3) cho thấy nhiều trẻ em được gửi đi làm con nuôi ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Đan Mạch và Thụy Điển trong giai đoạn từ những năm 1960 đến 1990 đã bị vi phạm nhân quyền trong quá trình nhận con nuôi.
Báo cáo phát hiện ra rằng danh tính và thông tin gia đình của các em đã bị bóp méo hoặc làm giả, và các biện pháp bảo vệ thích hợp đã không được thực hiện sau khi các em được gửi ra nước ngoài.
Ủy ban đã xem xét hồ sơ của 367 trẻ em được nhận làm con nuôi ở 11 quốc gia và kết luận rằng 56 trẻ trong số đó là nạn nhân của các hành vi vi phạm nhân quyền.
"Có nhiều gia đình đã mất con do chương trình nhận con nuôi bất hợp pháp ở nước ngoài của Hàn Quốc," Cho Min-ho, đại diện của Liên minh Quyền trẻ em - tổ chức giúp những người được nhận làm con nuôi ở nước ngoài tìm lại nguồn gốc của mình - cho biết.
Cho đã tư vấn cho hơn 100 gia đình có con em bị gửi đi làm con nuôi ở nước ngoài.
Han Tae-son sitting on a sofa, holding a photograph album open with photos of her daughter as a young chilod and when reunited 44 years after they were separated

Chụp lại hình ảnh,'Tôi đã mất hết mười móng chân vì chạy khắp nơi tìm con gái, nhưng tôi thậm chí không cảm thấy đau đớn' - bà Han Tae-soon đã đi khắp đất nước trong nhiều thập kỷ, tuyệt vọng tìm kiếm con gái

Từ 'mất tích' thành 'mồ côi'​

Kim Do-hyun, giám đốc Root House, một mái ấm trú ẩn dành cho những người được nhận nuôi xuyên quốc gia, gọi trường hợp này là "sự mất tích cưỡng bức". Ông cho rằng chính phủ Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm.
"Cha mẹ không mất con. Con cái của họ bị mất tích cưỡng bức. Cả trẻ em và cha mẹ đều là nạn nhân", ông nói với BBC News Hàn Quốc.
Kim cho biết trong những năm 1970 và 80, chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra trẻ mồ côi để đáp ứng nhu cầu nhận con nuôi quốc tế.
Ông cho biết trẻ em bị bán như hàng hóa trong ngành con nuôi, trong khi cha mẹ phải mang gánh nặng tội lỗi suốt đời vì để mất con.
Lee Kyung-eun, người có bằng tiến sĩ luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết, "cho đến khi Đạo luật Nhận con nuôi Đặc biệt được thực hiện vào năm 2012, đáng chú ý là số lượng trẻ mồ côi được đăng ký cấp cho các trường hợp bị bỏ rơi tương đương với số lượng trẻ em được nhận nuôi quốc tế".
Han with an adoptee smiling at the camera

Chụp lại hình ảnh,Bà Han Tae-sun đã trở thành 'biểu tượng hy vọng' trong số những người con nuôi ở nước ngoài
"Điều này làm đặt ra câu hỏi về việc liệu việc nhận con nuôi quốc tế có thực sự là một quá trình tìm kiếm một mái nhà cho trẻ mồ côi cần gia đình hay không, hay đó là một quá trình tạo ra trẻ mồ côi với mục đích bán cho các chương trình nhận con nuôi quốc tế".
Sổ đăng ký trẻ mồ côi đề cập đến việc tạo ra một danh tính cho một đứa trẻ bị bỏ rơi, trong đó họ và nguồn gốc gia đình được chỉ định mà không có bất kỳ thông tin nào về cha mẹ.
Noh Hye-ryeon - giáo sư danh dự tại Đại học Soongsil và cựu nhân viên tại Holt Children's Services, cơ quan nhận con nuôi lớn nhất Hàn Quốc - suy đoán rằng "những đứa trẻ đã bị biến thành trẻ mồ côi một cách giả tạo để thuận tiện cho quá trình nhận con nuôi vì vào thời điểm đó, trẻ em có cha mẹ rất khó được gửi đi làm con nuôi".
Tuy nhiên, Boo Cheong-ha, cựu chủ tịch của Holt vào những năm 1970, đã phủ nhận cáo buộc tạo ra trẻ mồ côi một cách bất hợp pháp cho các chương trình nhận con nuôi quốc tế.
"Vào những năm 1970, 90% trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có cha mẹ không được gửi tới các chương trình nhận con nuôi quốc tế," Boo nói.

