Doanh nghiệp FDI vẫn đặt cược vào Việt Nam bất chấp thuế quan của Trump

To Lam va Trump

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
7 tháng 5 2025
Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo lắng về nguy cơ phá sản vì chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn quyết định đặt cược vào Việt Nam, bao gồm cả các bên xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Bruno Jaspaert, CEO của Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, xuất hiện trong buổi phỏng vấn với BBC với vẻ ngoài tự tin và cách nói chuyện dứt khoát, một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với sự bi quan của một số chủ doanh nghiệp khác.
''Không một doanh nghiệp nào tại Deep C sẽ đóng cửa vì thuế quan Mỹ,'' ông Jaspaert nói.
Vị tổng giám đốc người Bỉ cho biết hiện tổ hợp khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc này đang lên kế hoạch triển khai 24 dự án với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đối tác lớn nhất là TrakMotive, một công ty sản xuất phụ tùng xe ô tô có trụ sở tại Mỹ và cung ứng hàng cho thị trường Mỹ.
Nhân viên công ty TrakMotive và  tổ hợp khu công nghiệp Deep C tại Hải Phòng

Nguồn hình ảnh,TrakMotive
Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh nhân viên công ty TrakMotive và Tổ hợp khu công nghiệp Deep C tại Hải Phòng được đăng vào cuối tháng 3/2025
"Đây đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn 1 trong quá trình mở rộng của chúng tôi với một cơ sở sản xuất và gia công hiện đại tại Hải Phòng,'' công ty TrakMotive cho biết trong một tuyên bố đăng vào cuối tháng 3/2025 cùng hình ảnh nhân viên giơ quốc kỳ Việt Nam và Hoa Kỳ trên một bãi đất trống tại thành phố cảng.
Công ty này, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động tại Việt Nam trong năm nay, tin rằng việc đầu tư tại đây sẽ ''củng cố'' chuỗi cung ứng của họ và giúp họ ''tăng năng lực sản xuất'' để đáp ứng với nhu cầu của thị trường phụ tùng ô tô toàn cầu.
Theo ông Jaspaert, TrakMotive có tổng cộng sáu giai đoạn trong kế hoạch đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn ít nhất 500 triệu USD trong vòng hai năm.
Hiện chưa rõ các nhà máy của TrakMotive tại Việt Nam sẽ sản xuất phụ tùng cho hãng xe ô tô nào. Các báo cáo trên trang web cho thấy sản phẩm của công ty được thiết kế để phù hợp với các dòng xe của các hãng lớn như Audi, BMW, và Ford. BBC đã liên hệ với công ty TrakMotive.
''Chúng tôi đã hỏi họ [TrakMotive]: 'Vậy còn các mức thuế thì sao?''', tổng giám đốc Deep C cho hay.
''Và họ trả lời rằng tác động duy nhất của mức thuế này là nó sẽ thúc đẩy [mọi thứ] nhanh hơn. Mọi thứ sẽ diễn ra nhanh hơn thay vì chậm lại, vì mọi người giờ đã hiểu rằng chuỗi cung ứng cần phải thay đổi.''
Trong những năm gần đây, các nền kinh tế đã phải quay cuồng với khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, xung đột địa chính trị, sự cố kẹt tàu chở hàng ở kênh đào Suez – khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp phải chuyển mình nhanh chóng để giải quyết hậu quả của sự đứt gãy và gián đoạn.
Ông Jaspaert tin rằng chính sách thuế quan của ông Trump sẽ là cú hích tiếp theo dẫn đến ''một loại chuỗi cung ứng mới'', ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Vào giữa tháng Tư, khi ông Trump úp mở về khả năng hoãn áp mức thuế 25% đối với ngành ô tô, ông đã ám chỉ rằng điều này nhằm tạo thêm thời gian cho các hãng chuyển dịch hoặc gia tăng sản xuất xe và linh kiện tại Mỹ - điều mà các doanh nghiệp đã phản bác là không dễ dàng.
CEO Deep C cho rằng các nhà sản xuất ô tô không thể chế tạo xe tại Mỹ với chi phí thấp hơn giá thị trường, tức là việc làm ăn này sẽ không có lãi.
''Phần quan trọng nhất của các mức thuế quan không nằm ở bản thân việc thuế được công bố, mà ở tác động gây chấn động mà chúng mang lại,'' ông cho biết. Ông nhận định chính sách này như một lời cảnh tỉnh cho thấy ''kiểu chính quyền [Mỹ] hiện tại, vốn có thể tồn tại lâu hơn cả nhiệm kỳ của Trump, là không thể đặt niềm tin vào được.''
Kể cả khi chưa kể đến sự thiếu chắc chắn và bất định trong tác động của các chính sách Hoa Kỳ đến Việt Nam, các nhà đầu tư FDI nói với BBC rằng thị trường này vẫn tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư rót tiền vào thị trường này, trong đó có chi phí lao động rẻ, giá thuê đất và kho bãi cạnh tranh, giá điện tốt vì được nhà nước hỗ trợ, cộng thêm cơ sở hạ tầng đang phát triển - chẳng hạn như Sân bay quốc tế Long Thành.
''Chi phí đầu vào của Việt Nam khá thuận lợi… Thêm nữa là Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với 55 nước,'' một quản lý cấp cao tại một tập đoàn FDI sản xuất nguyên liệu tại khu vực phía nam Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, nói với BBC.
Vị này, yêu cầu giấu tên vì không được phép trao đổi với báo chí, cho biết công ty của ông vẫn sẽ vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam và chưa tính đến việc chuyển dịch sản xuất, mặc dù họ cũng đang phải ''tất bật'' tận dụng mức thuế tạm thời 10% trong giai đoạn ''cửa sổ'' 90 ngày để xuất hàng và nín thở chờ đợi kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Không khí ảm đạm và bồn chồn dường như đang áp đảo tinh thần của giới doanh nghiệp. Có những công ty, với doanh thu đa số từ thị trường Mỹ, đã nói với BBC rằng họ có thể sẽ không tồn tại được nếu ông Trump áp mức thuế 46%.
trump va chinh

