
Sau sáp nhập, để giải quyết tốt vụ việc tại cơ sở, Bộ Công an đề nghị bổ sung quyền hạn của điều tra viên công an tỉnh được bố trí trưởng/ phó công an xã phụ trách phòng, chống tội phạm.
Chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến, dự thảo sửa đổi, bổ sung 105 điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng không tổ chức cơ quan cấp huyện; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra…
Bổ sung quy định về điều tra, truy tố vắng mặt
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan điều tra từ mô hình 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh).
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND và TAND từ mô hình 4 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến (Ảnh: Hồng Phong).
Ông Tiến cho biết thêm, dự thảo lần này bổ sung quy định về điều tra, truy tố vắng mặt theo hướng: Cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can/ VKS có thể quyết định truy tố bị can khi có đủ căn cứ trong các trường hợp như bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả; bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra hoặc phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
Liên quan thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, thực tiễn thời gian qua xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, song Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành mới chỉ cho phép xét xử vắng mặt, chưa cho phép kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc quyết định truy tố bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn. Việc này dẫn đến phải tạm đình chỉ vụ án, ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án cũng như thu hồi tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Hồng Phong).
Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định Cơ quan điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố/ VKS quyết định việc truy tố bị can trong 2 trường hợp trên, theo cơ quan thẩm tra, là phù hợp.
Điều tra viên công an tỉnh về làm trưởng/phó công an xã sẽ thêm một số quyền
Nêu ý kiến tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết theo dự kiến, số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước sẽ giảm 60-70%, vì thế, số lượng đơn vị công an cấp xã cũng giảm tương ứng, nhưng quy mô lại tăng trung bình 3 lần so với hiện nay.
Để công an cấp xã có thể giải quyết các vụ việc tại cơ sở, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của điều tra viên.
Theo đó, với những vụ việc, vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn xã, điều tra viên trung cấp hoặc cao cấp thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh được bố trí trưởng hoặc phó công an xã phụ trách công tác phòng, chống tội phạm, có thể được giao một số quyền hạn như: trực tiếp tổ chức và chỉ đạo thụ lý tin tố giác tội phạm; khởi tố điều tra; quyết định phân công, thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra được bố trí tại công an xã; kiểm tra các hoạt động thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm vụ án hình sự; quyết định biện pháp ngăn chặn; truy nã, đình nã….

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Hồng Phong).
"Thực hiện việc này, đối với cấp xã hiện nay, quy mô chúng tôi bố trí khoảng 30-60 cán bộ công an xã", Trung tướng Nguyễn Văn Long nói.
Ông nhấn mạnh công an xã sau sáp nhập là một cấp công an, vừa có hoạt động phòng ngừa, vừa phải phân công một số điều tra viên công an tỉnh làm trưởng, phó công an xã hiện nay.
Vì thế, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ Công an sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp tình hình phòng chống tội phạm hiện nay.
Liên quan đề xuất trên, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết hôm nay ông mới nhận được chính sách này của Bộ Công an và đây là chính sách rất mới, trong quá trình phối hợp chưa có.
Ông Tiến vì thế đề nghị cần cân nhắc rất kỹ lưỡng. Do đây là vấn đề lớn, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trao đổi, nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nghiên cứu việc bổ sung thẩm quyền của một số điều tra viên từ công an tỉnh cử xuống công an xã làm việc.
Ông đề nghị VKSND Tối cao và Bộ Công an thảo luận để giải quyết các công việc thuận lợi nhất, vừa tôn trọng quyền con người, quyền công dân nhưng cũng vừa đảm bảo giảm quá tải cho cơ quan điều tra cấp trên, vừa khẩn trương xử lý các vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.