Cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bị cách tất cả chức vụ, Đảng đang mạnh tay hơn?

Trương Hòa Bình

Nguồn hình ảnh,BBC/GettyImages
23 phút trước
Ông Trương Hòa Bình, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Phó Thủ tướng Thường trực, đã bị Trung ương Đảng cách tất cả chức vụ trong Đảng trong kỳ họp Trung ương lần 11. Điều này cho thấy Đảng đang mạnh tay hơn trong việc xử lý cựu cán bộ vi phạm.
Trước đó ngày 4/4, truyền thông Việt Nam đưa tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật ông Trương Hòa Bình, và ngay buổi chiều cùng ngày, Bộ Chính trị đã quyết định mức kỷ luật sẽ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét.
Theo Bộ Chính trị, trong thời gian giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Điều đáng chú ý là chỉ mới vào tháng 12/2024, ông Bình đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do một số vi phạm khi đương chức.
Dựa vào thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và của Bộ Chính trị về những vi phạm của ông Bình, cùng với mức kỷ luật cách chức, có thể nhận thấy rằng dù cùng các vi phạm cũ nhưng tính chất đã được xác định ở một mức độ cao hơn.

Từ 'nghiêm trọng' đến 'rất nghiêm trọng'​

Ở lần kỷ luật vào tháng 12/2024, Bộ Chính trị cho biết ông Trương Hòa Bình, trong thời gian tại chức, cũng với những lý do như lần này, nhưng vi phạm của ông Bình được Bộ Chính trị đánh giá là "gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước".
Với những điều đó, ông này đã phải chịu mức kỷ luật cảnh cáo thời điểm đó.
Cảnh cáo, và mức nhẹ hơn là khiển trách, thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, trong khi quyền kỷ luật ở các mức cao hơn là cách chức và khai trừ với các cán bộ cấp cao như ông Trương Hòa Bình thuộc về Ban chấp hành trung ương.
Lần này, cũng những vi phạm cũ, nhưng đã được xác định ở một mức độ cao hơn khi Bộ Chính trị nhận thấy vi phạm của ông Bình "gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước".
Từ "gây hậu quả nghiêm trọng" đến "gây hậu quả rất nghiêm trọng" đã dẫn đến sự khác biệt trong mức kỷ luật.
Hệ quả là ông Trương Hòa Bình chịu mức kỷ luật cách chức, cao hơn nhiều so với cảnh cáo.
Trương Hòa Bình

Nguồn hình ảnh,BBC/GettyImages

Vì sao phải cách chức người không còn chức vụ?​

Ủy viên Bộ Chính trị là một chức danh cán bộ cấp cao trong hệ thống của Đảng, do Ban chấp hành Trung ương bầu ra. Đây là những người nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính quyền như Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.
Ông Trương Hòa Bình, trong thời gian giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, cũng là người giữ vai trò phó thủ tướng thường trực của chính phủ.
Dù đã về hưu nhưng ông Trương Hòa Bình vẫn thuộc diện cán bộ do Bộ Chính trị quản lý.
Một khi các chức vụ trong Đảng không còn nữa đồng nghĩa các chức vụ trong chính quyền của ông như chức phó thủ tướng cũng sẽ bị xóa tư cách.
Điều này được thấy rất rõ trong trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương hai nhiệm kỳ 2007-2011 và 2011-2016.
Ông Hoàng, vào năm 2016, sau khi đã về hưu, đã bị Đảng cách chức nguyên bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Sau kỷ luật của Đảng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ra nghị quyết xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương của ông này.
Tiếp đến, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định kỷ luật với mức tương tự: xóa tư cách bộ trưởng.
Việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, người sau đó đã phải ra tòa, lãnh án tù, và bị khai trừ ra khỏi Đảng, đã mở ra một tiền lệ mới cho việc kỷ luật các quan chức đã về hưu.
Việc Đảng kỷ luật ông Trương Hòa Bình lần này khiến công chúng nhớ lại hình ảnh của ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy TP HCM.
Ông Lê Thanh Hải là người giữ chức bí thư thành ủy TP HCM hai nhiệm kỳ gồm 2005-2010 và 2010-2015.
Vào năm 2020, dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, ông Hải đã bị Ban chấp hành Trung ương kỷ luật với hình thức cách chức bí thư Thành ủy TP HCM giai đoạn 2010-2015 vì liên quan đến các sai phạm ở Thủ Thiêm.
Đến tháng 5/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhận định ông Hải đã có các vi phạm "rất nghiêm trọng" liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng như các dự án của AIC nên đề nghị kỷ luật.
Bộ Chính trị lúc bấy giờ đã quyết định đưa ra Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Hải.
Hai ngày sau, Trung ương Đảng đã cách toàn bộ các chức vụ trong đảng của ông này, đồng nghĩa với việc ông Hải trở thành một đảng viên bình thường.
Với ông Trương Hòa Bình, khi bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, ông sẽ không còn là ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Ban cán sự Đảng, chức vụ mà ông nắm giữ thời làm phó thủ tướng từ năm 2016 đến 2021.
Việc cách các chức vụ trong Đảng đồng nghĩa với việc các chế độ dành cho cán bộ cấp cao sau khi về hưu như bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ không còn nữa.

