
Bà Trần Thị Thanh Kiêm là cô gái trong bức ảnh lịch sử bảo vệ đường ống xăng dầu huyền thoại ở Trường Sơn. Chuyện tình của người phụ nữ này cũng được ví như cổ tích giữa đời thường.
"Em ngước nhìn anh mỉm cười vui vẻTrong nụ cười thấp thoáng những đoàn xe
Cửa kính nhấp nhô đường về quê mẹ
Giản dị thế thôi ước mơ tuổi trẻ
Vác ống nối liền miền Bắc, miền Nam".
Nâng niu trên tay tấm ảnh đi vào lịch sử về đường ống xăng dầu huyền thoại ở Trường Sơn, bà Trần Thị Thanh Kiêm (ở Văn Giang, Hưng Yên) chậm rãi đọc từng vần thơ người bạn đời dành tặng 50 năm trước. Những dòng thơ nắn nót viết sau tấm ảnh mực đã nhòe theo năm tháng.
Ngắm nhìn tấm ảnh mà mình là một trong 2 nhân vật chính, bao ký ức về một thời mưa bom bão đạn, tham gia lực lượng bảo vệ đường ống bí mật chi viện cho miền Nam, một thời hòa mình vào thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và bất ngờ gặp được mảnh ghép tình yêu… lại ùa về trong tâm trí nữ chiến sĩ Trường Sơn.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Thanh Kiêm (72 tuổi) cho biết, tuyến đường ống xăng dầu dài hàng nghìn ki-lô-mét là một trong những kỳ tích của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi thống nhất đất nước 30/4/1975.
Năm 1971, từ quê hương Hưng Hà, Thái Bình, bà Kiêm xung phong đi bộ đội. Sau mấy tháng tham gia huấn luyện tại Mạo Khê, Quảng Ninh, bà được phân công về Trung đoàn đường ống xăng dầu 592, Bộ đội Trường Sơn.
Trung đoàn 592 là một trong hai trung đoàn đường ống xăng dầu đầu tiên được thành lập nhằm xây dựng, bảo dưỡng các tuyến đường ống, kho chứa, bể chứa nhiên liệu xăng dầu. Hệ thống đường ống được đặt mật danh và vận hành bí mật nhằm tránh sự phát hiện, đánh phá của kẻ địch.

Trong các loại hàng hóa, vũ khí chi viện cho miền Nam, xăng dầu đóng vai trò quan trọng. Ngày ấy, ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Yêu xe như con, quý xăng như máu".
Để vận chuyển nguồn nhiên liệu sống còn này, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu bí mật được xây dựng khoảng trên 5.000km chạy từ biên giới Việt - Trung, dọc ngang Trường Sơn về tới Đông Nam Bộ.
"Hệ thống đường ống sau này khiến người Mỹ sửng sốt và được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhận định rằng: "Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó", bà Thanh Kiêm chia sẻ.
Ngoài cùng đồng đội bảo đảm thông suốt, an toàn tuyến vận chuyển xăng dầu vào Nam, bà Kiêm còn thực hiện các nhiệm vụ khác cấp trên giao phó như làm y tá, nuôi quân, trực tổng đài thông tin…

Bức ảnh "Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn" của tác giả Vương Khánh Hồng.
Kể về cơ duyên trở thành nhân vật trong bức ảnh tiêu biểu cho lực lượng xăng dầu trong chiến tranh chống Mỹ, được trưng bày ở một số bảo tàng, triển lãm, in trên nhiều bìa sách lịch sử, bà Kiêm cho biết, bức ảnh được chụp vào năm 1973.
Vị trí trong bức ảnh là ven bờ sông Sê Pôn - đoạn qua tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào. Đơn vị của bà Kiêm khi ấy đóng quân tại khu vực này để bảo đảm thông suốt, an toàn tuyến vận chuyển xăng dầu vào Nam.
Một chiều cuối năm, bà Kiêm và bạn được cấp trên phân công vận chuyển vật tư khắc phục sự cố một đoạn đường ống bị hư hỏng. Bà Kiêm vác cút ngoàm (thiết bị kết nối các đầu ống) còn đồng đội vác đường ống dài khoảng 6m. Cả hai vừa đi từ dưới bờ sông lên, vừa tươi cười trò chuyện thì nghe thấy tiếng gọi của phóng viên chiến trường: "Này hai em gái cho anh chụp bức ảnh nhé" nên vui vẻ đồng ý.

