

Nguồn hình ảnh,Daniel A. Edwards
Chụp lại hình ảnh,Ông Charlie Hopkins bị kết án vào năm 1952 ở bang Florida vì dính líu vào một loạt vụ cướp và bắt cóc
5 giờ trước
Điều Charlie Hopkins nhớ nhất khi nghĩ tới ba năm sống trong một trong những nhà tù nổi tiếng nhất nước Mỹ là sự "tĩnh lặng chết chóc".
Năm 1955, sau khi gây rối ở các trại giam khác, ông Hopkins bị đưa tới Alcatraz – nhà tù nổi tiếng nằm trên một hòn đảo biệt lập ngoài khơi thành phố San Francisco, bang California – để tiếp tục chấp hành bản án 17 năm vì tội bắt cóc và cướp của.
Mỗi đêm nằm ngủ trong xà lim trên hòn đảo hẻo lánh, âm thanh duy nhất ông nghe được là tiếng còi tàu vọng lại từ xa.
"Âm thanh ấy thật cô đơn," ông Hopkins nói. "Nó làm tôi nhớ đến bài hát 'I'm So Lonesome I Could Cry' (Tôi cô đơn tới mức phát khóc) của Hank Williams.
Hiện đã 93 tuổi và đang sống ở thành phố Florida, ông Hopkins nói rằng Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại San Francisco đã nói với ông rằng ông có thể là cựu tù nhân Alcatraz cuối cùng còn sống.
BBC không thể độc lập xác minh thông tin này.
Trong buổi phỏng vấn với BBC vào tuần trước, ông Hopkins đã mô tả lại cuộc sống trong Alcatraz - nơi từng là bối cảnh của bộ phim The Rock (Pháo đài kiên cố) năm 1996. Ở đó, ông đã kết bạn với các dân giang hồ và từng tham gia lên kế hoạch cho một cuộc vượt ngục bất thành.
Dù Alcatraz đóng cửa đã vài thập kỷ, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã tuyên bố ông muốn mở lại cơ sở này để làm nhà tù liên bang.
Ông Hopkins nhớ lại, khi bị chuyển tới nhà tù an ninh nghiêm ngặt Alcatraz từ một trại giam ở Atlanta vào năm 1955, Alcatraz sạch sẽ nhưng rất trống trải.
Hầu như không có thứ gì để giải trí – thời ấy chưa có đài phát thanh, và sách thì rất ít, ông cho hay.
"Chả có gì để làm cả," ông nói. "Bạn có thể đi tới đi lui trong xà lim, hoặc chống đẩy."
Ông Hopkins giữ cho bản thân bận rộn bằng công việc lau dọn nhà tù Alcatraz, quét và đánh bóng sàn cho tới khi nó "sáng bóng", ông kể.
Ông bị kết án vào năm 1952 ở thành phố Jacksonville, bang Florida, vì dính líu vào một loạt vụ cướp và bắt cóc.
Theo lời ông Hopkins, ông từng là thành viên của một nhóm bắt giữ con tin để vượt qua các chốt kiểm soát và trộm xe hơi.

