Johnny Lê Nữu Vượng
Già làng


Hình ảnh điện Long Thiên thời Nguyễn xây dựng trên nền điện Kính Thiên thời Lê sơ do người pháp chụp năm 1886 (Nguồn: EFEO)

Thềm bậc đá điện Kính Thiên, thời Lê sơ, trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nayNguồn: Bùi Minh Trí
Phần thứ nhất: Cấu kiện gỗ và hình thái bộ khung giá đỡ mái điện kính thiên
Mở đầuĐiện Kính Thiên là tòa điện thiết triều nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 sau khi đánh thắng quân Minh (1407-1427), lên ngôi hoàng đế và tái thiết xây dựng lại Kinh đô Thăng Long.
Theo chính sử, tòa điện đã được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467 và được sử dụng rất lâu dài qua 3 triều đại: Triều Lê sơ (1428-1527) triều Mạc (1527-1593) và triều Lê Trung hưng (1593-1789) (Đại Việt sử ký tòan thư, 2011).
Trải qua hơn 388 năm tồn tại, điện Kính Thiên đã bị phá hủy hoàn tòan vào năm 1816 khi nhà Nguyễn (1802-1945) xây dựng Hành cung mới tại khu vực của tòa chính điện này (xem Hình 1). Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên chỉ còn lại duy nhất là thềm bậc đá chạm rồng ở trung tâm Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) ngày nay (xem Hình 2).
Tất cả các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, chùa, đình trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Do đã bị phá hủy từ lâu và không có tư liệu lịch sử hay hình ảnh, bản vẽ nào mô tả về kiến trúc của tòa chính điện, nên hôm nay chúng ta không thể biết diện mạo, quy mô và hình thái kiến trúc điện Kính Thiên như thế nào.
Và cũng theo đó, việc nghiên cứu phục dựng tòa chính điện Kính Thiên có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử của Kinh đô Thăng Long càng trở nên vô cùng khó khăn bởi do thiếu hụt các nguồn tư liệu.

Dấu tích kiến trúc móng trụ thời Lê sơ ở phía Đông điện Kính Thiên (Nguồn: Bùi Minh Trí)

Chân tảng đá kê cột thời Lê sơ tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long(Nguồn: Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc).
Để có cơ sở khoa học trong việc nghiên cứu tổng thể không gian điện Kính Thiên, đặc biệt là nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, từ năm 2011 cho đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh khu vực điện Kính Thiên.
Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học trong 10 năm qua đã đưa ra ánh sáng nhiều phát hiện mới rất có giá trị, cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu giải mã về không gian điện Kính Thiên và hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện trong Cấm thành Thăng Long (Tống Trung Tín, 2022).
Sử sách và các tư liệu thành văn ghi chép về việc xây dựng kiến trúc cung điện của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ dường như cực kỳ hiếm hoi và không rõ ràng. Do đó, nguồn tư liệu khảo cổ học nêu trên được đánh giá là quan trọng nhất và là cơ sở khoa học tin cậy nhất trong việc nghiên cứu giải mã về kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.
Dưới ánh sáng của các nguồn tư liệu này, kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long đang từng bước được hồi sinh với khoa học, qua những nghiên cứu học thuật nhằm hướng tới giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc.

