
Là một trong những điểm mỏ được quy hoạch, cấp phép để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, thế nhưng suốt gần 1 năm qua, hai mỏ đất san lấp của doanh nghiệp tại Nghệ An đã buộc phải ngừng hoạt động vì bị người dân vô cớ ngăn cản dù chủ đầu tư không có bất cứ hoạt động nào gây phương hại hay ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Doanh nghiệp bỗng dưng bị “vạ lây”
Ngày 22/02/2022, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng (Công ty Thiên Hoàng), trụ sở tại TP Vinh được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 430/GP-UBND cho phép khai thác mỏ đất san lấp tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu trên diện tích 22,2ha trong thời gian 15 năm. Tính đến ngày 20/11/2023, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, nộp tiền trồng rừng thay thế và các phí, lệ phí khác theo quy định.
Đây là một trong những mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác để phục vụ cho việc thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn Nghệ An, bao gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thọ Lộc (giai đoạn 1) tại huyện Diễn Châu, do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư (còn gọi là KCN VSIP Nghệ An II).

Mỏ đất san lấp của Công ty Thiên Hoàng là một trong những điểm mỏ được quy hoạch, cấp phép để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Nghệ An nhưng đã phải "đắp chiếu" gần 1 năm nay.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương vào tháng 2/2023, với diện tích 500 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.826 tỷ đồng. Là một trong những nhà thầu chính cung cấp vật tư, thiết bị và nhân lực để thi công hoàn thiện san lấp mặt bằng gói thầu số 4 trên diện tích 10,53ha tại Lô A1 và A3 thuộc KCN VSIP Nghệ An II, ngày 1/02/2024 Công ty TNHH XD&TMDV Hoàng Long (huyện Hưng Nguyên) đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Hoàng để cung cấp vật liệu san lấp mặt bằng cho dự án.
Thời gian đầu, việc khai thác và vận chuyển đất san lấp tại vị trí khu vực mỏ ra KCN VSIP Nghệ An II diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2024, mọi rắc rối bắt đầu phát sinh khi UBND tỉnh Nghệ An công bố thông tin quy hoạch xây dựng cơ sở hỏa táng tại xã Diễn Lợi thì bị người dân địa phương phản đối kịch liệt.

Tuyến đường duy nhất đi vào hai điểm mỏ của các doanh nghiệp đã bị người dân "phong tỏa", tự ý lập barie để ngăn cản xe của các doanh nghiệp ra vào.
Vị trí quy hoạch cơ sở này có con đường đi chung khoảng 600m vào khu vực mỏ khai thác đất san lấp đã được cấp phép cho hai đơn vị là Công ty Thiên Hoàng và Công ty TNHH Hoàng Phúc, nên quá trình đó người dân xã Diễn Lợi cũng chặn luôn phương tiện, máy móc chở vật liệu đất san lấp ra vào mỏ của các doanh nghiệp này, buộc họ phải ngừng khai thác.
Tình trạng này kéo dài từ tháng 8/2024 đến nay, khi các doanh nghiệp nói trên đưa phương tiện vào khu vực mỏ thì một nhóm người lại thông tin theo chiều hướng kích động trên mạng xã hội Facebook để tụ tập ra đường chặn trước đầu xe, yêu cầu dừng không cho phương tiện khai thác, vận chuyển gây mất ATGT và ANTT, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Từ những lời kêu gọi, kích động vô cớ trên mạng xã hội Facebook, có thời điểm, hàng trăm người dân đã tụ tập để ngăn cản việc doanh nghiệp hoạt động.
Báo cáo sự việc với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, phía Công ty Thiên Hoàng và Hoàng Phúc được giải thích do hiện tại người dân đang bức xúc, tập trung đông người để phản đối việc xây dựng lò hỏa táng tại xã Diễn Lợi. Do đó, để tránh phức tạp thêm về ANTT và không để hình thành điểm nóng, hai doanh nghiệp này tạm thời ngừng khai thác để sự việc lắng xuống.
Chính quyền cần quyết liệt
Ngày 21/4/2025, khi UBND tỉnh Nghệ An có văn bản tạm dừng nghiên cứu quy hoạch xây dựng cơ sở hỏa táng tại xã Diễn Lợi, Công ty Thiên Hoàng và Công ty Hoàng Phúc tiến hành tập kết vật liệu, nhân công và máy móc để nâng cấp, sửa chữa đường công vụ vào khu vực mỏ đất tại xóm 6 xã Diễn Lợi thì hàng chục người dân tiếp tục kéo nhau ra cản trở, ngăn cản máy móc không cho thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp cải tạo tuyến đường phục vụ khai thác.

