
Theo dự luật, tiền thu được từ việc bán xe vi phạm phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Hết thời hạn mà chủ xe không đến lấy sẽ sung công.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới.
Việc sửa đổi, bổ sung dự luật nhằm phù hợp với tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Quy định cụ thể các trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung.Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung luật hiện hành theo hướng bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện.
Việc này dự kiến sửa đổi theo hướng quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.
Như thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Không có địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật đối với loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản phù hợp.
Những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Dự luật nêu rõ tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước.
Nếu hết thời hạn quy định này mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước. Dự luật cũng đề xuất Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay ủy ban tán thành cần có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện quy định này, khắc phục bất cập trong xử lý tang vật, phương tiện thời gian qua.
Tuy nhiên đề nghị rà soát kỹ quy định bổ sung quy định xử lý tang vật ở trên vì liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ và luật hiện hành đã có quy định về xử lý đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng là tang vật vi phạm hành chính.

Ông Phan Văn Mãi - Ảnh: GIA HÂN
Nên nghiên cứu vì các địa phương 'gần như không còn bãi giữ xe vi phạm'
Nêu ý kiến sau đó về nội dung này, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với thẩm tra về việc cần cân nhắc thêm để đảm bảo thận trọng liên quan quyền sở hữu tài sản của người dân.Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay vừa qua khi cho ý kiến về sửa Luật Các tổ chức tín dụng đã nêu việc có được quyền thu giữ, thanh lý tài sản cầm cố hay không và hôm nay tiếp tục cho ý kiến về tài sản vi phạm.
Ông nói nếu về quyền tài sản và Hiến pháp sẽ là chuyện lớn, nhưng ở đây cần xác định việc "sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật".
"Anh đã đem tài sản cầm cố, sử dụng tài sản vi phạm thì cần cho phép xử lý trong giới hạn nào đó. Nên phải xử lý cho đúng, lập biên bản cho đúng", ông Mãi nói và nhắc lại không riêng TP.HCM mà nhiều địa phương khác gần như "không còn bãi giữ xe vi phạm".
Theo ông Mãi, nếu giữ pháp lý như hiện nay sẽ rất khó để xử lý và gây lãng phí tài sản rất lớn.
"Về mặt pháp lý, kinh tế, việc củng cố để xử lý dứt điểm là rất cần thiết nên cần nghiên cứu. Còn nói đảm bảo quyền tài sản thì đừng mang tài sản cầm cố, thế chấp, đừng dùng tài sản để vi phạm", ông Mãi nói thêm.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc bổ sung.
Bảo đảm chặt chẽ, hài hòa với yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu tài của công dân được Hiến pháp bảo vệ, nhưng đảm bảo yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, vụ việc nhanh gọn, chống thất thoát, lãng phí tài sản và thủ tục cần hết sức chặt chẽ.
Ông đề nghị trong luật có thể quy định nguyên tắc còn giao Chính phủ quy định chi tiết. Còn nếu vấn đề nào chưa rõ sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện.
Chủ tịch xã sẽ có thẩm quyền xử phạt của chủ tịch huyện
Cũng theo bộ trưởng, dự thảo quy định chuyển tiếp về cho phép trưởng công an cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện; chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện.Việc này thực hiện kể từ khi luật được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.