170,000 trẻ em được đưa ra nước ngoài​

Việc nhận con nuôi quốc tế tại Hàn Quốc bắt đầu vào những năm 1950 với lý do giải cứu trẻ mồ côi chiến tranh và trẻ em sinh ra từ mối quan hệ của binh lính nước ngoài và phụ nữ Hàn Quốc.
Với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc, số lượng trẻ em được đưa ra nước ngoài làm con nuôi đã đạt đỉnh vào những năm 1980.
Chỉ riêng năm 1985, hơn 8.800 trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế, chiếm tỷ lệ khoảng 13/1.000 trẻ sơ sinh.
Các số liệu cho thấy kể từ những năm 1950, Hàn Quốc đưa nhiều trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với ít nhất 170.000 trẻ được nhận làm con nuôi ở nước ngoài vào năm 2022.
Theo báo cáo năm 2022 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, "hơn 60% cha mẹ nuôi đã được cung cấp thông tin không chính xác về ý nghĩa và tác động của việc nhận con nuôi".
Những bậc cha mẹ này không đồng ý cho con nuôi và không bỏ rơi con mình.

'Chính phủ là thuyền trưởng, cơ quan nhận con nuôi lái thuyền'​

Sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và ít gia đình muốn nhận con nuôi.
Sau đó, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu chương trình nhận con nuôi xuyên quốc gia do các cơ quan tư nhân quản lý.
Các cơ quan này được trao quyền năng đáng kể thông qua luật nhận con nuôi đặc biệt.
Chun Doo-hwan, former President of South Korea

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Số lượng trẻ em Hàn Quốc được nhận làm con nuôi quốc tế đạt đỉnh dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan vào những năm 1980
Tuy nhiên, theo báo cáo, đã có "một sự thất bại mang tính hệ thống trong giám sát và quản lý" dẫn đến nhiều sai sót của các cơ quan này.
Báo cáo lưu ý rằng các cơ quan nước ngoài đã yêu cầu một số lượng trẻ em nhất định mỗi tháng.
Báo cáo cho biết các cơ quan Hàn Quốc đã tuân thủ, "tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi liên quốc gia trên quy mô lớn với sự giám sát thủ tục tối thiểu".
Do không có quy định của chính phủ về mức phí, các cơ quan cho nhận con nuôi ở Hàn Quốc đã thu những khoản tiền lớn và yêu cầu các khoản "đóng góp", biến việc nhận con nuôi thành "một ngành vì lợi nhuận", theo báo cáo.
Những sai sót khác bao gồm các trường hợp nhận con nuôi mà không có sự đồng ý hợp pháp từ mẹ ruột và việc sàng lọc cha mẹ nuôi không được thực hiện chu đáo.

Danh tính giả​

Các cơ quan này cũng đã làm giả báo cáo, khiến những đứa trẻ trông như bị bỏ rơi và được đưa vào diện cho nhận nuôi; đồng thời cố ý cung cấp danh tính giả cho các em.
Theo báo cáo, do nhiều người được nhận nuôi có danh tính giả được ghi trong giấy tờ nên hiện họ phải vật lộn để có được thông tin về gia đình ruột thịt của mình và không được bảo vệ pháp lý đầy đủ.
Ủy ban đã khuyến nghị chính phủ đưa ra lời xin lỗi chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhận con nuôi xuyên quốc gia.
South Korea's Ministry of Health and Welfare's 1984 'Overseas Adoption Promotion Status and Measures' printed in Korean

