Điện Kremlin tràn ngập nụ cười khi Putin tiếp đặc phái viên của Trump

  •  Steve Witkoff and Vladimir Putin shaking hands

    Nguồn hình ảnh,EPA
    Chụp lại hình ảnh,Cuộc gặp giữa ông Steve Witkoff và Vladimir Putin tại Điện Kremlin có vẻ diễn ra thân thiện trong những bức ảnh được Nhà Trắng công bố
    • Tác giả,Steve Rosenberg
    • Vai trò,Biên tập viên BBC Tiếng Nga
    • Moscow
    • 8 giờ trước
  • Điện Kremlin tràn ngập nụ cười.
    "Rất vui được gặp ông," Steve Witkoff hồ hởi nói khi bắt tay Tổng thống Nga.
    Chỉ cần nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt là đủ thấy đặc phái viên của ông Donald Trump thực sự vui mừng khi gặp ông Vladimir Putin.
    Thực tế là họ đã gặp nhau khá thường xuyên.
    Đây là cuộc gặp thứ tư của họ chỉ trong hơn hai tháng.
    Trong khoảng thời gian đó, ông Witkoff chắc chắn đã có nhiều thời gian tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Nga hơn bất kỳ người Mỹ nào khác.
    Điện Kremlin đã công bố một video 27 giây về cuộc gặp. Nhưng điều thu hút sự chú ý của tôi không hẳn là ngôn ngữ cơ thể hay lời chào hỏi – mà là chiếc bàn.
    Một bên là sức mạnh tổng hợp của phái đoàn Nga: Tổng thống Putin, ngồi cạnh là cố vấn kỳ cựu về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov, đặc phái viên về đầu tư nước ngoài Kirill Dmitriev, cùng một phiên dịch viên.
    Còn ở phía đối diện, rõ ràng bị áp đảo về số lượng: Witkoff và một phiên dịch viên.
    Đó không phải là kiểu ngoại giao truyền thống – mà ông Witkoff cũng không phải là một nhà ngoại giao truyền thống.
    Ông là một tỷ phú trong giới bất động sản ở New York và là người thân tín lâu năm của ông Trump – người mà bản thân cũng không phải là một tổng thống theo kiểu truyền thống.
    Giống như ông Trump, ông Witkoff đã gây dựng sự nghiệp bằng cách thương lượng các thương vụ.
    Đây chính là cách mà nền ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Nga đang được tiến hành trong thời đại Trump.
    Đây là cách mà những quyết định trọng đại, có thể ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu, đang được đem ra bàn thảo.
    Steve Witkoff, Vladimir Putin and officials at a table in the Kremlin

    Nguồn hình ảnh,Reuters/Kremlin
    Sau vòng đàm phán này, ông Ushakov đã tổ chức một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với ông Witkoff "mang tính xây dựng và rất hữu ích".
    "Tôi có thể hỏi một câu hỏi không?" Tôi bắt đầu. "Những điểm bế tắc chính, những trở ngại đối với hòa bình ở Ukraine là gì?"
    "Cảm ơn", ông Ushakov nói. "Chúng ta sẽ kết thúc ở đây". Cuộc họp báo kết thúc.
    Từ những bản dự thảo thỏa thuận hòa bình bị rò rỉ trên báo chí, có vẻ như đang tồn tại khá nhiều "điểm bế tắc". Vẫn còn những khác biệt về các nhượng bộ lãnh thổ mà Ukraine sẽ phải thực hiện, các đảm bảo an ninh, việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Nga, và cả trình tự – tức là thứ tự mà các cam kết của các bên phải được thực hiện.
    Vào ngày ông Witkoff bay đến Moscow, ở vùng ngoại ô thành phố, bầu không khí hòa bình đã bị phá vỡ.
    Một vụ đánh bom bằng xe hơi đã giết chết một vị tướng cấp cao của Nga.
    Tướng Yaroslav Moskalik là phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga. Điện Kremlin cáo buộc Kyiv đã ám sát ông.
    Nếu điều đó là sự thật, thì đấy là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang ngày càng lan đến gần lãnh thổ Nga.
    Không có gì đảm bảo các cuộc đàm phán giữa ông Putin và Witkoff sẽ mang lại hòa bình. Và điều khiến Kyiv cũng như châu Âu lo ngại là họ không có mặt tại bàn đàm phán.
    Điều rõ ràng là ông Putin và ông Trump đang quyết tâm đưa hai quốc gia xích lại gần nhau hơn – bất kể điều gì xảy ra với tiến trình hòa bình ở Ukraine.
    Đối với Moscow và Washington, giờ đây từ khóa là "hợp tác".
    Hôm thứ Sáu, tôi đã tham dự một buổi lễ tại một công viên quân đội ở Moscow, sự kiện mang tính biểu trưng cho điều này.
    Buổi lễ đánh dấu khoảnh khắc, cách đây 80 năm, khi các binh sĩ Mỹ và Liên Xô gặp nhau trên sông Elbe vào những ngày cuối của Thế chiến II. Đó là thời điểm mà Nga và Mỹ là đồng minh của nhau.
    Một đội quân nhạc biểu diễn khi mọi người xếp hàng đặt hoa tại một đài tưởng niệm về Cuộc gặp gỡ trên sông Elbe.
    Cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin đã khiến Mỹ và Nga trở nên đối đầu, nhưng thời thế lại đang thay đổi một lần nữa.
    Tòa Bạch Ốc và Điện Kremlin đang cố gắng hàn gắn quan hệ. Liệu họ có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình, một thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với Ukraine?
    "Chúng tôi chỉ đang thiết lập lại liên lạc," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã nói với tôi trong buổi lễ.
    "Chúng tôi chỉ đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng khủng khiếp này mà chính quyền Mỹ trước đây đã tạo ra. Họ đã làm hỏng rất nhiều thứ."
    Moscow tự cho mình là người gìn giữ hòa bình. Họ đổ lỗi cho Kyiv và "tập thể phương Tây" về cuộc xung đột.
    Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, chính Tổng thống Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga xâm lược một quốc gia láng giềng có chủ quyền, nhằm ép họ quay trở lại quỹ đạo của Moscow.
    Rất nhiều điều đã thay đổi, không ít trong số đó là thái độ của Nhà Trắng.
    Tổng thống Biden đã hứa hỗ trợ Ukraine "cho đến khi nào chúng tôi có thể".
    Đầu tháng này, ông Trump đã đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về chuyện khơi mào cuộc chiến.
    "Bạn không thể bắt đầu một cuộc chiến chống lại một ai đó lớn gấp 20 lần mình rồi sau đó hy vọng mọi người sẽ mang tên lửa cho bạn," Trump nói.
 

Có thể bạn quan tâm

Top