Joker206vn
Chú bộ đội
Trước năm 1975, chỉ có vài trường học ở Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có điện nhưng cũng hạn chế so với nhu cầu dạy học.
Thời đó có việc gì cần thông báo đến học sinh, nhà trường phải dùng loa tay chạy bằng pin hay cử nhân viên mang nội dung đến từng lớp để phổ biến. Thiết bị dùng điện chủ yếu là bóng thắp sáng. Quạt trần ở các phòng học là điều không tưởng, do vậy học sinh thường ngày phải chịu cái nóng bên ngoài hắt vào và từ trên mái tôn ụp xuống, nhất là từ tháng 3 cho đến trước hè, cả thầy trò đều rất mệt. Vào những ngày mưa thì phòng học thiếu sáng, việc học gián đoạn.
Sau ngày đất nước thống nhất, các trường được cung cấp điện nhiều hơn. Các bóng tròn được thay bằng các bóng ne-on, sáng hơn. Ở những ngôi trường lớn, mỗi phòng được gắn 2 quạt trần. Tuy nhiên, các trường vùng ven chưa có điều kiện được trang bị như vậy.
Năm 1978, tôi theo học trường sư phạm của tỉnh tại Cao Lãnh. Lúc đó, mỗi ngày chỉ có điện vào buổi tối, từ 19 đến 21 giờ 30. Điện thiếu thốn nên nhà trường nghiêm cấm sinh viên dùng bếp điện để nấu nướng, bàn ủi điện lại càng không nên trang phục lên lớp thường chỉ vuốt tay cho phẳng mà thôi. Phòng ở khi mờ khi tỏ với 2 chiếc bóng điện 1,2m cùng tiếng rè rè liên tục phát ra từ "con chuột" của đèn. Bạn nào có nhu cầu vệ sinh, giặt giũ vào buổi tối đúng là cực hình vì dãy công trình phụ không có đèn. Người dùng phải lần mò trong bóng đêm. Mỗi tối đều có đội trực nhật đến từng phòng để kiểm tra. Cá nhân vi phạm sẽ chịu kỷ luật của trường. Ngày đó, ven thị xã Cao Lãnh có một khu vực chuyên bán thức ăn uống, gần trường tôi, có cái tên rất lạ: "Ngã tư đèn dầu". Hóa ra vì không có điện, bà con dùng đèn dầu thắp sáng phục vụ sinh hoạt, buôn bán, cái tên đó ra đời như thế. Trong cái ánh sáng nhập nhoạng đó, mọi người tới lui, ăn uống, đi lại riết cũng quen.

Điện về như điều kỳ diệu
ẢNH: ĐÌNH HOÀNG
Năm 1980 tôi về thực tập sư phạm tại một ngôi trường khá lớn cách Cao Lãnh chừng 10 km. Tôi được bố trí ở tại một phòng học của trường. Không có điện để tối soạn bài hay mở quạt cho mát dù nơi này chỉ cách Sa Đéc một dòng sông. Nhìn xa xa thấy ánh đèn điện lấp loáng, tôi ước gì nơi này cũng có ánh điện như vậy. Chỉ là ước vậy thôi, chứ bà con nơi đây quá quen thuộc với chiếc đèn dầu. Ánh sáng điện với bà con, cũng giống như tôi, là cả một ước mơ.
Cô giáo hướng dẫn thực tập của tôi là người địa phương. Tối đó, cô mang đến cho chúng tôi một chiếc đèn dầu cỡ lớn. Như biết suy nghĩ của tôi, cô bảo nơi này, xưa bom đạn quanh năm, cách vùng giải phóng Xẻo Quýt không xa, làm gì có điện. Đến giờ cũng vậy. Đời cha mẹ, đời cô đã quen với ánh đèn dầu. Cô đến trường rồi về làm cô giáo cũng mỗi đêm thao thức tự hỏi bao giờ trường học quê nhà có điện để học trò cô bớt vất vả.
Tôi đến thăm nhà học sinh mới biết khao khát của người dân nơi đây đơn giản là có điện để tiện sinh hoạt, để con em không phải học bài dưới ánh đèn dầu mà một tay phải đuổi muỗi! Những hôm có đội chiếu bóng về phục vụ, hôm đó vui như ngày hội vì ánh điện rực sáng một góc quê. Nghe kể về nguồn sáng quê thầy, các em tròn mắt không thể tin được có một nơi ánh điện rực sáng phố phường về đêm. Không thể tin được khi cần có thể giải khát bằng nước đá mát lạnh, bằng que kem đóng lớp tuyết mịn xung quanh, lớp học có quạt máy nữa. Tôi chỉ biết gieo hy vọng rằng một ngày không xa, quê các em sẽ thay đổi. Điện sẽ về tận nhà để mỗi tối các em cùng gia đình được xem truyền hình vui vẻ, được đến trường với trang phục thẳng thớm, không phải học bài dưới ánh đèn dầu và hết bị muỗi đốt. Cha mẹ các em bớt vất vả vì có máy công nghiệp thay sức người trong canh tác, chăn nuôi.
Tôi lại có dịp về thăm quê bạn ở các huyện trong tỉnh nhà. Cách Sa Đéc chừng vài mươi km mà trường học nơi đây cũng khát điện như những vùng quê tôi biết ở các tỉnh miền Tây. Thiếu điện ảnh hưởng từ sinh hoạt đến học hành, sức khỏe của con em. Đồ dùng sử dụng bằng điện gần như không có. Bậc tiểu học và mầm non cũng gặp khó khăn như thế. Không có điện lấy gì nấu nước chín cho học sinh uống. Không có điện nhà trường biết cho các em giải trí bằng gì? Phòng học thiếu sáng cũng đành chịu!
Và điều kỳ diệu đã đến. Thập niên 1990 và về sau, Điện lực Đồng Tháp đưa vào vận hành đường dây 66kVvà trạm biến áp 66kV. Điện được đưa đến nhiều nơi. Các trường học trong tỉnh Đồng Tháp dần dần có đủ điện để sử dụng. Hệ thống điện ở môi trường từng bước hoàn chỉnh. Quạt trần được lắp đặt, bóng điện nhiều hơn, phòng chức năng được hình thành. Các trường còn lắp hệ thống nước uống tiệt trùng cho học sinh; bếp ăn sử dụng điện phục vụ cơm nước cho các cháu học bán trú ngày càng nhiều. Ti vi ở phòng học, tủ lạnh, máy điều hòa, loa, máy CD máy chiếu, phòng LAB dạy ngoại ngữ, phòng máy tính… trường nào cũng có. Học sinh thích đến trường.
Năm 2004, ngành điện đã chuyển toàn bộ điện trên địa bàn vận hành cấp điện áp mới với nhiều trạm biến áp được xây dựng, nhờ vậy mà tình trạng mất điện ảnh hưởng tới trường học giảm dần. Khi về thăm lại những ngôi trường vùng xa, tôi ngạc nhiên vì hệ thống điện ở đó không thua kém gì trường ở đô thị. Chất lượng dạy học ngày càng cao. Trường học nào ở Đồng Tháp cũng có điện để phục vụ giảng dạy.
Ngày 25.11.2010, Điện lực Đồng Tháp được trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba vì đã có thành tích trong việc phủ lưới điện quốc gia tại địa phương.
Đây là phần thưởng thật xứng đáng, ghi nhận nỗ lực của ngành điện của Đồng Tháp. Đây cũng là nỗ lực của Điện lực miền Nam trong suốt 50 năm qua, thắp sáng niềm tin, sáng đèn sáng cả tương lai!