
Hà Nội với sự dịch chuyển trung tâm hành chính về phía Tây kéo theo làn sóng dịch chuyển an cư của một bộ phận lớn cán bộ, công chức và doanh nghiệp khiến thị trường căn hộ chung cư “bùng nổ”, cầu vượt cung, nhiều dự án chưa mở bán đã ghi nhận lượng booking chờ mua cao, giá cũng bật tăng.
Cầu vượt cung
Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm, định hướng phát triển 5 vùng đô thị tương ứng 4 thành phố và một đô thị trung tâm.Dọc trục đường Lê Quang Đạo kéo dài chuẩn bị thông xe vào cuối tháng 5/2025 sẽ là trụ sở bộ, ngành Trung ương, trung tâm hành chính – kinh tế mới của Hà Nội. Theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, nơi đây sẽ là trụ sở làm việc của 23 cơ quan, ước tính có hàng vạn cán bộ công chức sẽ về làm việc tại khu vực này.

Hạ tầng giao thông khu vực phía Tây Hà Nội liên tục được đầu tư
Các chuyên gia BĐS dự báo, sự hiện diện của các trụ sở bộ, ngành Trung ương sẽ biến nơi này thành trung tâm hành chính – kinh tế mới, tạo đà cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Giá trị bất động sản tại đây sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt khi tuyến đường sắt đô thị số 5 đi vào hoạt động.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng nhận định với những cung đường nối gần khoảng cách với vùng lõi trung tâm, thị trường bất động sản khu vực phía Tây ngày càng khởi sắc. Với quỹ đất rộng, các dự án ở khu phía Tây có cơ hội chú trọng nhiều đến hệ thống dịch vụ, tiện ích, hạ tầng phát triển và đồng bộ, thu hút người dân về sinh sống, làn sóng dịch chuyển an cư từ khu vực nội đô về khu Tây Hà Nội ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù dư địa thị trường rất lớn nhưng nguồn cung thấp tầng tại khu phía Tây luôn trong tình trạng nhỏ giọt trong khi đó nguồn cung căn hộ chung cư cũng ngày một khan hiếm hoặc trong tình trạng chưa đủ điều kiện mở bán dẫn tới giá không ngừng bị đẩy lên cao.