

Chụp lại hình ảnh,Chiến tranh Việt Nam đã gây ra những sứt mẻ trong gia đình của "Kiến trúc sư chiến tranh" Robert McNamara
26 tháng 4 2025, 09:08 +07
"Thật tiếc rằng cha tôi đã không có được sự tự tin hoặc sự bình yên trong lòng để chia sẻ với tôi một vài tấn bi kịch mà ông đã đối mặt," ông Craig McNamara nhớ lại mối quan hệ giữa ông và cha.
Khi đọc cuốn sách Because Our Father Lied (Tạm dịch: Vì cha chúng tôi đã nói dối, xuất bản năm 2022) của ông Craig McNamara, có thể cảm nhận thấy sự tiếc nuối của tác giả về việc không thể nói về Chiến tranh Việt Nam với cha mình, ông Robert S. McNamara – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn 1961-1968, dưới thời các tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson.
Cuốn sách cũng là lời phê bình của người con trai đối với cha mình, về việc dù đã biết Mỹ không thể thắng trong Chiến tranh Việt Nam nhưng không chịu nói ra.
"Việc một người con công khai chỉ trích cha mình không hề phổ biến trong xã hội Mỹ. Vậy nên trường hợp của tôi có lẽ cũng khá khác biệt," ông Craig chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 16/4.
Ông Craig ước rằng cha ông có cơ hội đọc cuốn sách của ông.
"Giá như cha tôi còn sống ngày hôm nay để tôi có thể chia sẻ cuốn sách này với ông. Tôi nghĩ nó sẽ khiến ông ấy rất buồn. Qua nỗi buồn ấy, tôi nghĩ chúng tôi có thể có một cuộc trò chuyện."
"Tận sâu trong lòng, tôi cảm thấy rằng cha tôi hẳn đã mang trong mình một nỗi xấu hổ rất lớn vì những quyết định của bản thân. Và cách duy nhất để đối diện với nỗi xấu hổ ấy là giải tỏa nó - bằng việc trò chuyện, thấu hiểu và nhận lỗi cho những quyết định mà ta cảm thấy đã sai."
"Tôi ước gì cha tôi có được cơ hội ấy."
Ông Robert McNamara được mệnh danh là "Kiến trúc sư chiến tranh Việt Nam". Thượng Nghị sĩ Dân chủ Wayne Morse của bang Oregon vào tháng 4/1964 đã gọi Chiến tranh Việt Nam là "McNamara's War," tức Cuộc chiến của McNamara.
Trong khi đó, ông Craig luôn phản đối cuộc chiến này. Trong sách, ông Craig đã kể về cách mình nổi loạn:
"Tôi không thể hiện gì ở trường nội trú. Nhưng vào mùa hè, trong phòng ngủ của tôi ở nhà - nơi cha tôi có thể nhìn thấy - tôi đã bắt đầu có những hành động phản kháng đầu tiên. Trên tầng ba ở nhà chúng tôi tại phố Tracy Place, tôi treo ngược quốc kỳ Mỹ trên bức tường phía đầu giường."
Sau này, khi đã vào đại học, ông Craig thường xuyên tham gia biểu tình phản đối chiến tranh. Lúc bấy giờ, ông Robert đã rời Lầu Năm Góc.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ông Robert McNamara (giữa) cùng con trai Craig McNamara (phải) và con gái Cathy McNamara vào năm 1966
Hiện tại, ông Craig và vợ đang là chủ một trang trại lớn, chủ yếu sản xuất quả óc chó hữu cơ, ở thành phố Winters, bang California.
Ông Craig chia sẻ rằng thoạt tiên ông định viết về tương lai của ngành nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu, nhưng khi đặt bút viết thì ông mới nhận ra rằng mọi thứ ông viết đều về quan hệ của ông với cha – điều đã chịu nhiều tác động từ Chiến tranh Việt Nam.
"Kể từ lúc tôi mới 13, 14 tuổi, Chiến tranh Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều tới cách tôi nhìn cuộc đời."
"Cha tôi thường xuyên tới Việt Nam để giám sát cuộc chiến lúc ông ấy làm bộ trưởng Quốc phòng. Mỗi lần về, ông thường mang theo hiện vật chiến tranh. Một trong những thứ khiến tôi cảm thấy nặng nề nhất là một lá cờ Việt Cộng lấy được từ một binh sĩ Việt Cộng tử nạn trong Trận Ia Đrăng (14/11/1965 – 18/11/1965)."
Lá cờ này được treo trong nhà ông cho mãi tới gần đây, khi ông có một chuyến đi tới Việt Nam để trả lại hiện vật này cho phía Việt Nam.
"Thực ra tên tôi là Robert Craig McNamara, nhưng tôi thường dùng tên Craig. Đó là tên thời con gái của mẹ tôi. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi dùng tên này, và có lẽ, một phần là vì tôi muốn tách bạch bản thân mình với Robert McNamara," ông bất chợt nói.