Bất luận tuyến đường này do UBND xã quản lý, đã được phê duyệt để nâng cấp, cải tạo nhưng mỗi lần doanh nghiệp thi công, người dân xóm 6 xã Diễn Lợi lại ngăn cản, đưa ra nhiều yêu sách vô lý.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Thiên Hoàng cho biết thêm, việc người dân cản trở thi công tuyến đường nói trên đã xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại và có tổ chức bài bản nhằm cản trở doanh nghiệp và gây mất ANTT. Bất luận trước đó, Công ty Thiên Hoàng đã báo cáo sự việc đến chính quyền, Công an xã Diễn Lợi cũng như UBND huyện Diễn Châu.
Cùng với đó, nhiều lần có đơn cầu cứu đến Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhưng chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Điều này gây vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó tổn thất lớn nhất là làm chậm trễ hợp đồng thi công Dự án KCN VSIP Nghệ An II.
Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định, tuyến đường giao thông kết nối từ đường N2 của KCN VSIP Nghệ An II vào 2 mỏ đất xã Diễn Lợi đi qua địa bàn xóm 6 là đường giao thông do UBND xã Diễn Lợi quản lý, vận hành, không phải là đường dân sinh của xóm.

Người dân chặn đầu phương tiện, máy móc ngay tại điểm vào của hai mỏ đất san lấp.
Trước đó, ngày 11/10/2021 Chủ đầu tư là UBND xã Diễn Lợi đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-UBND về việc phê duyệt đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường vào mỏ vật liệu phục vụ san lấp và cứu hộ PCCC rừng tại xã Diễn Lợi” và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định 149/QĐ-UBND ngày 31/10/2024; đã phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình nhằm mục đích vận chuyển đất san lấp phục vụ các dự án cao tốc Bắc – Nam và các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.
Đồng thời, tuyến đường này còn phục vụ công tác cứu hộ, PCCC rừng và vận chuyển, khai thác lâm sản của bà con nhân dân Diễn Lợi. Công trình vừa thi công cải tạo, nâng cấp vừa khai thác sử dụng với quy mô nền đường rộng 11m, nền đường rộng 8m, tương đương đường cấp 3 theo TCVN.

Thậm chí, cho rằng đây là tuyến đường dân sinh, người dân đã cùng nhau tự ý tập kết vật liệu, phân công ngày công để tự thi công tuyến đường.
Do đó, việc người dân xóm 6 xã Diễn Lợi yêu cầu trả lại đường cũ cho dân, ngăn cản không cho các đơn vị tài trợ dự án là liên danh Công ty Thiên Hoàng – Hoàng Phúc thi công là không có cơ sở. Nếu người dân cố tình cản trở giao thông, ngăn cản việc xây dựng công trình trái quy định là hành vi vi phạm pháp luật
Mới đây nhất, vào ngày 8/5/2025 UBND huyện Diễn Châu tiếp tục có văn bản chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, đảm bảo đi lại an toàn cho nhân dân và việc triển khai các dự án trên địa bàn. Địa phương này yêu Liên danh Công ty Thiên Hoàng - Công ty Hoàng Phúc tập trung, khẩn trương hoàn thành việc thi công, xây dựng công trình theo đúng thiết kế được duyệt để tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo quy định.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ đường N2 KCN VSIP Nghệ An II vào 2 điểm mỏ đã chậm tiến độ quá lâu, nhưng hễ nhà thầu thi công là vấp phải sự ngăn cản của người dân.
Huyện Diễn Châu cũng giao hai đơn vị này chủ trì xây dựng kế hoạch thi công, kế hoạch bảo vệ thi công và cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan để tổ chức bảo vệ thi công trong trường hợp người dân vẫn tiếp tục ngăn cản quá trình thi công dự án.
Theo huyện Diễn Châu, dự án cải tạo tuyến đường nói trên đã triển khai quá chậm so với tiến độ phê duyệt ban đầu, đã nhiều lần điều chỉnh kéo dài tiến độ gây ảnh hưởng đến trật tự, ATGT trên địa bàn. Huyện đã giao trách nhiệm cho UBND xã Diễn Lợi tiếp tục tổ chức công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành các quy định của nhà nước liên quan đến việc thi công tuyến đường vận chuyển.

KCN VSIP Nghệ An II là dự án FDI, là một trong những công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn Nghệ An nhưng nguy cơ chậm tiến độ đang hiện hữu khi khan hiếm nguồn vật liệu san lấp. Nguyên nhân một phần do sự ngăn cấm, cản trở việc khai thác và vận chuyển vô lý từ một nhóm người dân xóm 6 xã Diễn Lợi.
Không thực hiện, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động xử lý theo thẩm quyền các trường hợp có hành vi vi phạm cản trở thi công tuyến đường theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư xây dựng, ban hành kế hoạch, huy động lực lượng bảo vệ thi công xây dựng công trình.
Để lập lại trật tự, đảm bảo công trình, dự án được triển khai thi công, UBND huyện Diễn Châu cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về việc phát hiện vi phạm nhưng không xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và đời sống nhân dân.