
Giữa khói lửa chiến tranh, để bảo toàn tính mạng cho hơn 3 vạn học sinh, cuộc trường chinh K8 thần tốc trở thành mốc son chói lọi với sứ mệnh giữ giống nòi mai sau.
Vĩ tuyến 17, bờ Hiền Lương, sông Bến Hải – những địa danh của vùng đất Vĩnh Linh anh hùng theo năm tháng chiến tranh đã đi vào lịch sử. Cũng tại tọa độ từng bị giày xéo bởi bom đạn tàn khốc này, một chiến dịch sơ tán diễn ra cách đây gần 6 thập kỷ đã mở ra cơ hội sống sót của hơn 3 vạn học sinh. Để hôm nay, khi nhìn lại, ai nấy đều rưng rưng niềm xúc động về một thời bi thương nhưng rất đỗi hào hùng.
Cuộc trường chinh “có một không hai”
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (năm 1954), vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Song, với dã tâm âm mưu xâm lược, đế quốc Mỹ đã biến sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) thành cột mốc chia cắt dải đất hình chữ S.
Đầu năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu oanh tạc khi trút những trận bom tàn khốc xuống Vĩnh Linh. Từ một vùng quê yên ả, xóm làng bỗng chốc lâm cảnh xác xơ, hàng nghìn đồng bào oằn mình giành giật mạng sống từng giây từng phút dưới mưa bom bão đạn.
Và để bảo toàn tính mạng, quân và dân Vĩnh Linh đã đào hàng trăm địa đạo, dựng hầm tránh trú xuyên sâu vào lòng đất. Ấy nhưng, hàng vạn con em đang ở tuổi ăn tuổi lớn của vùng đất lửa không thể ngày qua ngày theo chân cha anh xuống ẩn nấp trong các căn hầm với không gian chật chội. Trước tình hình đầy cam go với sứ mệnh bảo toàn tính mạng cho các mầm non tương lai của đất nước, Trung ương Đảng quyết định sơ tán hơn 3 vạn thiếu nhi Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc.

Cuộc trường chinh K8 thần tốc trở thành mốc son chói lọi với sứ mệnh giữ giống nòi mai sau.
Lúc bấy giờ, Trung ương đã lập ra một ban chuyên trách về chiến dịch gọi là Ban K8 do Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Trần Hữu Dực làm trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc đặc trách chiến dịch. Trên hành trình của cuộc di dân này, tại các tỉnh từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình... đều có ban chuyên trách riêng để tiếp nhận, giúp đỡ các em.
Từ tháng 8/1966 đến cuối năm 1967, hơn 3 vạn học sinh Vĩnh Linh và các vùng Gio Linh, Cam Lộ đang sơ tán tại Vĩnh Linh được đưa ra các tỉnh miền Bắc, về sống nhờ trong các hộ gia đình. Các em được đến trường, học hành cho đến năm 1973, khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng mới về lại quê hương.
Năm nay đã ngoài tuổi bát thập cổ lai hy, song khi nhắc về cuộc trường chinh K8 – mốc son chói lọi của quân và dân ta, ông Dương Ngọc Trai (SN 1943, một người con của quê hương Vĩnh Linh) vẫn có thể kể vanh vách. Với ông, câu chuyện đi vào lịch sử như mới diễn ra ngày hôm qua.
Trong tâm trí ông Trai, những ngày tháng gian lao nhưng đầy khí phách ấy không hề phai nhạt theo thời gian. Nhắc đến K8, ông có thể kể chi tiết từng sự kiện, từng chặng đường mà đồng đội và bản thân đã đi qua. Đó không chỉ là ký ức cá nhân, mà còn là câu chuyện chung của cả một thế hệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Với giọng kể trầm ấm và đôi mắt ánh lên niềm tự hào, ông như làm sống lại ngày tháng lịch sử. Những trải nghiệm ấy không chỉ là bài học về lòng yêu nước, mà còn là nguồn động viên để thế hệ trẻ hôm nay thêm trân trọng quá khứ, tiếp bước cha anh dựng xây quê hương.
Ông Dương Ngọc Trai nhớ như in, buổi sáng tháng 6/1966, ông đến Ty Giáo dục Vĩnh Linh, lúc đó đặt tại chiếc lán hầm ở thôn Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tham gia đội liên ngành thực hiện chiến dịch K8 – một nhiệm vụ hết sức tối mật, không được lộ ra ngoài. Dù không biết trước thử thách đang chờ đợi, ông vẫn sẵn sàng nhận lệnh, ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Những ngày sau đó, ông cùng đồng đội bước vào một hành trình đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào. Mang mật danh trạm 31B, Đội công tác liên ngành trạm K8 Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ quan trọng là tổ chức và triển khai kế hoạch sơ tán học sinh trên tuyến đường từ Vĩnh Linh đến Võ Xá (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Cầu Hiền Lương - "chứng nhân" lịch sử.
