
Một mối liên kết tài chính từng rất quen thuộc – khi thị trường chứng khoán đi xuống thì lợi suất trái phiếu cũng giảm, còn đồng USD lại tăng giá – giờ đây không còn đúng nữa.
Trong suốt chiều dài lịch sử tài chính hiện đại, mỗi khi thị trường toàn cầu chao đảo, giới đầu tư thường đổ xô tìm nơi trú ẩn an toàn: Trái phiếu Mỹ và đồng USD. Nhưng điều đó đã không còn đúng trong biến động gần đây nhất, khi cú sốc không đến từ suy thoái hay khủng hoảng ngân hàng, mà từ những đòn áp thuế chưa từng có tiền lệ từ chính quyền Mỹ.
Kể từ giữa tháng 1, đồng USD đã mất hơn 9% giá trị so với rổ tiền tệ lớn. Ngược lại, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - thường giảm khi nhà đầu tư tìm đến an toàn - lại tăng mạnh từ 4,2% lên 4,5%. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang rời bỏ thị trường trái phiếu Mỹ thay vì đổ tiền vào đó như thường lệ.
Việc mối liên kết tài chính quen thuộc bị phá vỡ cho thấy rõ sự bất ổn trong cách điều hành của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Chính sách thương mại mang tính đối đầu, các quyết định kinh tế thiếu cân nhắc và sự nghi ngờ của một số cố vấn trong chính quyền Trump về vai trò toàn cầu của đồng USD đã khiến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài bị lung lay. Hiện họ đang nắm giữ khoảng 32 nghìn tỷ USD tài sản của Mỹ, vì vậy thái độ của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của cả nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào Mỹ, họ không chỉ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mà còn góp phần giữ lãi suất Chính phủ ở mức thấp, qua đó giúp Mỹ dễ dàng vay nợ hơn - một lợi thế mà nước này đã hưởng suốt nhiều thập kỷ nhờ vai trò "độc tôn" của đồng USD.
Tỷ trọng của các đồng tiền trong giao dịch ngoại hối toàn cầu
Từ “đế chế không thể thay thế” đến “mối lo ngại nghiêm trọng”
Trước đây, việc nghĩ rằng đồng USD có thể mất vị thế thống trị từng bị xem là điều vô lý. Nhưng giờ đây, các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư trên toàn thế giới buộc phải nghiêm túc cân nhắc khả năng này. Bởi lẽ, gần như toàn bộ hệ thống tài chính hiện đại đều dựa trên nền tảng của đồng USD: Gần 90% giao dịch ngoại hối có liên quan đến nó và một nửa các khoản vay quốc tế đều được định giá bằng đồng bạc xanh.
Tuy vậy, một số người trong Nội các của ông Trump lại không ngại bày tỏ sự ủng hộ nếu trật tự tài chính hiện tại bị phá vỡ. Phó Tổng thống J.D. Vance, khi còn là Thượng Nghị sĩ, từng lên tiếng chỉ trích vai trò toàn cầu của đồng USD, cho rằng điều này khiến đồng tiền Mỹ bị đẩy giá lên một cách không tự nhiên, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước.
Đáng chú ý, vào tháng 11, Stephen Miran - người hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng - thậm chí còn đề xuất rằng Tổng thống có thể đơn phương áp thuế lên trái phiếu Kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ, nhằm hạn chế dòng vốn từ bên ngoài.
Chỉ một văn bản ngắn, nhưng đã đủ để khiến các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới hoang mang và lo ngại.
Trật tự tài chính toàn cầu đang âm thầm dịch chuyển?
Xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối đã diễn ra từ trước khi ông Trump tái đắc cử. Tỷ trọng của đồng USD trong kho dự trữ toàn cầu đã giảm từ 73% năm 2001 xuống còn 58% hiện nay.
Mức thay đổi (tính bằng điểm phần trăm) trong tỷ trọng của các đồng tiền trong dự trữ ngoại hối của NHTW toàn cầu, từ quý I/2017 đến quý IV/2024
Ngược lại, các đồng tiền như đô la Úc, đô la Canada, krona Thụy Điển hay franc Thụy Sĩ đang dần giành được thị phần. Thêm vào đó, các Ngân hàng Trung ương cũng đẩy mạnh tích trữ vàng - hơn 1.000 tấn mỗi năm trong ba năm gần nhất, tăng hơn 140% so với giai đoạn ba năm trước đó.
Theo chuyên gia Gary Smith từ Columbia Threadneedle, đà đa dạng hóa này sẽ tiếp tục tăng tốc. Trước đây, ông từng dự báo thị phần dự trữ của đồng USD sẽ giảm 10 điểm phần trăm trong thập kỷ tới. Nay, con số đó có vẻ đã quá khiêm tốn.
