Đề nghị kỷ luật ông Trương Hòa Bình và màn ra mắt của tướng Nguyễn Duy Ngọc

Cựu Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

Nguồn hình ảnh,BBC/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cựu Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình
4 tháng 4 2025
Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông Trương Hòa Bình, Bộ Chính trị đã đề nghị Trung ương Đảng xem xét mức kỷ luật.
Ông Trương Hòa Bình, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, gây chú ý vì ông đã từng bị Bộ Chính trị cảnh cáo vào ngày 13/12/2024. Lần này, khả năng ông sẽ bị kỷ luật ở mức cao hơn.
Hồi cuối năm 2024, cùng bị mức cảnh cáo như ông Bình là ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch nước.
Cũng thời gian đó, bà Trương Thị Mai bị "khiển trách", mức thấp nhất trong 4 thang kỷ luật của Đảng.
Hồi tháng 12/2024, việc ông Bình, ông Phúc và bà Mai bị kỷ luật chỉ được công khai khi Bộ Chính trị quyết định trong khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TW), khi đó do ông Trần Cẩm Tú làm chủ nhiệm, không thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Lần này, ông Trương Hòa Bình, dưới thời chủ nhiệm mới của UBKT TW là ông Nguyễn Duy Ngọc, đã bị công khai đề nghị kỷ luật dù mới chỉ ba tháng trước đó ông ông đã bị cảnh cáo.
Liệu ông Bình có thể đối mặt với hình thức kỷ luật nặng hơn?

Số phận ông Trương Hòa Bình?​

Thông báo mới nhất của UBKT TW về việc đề nghị kỷ luật ông Trương Hòa Bình có những chi tiết cho thấy mức độ vi phạm của ông nghiêm trọng hơn nhiều thông báo của Bộ Chính trị khi đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo vào tháng 12/2024.
Cụ thể, bên cạnh điểm chung là ông Bình đã "vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương" thì UBKT TW lần này đã nhấn mạnh ông đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, đến mức phải thi hành kỷ luật."
Với đề nghị kỷ luật của UBKT TW, ông có thể đối mặt với một trong bốn mức kỷ luật của Đảng gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ.
Ở hai mức đầu gồm khiển trách và cảnh cáo, thẩm quyền thuộc về Bộ Chính trị, trong khi nếu kỷ luật "cách chức" hoặc "khai trừ" thẩm quyền sẽ do Ban chấp hành trung ương Đảng quyết định.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Chính trị đã đề nghị Trung ương Đảng xem xét kỷ luật ông Trương Hòa Bình.
Như vậy, ông Bình sẽ phải đối mặt với hai mức kỷ luật nặng hơn là "cách chức" hoặc "khai trừ" khỏi Đảng, tương tự trường hợp ông Lê Thanh Hải.
Cụ thể, hồi tháng 5/2024, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, người giữ chức Bí thư thành ủy TP HCM hai nhiệm kỳ gồm 2006-2010 và 2010-2015, đã bị Bộ Chính trị đưa ra Ban chấp hành trung ương đề nghị kỷ luật.
Hai ngày sau đó, Trung ương Đảng đã quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông này.
Trước đó, vào năm 2020, ông Hải cũng đã bị kỷ luật với hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM giai đoạn 2010-2015.
Nếu bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, ông Bình sẽ không còn là Ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Ban cán sự Đảng, chức vụ mà ông nắm giữ thời làm Phó thủ tướng từ năm 2016 đến 2021.
Trong khi đó, nếu chịu mức kỷ luật "khai trừ", khả năng ông sẽ đối mặt với án hình sự.
Đã có một vài trường hợp UBKT TW đề nghị kỷ luật nhưng được "cho thôi", một hình thức "cách chức", nhưng không thuộc bất kỳ hình thức nào trong bốn mức độ nêu trên.
Cụ thể là các ông Trần Tuấn Anh, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương, và Đinh Tiến Dũng, cựu Bí thư thành ủy Hà Nội, đều là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, và bị "cho thôi" và về hưu.
Ông Trương Hòa Bình, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu phó thủ tướng thường trực 2016-2021

