

Nguồn hình ảnh,Reuters
4 giờ trước
Mức thuế 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp lên Việt Nam dự kiến sẽ gây tổn thương nặng nề cho không chỉ cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước này mà cho cả các tập đoàn sản xuất đặt nhà máy tại Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng một cách tiêu cực khi có phiên giao dịch khốc liệt nhất trong lịch sử với việc chỉ số VN-Index mất 88 điểm, với 517 mã cổ phiếu giảm, trong đó 263 mã kịch sàn vào ngày 3/4.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, 4/4, trong 30 phút đầu, thị trường tiếp tục đà rơi tự do, với mức giảm 67 điểm.
Trước đó, thị trường Mỹ cũng có các phiên đỏ lửa, giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua khi hàng loạt các chỉ số như DOW, NASDAQ và S&P500 chứng kiến các phiên giảm rất mạnh, phản ứng với mức thuế mới được công bố vào "Ngày Giải phóng" của ông Trump.
Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô trăm tỷ đô la vào năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong hai tháng đầu năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3%, tương đương tăng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Riêng thị trường Mỹ chiếm 30,43% xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ cũng là thị trường lớn nhất hầu hết hàng hóa chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất như máy vi tính, điện thoại, máy móc, dệt may, giày dép…
Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Riêng trong hai tháng đầu 2025, có sáu nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt một tỷ USD trở lên (xem biểu đồ).
Đây là những ngành được giới chuyên gia đánh giá là chịu tác động nặng nề của mức thuế mới từ chính quyền Trump.
Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như: sản phẩm từ chất dẻo; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản; túi xách, ví, vali, mũ…
Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,46 tỷ USD, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, theo số liệu của Hải quan Việt Nam.
Con số này có một độ chênh so với số liệu của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.
Theo đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam tăng lên 136,6 tỷ đô la vào năm 2024, tăng khoảng 19% so với năm 2023.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng với phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4, chỉ số VN-Index đã mất 87,99 điểm, tương đương giảm 6,68%, về còn 1.229,84 điểm.
Mức giảm kỷ lục này khiến vốn hóa thị trường "bốc hơi" khoảng 500.000 tỉ đồng, tương đương hơn 19 tỷ USD.
Giới doanh nhân tỏ ra lo lắng cho rằng hàng Việt có thể đã bị bít cửa vào Mỹ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nói với báo Tuổi Trẻ rằng mức thuế 46% gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như gỗ, thép, dệt may, thủy sản, đồ gia dụng…
Mức thuế này khiến Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Mexico, Ấn Độ, Thái Lan.
Các thương hiệu dễ bị tổn thương nhất trước mức thuế mới

