Dẹp hay giữ phố cà phê đường tàu Hà Nội?

Trong khi một số chủ quán đồng tình với việc biến phố đường tàu thành điểm du lịch an toàn và thu hút, chuyên gia cho rằng ý tưởng này chỉ khả thi nếu có giải pháp vẹn toàn.​


a8455df025becce095af.jpg

Nguyễn Thanh Hải (26 tuổi), chủ một quán cà phê đường tàu tại phường Điện Biên (Hà Nội), không giấu được sự tiếc nuối khi không còn được chứng kiến khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp khách du lịch như trước.

Sau đợt kiểm tra ngày 24/3 của chính quyền, khu vực bên trong phố đường tàu trở nên vắng lặng, hầu hết hàng quán đã đóng cửa, chỉ còn một số ít mở cửa nhưng không có khách.

"Những ngày gần đây, hầu như chúng tôi không có khách, thỉnh thoảng có vài khách lẻ ghé qua uống cà phê, chúng tôi sẽ bố trí cho họ ngồi trong nhà", Hải chia sẻ.

856b18de609089ced081.jpg

2641b2f4caba23e47aab.jpg

5377fbc2838c6ad2339d.jpg

Cảnh vắng vẻ tại phố cà phê đường tàu (đoàn đường Trần Phú tới đường Phùng Hưng) ngày 26/3. Ảnh: Việt Hà.

Cảnh vắng vẻ tại phố cà phê đường tàu (đoàn đường Trần Phú tới đường Phùng Hưng) ngày 26/3. Ảnh: Việt Hà.

Vắng bóng

Theo Hải, khoảng 30 năm trước, khu phố này bị xem là "xóm liều", thậm chí tụ tập đủ kiểu tệ nạn xã hội và quang cảnh nhếch nhác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các quán cà phê đã góp phần "thay da đổi thịt" khu vực, biến đây thành điểm check-in nổi tiếng đối với khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội.

Trước đây, vào những thời điểm đông khách, mỗi ngày quán của Hải đón 5-6 đoàn khách nước ngoài, mỗi đoàn khoảng 20 người, chưa kể khách lẻ. Không chỉ những lúc tàu chạy, mà ngay cả các thời điểm khác trong ngày, phố đường tàu cũng tấp nập du khách. Tuy nhiên, sau các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền, khu phố gần như rơi vào trạng thái "đóng băng".


Phố cà phê đường tàu ở Hà Nội ngày 22/3 đông nghịt du khách Dù đã có yêu cầu không đưa khách tới phố cà phê đường tàu tại Hà Nội, đông đảo du khách vẫn chen nhau đi lại, chụp ảnh giữa đường ray.

Cũng như anh Hải, bà Nguyễn Thị Dung, một trong những người đầu tiên mở quán cà phê cạnh đường tàu, cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục kinh doanh.

"Khoảng 90% khách đến phố đường tàu là người nước ngoài. Nhiều du khách cho biết họ đến Hà Nội chủ yếu để tận mắt chứng kiến cảnh đoàn tàu chạy qua khu vực dân sinh. Trong mắt họ, đây là một 'đặc sản' rất riêng của Hà Nội", bà Dung nói.

Chủ quán cà phê đường tàu cho biết bà không tốn một đồng quảng cáo. Du khách tự tìm đến trải nghiệm, sau đó giúp quảng bá qua những clip hoặc hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội. Lâu dần, trải nghiệm này trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo và ấn tượng với bất kỳ du khách nào đến đây.

Có mặt tại phố cà phê vào giờ tàu chạy trưa 25/3, Lynn và James (quốc tịch Scotland) tỏ ra phấn khích khi chứng kiến đoàn tàu chạy sát khu vực dân sinh và cảm thấy tiếc nuối khi biết rằng trải nghiệm này có thể bị cấm.

"Ở đất nước chúng tôi không có trải nghiệm như thế này. Trước khi đến Hà Nội, chúng tôi đã tìm hiểu trên Instagram, Pinterest và lên danh sách các điểm phải ghé qua, trong đó phố đường tàu là điểm đến số một. Khi tận mắt chứng kiến cảnh đoàn tàu gần trong gang tấc, chúng tôi thấy nó không đáng sợ như trên mạng miêu tả, ngược lại rất đặc biệt. Thậm chí, việc ngồi ngay trong cửa hàng uống tách trà, trò chuyện và xem tàu giống như một trải nghiệm độc quyền, không nơi nào có được", Lynn chia sẻ và cho biết sẽ giới thiệu địa điểm này với bạn bè.