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ông Trương Hòa Bình, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu phó thủ tướng thường trực 2016-2021

Màn ra mắt của ông Nguyễn Duy Ngọc​

Việc ra các thông cáo báo chí của UBKT TW thường được đưa ra vào các buổi chiều muộn.
Tuy nhiên, lần này, khác với thường lệ, cơ quan này đưa ra thông báo đề nghị kỷ luật ông Bình vào buổi sáng.
Hơn nữa, chuyện một cựu ủy viên Bộ Chính trị đã nhận hình thức kỷ luật nhưng UBKT TW vẫn tiếp tục đề nghị kỷ luật có thể là dấu hiệu cho sự thay đổi trong cách thi hành kỷ luật trong Đảng của ủy ban này, dưới quyền của ông Nguyễn Duy Ngọc.
Kể từ khi ngồi vào chiếc ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW, đây là lần đầu tiên tướng Ngọc chủ trì cuộc họp về kỷ luật Đảng viên.
Trước đó, chưa đầy một tháng lên làm chủ nhiệm UBKT TW, ông Ngọc gây chú ý khi xuất hiện trước truyền thông với vai trò Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị kiểm tra Quân ủy Trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc làm trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Quân ủy Trung ương

Nguồn hình ảnh,Bộ Quốc phòng
Chụp lại hình ảnh,Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc làm trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Quân ủy Trung ương
Ông Nguyễn Duy Ngọc, người từng là Thứ trưởng Bộ Công an, đã được bầu làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và được bổ sung vào Bộ Chính trị vào tháng 1/2025.
Nếu xét theo quy định đối với ủy viên Bộ Chính trị và đối với chức danh chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều bắt buộc cá nhân phải "tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên", thì ông Ngọc vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Duy Ngọc là một trường hợp đặc biệt khi lần đầu được bầu vào ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 khi đã quá 55 tuổi.
Đến khi trở thành ủy viên Bộ Chính trị, ông cũng chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và cũng là một "trường hợp đặc biệt".
Trước khi ngồi vào ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng và được bầu bổ sung vào Ban Bí thư, ông Ngọc là Thứ trưởng Bộ Công an, giữ cấp hàm Thượng tướng.
Giống với ông Ngọc, tướng Lương Tam Quang, cũng lần đầu được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khi đã quá tuổi, rồi sau đó nhanh chóng thăng tiến lên làm Bộ trưởng Bộ Công an, và trở thành ủy viên Bộ Chính trị.
Cả ông Ngọc lẫn ông Quang đều cùng quê Hưng Yên với Tổng bí thư Tô Lâm.
Trong màn ra mắt này, UBKT TW cũng đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật ông Nguyễn Văn Hiếu, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Ông Hiếu là người giữ chức Bí thư thành ủy Cần Thơ từ tháng 5/2003 đến tháng 1/2025.
Cũng rất nhanh chóng, sau đề nghị của tướng Ngọc, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Hiếu và cho thôi giữ các chức vụ, đồng thời đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét cho thôi giữ chức ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 13.
Dự kiến, trung tuần tháng 4 này, Ban chấp hành trung ương Đảng sẽ họp, ngoài nội dung bàn về sắp xếp các đơn vị hành chính, nhân sự cũng là một vấn đề.
Trong khi ông Bình và ông Hiếu được đưa lên cấp cao hơn, ở trong thẩm quyền của mình, UBKT TW đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ba người.
Đầu tiên là ông Trần Việt Trường, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Người kế tiếp là ông Nguyễn Mạnh Dũng, cựu quyền bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Cuối cùng là ông Phạm Ngọc Nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
 

Có thể bạn quan tâm

Top