Đảo không người, chỉ có chim cánh cụt, bị ông Trump đánh thuế

Ông Trump

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC

  • Tác giả,Ottilie Mitchell và Tiffanie Turnbull
  • Vai trò,BBC News
  • 2 giờ trước
Hai tiền đồn nhỏ bé, hẻo lánh ở Nam Cực, nơi sinh sống của chim cánh cụt và hải cẩu, đã bất ngờ trở thành một trong những địa điểm kỳ lạ bị chính quyền Trump nhắm mục tiêu thuế quan mới.
Quần đảo Heard và McDonald - một lãnh thổ nằm cách Úc 4.000 km về phía tây nam - chỉ có thể đến được bằng một chuyến đi thuyền kéo dài bảy ngày từ Perth và đã gần một thập kỷ không có bóng dáng con người.
Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell nói với Đài Truyền hình Úc (ABC) rằng thuế quan này "rõ ràng là một sự nhầm lẫn".
"Những chú chim cánh cụt tội nghiệp, tôi không biết chúng đã làm gì ông Trump, nhưng thành thật mà nói, tôi nghĩ đây là dấu hiệu cho thấy quá trình này đã được thực hiện vội vàng."
Tổng thống Trump hôm 2/4 đã công bố một kế hoạch thuế quan để trả đũa những gì ông cho là rào cản thương mại bất công đối với hàng hóa Mỹ.
Một số lãnh thổ khác của Úc cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới, bên cạnh Quần đảo Svalbard của Na Uy, Quần đảo Falkland và Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh.
"Điều này cho thấy và minh chứng cho sự thật rằng không nơi nào trên Trái Đất là an toàn khỏi điều này," Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói hôm thứ Năm.
Giống như phần còn lại của Úc, Quần đảo Heard và McDonald, Quần đảo Cocos (Keeling) và Đảo Giáng sinh hiện phải chịu mức thuế 10%. Mức thuế 29% được áp dụng cho Đảo Norfolk, cũng là một lãnh thổ của Úc và có dân số khoảng 2.200 người.
Tuy nhiên, Đảo Heard là một nơi hoang vắng, băng giá và hoàn toàn không có người ở - nơi có ngọn núi lửa hoạt động lớn nhất và duy nhất của Úc, Big Ben, và phần lớn được các sông băng bao phủ.
Người ta tin rằng lần cuối cùng con người mạo hiểm đến đảo Heard là vào năm 2016, khi một nhóm những người đam mê đài phát thanh nghiệp dư phát sóng từ đó với sự cho phép của chính phủ Úc.
Mike Coffin từ Đại học Tasmania đã bảy lần đến vùng biển quanh đảo để nghiên cứu khoa học và ông không nghĩ có hàng hóa xuất khẩu lớn nào từ hòn đảo này sang Mỹ.
"Ở đó không có gì cả," ông nói với BBC.
Theo những gì ông nắm được, chỉ vỏn vẹn hai công ty Úc tham gia vào việc đánh bắt và xuất khẩu cá răng patagonia (cá tuyết Nam Cực) và cá băng mackerel (một loại cá thu).
Tuy nhiên, điều phong phú ở đó là thiên nhiên độc đáo và ngoạn mục.
Hàng ngàn chim cánh cụt sống ở vùng lãnh thổ

Nguồn hình ảnh,Richard Arculus
Chụp lại hình ảnh,Hàng ngàn chim cánh cụt sống ở vùng lãnh thổ
Quần đảo này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, một ví dụ hiếm hoi về hệ sinh thái hoàn toàn nguyên sơ, chưa hề chịu tác động của các loài thực vật, động vật bên ngoài hay dấu chân con người.
Giáo sư Coffin, người nghiên cứu địa hình dưới đáy biển của quần đảo, nói:
"Nơi đây vô cùng trù phú với chim cánh cụt, hải tượng và đủ loại chim biển."
Ông nhớ lại lần quan sát từ xa, khi ông tưởng đó là một bãi biển, nhưng hóa ra những "bãi cát" ấy "có lẽ chính là vài trăm ngàn con chim cánh cụt".
"Cứ mỗi khi có tàu đến đó quan sát thì lại thấy dung nham chảy xuống sườn núi [Big Ben]," ông kể lại và mô tả cảnh dòng chảy tràn qua băng đá và bốc lên hơi nước nghi ngút.
Thật khó để hình dung được một cách rõ ràng về mối quan hệ thương mại giữa Quần đảo Heard và McDonald với Mỹ.
Theo dữ liệu xuất khẩu từ Ngân hàng Thế giới, trong vài năm qua, quần đảo này thường chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ sản phẩm sang Mỹ.
Tuy nhiên, vào năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu 1,4 triệu đô la Mỹ từ lãnh thổ này, gần như toàn bộ là các sản phẩm "máy móc và điện" không được nêu tên cụ thể.
Tờ Guardian cũng đưa tin rằng một phân tích dữ liệu nhập khẩu và hồ sơ vận chuyển của Mỹ cho thấy thuế quan áp đặt lên Quần đảo Heard và McDonald cũng như Đảo Norfolk, dựa trên dữ liệu không chính xác.
Phân tích này phát hiện ra rằng các lô hàng đã bị ghi nhãn sai là đến từ các lãnh thổ này thay vì địa điểm xuất xứ thực tế.
Cục Quản lý Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã được liên hệ để đưa ra bình luận.
Giống như nhiều chính phủ trên thế giới, thuế quan của Mỹ đã khiến các nhà lãnh đạo Úc bực bội và Thủ tướng Albanese gọi động thái này là "hoàn toàn vô căn cứ" và "không phải hành động của một người bạn".
 

Có thể bạn quan tâm

Top