🔴 Cán bộ nghỉ việc sang làm tư nhân, sốc vì phải quyết nhanh, làm ngay

"Tôi trình bày ý tưởng, sếp hỏi đúng 2 câu rồi bảo làm ngay. Tôi bị sốc văn hóa mấy ngày", nguyên phó trưởng phòng một quận ở TPHCM kể lại.

Việc từng làm trong 1 tuần, nay phải xong trong 3 ngày.


Sau 12 năm làm cơ quan Nhà nước, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), nguyên phó trưởng phòng văn hóa - thông tin tại một quận nội thành, quyết định xin nghỉ, chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân.

Mất 4 tháng để tìm công việc phù hợp, chị Ngọc cho hay thời gian này không quá khó khăn bởi chị có thừa kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để ứng tuyển.

"Tôi được nhận vào làm quản lý dự án tại một công ty truyền thông tổ chức sự kiện, một lĩnh vực khá gần với chuyên môn khi còn làm Nhà nước. Môi trường tư nhân rất năng động và khuyến khích mỗi cá nhân trong đội ngũ thỏa sức sáng tạo. Đây là điều tôi rất yêu thích nhưng cũng khiến tôi gặp áp lực trong những ngày đầu", chị Ngọc tâm sự.

Nữ quản lý bộc bạch dù từng là lãnh đạo, chị vẫn phải học lại tất cả kỹ năng quản lý theo "kiểu" doanh nghiệp. Thời hạn công việc luôn "sát nút", hiệu suất được đặt ra là để tạo tâm thế cho mỗi cá nhân vượt qua vùng an toàn, phát triển bản thân.

"Tôi không thể quên được buổi họp đầu tiên ở công ty mới. Tôi trình bày một kế hoạch và nghĩ rằng sẽ phải chờ nhiều bước mới được phê duyệt nhưng sếp chỉ hỏi đúng 2 câu rồi bảo tôi triển khai luôn. Tôi bị sốc văn hóa suốt mấy ngày", chị Ngọc nói.
1PXht5w.png-webp

Anh Trần Văn Minh (38 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM), từng có 9 năm là cán bộ địa chính - xây dựng tại UBND xã, vừa xin nghỉ sang làm nhân viên pháp lý đất đai tại một công ty bất động sản.

Thời gian đầu thay đổi môi trường làm việc, anh Minh cũng không khỏi sốc văn hóa khi bất kỳ đầu việc dù lớn hay nhỏ ở công ty, cũng phải được quyết nhanh, làm ngay.

"Trong tuần đầu tiên làm việc, sếp yêu cầu tôi hoàn thành bộ hồ sơ nhà đất chỉ trong 3 ngày. Tôi hoang mang vì khi còn làm ở UBND xã, việc này phải mất cả tuần mới xong.

Thế nhưng, điều này vô tình kích thích tôi nỗ lực hoàn thành thật nhanh. Từ đó, tôi mới hiểu rằng năng suất làm việc ở khu vực tư nhân là chuyện sống còn", anh Minh chia sẻ.

Chị Bích Ngọc bộc bạch dù đã cống hiến hơn 12 năm, được thăng chức lên làm lãnh đạo ở cơ quan quản lý Nhà nước mà nhiều người mơ ước, chị vẫn quyết định xin nghỉ.

"Tôi rời bộ máy công vì cảm giác không còn được phát huy hết năng lực. Bộ máy hành chính còn nặng tính thứ bậc, đôi khi các sáng kiến bị "chìm" bởi quy trình xét duyệt kéo dài và tâm lý ngại thay đổi", chị Ngọc nói.

Nguyên phó trưởng phòng quận dù rất yêu nghề nhưng vẫn phải thừa nhận mức thu nhập chưa tương xứng với khối lượng và áp lực công việc.

Ngày chị Ngọc thông báo ý định nghỉ việc, đồng nghiệp ai nấy đều tiếc nuối. Thế nhưng, chị vẫn phải "dứt áo" rời đi. Đến giờ, chị Ngọc vẫn không quên được những kỷ niệm đẹp lúc còn làm cho cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cảm giác tự hào khi hỗ trợ các nhóm yếu thế.

"Khu vực công đang thiếu cơ chế giữ chân người giỏi. Tôi nghĩ cần xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng, gắn với quyền lợi thiết thực để khuyến khích cán bộ phát huy năng lực. Ngoài ra, nên có chính sách tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho cán bộ muốn chuyển việc, tránh tình trạng "đứt gãy" nghề nghiệp", chị Ngọc góp ý.
can-bo-2-1746785758323.png

Anh Trần Văn Minh đồng tình rằng những lý do nói trên cũng là thứ khiến anh quyết định rời bộ máy công, dù thực lòng rất muốn cống hiến lâu dài.

"Nhiều người cứ nghĩ làm Nhà nước thì thoải mái hơn về mặt thời gian nhưng thực tế không phải vậy. Chúng tôi gần như làm không hết việc vì số lượng cán bộ vào biên chế ít mà địa bàn lại quá rộng", anh Minh nhấn mạnh.

Anh nhận xét rằng trong bộ máy hành chính hiện nay, công tác xử lý hồ sơ còn phụ thuộc quá nhiều cấp, khiến cán bộ cấp dưới rất khó chủ động. Dù đóng vai trò tiếp dân, là cán bộ hiểu rõ thực tế địa phương nhất, nhưng họ vẫn phải chờ ý kiến từ cấp trên, khiến công việc nhiều lần bị chậm trễ.

"Tôi cho rằng khu vực công đang thiếu những cơ chế để giữ chân người trẻ có năng lực. Tôi nghĩ cần xây dựng một cơ chế trả lương gắn với năng lực, chứ không đơn thuần theo thâm niên. Ngoài ra, nên có chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho cán bộ khi họ muốn chuyển nghề, tránh tình trạng bị "trôi dạt" khi rời khu vực công", anh Minh chia sẻ.


 

Có thể bạn quan tâm

Top