"Lần đầu tiên nhìn thấy máy ảnh, lại ở giữa chiến trường, chúng tôi vừa bất ngờ, vừa vui nên nhắn anh phóng viên: Nhớ gửi tặng chúng em mỗi người một tấm nhé!", bà Kiêm nhớ lại.
Mãi sau này, khi tấm ảnh được đăng trên Báo Trường Sơn, bà Kiêm mới biết người chụp ảnh cho mình là nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Vương Khánh Hồng. Bức ảnh được đặt tên là "Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn".
Trong khung cảnh tan hoang, cỏ cây cháy rụi, gần đó một thân cây lớn mất ngọn, chỉ còn trơ cành khô, bầu trời vần vũ những đám mây là hai cô gái tươi cười tiến về phía trước. Bức ảnh vừa thi vị nhưng cũng phản ánh rõ hiện thực tàn khốc của chiến tranh.
Trong bối cảnh phải bảo đảm tuyệt mật về đường ống dẫn xăng dầu, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp của người chiến sĩ xăng dầu ngay tại chiến trường ác liệt và lan tỏa tinh thần chiến đấu hết lòng vì miền Nam ruột thịt.
"Công việc bảo vệ đường ống xăng dầu vất vả, bức ảnh không nói lên tất cả nhưng cho thấy được tinh thần giữa cuộc chiến. Mỗi lần nhìn lại bức ảnh, tôi lại thêm nhớ đồng đội, nhớ những năm tháng đã qua", bà Kiêm kể.
Nữ chiến sĩ Trường Sơn chia sẻ về nỗi cực nhọc những ngày hành quân, vác quân tư trang, vật tư nặng trĩu trên vai trọng lượng tương đương trọng lượng cơ thể vượt núi cao, sông sâu; những bữa nhịn đói xuyên rừng không thể nấu cơm vì máy bay địch trinh sát, những lần chiến đấu với vắt rừng, sốt rét, khí hậu khắc nghiệt…
Nhưng với bà Kiêm, tất cả không là gì bởi trong lòng luôn giữ vững niềm tin về ngày chiến thắng. Điều bà xót xa nhất đó là không ít đồng đội không thể trở về quê hương, hi sinh ở độ tuổi đẹp nhất của đời người.

Bà Kiêm không thể nào quên ngày ám ảnh nhất khi ở chiến trường - ngày 28/1/1973 - một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, ai cũng nghĩ Mỹ sẽ ngừng ném bom. Cả đơn vị đang cùng nhau chuẩn bị đón một cái Tết giản dị thì Mỹ bất ngờ dội bom, tấn công xuống nơi trú quân của đơn vị.
"Trong một ngày, địch bắn phá 2 trận, gần 20 chiến sĩ đã hi sinh, đa phần là các chị em. Nguyễn Thị Vy, đồng hương quê lúa của tôi ngã xuống khi đang điều trị cho bệnh nhân, đồng đội chỉ tìm lại được một cánh tay của Vy nhờ chiếc nhẫn hàng ngày cô ấy vẫn đeo.
Có người em gái nhỏ bé, 3 ngày sau mới tìm thấy xác bởi bị vùi trong chiếc xoong quân dụng. Em bị trúng bom khi đang chuẩn bị nấu bánh chuẩn bị cho đơn vị đón Tết Quý Sửu; lại có người hi sinh khi đang trực giữ tổ hợp thông tin…", bà Kiêm xúc động kể.
Ngày hôm ấy, bà cảm nhận rõ hơn sự khốc liệt của cuộc chiến, khoảng cách mong manh giữa sự sống và cái chết. Bà và một số đồng đội thoát nạn nhờ nán lại ăn tạm thanh lương khô trước khi vận chuyển thiết bị thông tin. Nếu nhanh hay chậm hơn một chút, có lẽ, chuyện xấu nhất đã xảy ra với bà.
Trước sự ra đi của đồng đội, cả đơn vị chỉ còn biết nén đau thương, biến nỗi đau thành hành động cách mạng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Bà Kiêm luôn tự nhận mình là người may mắn khi không chỉ lành lặn trở về mà từ trong nghịch cảnh bà đã gặp gỡ được một nửa định mệnh của đời mình, ông Trịnh Trung Tích, chiến sĩ thuộc Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn.
Ông Tích quê ở Hưng Yên, nhập ngũ năm 1968. Khi hành quân đến Quảng Bình, ông và nhiều chiến sĩ được bổ sung vào binh đoàn 12, Đoàn 559. Đơn vị của ông Tích cũng đảm nhiệm thi công, quản lý vận hành hàng trăm ki-lô-mét đường ống xăng dầu để cấp phát cho chiến dịch Đường 9-Nam Lào và vận chuyển xăng dầu vào Nam.

