Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc 'chịu không nổi' thuế ông Trump

newbie3

Bò lái xe
"Trump là một người điên rồ," Lionel Xu nói, xung quanh ông là những bộ dụng cụ đuổi muỗi của công ty mình - nhiều sản phẩm từng bán chạy nhất tại các cửa hàng Walmart ở Mỹ.
Giờ đây, những sản phẩm đó nằm im trong các thùng carton tại một nhà kho ở Trung Quốc và sẽ mãi như vậy trừ khi Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ mức thuế quan 145% áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ.
"Điều này thực sự quá khó khăn cho chúng tôi," ông nói thêm.
Khoảng một nửa số sản phẩm do công ty Sorbo Technology của ông sản xuất được bán sang Mỹ.

Đây là một công ty quy mô nhỏ theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, với khoảng 400 công nhân ở tỉnh Chiết Giang. Nhưng họ không đơn độc trong việc cảm nhận nỗi đau từ cuộc chiến kinh tế này.
"Chúng tôi lo lắng. Nếu Trump không thay đổi ý định thì sao? Đó sẽ là mối nguy cho nhà máy chúng tôi," ông Xu nói.
Gần đó, Amy đang tất bật bán máy làm kem tại gian hàng của Công ty Thương mại Guangdong Sailing. Khách hàng chủ lực của bà, bao gồm cả Walmart, đều đến từ Mỹ.
"Chúng tôi đã ngừng sản xuất rồi," bà chia sẻ. "Tất cả hàng hóa đều nằm trong kho."
Câu chuyện tương tự lặp lại ở hầu hết các gian hàng tại Hội chợ Canton (Hội chợ Xuất Nhập khẩu Trung Quốc) rộng lớn, trung tâm giao thương của Quảng Châu.
Khi BBC trò chuyện với ông Xu, ông đang chuẩn bị đưa một nhóm khách hàng người Úc đi ăn trưa. Họ đến tìm giá hời và hy vọng có thể hạ giá xuống nữa.

"Chúng ta hãy chờ xem," ông nói về thuế quan. Ông tin rằng Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ.
"Có lẽ tình hình sẽ tốt hơn trong một hoặc hai tháng nữa," ông Xu nói, vừa chắp tay cầu nguyện. "Có lẽ thôi, có lẽ..."

Tuần trước, Tổng thống Trump đã tạm thời hoãn phần lớn thuế quan sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và thị trường trái phiếu Mỹ chứng kiến cơn bán tháo.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu nhắm vào hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 125% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Điều này khiến các thương nhân từ hơn 30.000 doanh nghiệp - những người đến hội chợ thường niên để trưng bày hàng hóa trong các khu triển lãm rộng bằng 200 sân bóng đá - vô cùng hoang mang.
Tại khu vực đồ gia dụng, các công ty bày đủ loại sản phẩm, từ máy giặt, máy sấy quần áo, bàn chải đánh răng điện, máy ép trái cây đến máy làm bánh waffle. Người mua từ khắp nơi trên thế giới đến xem tận mắt sản phẩm và ký kết giao dịch.
Việc áp thuế khiến giá các sản phẩm như máy trộn thức ăn hay máy hút bụi từ Trung Quốc trở nên quá đắt đỏ. Các công ty Mỹ không thể bán lại các mặt hàng này với giá cao như vậy tới người tiêu dùng.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào bế tắc và hàng hóa Trung Quốc dành cho các hộ gia đình Mỹ đang chất đống tại các nhà máy.

Tác động của cuộc chiến tranh thương mại này có thể sẽ được cảm nhận trong các nhà bếp và phòng khách trên khắp nước Mỹ khi người tiêu dùng giờ đây phải mua các hàng hóa này với giá cao hơn.
Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn và tuyên bố sẽ chiến đấu trong cuộc chiến tranh thương mại này "đến cùng".
Đây cũng là giọng điệu mà một số người tại hội chợ sử dụng. Hy Vian, người đang tìm mua lò nướng điện cho công ty của mình, phớt lờ tác động của thuế quan.
"Nếu họ không muốn chúng tôi xuất khẩu – thì cứ chờ đi. Chúng tôi đã có thị trường nội địa ở Trung Quốc, chúng tôi sẽ ưu tiên những sản phẩm tốt nhất cho người Trung Quốc trước."