Nguồn hình ảnh,Craig McNamara
Chụp lại hình ảnh,Ông Craig McNamara cùng vợ, bà Julie McNamara, và hai người cháu
Im lặng
"Qua năm tháng, tôi nghĩ tới cha mình mỗi ngày, bằng tình yêu xen lẫn sự phẫn nộ. Cứ mỗi lần tôi đề cập đến Việt Nam, ông ấy lại lảng tránh. Chúng tôi chưa bao giờ có một cuộc tranh luận nào về nó [Chiến tranh Việt Nam]," ông viết trong cuốn hồi ký.Cuốn sách phần nào giúp truyền tải nỗi buồn, và có lẽ là cả sự bất bình, của Craig khi mà cha ông luôn tránh nói chuyện về Chiến tranh Việt Nam.
"Tôi biết về những quyết định của cha mình chủ yếu thông qua một nguồn khác. Với tôi, đó là một bi kịch," ông Craig kể với BBC News Tiếng Việt.
"Thật đáng tiếc khi cha và tôi không tự tạo ra cơ hội và không gian để trực tiếp trò chuyện với nhau, để ông có thể lắng nghe những nỗi lo tôi dành cho ông, cũng như tình yêu và nỗi thất vọng của tôi đối với ông, và để ông cũng có cơ hội giải thích cho tôi hiểu vì sao ông lại làm những gì ông đã làm".
Ông Robert thậm chí cũng không kể với con trai việc mình là mục tiêu của một vụ ám sát hụt.
Đó là vào tháng 5/1964, khi biết tin Bộ trưởng Robert McNamara sẽ tới Việt Nam, lực lượng biệt động Sài Gòn đã lập kế hoạch ám sát ông. Vụ ám sát bất thành, người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi bị bắt vào ngày 9/5/1964, ba ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert tới Sài Gòn, và sau đó bị xử bắn vào ngày 15/10 cùng năm.
Craig lúc đó 13 tuổi, học lớp 8 và được nghe tin này từ cô giáo dạy môn lịch sử. Về nhà, cậu bé Craig đã khóc với mẹ, người không tỏ vẻ sợ hãi hay giận dữ.
"Không bao giờ chúng tôi nói về chuyện ấy nữa," ông nhớ lại. Lúc bấy giờ, Craig nghĩ rằng việc không nói về Chiến tranh Việt Nam là cách cha mẹ bảo vệ mình.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi (áo trắng) ngay trước khi bị xử tử vào ngày 15/10/1964
Nhưng bất chấp những nỗ lực cách ly của ông bà Robert McNamara, cuộc chiến bên ngoài vẫn không ngớt tràn vào ngôi nhà của họ.
Mùa hè năm 1967, trong một chuyến leo núi với gia đình ở thị trấn Aspen, bang Colorado, Craig đã giáp mặt một nhóm nhà hoạt động tới chất vấn Bộ trưởng Robert McNamara.
Trong khi cha và mẹ ở bên trong ngôi nhà thuê, Craig, khi đó 17 tuổi, đã quyết định ở bên ngoài để đối diện với nhóm người trên.
"Tôi không biết cha tôi đã cảm thấy thế nào. Tôi chỉ có thể đoán rằng đó là sự pha trộn giữa giận dữ, sợ hãi, trốn tránh, buồn bã và hối hận. Tôi biết mình cảm thấy thế nào: bị bỏ rơi và cô đơn," Craig mô tả trong cuốn hồi ký.
Khi được hỏi vì sao ông quyết định ra ngoài để nói chuyện với những nhà hoạt động, ông giải thích:
"Tôi muốn cho những người biểu tình ấy biết rằng tôi cũng là một trong số họ. Rằng tôi cũng phản đối cuộc chiến và tôi sẽ đồng hành cùng họ trong hành trình tìm kiếm sự thật và chấm dứt chiến tranh."
"Mặt khác, tôi vẫn là con của cha tôi."
Sau đó gần 40 năm, vào năm 2003, khi gia đình đang dùng bữa tại một khách sạn, một người đàn ông đã tiếp cận Craig, thể hiện sự khinh bỉ đối với ông Robert McNamara, mô tả cựu bộ trưởng Quốc phòng là một "con quỷ thực sự".
Dường như đó là những bất trắc đi kèm với cái họ McNamara.
"Trên hộ chiếu, bằng lái xe, hay ở bất cứ đâu — như khi tôi tới nhà hàng, khách sạn, hoặc đi du lịch — mỗi khi người ta thấy tên tôi, câu hỏi đầu tiên thường là: 'Ông có phải họ hàng không?'
"Ý họ là 'ông có phải họ hàng của Robert McNamara không?' Tôi sẽ trả lời 'có', không hề che giấu."
Nhưng chuyện này không xảy ra thường xuyên.
'Tôi nhận được một cuộc điện thoại...'