Bà Kiêm và ông Tích nhờ thế có cơ duyên gặp nhau. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng ông Trịnh Trung Tích vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ người bạn đời năm 1971. Lần ấy, sau khi cùng đội bơm xăng ngoài kho, ông Tích và 2 đồng đội thấy thủ trưởng dẫn theo 6 cô gái. Tình cờ đi qua nhau, các cô gái ngượng ngùng chào 3 anh bộ đội.
"Những người đi đầu chào rất nhỏ, nhưng riêng bà Kiêm thì dõng dạc: Em chào các anh! Các anh đi làm về ạ!, nên khiến tôi rất chú ý. Hồi ấy bà Kiêm khá cao ráo, gương mặt xinh xắn. Tôi nghĩ: Cô gái này được đấy!", ông Tích cười nhớ lại khoảnh khắc trái tim xốn xang khi thật lâu mới được nghe giọng con gái ngọt ngào giữa núi rừng.
Nhờ có giọng hát hay, bà Kiêm còn đảm nhận nhiệm vụ văn công, ca hát để phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội trong những tháng ngày chiến đấu cam go. Bà được mệnh danh là "Họa mi Trường Sơn", từng tham gia và giành giải cao trong những hội diễn toàn quân. Buổi tối hôm ấy, bà Kiêm cùng đồng đội tham gia buổi giao lưu với đơn vị ông Tích. Giọng hát ngọt ngào của cô gái quê lúa càng khiến ông Tích có cảm tình.

Ông Tích vốn thích văn nghệ, thường sáng tác các bài hát, viết thơ. Sở thích tương đồng, lại có cơ hội cùng tham gia tập luyện hội diễn của đơn vị nên tình cảm đôi bên dần nảy nở. Dẫu vậy, "chàng trai xứ nhãn" vẫn không dám thổ lộ tình cảm của mình quá sớm.
Sau một thời gian "trinh sát", một lần, ông Tích mới mạnh dạn nói: "Kiêm ơi, anh hỏi thật nhé, em đã có người yêu chưa?". Câu trả lời của bà Kiêm khiến ông Tích không giấu nổi niềm hạnh phúc, ý nhị cho biết về tình cảm của mình.
Ông Tích chia sẻ, tình cảm thời chiến giản dị, chỉ đơn thuần là yêu, là thương, là động viên nhau sống hết mình cho lý tưởng cách mạng. "Nhiệm vụ của lực lượng đường ống xăng dầu rất vất vả, với nam giới chúng tôi còn thấy nặng nhọc, huống chi bà Kiêm cùng các đồng đội lại là phận con gái, chân yếu tay mềm. Sinh tồn giữa núi rừng cũng không đơn giản, chị em phụ nữ còn trăm cái khó… Vậy mà ai cũng vượt lên mọi nỗi sợ hãi, hoàn thành nhiệm vụ", ông Tích chia sẻ.
Tình hình cuộc chiến cam go cộng thêm kỷ luật của đơn vị, cặp đôi chỉ kín đáo giữ những cảm xúc riêng tư. Yêu nhau hơn 4 năm trời nhưng họ chỉ ở gần nhau khoảng 2-3 tháng. Những ngày xa cách, cặp đôi gửi nhớ thương qua những cánh thư tay.
Tổng cộng cả hai đã gửi cho nhau hơn 200 bức thư. Trong mỗi bức thư, họ bày tỏ nỗi nhớ thương người kia, nhớ quê hương, kể cho nhau nghe chuyện chiến trường.
Đôi khi họ mượn những vần thơ để gửi gắm tình cảm, lý tưởng và động viên nhau: "Đất nước/ Của những người con gái con trai… Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt..." (trích thơ của nhà thơ Nam Hà). Một trong số các bức thư đó đã được ông bà tặng cho Bảo tàng Hưng Yên làm hiện vật trưng bày.

Qua những cánh thư, tình cảm cứ lớn dần, cả hai đã đồng hành cùng nhau đi qua cuộc chiến. Tháng 5/1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Tích và bà Kiêm xin về quê hương tổ chức đám cưới. Khi chia tay, cả hai được đơn vị in tặng một bức ảnh, đó chính là bức ảnh "Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn" với lời nhắn nhủ để cả hai góp vào ảnh cưới.
Ông Tích nắn nót viết lên 4 câu thơ dành tặng người bạn đời rồi ép lại giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua. Sau này, khi công nghệ in ảnh phát triển, bà Kiêm còn phóng to bức ảnh, in làm nhiều bản treo trang trọng trong nhà mình và nhà của 3 người con, tặng nhà văn hóa thôn nơi bà sinh sống.
"Qua bức ảnh, tôi mong muốn con cháu của mình nói riêng và thế hệ đi sau hiểu hơn về ý nghĩa của hòa bình và mãi mãi ghi nhớ công ơn của những bậc cha anh đã đổ biết bao xương máu, hi sinh tính mạng để đem lại cuộc sống ngày hôm nay", bà Kiêm nhắn nhủ.
Năm 1987, bà Trần Thị Thanh Khiêm được trao tặng Huy chương kháng chiến Hạng Nhì, ông Trịnh Trung Tích được trao tặng Huy chương kháng chiến Hạng Nhất vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.