Chụp lại hình ảnh,Theo tài liệu "Thực trạng và giải pháp thúc đẩy nhận con nuôi ở nước ngoài" năm 1984 của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc do BBC thu thập, lý do cho việc thúc đẩy việc nhận con nuôi ra nước ngoài bao gồm việc nâng cao phúc lợi trẻ em, đồng thời "thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng sức mạnh quốc gia trong tương lai và thúc đẩy ngoại giao nhân dân."
Nhà nghiên cứu về nhận con nuôi quốc tế, Tiến sĩ Shin Pil-sik – chuyên gia về nghiên cứu phụ nữ tại Đại học Seokyeong, cho biết mặc dù chính phủ đã thiết lập các quy trình thể chế cho việc nhận con nuôi quốc tế, nhưng họ lại để các cơ quan nhận con nuôi thực hiện quá trình này.
Tiến sĩ Shin cho rằng điều này đã dẫn đến một "mối quan hệ đùn đẩy trách nhiệm" kéo dài giữa hai bên.
"Chính phủ là thuyền trưởng, còn các cơ quan nhận con nuôi chèo lái con thuyền."
Tiến sĩ Shin giải thích rằng chính phủ đã can thiệp vào chính sách nhận con nuôi quốc tế bằng cách đặt hạn ngạch về số lượng trẻ em có thể được nhận nuôi ở nước ngoài mỗi năm hoặc thậm chí ngừng hoàn toàn việc nhận con nuôi đối với một số quốc gia.
Tuy nhiên, sự can thiệp này không bao gồm việc giám sát và quản lý chặt chẽ các hành vi phi pháp của các cơ quan nhận con nuôi tư nhân, những đơn vị trực tiếp xử lý quá trình nhận con nuôi.
Trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Hàn về những vấn đề trong quá khứ liên quan đến việc nhận con nuôi quốc tế và trách nhiệm của chính phủ, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi nhận thức sâu sắc về bối cảnh lịch sử và xã hội mà các trường hợp nhận con nuôi quốc tế đã diễn ra và vẫn đang nỗ lực tăng cường trách nhiệm của nhà nước trong vấn đề này."

Hàn Quốc: Nước xuất khẩu trẻ em lớn thứ ba thế giới​

Hàn Quốc vẫn là quốc gia duy nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiếp tục đưa trẻ em đi làm con nuôi quốc tế.
Năm 2022, Hàn Quốc được xếp hạng là nước xuất khẩu trẻ em lớn thứ ba trên toàn cầu.
Theo dữ liệu do nhà nghiên cứu Peter Selman thu thập, mặc dù nhiều quốc gia đã dừng việc nhận con nuôi quốc tế do chiến tranh Ukraine, Hàn Quốc vẫn là nước gửi số lượng trẻ em ra nước ngoài lớn thứ ba, sau Colombia và Ấn Độ.
Han sitting at a desk, writing in notebook with an exercise book open in front of as she studies English

Chụp lại hình ảnh,Han bắt đầu học tiếng Anh bằng cụm từ 'I'm sorry' để xin lỗi con gái - bà học mỗi ngày và hiện đã viết được hơn mười cuốn
Bà Han, người đã tìm thấy con gái mất tích của mình sau 44 năm, đã đệ đơn kiện chính phủ vào năm ngoái, lần đầu tiên đưa vấn đề nhận con nuôi bất hợp pháp đối với trẻ em mất tích ra công chúng.
Bộ Y tế và Phúc lợi đã trả lời: "chúng tôi vô cùng thông cảm với cảm xúc của những người đã xa cách gia đình trong một thời gian dài và rất buồn cho hoàn cảnh của họ".
Những người được nhận nuôi vẫn còn sống cho đến ngày nay, hầu hết đã bước vào tuổi trung niên.
Một người được nhận nuôi như vậy, Han Bun-young đến từ Đan Mạch, cho biết, "trong số những bậc cha mẹ buộc phải gửi con mình đi làm con nuôi ở nước ngoài, nhiều người vẫn chưa được đoàn tụ với con mình.
"Đối với những bậc cha mẹ này, đây có thể là cơ hội cuối cùng của họ và nếu họ không hành động ngay bây giờ, có thể sẽ là quá muộn."
 

Có thể bạn quan tâm

Top