 Lynn và James là 2 du khách hiếm hoi xuất hiện trên phố cà phê đường tàu vào trưa 25/3. Ảnh: Quỳnh Trang.

Lynn và James là 2 du khách hiếm hoi xuất hiện trên phố cà phê đường tàu vào trưa 25/3. Ảnh: Quỳnh Trang.

Là hướng dẫn viên du lịch, Đỗ Ngọc Phúc (26 tuổi, ngụ Hưng Yên) cho biết phần lớn du khách Tây khi đến Hà Nội đều muốn ghé thăm phố đường tàu. Khi khu phố bị kiểm soát, một số người vẫn tìm cách đến vào buổi tối hoặc ít nhất chụp ảnh từ bên ngoài hàng rào.

"Những toa tàu cũ chạy trên đường ray sát nhà dân mang lại cảm giác mạo hiểm nhưng đầy cuốn hút. Địa điểm này còn có nhiều quán cà phê để khách có thể ngồi sát đường tàu mang đến những trải nghiệm mới lạ, hiếm có trên thế giới", anh Phúc nhận xét.

Giải pháp nào cho phố đường tàu?

Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng tàu hỏa luôn gợi lên cảm giác lãng mạn, như một cách quay ngược thời gian về thời kỳ hoàng kim của du lịch, giống như chuyến tàu Orient Express ở châu Âu hay Indian Pacific ở Australia.

Ở Việt Nam, tàu hỏa cũng mang đến cảm giác hoài niệm về những chuyến hành trình từ thế kỷ 20. Phố đường tàu Hà Nội mang lại trải nghiệm độc đáo vì hiếm nơi nào trên thế giới du khách có thể đứng rất gần đoàn tàu đang chạy như vậy, Tiến sĩ Pang nói với Tri Thức - Znews.

"Không chỉ là một trải nghiệm thị giác, phố đường tàu còn là nơi giao lưu văn hóa khi mọi người từ khắp nơi trên thế giới tụ họp lại để chứng kiến một điều đặc biệt hàng ngày. Đây là một ví dụ điển hình về mô hình du lịch phát triển tự nhiên từ cộng đồng địa phương. Ngoài ra, khu vực này đã góp phần tạo ra việc làm, thúc đẩy kinh tế và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Hà Nội", ông Pang nhận định.

Theo Tiến sĩ Pang, Việt Nam nên giữ lại mô hình du lịch độc đáo này thay vì đóng cửa hoàn toàn. Chính quyền có thể áp dụng các biện pháp như lắp biển cảnh báo, cung cấp thông tin giờ tàu chạy rõ ràng, thu phí tham quan để đầu tư vào các biện pháp bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, người dân địa phương có thể tham gia làm tình nguyện viên để hướng dẫn và kiểm soát trật tự. Nếu được quản lý tốt, đây có thể trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt và bền vững của Hà Nội.

 Việc phố cà phê đường tàu có thể biến thành sản phẩm du lịch hay không cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan cùng bàn thảo và thực hiện. Ảnh: Việt Hà.

Việc phố cà phê đường tàu có thể biến thành sản phẩm du lịch hay không cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan cùng bàn thảo và thực hiện. Ảnh: Việt Hà.

Dưới góc nhìn của PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, việc khai thác du lịch tại phố đường tàu cần đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, an toàn giao thông và bảo tồn văn hóa.

Ông cho rằng các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành, hộ kinh doanh và ngành đường sắt, cần cùng nhau thảo luận để tháo gỡ các vướng mắc và tìm ra giải pháp hợp lý.

"Chúng ta có thể hài hòa lợi ích giữa các bên mà vẫn đảm bảo an toàn bằng cách quy định cụ thể về thời gian khai thác. Phố đường tàu là một điểm đến có sức hút đặc biệt nhưng cần có cách tiếp cận bài bản", ông Long chia sẻ.

Thay vì áp dụng lệnh cấm có thể khiến du khách tìm cách "vượt rào", chính quyền có thể cân nhắc tổ chức tham quan vào những khung giờ cố định, dưới sự giám sát của đơn vị vận hành hoặc xây dựng thành sản phẩm du lịch như chuyến tàu như Đà Nẵng - Huế. Đồng thời, địa phương cũng có thể xem xét phương án thu phí tham quan đi kèm với các biện pháp kiểm soát và giám sát an toàn.

Việc đóng cửa phố đường tàu không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà còn làm mất đi một trải nghiệm du lịch độc đáo. Nếu được quản lý tốt, đây có thể trở thành một sản phẩm du lịch bền vững, đóng góp tích cực cho kinh tế và văn hóa của Thủ đô.
 

Có thể bạn quan tâm

Top