Nguồn hình ảnh,National Archive
Chụp lại hình ảnh,Charlie Hopkins bị giam ba năm tại Alcatraz sau khi gây ra rắc rối ở các nhà tù khác
Charlie Hopkins từng có những "người hàng xóm" khét tiếng tại Alcatraz. Trong suốt 30 năm hoạt động, nhà tù này từng giam giữ nhiều tội phạm bạo lực – trong đó có trùm mafia Al Capone; Robert Stroud, kẻ giết người được biết đến với biệt danh "Người chim Alcatraz'' (vì niềm thích thú với chim); và ông trùm tội phạm khét tiếng James "Whitey" Bulger. Những tù nhân này biến Alcatraz thành bối cảnh của hàng loạt bộ phim và chương trình truyền hình.
Là một hòn đảo rộng khoảng 89.000 m2, nằm cách bờ biển San Francisco khoảng 2km, bốn bề Alcatraz bao quanh bởi làn nước lạnh giá và dòng chảy xiết. Cơ sở này ban đầu là một pháo đài hải quân phòng thủ, tới đầu thế kỷ 20 thì được cải tạo thành nhà tù quân sự.
Đến thập niên 1930, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp quản và biến nơi này thành nhà tù liên bang để đối phó với tình trạng tội phạm có tổ chức tràn lan.
Dù Alcatraz là nhà tù an ninh cao, ông Hopkins kể rằng ông vẫn không ít lần gây ra rắc rối, và bị biệt giam nhiều ngày tại khu "D Block". Những tù nhân vi phạm kỷ luật sẽ bị giam ở đây và hầu như không được ra khỏi buồng.
Lần biệt giam dài nhất – kéo dài sáu tháng – là hậu quả của một âm mưu vượt ngục bất thành, theo lời ông kể.
Ông Hopkins đã tìm cách giúp một nhóm tù nhân, trong đó có kẻ cướp ngân hàng khét tiếng Forrest Tucker, vượt ngục bằng cách trộm những lưỡi cưa nhỏ từ xưởng điện của trại để cắt song sắt ở nhà bếp dưới tầng hầm.
Kế hoạch đổ bể khi lính canh phát hiện lưỡi cưa trong buồng giam của các tù nhân khác. "Vài ngày sau khi họ bị biệt giam thì tới lượt tôi," Hopkins kể.
Điều đó không làm ngăn cản được một tù nhân.
Vào năm 1956, ông Tucker kể với tờ New Yorker rằng khi được đưa đến bệnh viện để phẫu thuật thận, ông đã dùng bút chì đâm vào mắt cá chân mình để lính canh nhà tù phải tháo còng chân. Sau đó, khi được đưa đi chụp X-quang, ông Tucker đã khống chế các nhân viên y tế và bỏ trốn.
Vài giờ sau, ông Tucker bị tóm tại một cánh đồng ngô, trên người vẫn mặc áo choàng bệnh nhân.
Khi ngày càng nhiều tù nhân tìm cách đào tẩu khỏi Alcatraz, giới chức đã cho tăng cường an ninh, ông Hopkins kể.
"Khi tôi rời khỏi đó vào năm 1958, an ninh chặt đến mức ngộp thở," ông nói.
Tổng cộng đã có 14 vụ vượt ngục riêng biệt trong những năm qua, liên quan tới 36 tù nhân, theo Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ - một cơ quan thuộc của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ.
Một trong những vụ nổi tiếng nhất là vụ vượt ngục của Frank Morris và hai anh em Clarence và John Anglin vào tháng 6/1962. Họ đã đặt những chiếc đầu giả, làm bằng giấy bồi, trên giường để đánh lừa lính canh và trốn thoát qua các ống thông gió.
Lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy họ, nhưng Cục Điều tra Liên bang (FBI) kết luận rằng những tù nhân này đã chết đuối dưới vùng nước lạnh lẽo bao quanh hòn đảo.
Một năm sau, Alcatraz đóng cửa khi chính phủ Mỹ xác định rằng việc xây dựng các nhà tù mới sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc duy trì hoạt động của cơ sở trên hòn đảo xa xôi này.
Hiện tại, Alcatraz là một bảo tàng công thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, thu về khoảng 60 triệu USD doanh thu hàng năm cho các đối tác của công viên National Recreation Area - một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều công viên và di tích lịch sử xung quanh Vịnh San Francisco, trong đó có đảo Alcatraz.
Giờ đây, cơ sở này đã xuống cấp, tường bong tróc, đường ống hoen gỉ và nhà vệ sinh mục nát trong mỗi phòng giam chật hẹp.
Việc xây dựng những khu chính của Alcatraz bắt đầu vào năm 1907, và hơn một thế kỷ tiếp xúc với thiên nhiên đã khiến nơi này gần như không thể ở được.
Tuy nhiên, vào hôm 4/5, ông Trump tuyên bố muốn chính phủ của mình mở cửa trở lại và mở rộng nhà tù trên đảo cho "những tội phạm tàn nhẫn và bạo lực nhất" của đất nước.

Chụp lại hình ảnh,Một đoàn khách tham quan nhà tù Alcatraz
Ông Trump từng nói Alcatraz "tượng trưng cho thứ gì đó rất mạnh mẽ, rất quyền lực" thuộc về pháp luật và trật tự.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà sử học cho rằng đề xuất tái vận hành Alcatraz của ông Trump là điều khó xảy ra, vì chi phí sửa chữa và nâng cấp cho phù hợp với các cơ sở liên bang khác sẽ lên tới hàng tỷ đô la.
Ông Hopkins đồng tình, nói rằng "việc đó sẽ vô cùng tốn kém".
"Hồi ấy, hệ thống nước thải xả thẳng ra biển," ông nói thêm. "Họ sẽ phải tìm ra cách xử lý khác."
Ông Hopkins rời Alcatraz năm năm trước khi nhà tù này đóng cửa vĩnh viễn. Ông được chuyển đến một nhà tù ở thành phố Springfield, bang Missouri. Ở đó, ông được kê thuốc tâm thần nhằm cải thiện hành vi và chữa lành các vấn đề tâm lý của mình, ông chia sẻ.
Ông Hopkins, là một người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump, cho rằng đề xuất của tổng thống Mỹ không thực sự nghiêm túc.
"Ông ấy không thực sự muốn mở cửa lại nơi đó," ông Hopkins nói, đồng thời nhận định rằng ông Trump đang cố gắng "truyền đạt một thông điệp đến công chúng" về việc trừng phạt tội phạm và những người nhập cư trái phép vào Mỹ.
Ông Hopkins được trả tự do vào năm 1963, sau đó làm việc tại một trạm dừng xe tải trước khi làm các công việc khác. Sau đó, ông quay về quê nhà ở bang Florida, nơi mà ông đang có con gái và cháu trai.
Sau nhiều thập kỷ suy ngẫm về tội ác và cuộc sống của mình ở Alcatraz, ông Hopkins đã viết một cuốn hồi ký dài 1.000 trang, trong đó gần một nửa cuốn sách kể chi tiết về hành vi rắc rối của mình, ông cho biết.
"Bạn sẽ không thể tin được những rắc rối mà tôi đã gây ra cho họ [cai tù] khi tôi còn ở đó," ông chia sẻ. "Giờ đây, nhìn lại, tôi nhận ra rằng mình thật sự đã có những vấn đề."