Sự suy yếu trong vai trò thống trị của đồng USD ngày càng rõ rệt?
Sự phụ thuộc vào USD không chỉ đến từ các Ngân hàng Trung ương mà còn từ các quỹ hưu trí Chính phủ, công ty bảo hiểm nhân thọ quy mô hàng trăm tỷ USD, đặc biệt tại châu Á. Dù thường ra quyết định một cách chậm rãi và thận trọng nhưng sự quan tâm của họ với tài sản Mỹ đang giảm dần.
Theo Huw van Steenis, chuyên gia tại công ty tư vấn Oliver Wyman, “Nỗi lo về việc nước Mỹ không còn giữ được vị thế đặc biệt như trước đang lan rộng. Và dù điều gì xảy ra tiếp theo, một điều rõ ràng là: Thế giới cần phải đa dạng hóa danh mục đầu tư hơn nữa”.
Ngay cả khi vai trò của đồng USD chỉ suy giảm một phần, chứ chưa bị thay thế hoàn toàn, thì nước Mỹ vẫn phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã: Sẽ không còn dễ dàng huy động tiền để chi tiêu mạnh tay như trước nữa.
Hiện Mỹ đang thâm hụt ngân sách ở mức 7% GDP, và chi phí trả lãi nợ công đã tăng chóng mặt. Theo một ước tính, kế hoạch ngân sách vừa được Hạ viện thông qua có thể làm thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng thêm 5,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới - con số này thậm chí còn lớn hơn tổng chi phí của gói kích thích Covid-19, chính sách giảm thuế thời Trump và chương trình hạ tầng của cựu Tổng thống Joe Biden cộng lại.
Sở hữu trái phiếu Kho bạc Mỹ của nhà đầu tư nước ngoài (phân chia giữa các tổ chức chính thức và nhà đầu tư tư nhân), tính theo nghìn tỷ USD từ năm 2000 đến 2025
Thế giới không dễ thay thế đồng USD nhưng đang thử?
Dù muốn rời xa rủi ro chính trị từ Mỹ, các quốc gia khác vẫn chưa có giải pháp thay thế rõ ràng. Sau Thế chiến II, đồng USD thế chỗ đồng bảng Anh trong bối cảnh nước Anh suy kiệt. Còn ngày nay, không một đồng tiền nào hội tụ đủ điều kiện để “lên ngôi”.
Đồng euro từng được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ xứng tầm thay thế đồng bạc xanh nhưng những điểm yếu cố hữu trong Liên minh tiền tệ châu Âu - đặc biệt là rủi ro tín dụng giữa các nước thành viên và vai trò chưa rõ ràng của Ngân hàng Trung ương châu Âu - vẫn là những rào cản lớn.
Ngoài ra, quy mô thị trường trái phiếu của Đức, vốn được coi là an toàn nhất châu Âu, cũng chỉ bằng khoảng 1/12 so với thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến đồng euro khó lòng đảm nhận vai trò toàn cầu tương đương với USD.
Còn nhân dân tệ, dù nền kinh tế Trung Quốc đủ lớn để hỗ trợ một đồng tiền có tầm ảnh hưởng toàn cầu, nhưng quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ vẫn chưa thực sự có tiến triển. Hiện đồng tiền này chỉ chiếm hơn 2% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu và đang có xu hướng giảm. Bắc Kinh cũng chưa cho thấy ý định nới lỏng kiểm soát vốn - một điều kiện thiết yếu để thu hút dòng tiền quốc tế.
Thay vì tập trung quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, Trung Quốc đang chọn hướng đi khác: Xây dựng một hệ thống thanh toán và tài chính độc lập nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ. Điều này bao gồm việc thiết lập mạng lưới hoán đổi tiền tệ với các Ngân hàng Trung ương nước ngoài và phát triển nền tảng thanh toán riêng để thay thế hệ thống SWIFT do phương Tây kiểm soát.
Dù những nỗ lực này khó có thể giúp nhân dân tệ vươn lên thay thế đồng USD, nhưng chúng vẫn có thể làm suy yếu phần nào ảnh hưởng tài chính toàn cầu của Mỹ.
Nếu chính quyền Mỹ - dù vô tình hay cố ý - làm suy yếu vai trò thống trị của đồng USD, các quốc gia khác sẽ buộc phải tìm cách tự bảo vệ mình. Điều đó có thể dẫn đến việc họ dựng lên các rào cản tài chính, quay về sử dụng những hệ thống thanh toán kém hiện đại và kém hiệu quả hơn.
