EVN nói gì về quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 10.5?
Giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 10.5 sẽ được điều chỉnh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng hơn 100 đồng/kWh so với hiện hành.
Chiều 9.5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố Quyết định số 599/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng hơn 100 đồng/kWh từ ngày 10.5
ẢNH: T.N
Theo đó, từ ngày 10.5, giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tăng lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8%, tăng hơn 100 đồng so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Như vây, tính từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã có 4 lần điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết qua phối hợp tính toán với Cục Thống kê (Bộ Tài chính), giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% sẽ tác động tăng 0,09% chỉ số PCI.
Theo đại diện lãnh đạo EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân được EVN thực hiện theo các quy định hiện hành nhưng bối cảnh năm nay cũng có một số yếu tố khác biệt.
Để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng 8%, sản lượng điện thương phẩm sẽ tăng 12,2% so với năm 2024, tương đương mức tăng 33,6 tỉ kWh và cơ bản đều huy động từ nguồn điện sản xuất điện giá thành cao.
Khi hiện nay, tỷ trọng huy động từ thủy điện (điện giá rẻ) đã sụt giảm do đã khai thác đến mức giới hạn, chỉ còn khai thác được từ điện khí và than, nhiệt điện chạy dầu đều là những nguồn điện giá thành cao.
Dự báo năm nay, do biến động thời tiết, thủy điện giảm khoảng 7 tỉ USD, sẽ phải huy động nhiều điện than ở các tỉnh phía nam. 4 tháng đầu năm nay, giá than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện liên tục tăng.
Cũng theo tính toán của EVN, trong cấu nguồn điện năm nay, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như: nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...
Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu.
Cũng theo đại diện lãnh đạo EVN, trên cơ sở bám sát nhu cầu sử dụng điện, đảm bảo nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như cân nhắc kỹ chi phí đầu vào, chi phí biến động và tính toán khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, làm sao để chọn mức tăng phù hợp, đảm bảo nền kinh tế có sức cạnh tranh.
"Sau khi tính toán kỹ, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8% là tương đối phù hợp", ông Lâm nói.

EVN nói gì về quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 10.5?
Giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 10.5 sẽ được điều chỉnh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng hơn 100 đồng/kWh so với hiện hành.