Kiến trúc đấu củng ở Bắc Việt Nam – 1: Chùa Búi Kê (Hà Nội); 2: Chùa Keo (Thái Bình); 3: Đình Tây Đằng (Hà Nội)(Nguồn: Viện Bảo tồn di tích, 2017 (1,2) ; Viện Nghiên cứu Kinh Thành(3).
Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc – Tức là nghiên cứu giải mã về phong cách kiến trúc. Và phương pháp tiếp cận mang tính nền tảng đối với trường hợp điện Kính Thiên là nghiên cứu phân tích các nguồn tư liệu khảo cổ học đào được tại di tích, kết hợp với tư liệu sử học và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc truyền thống hiện còn và kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.
Trong phương pháp nghiên cứu này, điều quan trọng hàng đầu là phải nghiên cứu giải tích về mặt bằng nền móng, về bộ khung giá đỡ mái và bộ mái của công trình. Hay nói cách khác là phải nghiên cứu giải mã về loại hình kiến trúc và kết cấu của bộ khung kiến trúc, dựa trên nghiên cứu kết cấu nền móng (hay mặt bằng kiến trúc) và các loại vật liệu, các loại cấu kiện gỗ liên quan đến kiến trúc, trên cơ sở đó mới có thể có được những hiểu biết về đặc trưng hay phong cách kiến trúc.
Dựa trên tư liệu hình vẽ, mô hình và kết quả nghiên cứu phân tích loại hình, chức năng các loại cấu kiện gỗ, các loại ngói lợp mái đào được tại di tích, kết hợp nghiên cứu so sánh với kiến trúc truyền thống hiện còn ở Bắc Việt Nam ngày nay và kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nhất là kiến trúc cung điện thời Minh sơ qua tư liệu Doanh tạo pháp thức và qua khảo cứu thực tế tại các di tích cung điện cổ ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokung (Hàn Quốc) và Nara (Heijo – Nhật Bản),… bài viết này sẽ bước đầu công bố kết quả nghiên cứu giải mã và phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ qua trường hợp điện Kính Thiên. Đây cũng là cơ sở cho định hướng nghiên cứu học thuật mang tính quốc tế về lịch sử kiến trúc cung điện Việt Nam trong bối cảnh lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Hình ảnh kiến trúc đấu củng có 2 tầng mái vẽ trên đồ gốm Việt Nam xuất khẩu, thời Lê sơ, thế kỷ 15 (Nguồn: Bùi Minh Trí)
1. Cấu kiện gỗ và giải tích về hệ khung giá đỡ mái
Hoàng thành Thăng Long là khu di tích khảo cổ học nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Khu di tích này được khai quật với quy mô lớn vào các năm 2002-2004, 2008-2009, 2012-2014 bao gồm các địa điểm: 18 Hoàng Diệu, Khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, 62-64 Trần Phú. Kết quả khai quật đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc gỗ cùng nhiều loại hình di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau rất phức tạp, từ thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng (từ thế kỷ 7-9 đến thế kỷ 17-18).
Đây là những phát hiện rất quan trọng, minh chứng sinh động lịch sử tồn tại liên tiếp, lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua hơn một ngàn năm lịch sử (Bùi Minh Trí – Tống Trung Tín, 2010; Bùi Minh Trí, 2016). Từ phát hiện quan trọng của khảo cổ học, năm 2010, khu di tích đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Các loại bình áng và đầu gỗ thời Lê sơ tìm thấy tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Nguồn: Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc )
Các phát hiện của khảo cổ học dưới lòng đất cho biết chắc chắn rằng, kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ, có bộ khung chịu lực bằng gỗ, và bộ mái của công trình đều được lợp bằng các loại ngói rất đặc trưng (Bùi Minh Trí – Tống Trung Tín, 2010; Bùi Minh Trí, 2016).
Tại di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực điện Kính Thiên, bên cạnh các dấu tích nền móng kiến trúc thời Lê sơ được gia cố vững chắc bằng gạch và ngói vỡ, các cuộc khai quật đã tìm thấy khá nhiều chân tảng đá kê cột gỗ của công trình (xem Hình 3-4).
Các chân tảng đá này tuy có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng đều được làm từ đá vôi màu trắng đục và có hình dáng khá thống nhất. Đó là loại chân tảng không trang trí hoa văn, đế có khối hình vuông, thân tạo khối tròn hình thang, nhô cao hơn mặt hình vuông trung bình khoảng từ 5-8cm, mặt tạo phẳng. Dựa vào đặc điểm này có thể biết rằng, đây là loại chân tảng kê đỡ các cột gỗ tròn.
Hay nói cách khác, cột gỗ của các công trình kiến trúc cung điện thời Lê sơ đều phổ biến là loại cột tròn. Chân tảng ở đây có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau, loại nhỏ có đường kính mặt từ 38-48cm, loại lớn có đường kính mặt từ 50-60cm, ngoài ra còn có loại lớn hơn có đường kính mặt trên 70cm, nhưng rất hiếm.
Dựa vào kích thước này có thể suy đoán rằng, loại chân tảng nhỏ dùng kê đỡ chân cột ở hàng hiên và cột hiên có đường kính trung bình khoảng từ 36-46cm; loại lớn dùng kê các cột gỗ ở trong lòng nhà hay còn gọi là cột cái và các cột này có đường kính trung bình khoảng từ 48-58cm.

Nghiên cứu phục dựng kết cấu đấu củng thời Lê sơ dựa trên tư liệu cấu kiến gỗ đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long(Nguồn: Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc)