
Các Mác (1818-1883) là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử thế giới, nổi bật với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực kinh tế học, triết học và xã hội học. Ông là người sáng lập và là một trong những người phát triển chính của chủ nghĩa Mác - một lý thuyết có ảnh hưởng sâu rộng đến các phong trào cách mạng và các chính thể ******** trong thế kỷ XX. Gần 150 năm kể từ khi ông qua đời, Chủ nghĩa Mác vẫn được thế giới áp dụng và quan tâm.
Một phần của di sản văn hóa LondonNước Anh là quê hương của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Chủ nghĩa Mác đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể, cả về mặt lịch sử, học thuật và chính trị. Nơi đây, Các Mác từ sống và làm việc hơn 30 năm (từ 1849 đến khi mất năm 1883). Tại đây, ông viết nhiều tác phẩm quan trọng, đặc biệt là “Tư bản” (Das Kapital). Ông thường làm việc tại Thư viện Anh (British Museum Reading Room) - nơi đây được xem như “thánh địa” của những người nghiên cứu về Các Mác.

Tượng đài Các Mác ở Moscow, Nga.
Ở London có hai địa điểm quan trọng gắn liền với di sản của Các Mác và phong trào công nhân, đó là Thư viện Các Mác và Trường công nhân (Marx Memorial Library and Workers School). Đây là trung tâm lưu trữ, nghiên cứu và giáo dục về chủ nghĩa Mác phong trào công nhân, chủ nghĩa xã hội, công đoàn và các cuộc đấu tranh tiến bộ trên thế giới. Thư viện có hơn 60.000 đầu sách, tài liệu, báo chí và tạp chí về lý luận Mácxít, lịch sử cách mạng, quốc tế ********, đấu tranh chống phát xít. Đây còn là nơi học tập và tổ chức các lớp học về lịch sử công nhân, chính trị cánh tả và lý luận Mácxít. Tòa nhà nơi đặt thư viện từng là nơi làm việc của Lênin, khi ông sống lưu vong tại London và biên tập tờ Iskra (Tia lửa) - tờ báo cách mạng của Nga.
Trường Công nhân thực tế là một phần của Thư viện Các Mác từ khi mới thành lập. Đây là nơi tổ chức các lớp học ban đêm dành cho công nhân, về chính trị, lịch sử cách mạng, kinh tế học Mácxít và kỹ năng tổ chức phong trào. Mục tiêu là giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho giai cấp công nhân, để họ có tri thức lý luận trong quá trình đấu tranh.
Hiện nay, Thư viện và Trường vẫn duy trì vai trò giáo dục với các hội thảo, tọa đàm và lớp học ngắn hạn về các chủ đề Mácxít, công đoàn, lịch sử giai cấp và phong trào giải phóng. Nơi đây còn là một trong những trung tâm tư liệu và giáo dục Mácxít nổi bật nhất tại Anh và châu Âu. Là biểu tượng lịch sử của phong trào cánh tả và trí thức lao động tại Anh, thường xuyên thu hút các nhà nghiên cứu, sinh viên, nhà báo và những người quan tâm đến di sản của Mác và phong trào công nhân quốc tế.
Sinh viên và giảng viên từ nhiều trường đại học ở Anh, đặc biệt là các ngành xã hội học, chính trị học, triết học, lịch sử và nghiên cứu lao động thường xuyên đến Thư viện Các Mác để nghiên cứu học thuật, tham quan, học tập, hội thảo…
Thư viện Các Mác không chỉ là một bảo tàng lịch sử cách mạng, mà còn là một trung tâm học thuật sống động, nơi sinh viên và giảng viên Anh đến để nghiên cứu, học tập và tranh luận về các vấn đề xã hội, chính trị và tư tưởng Mácxít.
Nhiều trường đại học lớn ở Anh có truyền thống giảng dạy và nghiên cứu tư tưởng Mác. University of Oxford và University of Cambridge cho dù không phải trung tâm Mácxít, nhưng có các học giả nghiên cứu Mác trong triết học chính trị và kinh tế học phê phán. University of London, đặc biệt là SOAS và Goldsmiths, có nhiều giảng viên và chương trình đào tạo về chủ nghĩa Mác. University of Manchester, Warwick và King's College London cũng có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực xã hội học và lý luận Mácxít.
Đảng Lao động Anh (Labour Party), mặc dù không phải là một đảng Mácxít, nhưng từng chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Mác trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, đặc biệt là thông qua công đoàn và phong trào công nhân.
E.P. Thompson - tác giả của “The Making of the English Working Class”, một tác phẩm lịch sử Mácxít có ảnh hưởng lớn. Raymond Williams và Stuart Hall là người tiên phong trong chủ nghĩa Mác về văn hóa phát triển tại Trường phái Birmingham (Centre for Contemporary Cultural Studies). Terry Eagleton là nhà phê bình văn học nổi tiếng, người sử dụng Mác như một công cụ phân tích văn hóa và văn học. Nhiều học viện và trung tâm nghiên cứu độc lập tại Anh, như Historical Materialism Conference, thường tổ chức hội thảo quốc tế về chủ nghĩa Mác.
Người Anh coi Các Mác như một phần của di sản văn hóa London. London là nơi Mác sống hơn 30 năm. Hiện nay, mộ của ông tại nghĩa trang Highgate. Nơi đây là điểm đến nổi tiếng, thu hút người dân, học giả và du khách từ khắp thế giới. Chính quyền thành phố London vinh danh Các Mác như một cư dân có đóng góp trí tuệ đặc biệt. Các Mác xuất hiện trong sách, phim ảnh, chương trình văn hóa tại Anh với một biểu tượng mang tính trí tuệ, phản biện xã hội. Trong cuộc bình chọn “Nhà tư tưởng vĩ đại nhất thiên niên kỷ” do BBC tổ chức năm 1999, Các Mác đứng đầu danh sách.

Một tờ báo ở Anh đưa tin phản đối cuộc chiến vô nghĩa ở Việt Nam được trưng bày tại Thư viện Các Mác, London (Anh). Ảnh: Huy Phượng.
Giới học thuật Mỹ quan tâm đến Chủ nghĩa Mác
Chủ nghĩa Mác tuy không được các nước tư bản áp dụng như là một hệ tư tưởng chính thống, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm nhất định từ nhiều giới, đặc biệt là trong lĩnh vực học thuật, chính trị và xã hội.
Trong học thuật, chủ nghĩa Mác được nghiên cứu rộng rãi trong các trường đại học ở các nước tư bản, nhất là trong các ngành triết học, xã hội học, kinh tế học và chính trị học. Các học giả coi đây là công cụ phân tích hữu ích để hiểu về mâu thuẫn giai cấp, cơ chế vận hành của chủ nghĩa tư bản và lịch sử phát triển xã hội.
Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu vẫn xem Các Mác là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn. Nhiều trường đại học hàng đầu ở Mỹ đưa học thuyết Mác vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu, chủ yếu trong các ngành như xã hội học, triết học, khoa học chính trị, văn học, và kinh tế chính trị...
Đại học Harvard (Mỹ) có các khóa học về tư tưởng Mác trong các ngành triết học, khoa học chính trị, và nghiên cứu xã hội học. Các giáo sư như Michael Sandel (triết học chính trị) từng giảng về chủ nghĩa Mác trong bối cảnh đạo đức và công bằng xã hội.
Đại học Columbia có truyền thống nghiên cứu lý thuyết phê phán (Critical Theory) và chủ nghĩa Mác thông qua Khoa Xã hội học và Khoa Văn hóa. C. Wright Mills được coi là người có nhiều đóng góp trong việc đưa tư tưởng Mácxít vào lĩnh vực nghiên cứu xã hội học Mỹ.
Các Đại học California, Berkeley là trung tâm lớn của tư tưởng cánh tả và nghiên cứu xã hội học phê phán. Khoa Xã hội học và Khoa Văn học ở đại học này có nhiều học giả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác.
The New School for Social Research (New York) là trường nổi tiếng về các chương trình lý thuyết xã hội và triết học chính trị với nhiều giảng viên và khóa học tập trung vào chủ nghĩa Mác. Trường từng là nơi tị nạn học thuật của nhiều học giả Mácxít từ châu Âu trong thế kỷ XX. University of Chicago có khoa xã hội học và triết học, có nhiều khóa học phân tích tư tưởng của Mác trong bối cảnh phát triển của lý thuyết xã hội.
Ngoài ra, nhiều trường đại học công lập khác ở Mỹ cũng có các môn học hoặc học giả nghiên cứu Mác như CUNY (City University of New York), University of Michigan, Yale, hay Cornell University.
Ảnh hưởng với xã hội đương đại châu Âu
Đức là nơi Các Mác sinh ra và là trung tâm quan trọng nhất trong việc nghiên cứu và phát triển lý thuyết của ông. Béclin, nơi Mác sống và làm việc, vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản của ông. Đảng ******** Đức (Die Linke), một đảng cánh tả nổi bật ở Đức, vẫn lấy Mác xít làm nền tảng lý luận. Các trường đại học và các viện nghiên cứu ở Đức, như Viện Mác - Anghen tại Béclin, tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu về Mác.
Pháp là quốc gia có truyền thống lâu dài nghiên cứu và phổ biến các lý thuyết của Mác, đặc biệt trong triết học và khoa học xã hội. Nhiều nhà tư tưởng và học giả Pháp như Louis Althusser, Michel Foucault, và Jean-Paul Sartre đã phát triển các lý thuyết Mácxít.
Nước Ý có một lịch sử dài với chủ nghĩa Mác. Đảng ******** Ý (PCI), một trong những đảng ******** lớn nhất ở Tây Âu trong thế kỷ XX quan tâm đến chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác và các tư tưởng Mácxít được nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu tại Ý.
Ở Tây Ban Nha, đảng Podemos và Izquierda Unida (Liên minh cánh tả) có ảnh hưởng lớn và sử dụng các lý thuyết Mácxít trong chính sách của mình.
Đảng ******** Ba Lan, Hungary, Bungary, Séc... luôn duy trì sự hiện diện và quan tâm đến chủ nghĩa Mác. Các nước Trung Âu và Đông Âu vẫn có các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên sâu về Mácxít.
Áo là một quốc gia có truyền thống lâu dài trong việc nghiên cứu và giảng dạy các lý thuyết Mácxít. Ở Đại học Tổng hợp Viên, các giáo sư, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu lý thuyết Mácxít trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong xã hội học, kinh tế chính trị học và triết học. Viện Xã hội học của Đại học Tổng hợp Viên là một trong những cơ sở quan trọng ở Áo nghiên cứu về các lý thuyết xã hội và có một bộ phận nghiên cứu về chủ nghĩa Mác và các ảnh hưởng của Mácxít trong xã hội đương đại. Đại học Linz, Đại học Innsbruck và Đại học Salzburg cũng có chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa Mác.
PGS.TS Hà Huy Phượng