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Hôm thứ Hai 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 rằng Việt Nam và Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán thuế quan lần đầu tiên vào ngày 7/5.
Tại kỳ họp, ông Chính cho biết các mức thuế "đối ứng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang "tác động tiêu cực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết thêm rằng quốc gia này đã đạt được tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán với chính quyền Trump về vấn đề thuế. Theo ông Chính, việc đàm phán sẽ được tiến hành với tinh thần ''lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ''.
''Bất kỳ cuộc chiến nào cũng gây ra đau đớn. Nhưng cuối cùng sẽ luôn có người thua cuộc và người chiến thắng,'' ông Jaspaert nói với BBC.
''Ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng Việt Nam không thể thắng Mỹ theo cách thông thường. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng vừa ăn mừng vì Việt Nam đã thắng Mỹ, đúng không?'' ông Jaspaert nói, ám chỉ lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam hôm 30/4.
''Tôi tin rằng đất nước này, từng trải qua biết bao cuộc chiến, chắc chắn cũng sẽ vượt qua thử thách lần này.''
Dưới cái bóng thách thức khổng lồ từ Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nội bộ đất nước cũng đang sôi sục với cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức lại bộ máy hành chính với những tác động được cho là ngắn hạn cho doanh nghiệp.
''Trên thực tế, các bạn nên tập trung vào tác động của việc sáp nhập các bộ, tác động của việc sáp nhập các tỉnh, tác động của việc các huyện sẽ không còn tồn tại trong vài tháng nữa vì các huyện là những người ký vào tất cả giấy tờ của bạn,'' ông Jaspaert thuật lại lời khuyên dành cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong một buổi họp vào vào cuối tháng Tư.
Vị tổng giám đốc điều hành thú nhận rằng việc này có tác động đến Tổ hợp khu công nghiệp Deep C vì việc phê duyệt giấy tờ ''sẽ bị chậm lại''.
''Nhưng trong vòng sáu tháng, một khi đã vượt qua được rào cản, tôi mong đợi đất nước này sẽ hiệu quả hơn trước.''
 

Có thể bạn quan tâm

Top