Gả chồng cho con dâu cũ, người mẹ ở TPHCM khóc nức nở tại đám cưới

Với Huỳnh Lê, may mắn lớn của cuộc đời là có 3 người mẹ yêu thương mình. Mối quan hệ giữa mẹ ruột, mẹ chồng cũ và mẹ chồng mới của Lê rất hòa hợp.​


Mẹ chồng – nàng dâu dìu nhau qua nỗi đau

20h, sau bữa cơm tối, nghe tiếng chuông điện thoại, Nguyễn Huỳnh Lê (SN 1994, TPHCM) nhấc lên nghe, đầu dây bên kia là giọng hờn dỗi quen thuộc: “Con đi đâu mà mẹ gọi không bắt máy. Thằng cu đâu cho bà ngó tí. Nhớ quá rồi”.

Người gọi là mẹ chồng cũ của Huỳnh Lê – bà Nguyễn Thị Phụ (SN 1960, TPHCM). “Thằng cu” là con trai của Lê với chồng mới. Chẳng phải máu mủ nhưng những năm qua, bà Phụ thương yêu cậu bé hết lòng bởi đó là “khúc ruột” của đứa con dâu mà bà đã xem như con gái ruột.

Huỳnh Lê và mẹ chồng cũ

Huỳnh Lê và mẹ chồng cũ

Huỳnh Lê nhớ lại hồi mới về làm dâu nhà bà Phụ. Mẹ chồng nóng tính, con dâu trẻ chưa thạo việc nhà, giữa đôi bên nhiều lần nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng với Lê, bà Phụ luôn có sự kiên nhẫn kỳ lạ. Bà dạy con dâu từng chút một, từ nội trợ, làm việc nhà cho đến cách ứng xử.

“Hồi tôi sinh nở, hai mẹ con càng thân thiết hơn. Bé con sinh non phải nằm viện 6-7 tháng trời, mẹ con tôi cùng ở viện chăm sóc, trở thành chỗ dựa của nhau.

Thời ấy, tôi chưa đi làm nên không có tiền. Những chiếc váy đẹp tôi mặc đều do mẹ chồng sắm. Phải nói, mẹ lo cho tôi từng chút một”, Lê chia sẻ.

Kết hôn được mấy năm, chồng Lê qua đời đột ngột do bệnh nặng. Ở tuổi 21, Lê góa chồng, con gái của chị mồ côi bố. Cú sốc khiến chị suy sụp hoàn toàn. Cơ thể vốn gầy gò, bé nhỏ giờ càng thêm tiều tụy, giống như “cái xác không hồn”.

Trong khoảng 1 năm sau đó, chị vẫn chưa thể chấp nhận sự thật chồng đã qua đời.

“Mẹ chồng tôi có 4 người con, 2 trai và 2 gái. Chồng tôi được bà cưng chiều nhất nhà. Con trai qua đời, bà đau thấu tâm can nhưng vẫn gắng gượng trở thành chỗ dựa cho tôi, giúp tôi ổn định tinh thần, vực lại cuộc sống”, Lê kể.

Lê cùng con không trở về nhà mẹ đẻ mà vẫn sống tại nhà bà Phụ. Bố chồng thường xuyên vắng nhà, căn nhà nhỏ hầu như chỉ có tiếng trò chuyện thủ thỉ của mẹ chồng, nàng dâu.

Chị được mẹ chồng quan tâm hết mực. Tình thương của bà thể hiện qua những thùng tôm, mực bà chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, những bát bún gạo, hủ tiếu bà nấu cho con dâu ăn...

Trước đây, bà Phụ nhiều lần phàn nàn con dâu ăn quá cay nhưng sau này, chỉ cần con dâu chịu ăn món gì, bà sẵn sàng bỏ ớt vào món đó. “Từ sau khi chồng tôi mất, tôi được mẹ chồng thương nhiều hơn. Thương dữ lắm, tôi không sao kể hết được”, Lê chia sẻ.

Gả chồng cho con dâu

Vài năm sau khi chồng qua đời, Lê bén duyên với kinh doanh. Bà Phụ đảm nhận việc trông cháu để con dâu yên tâm làm việc. Những bận rộn của cuộc sống, những mục tiêu mới khiến họ dần nguôi ngoai.