Kết quả là thế giới có thể rơi vào tình trạng phân mảnh thành các khối tiền tệ đối lập, thiếu đi các tiêu chuẩn chung, bị chi phối bởi chính sách bảo hộ và mất dần sự kết nối tài chính toàn cầu mà đồng USD từng giúp duy trì. Những gì thị trường tài chính vừa trải qua trong vài tuần gần đây chỉ là màn khởi đầu cho viễn cảnh đó và rõ ràng, nó không mấy dễ chịu.
Tham khảo The Economist
Trong suốt chiều dài lịch sử tài chính hiện đại, mỗi khi thị trường toàn cầu chao đảo, giới đầu tư thường đổ xô tìm nơi trú ẩn an toàn: Trái phiếu Mỹ và đồng USD. Nhưng điều đó đã không còn đúng trong biến động gần đây nhất, khi cú sốc không đến từ suy thoái hay khủng hoảng ngân hàng, mà từ những đòn áp thuế chưa từng có tiền lệ từ chính quyền Mỹ.
Kể từ giữa tháng 1, đồng USD đã mất hơn 9% giá trị so với rổ tiền tệ lớn. Ngược lại, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - thường giảm khi nhà đầu tư tìm đến an toàn - lại tăng mạnh từ 4,2% lên 4,5%. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang rời bỏ thị trường trái phiếu Mỹ thay vì đổ tiền vào đó như thường lệ.
Việc mối liên kết tài chính quen thuộc bị phá vỡ cho thấy rõ sự bất ổn trong cách điều hành của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Chính sách thương mại mang tính đối đầu, các quyết định kinh tế thiếu cân nhắc và sự nghi ngờ của một số cố vấn trong chính quyền Trump về vai trò toàn cầu của đồng USD đã khiến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài bị lung lay. Hiện họ đang nắm giữ khoảng 32 nghìn tỷ USD tài sản của Mỹ, vì vậy thái độ của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của cả nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào Mỹ, họ không chỉ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mà còn góp phần giữ lãi suất Chính phủ ở mức thấp, qua đó giúp Mỹ dễ dàng vay nợ hơn - một lợi thế mà nước này đã hưởng suốt nhiều thập kỷ nhờ vai trò "độc tôn" của đồng USD.

Từ “đế chế không thể thay thế” đến “mối lo ngại nghiêm trọng”
Trước đây, việc nghĩ rằng đồng USD có thể mất vị thế thống trị từng bị xem là điều vô lý. Nhưng giờ đây, các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư trên toàn thế giới buộc phải nghiêm túc cân nhắc khả năng này. Bởi lẽ, gần như toàn bộ hệ thống tài chính hiện đại đều dựa trên nền tảng của đồng USD: Gần 90% giao dịch ngoại hối có liên quan đến nó và một nửa các khoản vay quốc tế đều được định giá bằng đồng bạc xanh.
Tuy vậy, một số người trong Nội các của ông Trump lại không ngại bày tỏ sự ủng hộ nếu trật tự tài chính hiện tại bị phá vỡ. Phó Tổng thống J.D. Vance, khi còn là Thượng Nghị sĩ, từng lên tiếng chỉ trích vai trò toàn cầu của đồng USD, cho rằng điều này khiến đồng tiền Mỹ bị đẩy giá lên một cách không tự nhiên, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước.
Đáng chú ý, vào tháng 11, Stephen Miran - người hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng - thậm chí còn đề xuất rằng Tổng thống có thể đơn phương áp thuế lên trái phiếu Kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ, nhằm hạn chế dòng vốn từ bên ngoài.
Chỉ một văn bản ngắn, nhưng đã đủ để khiến các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới hoang mang và lo ngại.
Trật tự tài chính toàn cầu đang âm thầm dịch chuyển?
Xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối đã diễn ra từ trước khi ông Trump tái đắc cử. Tỷ trọng của đồng USD trong kho dự trữ toàn cầu đã giảm từ 73% năm 2001 xuống còn 58% hiện nay.

Ngược lại, các đồng tiền như đô la Úc, đô la Canada, krona Thụy Điển hay franc Thụy Sĩ đang dần giành được thị phần. Thêm vào đó, các Ngân hàng Trung ương cũng đẩy mạnh tích trữ vàng - hơn 1.000 tấn mỗi năm trong ba năm gần nhất, tăng hơn 140% so với giai đoạn ba năm trước đó.
Theo chuyên gia Gary Smith từ Columbia Threadneedle, đà đa dạng hóa này sẽ tiếp tục tăng tốc. Trước đây, ông từng dự báo thị phần dự trữ của đồng USD sẽ giảm 10 điểm phần trăm trong thập kỷ tới. Nay, con số đó có vẻ đã quá khiêm tốn.
Sự suy yếu trong vai trò thống trị của đồng USD ngày càng rõ rệt?
