

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Canada Mark Carney ăn mừng chiến thắng bầu cử Canada bằng cách nhảy và hát theo ban nhạc Down With Webster
- Tác giả,Vũ Đức Khanh
- Vai trò,Viết riêng cho BBC News Tiếng Việt từ Ottawa, Canada
- 3 giờ trước
Trong bối cảnh ông Trump trở lại nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai với những tuyên bố cứng rắn và lập trường đối ngoại khó lường, nhiều cử tri Canada không còn nhìn cuộc bầu cử trong nước như một lựa chọn giữa các chương trình chính sách thuần túy, mà như một cuộc trưng cầu về định hướng quốc gia.
Họ chọn giữ vững bản sắc Canada – một quốc gia ôn hòa, đa văn hóa và đề cao vai trò của nhà nước pháp quyền – trước những tác động ngày càng rõ nét từ nước láng giềng phương Nam.
Trump và "bang thứ 51": Giọt nước tràn ly
Dù không có tên trong lá phiếu, Donald Trump trở thành nhân vật trung tâm trong kỳ bầu cử vừa qua sau khi ông công khai phát biểu rằng "Canada sẽ tốt hơn nếu là bang thứ 51 của Hoa Kỳ."Mặc dù đây mới chỉ có thể là một tuyên bố gây sốc quen thuộc trong phong cách của ông Trump, câu nói này lập tức gây phản ứng dữ dội trong dư luận Canada.
Tuyên bố này đánh trúng vào tâm lý nhạy cảm của người Canada: lo sợ bị Mỹ lấn át về văn hóa, kinh tế và giờ là cả chủ quyền chính trị.
Không ít người coi đó là một sự xúc phạm đến quốc thể – và như một đòn gián tiếp vào ứng viên lãnh đạo phe Bảo thủ, Pierre Poilievre, người từng có lập trường gần gũi với cánh hữu Mỹ và không đưa ra phản ứng rõ ràng trước tuyên bố của ông Trump.
Kết quả là Đảng Bảo thủ tuy giành được thêm ghế, nhưng không thể lập chính phủ, còn bản thân ông Poilievre thất bại ngay tại khu vực của mình. Một dấu chấm hết cho tham vọng chính trị cá nhân – ít nhất là trong ngắn hạn.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lãnh đạo Đảng Tự do Canada, Mark Carney, đến Văn phòng Thủ tướng một ngày sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc
Mark Carney, với hình ảnh điềm đạm, lý trí và nhiều năm kinh nghiệm ở các định chế tài chính hàng đầu, đã trở thành lựa chọn của một bộ phận cử tri muốn thấy một Canada ổn định trước những cơn địa chấn chính trị quốc tế.
Ông không hẳn là một chính trị gia truyền thống.
Là một nhà kỹ trị, Carney từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, sau đó là Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh – vị trí cao nhất mà một người Canada từng nắm giữ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhưng chính sự "phi chính trị" đó lại khiến ông trở thành biểu tượng cho một kiểu lãnh đạo đáng tin cậy – điều mà nhiều cử tri thấy cần thiết trong thời điểm đầy bất định.
Thất bại của Pierre Poilievre không chỉ do ảnh hưởng của Trump.
Nó còn phản ánh sự mơ hồ trong thông điệp mà ông truyền tải: một bên cố gắng tranh thủ cử tri bảo thủ, một bên không dám dứt khoát với chủ nghĩa dân túy kiểu Mỹ.
Thông điệp không nhất quán đó khiến nhiều cử tri cảm thấy bất an.
Họ không tìm thấy ở ông sự kiên định cần có của một nhà lãnh đạo quốc gia khi đối mặt với các thách thức địa chính trị lớn.
Trong khi đó, giới trung lưu và cử tri thành thị – lực lượng then chốt – quay sang ủng hộ Carney như một "bức tường lửa" trước làn sóng cực đoan từ bên kia biên giới.
Dù giữ được vị trí Thủ tướng, ông Carney sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ khó khăn.
Trước mắt là mối quan hệ đầy sóng gió với chính quyền Trump, với các vấn đề gai góc như thương mại, chủ quyền, an ninh quốc phòng, năng lượng và nhập cư.
Bên cạnh đó là các thách thức trong nước: bảo vệ tính đa nguyên khi Đảng Dân chủ mới (NDP) mất dần ảnh hưởng, đảm bảo sự phát triển bền vững, và duy trì lòng tin của người dân vào thể chế dân chủ giữa làn sóng hoài nghi lan rộng toàn cầu.
Canada đã lựa chọn sự ổn định. Nhưng ổn định không có nghĩa là dậm chân tại chỗ.
Để không trở thành một "David" bị khuất phục trước gã khổng lồ "Goliath" mang tên Trump, Mark Carney cần nhanh chóng xác lập vai trò quốc tế rõ ràng cho Canada – không phải như một phần mở rộng của nước Mỹ, mà là một quốc gia độc lập, tự chủ và có tiếng nói riêng trong trật tự thế giới mới đang hình thành.