Bộ Quốc phòng dưới thời ông Robert McNamara đã bị chỉ trích về nhiều chiến dịch, như McNamara's 100.000, Agent Orange và cả cách đo lường thành công của quân đội Mỹ.Ông Robert luôn bị ám ảnh bởi những con số và nghiên cứu thống kê – mọi thứ phải được định lượng và đo lường.
"Cái gì đo được thì nên đo" là câu nói của ông về Chiến tranh Việt Nam. Phương pháp body count (đếm xác) - xác định số lượng quân địch thiệt mạng - là một chỉ số gây tranh cãi gắn liền với tên tuổi Robert McNamara.
Phương pháp này bị cáo buộc đã gây ra áp lực cho lính Mỹ, khiến họ phóng đại số liệu thực tế và tính cả dân thường vào.
Trong cuốn tự truyện It Doesn't Take A Hero (Tạm dịch: Không cần phải là anh hùng), tác giả Herbert Norman Schwarzkopf, một sĩ quan từng tham chiến tại Việt Nam và về sau được thăng lên đại tướng lục quân, kể rằng áp lực gia tăng body count đã khiến một vị tướng phụ trách sư đoàn của ông "nghĩ rằng họ cần tiêu diệt nhiều lính Việt Cộng hơn".
Việc Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phê duyệt việc bắt đầu thả chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam vào năm 1961 cũng xuất phát từ khuyến nghị chung từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, theo tài liệu OPERATION RANCH HAND. The Air Force and Herbicides in Southeast Asia, 1961-1971 (Tạm dịch: CHIẾN DỊCH RANCH HAND. Không quân và Thuốc diệt cỏ ở Đông Nam Á, 1961-1971).

Chụp lại video,Tóm tắt Chiến tranh Việt Nam
Nhìn lại những chương trình này, và cả về lượng bom mà Mỹ đã thả xuống Việt Nam, ông Craig nói rằng "rất khó để đặt những quyết định ấy bên cạnh người cha mà tôi yêu quý."
"Đó là những quyết định tội ác chiến tranh kinh hoàng. Và việc biết rằng cha tôi, ngài tổng thống, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đại tướng Westmoreland,... tất cả đều góp phần vào những quyết định này là một vết nhơ trong lịch sử toàn cầu của chúng tôi."
"Điều đó vẫn khiến tôi rất buồn."
Theo một bài viết trên báo The Guardian vào năm 2002, chính ông Robert McNamara đã nói rằng cần có một phiên tòa hình sự quốc tế cho Mỹ, dù rằng điều này có thể đồng nghĩa với việc hồ sơ của chính ông bị suy xét.
Project 100.000, còn được biết tới là McNamara's 100.000, ra đời vào năm 1966, là chương trình tuyển mộ những người từng được đánh giá là không đạt tiêu chuẩn về thể chất và tinh thần để chiến đấu ở Việt Nam.
"Những người nghèo ở Mỹ... đã không có cơ hội nhận phần tương xứng trong sự sung túc của quốc gia này, nhưng họ có thể được trao cơ hội phục vụ đội ngũ quốc phòng của đất nước và được trao cơ hội trở về cuộc sống dân sự với những kỹ năng và năng lực có thể giúp đảo ngược vòng xoáy suy tàn của họ và gia đình," ông Robert McNamara nói khi công bố McNamara's 100.000.
Những người lính này, được gọi là New Standards Men (Những người đàn ông theo tiêu chuẩn mới), được đánh giá là không mang lại quá nhiều giá trị cho quân đội Mỹ chiến đấu ở Việt Nam.
McNamara's 100.000, tương tự như những chương trình nói trên, đã hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng đôi khi cũng có bất ngờ.
"Tuần trước, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông ở bang Arkansas. Ông ấy giới thiệu bản thân rồi hỏi rằng tôi đã bao giờ nghe đến 'McNamara's 100.000' chưa.
"Tôi nói mình đã từng nghe. Thế là ông ấy kể rằng mình từng là một trong số những người lính ấy. Sau đó ông ấy kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời và lý do tại sao gọi cho tôi. Ông ấy gọi để cảm ơn cha tôi và cảm ơn tôi. Đó là một câu chuyện rất cảm động.
"Khi học tới bậc trung học, ông ấy đã bỏ ngang. Ông ấy ghét trường học, ghét gia đình, ghét cuộc sống của mình, và ông ấy đã có giấy hoãn nghĩa vụ quân sự vì lý do sức khỏe, nên ông ấy không nhập ngũ. Nhưng rồi vì McNamara's 100.000 mà ông ấy đã nhập ngũ và chiến đấu ở Việt Nam. Điều đó đã mãi mãi thay đổi cuộc đời ông ấy theo hướng tích cực."
"Thật khó để hiểu điều đó, nhưng tôi chấp nhận câu chuyện và nhận lời cảm ơn của ông ấy."