GDP Việt Nam quý 1 tăng 6,93%

Ngành dệt may Việt Nam bị dự báo ảnh hưởng nặng nề do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh,Ngành dệt may Việt Nam bị dự báo ảnh hưởng nặng nề do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump
4 giờ trước
Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại trong quý đầu năm nay so với quý 4/2024, ngay trước thời điểm mà nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này sẽ phải đối mặt với những thách thức từ thuế quan thương mại nặng nề của Mỹ, theo hãng tin Reuters.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6,93% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 7,55% của quý IV tháng 12.
Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất là những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, nhưng mô hình này có thể chịu áp lực sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế 46% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định thuế đối ứng của ông Trump không làm thay đổi mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% của Việt Nam trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, tăng trưởng trong các quý còn lại cần đạt từ 8,2% đến 8,4%. Nhưng nếu biện pháp thuế của ông Trump đối với hàng hóa Việt Nam gây ra sự sụt giảm 10% trong lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, điều này có thể làm giảm tăng trưởng GDP 0,84 điểm phần trăm, Tổng cục Thống kê ước tính.
Các ngành may mặc, giày dép, điện tử và điện thoại thông minh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cơ quan này thông tin.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê, nhận định rằng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đóng vai trò là một động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Việt Nam, theo đài KBS World của Hàn Quốc.
Bà Hạnh cho hay chính sách thuế mới từ Mỹ có nguy cơ làm giảm đáng kể dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc vào Việt Nam. Hệ quả trực tiếp của việc này là sự sụt giảm về cơ hội việc làm và thu nhập của người dân.
Đáng chú ý, các ngành hàng như quần áo, giày dép, sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực nặng nề nhất từ chính sách này.
Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu tiên của 2025 và thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 27,3 tỷ USD.

Gây thiệt hại nặng đến mô hình tăng trưởng​

Sản xuất công nghiệp tăng 7,8% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm so với mức 11,5% của quý trước.
Tổng cục Thống kê cảnh báo rằng sản xuất công nghiệp trong quý II có thể đối mặt với những thách thức do thuế quan và sự bất ổn toàn cầu.
Xuất khẩu tăng 10,6% hàng năm trong quý I/2025, tăng đang kể so với mức 7,9% của quý cuối cùng năm 2024.
Công ty nghiên cứu BMI vào hôm 3/4 nhận định mức thuế của Mỹ đối với Việt Nam khắc nghiệt hơn dự kiến, và có thể khiến tăng trưởng GDP không đạt được dự báo 7,4% cho năm nay, với mức giảm lên đến 3 điểm phần trăm.
BMI bình luận rằng điều này sẽ gây thiệt hại đáng kể đến mô hình tăng trưởng hiện tại dựa trên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu của Việt Nam - vốn đã phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất.
Hoạt động kinh tế ở Việt Nam thường chậm lại trong quý đầu năm vì các kỳ nghỉ kéo dài dịp Tết Nguyên đán.
Các nhà tư vấn đầu tư nhận xét tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng trong năm nay do các công ty trì hoãn quyết định đầu tư trước khi ông Trump công bố thuế quan, theo Reuters.
Hầu hết các nhà sản xuất Mỹ đều cho rằng họ có khả năng sẽ buộc phải sa thải công nhân nếu chính quyền Trump áp thuế đối với Việt Nam, theo khảo sát vào tháng 2/2025 của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam.
Mức thuế đối ứng 46% mà ông Trump áp lên hàng hóa Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4 và tới nay Việt Nam đã liên tục đưa ra hàng loạt động thái mong giảm thiểu con số này.
Xuất khẩu là một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Xuất khẩu là một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam

'Hy sinh một phần lạm phát'​

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 3,13% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê thông tin hôm 6/4.
Theo một bài viết trên trang thông tin chính thức của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương vào hôm 2/4 thì tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ chính phủ, chiếm trên 60% GDP cả nước.
Bài viết cho rằng việc kích thích tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 của Việt Nam.
Trong bối cảnh chỉ số xuất khẩu bị đe dọa sụt giảm do thuế quan và chính quyền vẫn bảo lưu quan điểm muốn giữ nguyên tăng trưởng GDP năm nay ở mức 8%, chỉ số về tiêu dùng có thể được chú ý nhiều hơn.
Bộ Tài chính đang thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hiện hành, qua đó kích thích chi tiêu.
Vào giữa tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có thể phải chấp nhận "hy sinh một phần lạm phát", tức một phần lạm phát cao hơn, để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Có thể hiểu điều này đồng nghĩa với việc vật giá có thể leo thang đáng kể trong bối cảnh hiện nay.
 

Có thể bạn quan tâm

Top