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nike sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại Trung Quốc và Việt Nam, trong đó khoảng 25% đến từ Việt Nam. Mức thuế mở rộng có thể làm đình trệ hoặc làm chậm nỗ lực của Nike nhằm khôi phục thương hiệu và cải thiện doanh số dưới thời CEO mới, Elliott Hill
Một số thương hiệu quen thuộc sẽ cảm thấy khó khăn do thuế quan của Việt Nam.
Reuter cho rằng Nike đã sản xuất 50% lượng giày dép và 28% lượng quần áo tại Việt Nam trong năm tài khóa 2024, và sẽ dính đòn đau.
CNBC đưa tin cổ phiếu Nike đã giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 2/4.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4, cổ phiếu Nike tiếp tục giảm thêm 14.44%.
Mức thuế mở rộng có thể làm đình trệ hoặc làm chậm nỗ lực của Nike nhằm khôi phục thương hiệu và cải thiện doanh số dưới thời CEO mới, Elliott Hill.
Đối thủ của Nike là Adidas ít bị ảnh hưởng hơn một chút khi dựa vào Việt Nam cho 39% lượng giày dép và 18% lượng quần áo, theo CNBC.
Trong khi đó, gần một phần ba lượng giày dép nhập khẩu vào Hoa Kỳ đến từ Việt Nam vào năm 2023, theo Footwear Distributors and Retailers of America.
Việt Nam là quốc gia cung cấp lớn thứ hai cho công ty mẹ của Ugg và Hoka, Deckers Brands, tính đến tháng này. Công ty có 68 đối tác trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Cổ phiếu của Deckers giảm gần 9% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 2/4 và tiếp tục giảm thêm 14,49% trong phiên ngày 3/4.
Tập đoàn VF, với các thương hiệu giày dép, quần áo và phụ kiện như The North Face, Timberland, Vans và Jansport, cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Việt Nam cũng chứng kiến cảnh cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 8% trong phiên giao dịch mở rộng sau khi mức thuế mới được công bố.
Ngành đồ nội thất cũng ngày càng gia tăng phụ thuộc vào Việt Nam.
Năm 2023, 26,5% lượng đồ nội thất nhập khẩu của Hoa Kỳ đến từ Việt Nam, theo dữ liệu từ Hiệp hội đồ nội thất gia đình, một nhóm thương mại vận động hành lang thay mặt cho các nhà bán lẻ đồ gia dụng.
Cổ phiếu của Công ty nội thất Wayfair đã giảm khoảng 12% trong phiên giao dịch mở rộng và giảm mạnh 25,09% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4.
Các hãng sản xuất đồ chơi trong thời gian qua đã chuyển sang Việt Nam để gia công nhiều sản phẩm hơn, phục vụ thị trường Mỹ, với sản phẩm dành cho cả trẻ em và người lớn.
Curtis McGill, người đồng sáng lập Hey Buddy Hey Pal, một công ty đồ chơi chuyên về bộ dụng cụ trang trí trứng Phục sinh, cho CNBC biết: "Nhiều nhà sản xuất và các công ty đồ chơi đã bắt đầu trao đổi với các nhà máy để tìm giải pháp hỗ trợ, vì họ đang chịu áp lực từ các nhà bán lẻ trong việc giữ giá ổn định."
Các nhà sản xuất sẽ đi đâu?

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Eagle Outfitters cho biết thương hiệu quần jean và hàng may mặc này dự kiến cắt giảm sản lượng xuống mức một chữ số vào nửa cuối năm 2025. Hãng có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam và Trung Quốc.
Trên báo Tuổi Trẻ, tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đánh giá rằng mức thuế 46% vào Mỹ khiến không chỉ các ngành xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược thu hút và duy trì đầu tư FDI.
Điều này của nghĩa là các nhà đầu tư quốc tế sẽ tìm đến các nền kinh tế có thuế suất thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... do vậy "cú sốc thuế quan Mỹ là một thử thách vô cùng lớn".
Với những nhà đầu tư đã đến, ưu tiên của họ vẫn là duy trì hoạt động và linh hoạt.
Giám đốc tài chính Michael Mathias của American Eagle Outfitters cho biết thương hiệu quần jean và hàng may mặc này dự kiến cắt giảm sản lượng xuống mức một chữ số vào nửa cuối năm 2025, theo CNBC. Hãng đặt nhà máy sản xuất tại cả Việt Nam và Trung Quốc.
Cổ phiếu American Eagle đã giảm hơn 5% hôm 2/4 và nhưng giảm mạnh đến 17,47% trong phiên 3/4.
Tuy nhiên, cả Mathias và Giám đốc điều hành của American Eagle, Jay Schottenstein đều cho rằng điều quan trọng là phải duy trì sự linh hoạt.
Schottenstein nhắc đến tám năm trước trong chính quyền Trump đầu tiên, khi hãng phải đối mặt với những thách thức và phải tìm ra một kế hoạch mới.
Peter Baum là giám đốc tài chính và giám đốc điều hành của Baum Essex, một nhà sản xuất có trụ sở tại New York với giấy phép sản xuất các sản phẩm cho các thương hiệu như Nautica, Betsey Johnson và Steve Madden.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, Baum đã chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Philippines, Campuchia, Việt Nam và Ấn Độ vào năm 2019.
Ông nói với CNBC vào hôm 2/4 rằng thuế quan qua lại sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty của ông.
"Đây là cách bạn bắt đầu một cuộc suy thoái toàn cầu. Sau 80 năm và năm thế hệ, Trump vừa khiến chúng tôi phá sản", Baum nói.