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, việc đảm bảo an toàn cho học sinh là ưu tiên hàng đầu. Mọi hoạt động đều diễn ra bí mật, chặt chẽ, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng. Hành trình sơ tán đầy gian truân, nhưng với lòng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, các thành viên trạm 31B đã đưa nhiều thế hệ học sinh vượt qua bom đạn, đến nơi an toàn, tiếp tục con đường học tập. Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh cao cả, góp phần giữ vững tương lai của đất nước trong thời khắc cam go.
Theo ông Trai, những buổi đầu chiến dịch, trạm K8 Vĩnh Linh được đặt tại thôn Thủy Trung (xã Vĩnh Trung) - nơi có địa hình thuận lợi cho việc tập kết học sinh trước khi sơ tán. Tuy nhiên, nếu vào mùa mưa, con đường trở nên trơn trượt khiến xe ô tô di chuyển khó khăn hơn. Để đảm bảo an toàn và thuận lợi hơn cho công tác vận chuyển, đầu tháng 8/1967, trạm được chuyển về thôn Mỹ Tú (xã Vĩnh Tú) và duy trì tại đây cho đến khi chuyến xe cuối cùng chở học sinh Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Linh rời địa bàn.
Ngoài ra, trạm K8 còn tổ chức nhiều điểm tập kết khác để đón học sinh từ các vùng lân cận. Thôn Thượng Hòa (xã Vĩnh Long) được chọn làm nơi tập kết cho học sinh vùng Lâm-Sơn-Thủy và xã Vĩnh Long; trong khi thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp là điểm tập kết của học sinh Trường Thanh niên Dân tộc. Những địa điểm này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều phối kế hoạch sơ tán, góp phần đảm bảo an toàn cho thế hệ trẻ giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Nhà giáo ưu tú Dương Ngọc Trai bên gia đình.
“Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, mọi thông tin về chuyến đi chỉ được thông báo trước chưa đầy một ngày. Các xã lập danh sách học sinh, sau đó tập trung về các huyện, thị xã để chờ lệnh di chuyển. Kế hoạch không thực hiện đồng loạt, mà chỉ triển khai khi địch tạm ngừng ném bom. Nhiều gia đình chỉ biết con mình sẽ đi sơ tán vào tối hôm trước ngày khởi hành, và danh sách học sinh cũng được giữ kín đến phút cuối cùng. Mỗi xe được bố trí 1 cán bộ hộ tống từ lực lượng dân quân, 1 y tá kiêm bảo mẫu, cùng 1-2 giáo viên để chăm sóc các em. Trung bình, mỗi chuyến xe chở khoảng 40 học sinh và cán bộ. Nhờ sự tổ chức chặt chẽ và bí mật, chiến dịch sơ tán đã đảm bảo an toàn cho hàng nghìn học sinh giữa bom đạn chiến tranh” – ông Trai hồi tưởng.
Trạm K8 Vĩnh Linh đảm nhận ba nhiệm vụ quan trọng cùng lúc để tổ chức sơ tán học sinh an toàn. Đầu tiên, một tổ công tác được cử về các xã để kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị cho học sinh lên đường. Đồng thời, hai cán bộ thực hiện nhiệm vụ khảo sát, theo dõi tình hình trên tuyến đường dài khoảng 50km từ Vĩnh Linh đến trạm Võ Xá (Quảng Bình).
Ngoài ra, trạm bố trí hai cán bộ đi tiền trạm, xuất phát trước đoàn xe khoảng một giờ để kiểm tra lộ trình. Nếu phát hiện nguy hiểm hoặc chướng ngại vật, xe tiền trạm lập tức quay lại báo tin, giúp đoàn xe K8 kịp thời điều chỉnh, tránh tổn thất. Khi đến nơi an toàn, nhóm này thực hiện kiểm kê, lập biên bản bàn giao số lượng học sinh cho trạm Võ Xá, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra chính xác, hiệu quả.
Hành trình sơ tán diễn ra trong muôn vàn gian khó, thử thách ý chí của cả thầy trò lẫn lực lượng hộ tống. Học sinh được sắp xếp theo từng nhóm tuổi, nhưng chỉ một số đoạn đường có xe trung chuyển, còn lại nhiều em phải đi bộ hàng trăm cây số.