Và Huỳnh Lê cũng đã tìm được cho mình bến đỗ mới. Chị tái giá với người đàn ông hơn 4 tuổi, cũng sinh sống tại TPHCM.

Sau khi tái giá, Lê vẫn thường xuyên lui về thăm nom mẹ chồng cũ

Sau khi tái giá, Lê vẫn thường xuyên lui về thăm nom mẹ chồng cũ

Lê kể, thuở đó, mỗi khi đối diện với bà Phụ chị đều thấy lòng mình thấp thỏm. Giống như một đứa trẻ làm sai sợ bị người lớn trách phạt, Lê sợ việc mình có người mới sẽ khiến mẹ chồng phiền lòng.

“Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đi bước nữa, cứ nghĩ ở lại với mẹ Phụ thôi. Mà duyên số... đôi khi khó nói”, Lê chia sẻ. “Hôm đó, tôi lấy hết can đảm kể với mẹ việc mình có người mới, thậm chí đã có bầu. Tôi chuẩn bị sẵn tâm lý nghe mẹ mắng nhưng không, mẹ chỉ cười bảo tôi ‘có bầu thì cưới’.

Tôi hỏi ‘mẹ không chửi con sao?’. Mẹ bảo ‘chứ giờ con trẻ vậy, không lẽ mẹ bắt con ở giá suốt đời’”, Lê kể.

Đám cưới được rốt ráo chuẩn bị ngay sau đó. Thay vì bố mẹ ruột, bố mẹ chồng Lê là những người đứng ra gả con dâu. Trong buổi gặp gỡ bàn chuyện cưới xin, có tới 3 cặp thông gia quây quần trò chuyện. Vợ chồng bà Phụ ngồi ở vị trí nhà gái.

Đám cưới được tổ chức linh đinh tại nhà trai. Ngày cưới, vợ chồng bà Phụ lên sân khấu trao vàng cưới cho con dâu, rồi đứng ở phía đại diện nhà gái nhận ly rượu mừng từ cô dâu – chú rể.

Giây phút đó, bà Phụ ôm chầm lấy Lê khóc nức nở, chính thức gả con dâu theo chồng.

“Hôm đó, cả anh chị chồng của tôi cũng khóc. Tình cảm quý giá từ nhà chồng cũ là điều tôi biết ơn suốt đời”, Lê chia sẻ.

3 người mẹ tuyệt vời

Những năm qua, nhà bà Phụ vẫn là chốn thân thương Lê thường xuyên lui về. Chị may mắn sống ngay gần đó nên tình cảm chỉ “thân càng thêm thân” chứ không hề phai nhạt.

Huỳnh Lê chụp ảnh cùng mẹ chồng cũ (ngoài cùng bên trái) và mẹ chồng mới (giữa)

Huỳnh Lê chụp ảnh cùng mẹ chồng cũ (ngoài cùng bên trái) và mẹ chồng mới (giữa)

Thời điểm sinh con trai với chồng mới, Lê được mẹ chồng cũ chăm sóc tỉ mỉ, thương yêu như con gái ruột. Từng hành động ân cần, từng câu lời động viên, khích lệ tinh thần của bà vẫn khiến chị nhớ mãi.

“Tôi sinh mổ, nhiều cái hạn chế. Mẹ không quản ngại lau chùi, vệ sinh cho tôi. Mẹ xoa dầu, mang vớ, đút cho tôi ăn. Hồi tôi đẻ lần đầu, mẹ chăm thế nào thì lần này chăm y như vậy, thậm chí còn thương hơn”, Lê chia sẻ.

Bé trai của Lê với chồng mới được bà Phụ thương như cháu ruột. Bà thường xuyên gọi điện hỏi thăm cháu, mong từng ngày cháu về nhà chơi, có gì ngon cũng muốn để phần cho cháu...

Điều Lê thấy mình may mắn hơn nữa là mối quan hệ giữa mẹ ruột, mẹ chồng cũ và mẹ chồng mới rất hòa hợp. Lê có ba người mẹ và cả ba đều dành cho chị tình yêu thương đặc biệt. Họ cũng rất biết cư xử với nhau nên chị chưa từng rơi vào tình huống khó xử.

“May mắn lớn của cuộc đời tôi là có ba người mẹ tuyệt vời. Mẹ chồng mới của tôi cũng tốt và thương tôi như mẹ chồng cũ vậy”, Lê tâm sự.
 

Có thể bạn quan tâm

Top