

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
4 giờ trước
"Khi làm phim Đất lành chim đậu (On healing land, birds perch), tôi nghĩ tôi cũng đã được chữa lành," đạo diễn Naja Pham Lockwood nói với BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn về phim tài liệu đầu tay của bà - cuốn phim vừa đoạt giải Phim ngắn về phụ nữ hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cleveland.
Cùng cha mẹ lên một chuyến tàu biển sang Mỹ vào ngày 28/4/1975 khi còn rất nhỏ, đạo diễn Naja Pham Lockwood không bao giờ quên một Sài Gòn khói lửa mà gia đình bà bỏ lại phía sau, những gương mặt hoảng loạn ở bến tàu, cùng mùi mồ hôi từ những người đồng hành tuyệt vọng.
Năm mươi năm sau, bà lại chọn cuộc chiến này làm đề tài cho phim tài liệu đầu tay.
Phim xoay quay những con người phía sau bức ảnh lịch sử Hành quyết tại Sài Gòn do nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp năm 1968 và những tác động của sự kiện này tới đời sống của họ.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan của Việt Nam Cộng hòa bắn chết người được cho là Đại úy Việt Cộng Nguyễn Văn Lém (còn gọi là Bảy Lốp).
Ba mươi phút phim lần đầu tiên mở ra thế giới nội tâm từng bị chôn vùi của bà June - con Tướng Loan; bà Loan và ông Thông - con Đại úy Lém; và ông Huấn - con trai Trung tá Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Tuấn - người được cho là bị Việt Cộng Lém thảm sát cùng vợ và 6 con thơ.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn đạo diễn Naja Pham Lockwood về bộ phim Đất lành chim đậu và về biến cố 30/4.

Nguồn hình ảnh,Naja Pham Lockwood
Chụp lại hình ảnh,Đạo diễn Naja Pham Lockwood
BBC: Vì sao bà lựa chọn câu chuyện phía sau bức ảnh Hành quyết tại Sài Gòn để thực hiện phim tài liệu đầu tay của mình?
Đạo diễn Naja Pham Lockwook: Tôi lớn lên ở ngoại ô Boston, Mỹ, nơi mà bức ảnh của Eddie Adams có tên Hành quyết tại Sài Gòn, bức ảnh đen trắng chụp cảnh Tướng Loan bắn Đại úy Việt Cộng Lém được phát trên truyền hình hằng năm vào ngày kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
Có ba bức ảnh thực sự định hình Chiến tranh Việt Nam—tất cả đều do các nhiếp ảnh gia của AP chụp; bao gồm bức ảnh Vị pháp thiêu thân của Malcolm Browne năm 1963, bức Hành quyết tại Sài Gòn của Eddie Adams năm 1968 và bức Em bé Napalm của Nick Út năm 1972.
Nhưng bức ảnh của Eddie là bức ảnh kinh hoàng nhất. Tôi vẫn nhớ đã xem nó trên truyền hình khi mới bảy tuổi ở Massachusetts.
Tôi đã gặp ác mộng kinh hoàng trong nhiều tuần.

Nguồn hình ảnh,Ảnh tư liệu chụp trang số báo New York Times ngày 2/2/1968
Chụp lại hình ảnh,Bức ảnh Hành quyết tại Sài Gòn do nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp năm 1968 đã khiến thế giới rúng động vì sự tàn bạo của chiến tranh và đã trở thành đề tài cho phim tài liệu Đất lành chim đậu.
Cha tôi - một giáo sư lịch sử và là một luật sư làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong lĩnh vực tình báo - đã kể cho tôi nghe về bức ảnh, những người liên quan và câu chuyện đằng sau bức ảnh.
Giống như tất cả những người cha muốn mang lại một kết thúc có hậu cho con gái mình, người rõ ràng đã bị chấn thương bởi bức ảnh, ông nói cho tôi Tướng Loan là ai và rằng không ai có thể phán xét hành động của một người trong chiến tranh.
Ông cũng kể cho tôi nghe về cậu bé đã sống sót hôm đó, trước khi bức ảnh của Eddie được chụp. Cậu bé đã sống sót qua một trong những trận chiến đẫm máu nhất của Chiến tranh Việt Nam - cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968; và rằng cậu bé này hiện đang sống ở đâu đó tại Hoa Kỳ, gia đình cậu bé đã bị thảm sát và chỉ mình cậu sống sót.
Cha tôi nhắc tôi về những người Việt Cộng, con cái họ phải lớn lên mà không có cha vì chiến tranh, giống vô số người khác trong Chiến tranh Việt Nam ở mọi phía.
Ông nhắc tôi rằng gia đình chúng tôi có những người họ hàng đã chiến đấu ở mọi phía của cuộc chiến.
Vì vậy, khi lớn lên ở Massachusetts, tôi luôn nghĩ về bức ảnh này và về những người liên quan.
Tôi nghĩ về Tướng Loan và về việc ông ấy cảm thấy đau đớn như thế nào khi mất nước.
Tôi luôn nghĩ về cậu bé đã sống sót sau cuộc thảm sát và tự hỏi liệu cậu ấy có ổn không.

Nguồn hình ảnh,Naja Pham Lockwood
Chụp lại hình ảnh,Đề đốc Huấn trong một cảnh phim tài liệu Đất lành chim đậu
Tôi cũng muốn khám phá nỗi đau của hai người con của Bảy Lốp - người lính Việt Cộng bị bắn chết vào ngày hôm đó. Họ lớn lên chỉ với bức ảnh kinh hoàng này về cha mình. Ngay cả khi đã ngoài 60, họ vẫn liên tục phải sống với ký ức cũ khi hằng năm Đài truyền hình Việt Nam vẫn chiếu lại bức ảnh đó.
Tôi nhớ đến anh chị em của ông tôi vẫn ở lại Hà Nội sau năm 1954, những người con của họ theo chủ nghĩa ******** và chiến đấu cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quyết định thực hiện bộ phim tài liệu này của tôi xuất phát từ mong muốn khám phá những câu chuyện đa chiều của con người đằng sau bức ảnh mang tính biểu tượng của Eddie, và mang lại một cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh xung quanh bức ảnh, cùng hậu quả mà nó gây ra.
Trong nhiều thập kỷ, bức ảnh đã định hình nhận thức về những cá nhân liên quan (Tướng Loan và Đại úy Nguyễn Văn Lém) và bản thân cuộc xung đột.
Tuy nhiên, góc nhìn hạn chế này đã bỏ sót những khía cạnh quan trọng của câu chuyện.
Bộ phim không mang tính chính trị, mà chỉ đơn thuần tìm cách giải quyết khoảng trống đó bằng cách để cho những người con của các nhân vật đó lên tiếng về chấn thương, nỗi đau, quá trình chữa lành của họ, qua đó, hướng tới chữa lành và hòa giải, khi chúng ta tiến tới kỷ niệm 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
Và để cho thấy rằng không ai chiến thắng trong chiến tranh, rằng chiến tranh tạo ra nỗi đau và chấn thương.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968