Trung Quốc có dân số khổng lồ 1,4 tỷ người, về lý thuyết, đây là một thị trường nội địa mạnh mẽ.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang cố gắng kích thích tăng trưởng nền kinh tế trì trệ bằng cách khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
Nhưng điều đó không hiệu quả. Phần lớn tầng lớp trung lưu của đất nước đã đầu tư các khoản tiền tiết kiệm vào việc mua nhà cho gia đình chỉ để chứng kiến giá nhà của họ sụt giảm trong bốn năm qua. Giờ đây, họ muốn tiết kiệm chứ không phải tiêu xài.
Mặc dù Trung Quốc có thể ở vị thế tốt hơn để vượt qua cơn bão so với các quốc gia khác, nhưng thực tế là quốc gia này vẫn là một nền kinh tế hướng đến xuất khẩu. Năm ngoái, xuất khẩu chiếm khoảng một nửa trong tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Trung Quốc cũng vẫn là công xưởng của thế giới. Goldman Sachs ước tính rằng khoảng 10 đến 20 triệu người ở Trung Quốc có thể đang lao động trong các ngành sản xuất hàng xuất sang Mỹ.
Một số công nhân trong các ngành đó đã bắt đầu cảm nhận nỗi đau.
Không xa Hội chợ Canton, có những khu xưởng chật chội ở Quảng Đông chuyên sản xuất quần áo, giày dép và túi xách. Đây là trung tâm sản xuất cho các công ty như Shein và Temu.
Mỗi tòa nhà chứa nhiều nhà máy trên nhiều tầng, nơi công nhân làm việc 14 giờ mỗi ngày.

Trên vỉa hè gần một số xưởng giày, vài công nhân đang ngồi xổm trò chuyện và hút thuốc.
"Tình hình không ổn chút nào," một người nói và từ chối tiết lộ tên. Người bạn thúc giục anh ta ngừng nói chuyện. Bàn luận về những khó khăn kinh tế là một vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc.
"Chúng tôi gặp vấn đề từ sau đại dịch Covid, và giờ lại thêm cuộc chiến tranh thương mại này. Trước đây tôi kiếm được 300-400 tệ (1 triệu - 1 triệu rưỡi đồng) một ngày, giờ may mắn lắm mới được 100 tệ (350.000 đồng)."
Người công nhân nói rằng ngày nay rất khó tìm việc. Những người khác làm giày trên đường phố cũng nói với chúng tôi rằng họ chỉ kiếm đủ sống qua ngày.
Trong khi một số người ở Trung Quốc cảm thấy tự hào về sản phẩm của họ, số khác lại cảm nhận nỗi đau của việc thuế quan tăng cao và tự hỏi cuộc khủng hoảng này rồi sẽ kết thúc ra sao.
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất đi một đối tác thương mại mua hơn 400 tỷ đô la hàng hóa mỗi năm, nhưng nỗi đau cũng sẽ lan sang phía bên kia khi các nhà kinh tế cảnh báo rằng Mỹ có thể đang tiến tới một cuộc suy thoái.

Tổng thống Trump, người nổi tiếng với việc sẵn sàng đẩy tình hình đến bờ vực nguy hiểm, khiến mọi thứ càng thêm khó đoán. Ông tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc còn Bắc Kinh vẫn từ chối nhượng bộ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tăng thêm mức thuế quan 125% hiện tại đối với hàng hóa Mỹ. Họ có thể trả đũa bằng những cách khác – nhưng điều này mang lại cho cả hai bên một khoảng thời gian "thở" sau một tuần khơi mào cuộc chiến kinh tế.
Theo các thông tin, Washington và Bắc Kinh hầu như không liên lạc và cả hai bên dường như đều chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian sắp đến.
Trong khi đó, một số công ty tại Hội chợ Canton đang tận dụng sự kiện này để tìm kiếm thị trường mới.
Amy hy vọng máy làm kem của bà sẽ đi theo một hướng mới.
"Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng sang thị trường mới ở châu Âu. Có thể là cả Ả Rập Xê Út và tất nhiên là Nga," bà nói thêm.
Những người khác tin rằng vẫn có thể kiếm tiền ở Trung Quốc. Trong số đó có Mei Kunyan, 40 tuổi, người nói mình kiếm được khoảng 10.000 tệ (35 triệu đồng) một tháng tại công ty giày của mình, nơi bán hàng cho khách hàng Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất giày lớn đã chuyển sang Việt Nam vì chi phí lao động thấp hơn.
Ông Mei cũng nhận ra một điều mà các doanh nghiệp xung quanh ông đang nhận ra: "Thị trường châu Mỹ quá phức tạp."
 

Có thể bạn quan tâm

Top