

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Chiến tranh Việt Nam đã để lại vết sẹo cho cả một thế hệ lính Mỹ, nhưng giống như nhiều trường hợp khác, ông Searcy đã quay trở lại chiến trường xưa
5 giờ trước
Là một nhà phân tích tình báo trẻ của Mỹ tại Sài Gòn trong Chiến tranh Việt Nam, ông Chuck Searcy nói với hãng tin Reuters rằng ông chưa từng nghĩ rằng 50 năm sau ông lại sống ở một Việt Nam ******** và giúp đỡ người dân trong một cuộc chiến khác – loại bỏ bom mìn chưa nổ.
Chiến tranh Việt Nam đã để lại vết sẹo cho cả một thế hệ lính Mỹ, nhưng giống như nhiều trường hợp khác, ông Searcy đã quay trở lại chiến trường xưa và tận mắt nhìn thấy hai cựu thù dần xích lại gần nhau.
Ông Searcy, 81 tuổi, đang sống ở miền Bắc Việt Nam trong dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh và "Ngày Thống nhất".
Nhưng ông vẫn nhớ rõ lời tiên đoán của một người lính Việt Nam Cộng hòa ông đã gặp vào thập niên 1960 tại Sài Gòn.
"Chừng nào các ông [tức người Mỹ] còn chưa rời khỏi đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ có hòa bình," ông Searcy nhớ lại lời người lính VNCH.
Ông Searcy từ chối tiết lộ tên người lính ấy, nhưng vẫn không khỏi kinh ngạc rằng dù là đồng minh của Mỹ, người lính ấy vẫn tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất được đa số người dân kính trọng và có khả năng mang lại hòa bình.
Chiến tranh Việt Nam kéo dài hai thập kỷ và đã khiến gần 60.000 người Mỹ thiệt mạng – phần lớn là lính trẻ bị gọi nhập ngũ. Khoảng ba triệu người Việt Nam từ cả hai phía đã thiệt mạng trong cuộc chiến mà chính quyền Việt Nam gọi là "cuộc kháng chiến chống Mỹ".
Số người Việt còn mang ký ức chiến tranh ngày càng suy giảm. Độ tuổi trung vị ở Việt Nam hiện nay là dưới 35, và giới trẻ, khi nghĩ tới xung đột với Mỹ, có lẽ sẽ nghĩ tới chiến tranh thương mại nhiều hơn.
Thanh niên Việt Nam chen chúc trong các quán Starbucks trên khắp cả nước, trong khi người tiêu dùng Mỹ mua hàng hóa "Sản xuất tại Việt Nam" – qua đó góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh tại đây.
Hai cựu thù nay đã trở thành đối tác kinh tế thân thiết, với các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple, Nike và Intel đặt các cơ sở sản xuất lớn tại Việt Nam.
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Sau khi trực tiếp trải nghiệm những sự kiện nổi bật của cuộc chiến, chẳng hạn như Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, ông Searcy đã rời quân ngũ và trở về Mỹ trong một khoảng thời gian.Ông ở thành phố Atlanta khi xem trên tivi cảnh Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30/4/1975 và hình ảnh những chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời Sài Gòn.
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng rằng mọi chuyện đã kết thúc sau bao nhiêu đau khổ," ông Searcy nói.
Vào thời điểm đó, ông Searcy kiên quyết đứng về phe phản chiến, thừa nhận rằng sự vui mừng của mình khi chiến tranh kết thúc "hòa lẫn với mối lo ngại lớn" về những bạn bè người Việt đã ủng hộ quân đội Mỹ và có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Hơn 1 triệu người Việt đã rời bỏ đất nước sau khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, kỳ vọng rằng mọi chuyện sắp thay đổi, ông Searcy quay lại Việt Nam 20 năm sau đó với một dự án phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật do bệnh bại liệt và các bệnh khác gây ra.
Theo ông Searcy, lúc bấy giờ là ngay sau khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam vào năm 1994, mang lại hy vọng hai nước bình thường hóa quan hệ tới cho người dân.
Kể từ đó, ông Searcy ở lại Việt Nam. Sau này ông đồng sáng lập Dự án RENEW, tổ chức giúp đỡ những người bị thương nặng do bom mìn và triển khai các đội rà phá bom mìn để rà phá số lượng lớn vật liệu chưa nổ trong số 5-8 triệu tấn bom đạn mà Mỹ đã ném xuống trong thời chiến.
Ông vẫn ấn tượng trước sự kiên cường và chủ nghĩa thực dụng của người dân Việt, kể cả trong bối cảnh hiện tại khi họ phải đối mặt với mối đe dọa từ các mức thuế nặng nề của chính quyền Trump - điều có thể làm suy yếu mô hình tăng trưởng của đất nước.
"Chúng tôi [Mỹ] vẫn đang gây ra rất nhiều khó khăn cho người Việt," ông Searcy nhận định.