Sự phụ thuộc vào USD không chỉ đến từ các Ngân hàng Trung ương mà còn từ các quỹ hưu trí Chính phủ, công ty bảo hiểm nhân thọ quy mô hàng trăm tỷ USD, đặc biệt tại châu Á. Dù thường ra quyết định một cách chậm rãi và thận trọng nhưng sự quan tâm của họ với tài sản Mỹ đang giảm dần.
Theo Huw van Steenis, chuyên gia tại công ty tư vấn Oliver Wyman, “Nỗi lo về việc nước Mỹ không còn giữ được vị thế đặc biệt như trước đang lan rộng. Và dù điều gì xảy ra tiếp theo, một điều rõ ràng là: Thế giới cần phải đa dạng hóa danh mục đầu tư hơn nữa”.
Ngay cả khi vai trò của đồng USD chỉ suy giảm một phần, chứ chưa bị thay thế hoàn toàn, thì nước Mỹ vẫn phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã: Sẽ không còn dễ dàng huy động tiền để chi tiêu mạnh tay như trước nữa.
Hiện Mỹ đang thâm hụt ngân sách ở mức 7% GDP, và chi phí trả lãi nợ công đã tăng chóng mặt. Theo một ước tính, kế hoạch ngân sách vừa được Hạ viện thông qua có thể làm thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng thêm 5,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới - con số này thậm chí còn lớn hơn tổng chi phí của gói kích thích Covid-19, chính sách giảm thuế thời Trump và chương trình hạ tầng của cựu Tổng thống Joe Biden cộng lại.

Thế giới không dễ thay thế đồng USD nhưng đang thử?
Dù muốn rời xa rủi ro chính trị từ Mỹ, các quốc gia khác vẫn chưa có giải pháp thay thế rõ ràng. Sau Thế chiến II, đồng USD thế chỗ đồng bảng Anh trong bối cảnh nước Anh suy kiệt. Còn ngày nay, không một đồng tiền nào hội tụ đủ điều kiện để “lên ngôi”.
Đồng euro từng được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ xứng tầm thay thế đồng bạc xanh nhưng những điểm yếu cố hữu trong Liên minh tiền tệ châu Âu - đặc biệt là rủi ro tín dụng giữa các nước thành viên và vai trò chưa rõ ràng của Ngân hàng Trung ương châu Âu - vẫn là những rào cản lớn.
Ngoài ra, quy mô thị trường trái phiếu của Đức, vốn được coi là an toàn nhất châu Âu, cũng chỉ bằng khoảng 1/12 so với thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến đồng euro khó lòng đảm nhận vai trò toàn cầu tương đương với USD.
Còn nhân dân tệ, dù nền kinh tế Trung Quốc đủ lớn để hỗ trợ một đồng tiền có tầm ảnh hưởng toàn cầu, nhưng quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ vẫn chưa thực sự có tiến triển. Hiện đồng tiền này chỉ chiếm hơn 2% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu và đang có xu hướng giảm. Bắc Kinh cũng chưa cho thấy ý định nới lỏng kiểm soát vốn - một điều kiện thiết yếu để thu hút dòng tiền quốc tế.
Thay vì tập trung quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, Trung Quốc đang chọn hướng đi khác: Xây dựng một hệ thống thanh toán và tài chính độc lập nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ. Điều này bao gồm việc thiết lập mạng lưới hoán đổi tiền tệ với các Ngân hàng Trung ương nước ngoài và phát triển nền tảng thanh toán riêng để thay thế hệ thống SWIFT do phương Tây kiểm soát.
Dù những nỗ lực này khó có thể giúp nhân dân tệ vươn lên thay thế đồng USD, nhưng chúng vẫn có thể làm suy yếu phần nào ảnh hưởng tài chính toàn cầu của Mỹ.
Nếu chính quyền Mỹ - dù vô tình hay cố ý - làm suy yếu vai trò thống trị của đồng USD, các quốc gia khác sẽ buộc phải tìm cách tự bảo vệ mình. Điều đó có thể dẫn đến việc họ dựng lên các rào cản tài chính, quay về sử dụng những hệ thống thanh toán kém hiện đại và kém hiệu quả hơn.
Kết quả là thế giới có thể rơi vào tình trạng phân mảnh thành các khối tiền tệ đối lập, thiếu đi các tiêu chuẩn chung, bị chi phối bởi chính sách bảo hộ và mất dần sự kết nối tài chính toàn cầu mà đồng USD từng giúp duy trì. Những gì thị trường tài chính vừa trải qua trong vài tuần gần đây chỉ là màn khởi đầu cho viễn cảnh đó và rõ ràng, nó không mấy dễ chịu.
Tham khảo The Economist