Trên suốt chặng đường, các đoàn không ít lần phải liều mình băng qua những khu vực bom rơi, lửa cháy. Để tránh sự chú ý của địch, nhiều chuyến đi buộc phải xuất phát trong đêm, lặng lẽ rời làng quê dưới ánh trăng mờ. Cứ thế, thầy cô, bảo mẫu và các em nhỏ kiên trì sơ tán, đêm đi ngày nghỉ, hoặc tranh thủ lúc bom ngừng để tiếp tục hành trình. Hầu hết đều phải đi bộ, thức ăn chủ yếu là lương khô, cơm nắm, nước uống đựng trong ống bương mang theo. Những đôi chân bé nhỏ đã băng rừng, lội suối, trèo đèo, vượt hàng trăm cây số đầy gian khổ để đến miền Bắc an toàn, mang theo niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng giữa chiến tranh khốc liệt.
“Đến giờ ngẫm lại mới thấy mọi chuyện quá bi hùng. Nếu chỉ tính trong giai đoạn lịch sử hiện đại, chưa bao giờ có cuộc chiến tranh nào mà toàn bộ người dân phải rời bỏ ‘quê cha, đất tổ’, tìm đến nơi khác để duy trì sự sống. Vậy mà, nhờ ý chí quật cường, người Vĩnh Linh đã vượt qua”, ông Trai xúc động và chia sẻ rằng, bên cạnh bom đạn, khó khăn lớn nhất của chiến dịch K8 là nỗi đau chia ly.
Nhiều em còn quá nhỏ để rời xa vòng tay cha mẹ, trong khi gia đình cũng chẳng nỡ rời con thơ. Nhưng trước hiểm nguy của chiến tranh, họ buộc phải gạt nước mắt, chấp nhận chia xa để bảo vệ tương lai cho con cái. Dù đau đớn, ai cũng hiểu rằng nếu ở lại, cả gia đình có thể đối mặt với cái chết. Đó là những cuộc chia tay nghẹn ngào giữa thời khắc sinh tử.

Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử tiêu biểu nằm trong cụm di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh”.
Cũng với lời hẹn “đi để được gặp Bác Hồ”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ý (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh) cùng với nhiều trẻ em khác được đưa ra Bắc theo “kế hoạch K8”.
Theo thầy Ý, tháng 8/1967, năm ấy ông chừng 11 tuổi, cùng em gái được bố mẹ gọi dậy lúc đêm khuya. Sau đó, hai anh em được bố mẹ đưa cho chiếc gùi, bên trong chỉ có vài bộ quần áo cùng một chiếc ống tre đựng nước với lời dặn: “Đây là hành trang để ra miền Bắc học tập và gặp Bác Hồ nghe con”.
Dứt câu, cha dắt hai anh em đến điểm tập kết, đi dọc các hào, men theo các lối tắt để tránh bị địch phát hiện. Ra đến nơi tập trung, thầy Ý choáng ngợp vì thấy quá nhiều người.
“Một vài bạn trong đó khóc lớn, mẹ con ôm nhau không rời. Khi ấy, tôi mới biết là mình sắp sửa đi sơ tán…Chỉ cần ngừng ném bom là chúng tôi đi. Đoàn tôi đi suốt hàng tháng trời, hầu hết là đi vào ban đêm. Ban ngày, chúng tôi sẽ nghỉ ngơi để lấy sức chờ tối đi tiếp. Đến một số đoạn an toàn, chúng tôi được leo lên xe. Đèn xe có khi tắt tối om để đánh lừa máy bay của địch. Trên xe bít bùng, chúng tôi đồng thanh hát vang. Hát để quên đi những ác liệt của chiến tranh”, thầy Ý nhớ lại.
Ban đầu, thầy Nguyễn Ngọc Ý tập kết ở xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Theo phân công, toàn bộ con em xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Linh) sẽ cùng ở tại xã Yên Thành. Chưa đầy 1 tháng sau, thầy được sơ tán về xã Yên Nghĩa.

Thầy Nguyễn Ngọc Ý bồi hồi mỗi khi nhắc về chiến dịch K8.
“Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người người đông đúc chen chân ở sân kho của xã. Tất cả mọi người được tập hợp lại, các ông bà và cháu nhỏ đều được phát mỗi người nửa chiếc bánh trung thu và 2 múi bưởi. Đây là quà nhân dịp rằm Trung Thu. Tôi vui sướng ăn từng miếng một…Ngay sau đó, đến mục nhận gia đình, ai ai cũng hồi hộp và mong chờ xem mình được về nhà nào. Người dân địa phương cũng trông ngóng và tò mò không biết mình được nuôi bé trai hay bé gái. Một gia đình đến đón tôi, hai ông bà già ôm tôi vào lòng và vỗ về “từ nay, con đến ở với ông bà nhé…”, thầy Ý bồi hồi kể.