Chính phủ 'kiến tạo' đầy sóng gió của ông Phúc​

Lãnh đạo chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

Chiến dịch phòng, chống tham nhũng - thường được gọi là "đốt lò" - do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng vẫn được tiếp tục dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Với việc bị cảnh cáo trước đây, và cách chức lần này, ông Trương Hòa Bình là người cuối cùng còn sót lại trong bộ máy lãnh đạo chính phủ dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng chính thức bị kỷ luật.
Và trong dàn lãnh đạo chính phủ đó, ông Bình là người cho đến nay chịu mức kỷ luật cao nhất.
Khi nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc ra mắt toàn dân với năm phó thủ tướng gồm các ông Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng.
Đến nhiệm kỳ 2021-2026, có hai người về hưu và bốn người khác tiếp tục ở các cương vị khác nhau.
Ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế thủ tướng để lên làm chủ tịch nước. Tuy nhiên, đầu năm 2023, ông đã bị phế truất khỏi chức vụ này vì những vi phạm từ thời làm thủ tướng.
Ông Vương Đình Huệ cũng thăng lên hàng tứ trụ khi giữ chức chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, nhưng cũng đã bị Đảng "cho thôi" khi chưa hết nhiệm kỳ hồi tháng 4/2024.
Trong khi đó, ông Trịnh Đình Dũng dù đã về hưu từ năm 2021 nhưng đến đầu năm 2024 vẫn bị Bộ Chính trị kỷ luật "khiển trách".
Ông Vũ Đức Đam, người tiếp tục giữ chức phó thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, đã bị Đảng cho về nghỉ hưu vào tháng 12/2022.
Cùng số phận với ông Đam trong dịp này là ông Phạm Bình Minh, người đã được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và giữ chức phó thủ tướng thường trực trong chính phủ của ông Phạm Minh Chính.
Như vậy, trong dàn lãnh đạo chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ chỉ còn mỗi ông Trương Hòa Bình vẫn an toàn.
Đó là thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng còn giữ chức tổng bí thư.
Tháng 7/2024, ông Nguyễn Phú Trọng mất. Ông Tô Lâm được bầu làm người kế nhiệm, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng vào ngày 3/8/2024.
Chiến dịch chống tham nhũng lúc này vẫn được duy trì, dù bản thân từ "đốt lò" không còn được nhắc nữa, và ghi đậm dấu ấn của ông Tô Lâm bằng việc kỷ luật các đảng viên cấp cao nhất.
Ngày 21/11/2024, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, lúc này đã về hưu.
Đến ngày 13/12/2024, Bộ Chính trị đã cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc khi không còn giữ chức Chủ tịch nước nữa.
Cùng ngày với ông Phúc, ông Trương Hòa Bình nhận quyết định cảnh cáo.
Như vậy, toàn bộ dàn lãnh đạo chính phủ thời kỳ ông Nguyễn Xuân Phúc, từ thủ tướng đến các phó thủ tướng, đã không còn ai "hạ cánh an toàn".

Nhà thơ Trương Hòa Bình​

Ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955 tại tỉnh Long An. Theo thông tin từ trang Chinhphu.vn, ông là ủy viên Trung ương Đảng các khóa 10, 11, 12 và ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Đồng thời, ông cũng là đại biểu Quốc hội trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp, từ khóa 10 đến khóa 14.
Trong quá trình công tác, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng, trong đó có vai trò phó bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ và phó thủ tướng thường trực Chính phủ từ năm 2016.
Đến tháng 7/2021, ông chính thức thôi giữ chức phó thủ tướng thường trực và nghỉ hưu, sau khi bàn giao công việc cho ông Phạm Bình Minh.
Ông còn được biết đến là tác giả của hai tập thơ gồm Tiếng vọng hồn sông núi (2021) và Về với quê hương (2024), được giới truyền thông Việt Nam đánh giá là "dung dị và lãng mạn".
Khi về hưu, hình ảnh của ông vẫn thường xuất hiện trên truyền thông trong các sự kiện văn hóa, chính trị và được giới thiệu là "nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng thường trực".
Tuy nhiên, với mức kỷ luật mới này, ông hẵn sẽ ít xuất hiện trước công chúng hơn.
 

Có thể bạn quan tâm

Top