Giết hay lưu đày? - Về kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm

sami88

Con chim biết nói
Không quá lời khi cho rằng năm 1963 là một trong những bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam, và có tác động không nhỏ tới địa chính trị thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20.

Cuộc khủng hoảng Phật giáo xuất phát từ vụ Phật tử biểu tình tại Huế ngày 8/5/1963 cho đến hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu giữa Sài Gòn đã làm chấn động dư luận quốc tế, biến chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành mục tiêu chỉ trích của dư luận cả trong và ngoài nước.[1] Cũng sau sự kiện khủng hoảng Phật giáo tại Huế này, một kế hoạch đảo chính ra đời.

Hẳn nhiều người cũng biết vào tháng 3/2025 mới đây, Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã giải mật nhiều tài liệu liên quan tới vụ ám sát John. F. Kennedy vào năm 1963. Một bức điện của CIA đề tháng 5/1963 cho biết, Phong trào Việt Nam Thoát xác - một tổ chức phát triển từ Việt Nam Quốc Dân Đảng - đã có kế hoạch bắt giữ ông Ngô Đình Cẩn và Giám mục Ngô Đình Thục để buộc ông Diệm phải đàm phán, mở đường cho một cuộc đảo chính ở Sài Gòn. [2] Kế hoạch bất thành.

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ngô Đình Diệm cũng không mấy khả quan vì số lượng lớn cố vấn quân sự Mỹ đang hiện diện ở miền Nam. Cũng trong tập tài liệu của Hoa Kỳ vừa giải mã, có thông tin rằng Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu không hài lòng về một vài hoạt động của Mỹ, họ lo ngại Mỹ sẽ xâm phạm đến những quyết định nội bộ của Việt Nam Cộng hòa. [3]

Giết hay không giết​

Sài Gòn, ngày cuối cùng của tháng Mười năm 1963.

Trung tướng Trần Văn Đôn đến gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm để hỏi liệu ông Diệm có thể thay đổi chính sách đối nội không. Chẳng hạn, tái mở chùa và giải phóng tăng ni để vãn hồi không khí chính trị căng thẳng trong nước.

Ông Diệm từ chối. Với ông, tình hình hiện tại đã ổn định.

Và đó là một trong những cuộc gặp cuối cùng trong đời ông.

Ngày hôm sau, 1/11, cuộc đảo chính diễn ra, đặt dấu chấm hết cho nền Đệ nhất Cộng hòa của gia đình họ Ngô.

Trung tướng Đôn được tướng Dương Văn Minh triệu tập vào sáng ngày 2/11 cùng với các tướng lĩnh khác để hỏi ý kiến họ về tương lai của hai anh em tổng thống.

“Tôi đã được hỏi đầu tiên” - Trần Văn Đôn kể lại. [4]

Mar-27-2.png
Tướng Dương Văn Minh (ngồi giữa) tại một cuộc họp báo của Hội đồng Quân nhân Cách mạng sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963, bên tay phải ông là Tướng Trần Văn Đôn. Nguồn ảnh: Hình ảnh Lịch sử
Tướng Đôn - một trong những thành viên nòng cốt của nhóm quân đội đảo chính - và nhiều người khác đều thống nhất rằng sẽ cho ông Diệm và ông Nhu ra nước ngoài sống lưu vong. Thậm chí, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge đã được thông báo để chuẩn bị sẵn máy bay chở họ ra nước ngoài.

Nhưng sau đó hai giờ đồng hồ, Đôn tìm thấy xác của hai anh em tổng thống trong đoàn xe trở về.

“Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao họ chết?” - Trần Văn Đôn đến văn phòng Dương Văn Minh để chất vấn. Nhưng Dương Văn Minh cũng tỏ vẻ bất ngờ trước thông tin về cái chết của ông Diệm và ông Nhu.

Lúc đó, tướng Mai Hữu Xuân đến cửa văn phòng và nói với ông Minh: “Nhiệm vụ đã hoàn thành”.

“Thế là tôi tự nhủ ngay, chính Minh là người ra lệnh giết họ” - Trần Văn Đôn kể lại.

Mar-27-3.png
Nguồn ảnh: Nghiên cứu Lịch sử
Quyết định đưa ông Diệm và ông Nhu ra nước ngoài của các tướng lãnh ban đầu có thể được xem như là cách thọ ơn mà họ dành cho ông Diệm vì con đường thăng tiến binh nghiệp của mình. [5] Nhưng với quyết định giết chết hai anh em họ Ngô, có thể họ đề phòng việc ông Diệm sẽ mau chóng tập hợp lực lượng ủng hộ mình và tìm cách quay trở lại chính trường.

Đài Phát thanh Sài Gòn thông báo rằng ông Diệm và ông Nhu đã tự sát, nhưng tin tức này khiến mọi người hoài nghi vì cả hai là người Công giáo, và trong Giáo hội Công giáo, tự tử là điều cấm kỵ. Ngay cả bà Trần Lệ Xuân - vợ của Ngô Đình Nhu khi đó đang ở Hoa Kỳ - cũng đã phản đối thông tin tự sát này.

Mar-27-4.png
Bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thuỷ lên án Mỹ trong cuộc họp báo ngày 5/11/1963 tại Beverly Hills vì cái chết của chồng bà và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nguồn ảnh: Hình ảnh Lịch sử.
Phải đến năm 1964, các nguồn tin quân sự mới xác thực rằng ông Diệm và ông Nhu đã bị Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung giết trên xe bọc thép. [6]

Thiếu tá Nhung đã đi cùng một số xe bọc thép đến nơi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đang ẩn náu. Hai người bị trói tay và đưa vào xe. Sau một vài phút trên xe, Nhung giết chết cả hai anh em. Các bức ảnh còn cho thấy Ngô Đình Nhu sau đó đã bị đâm.

Tháng 2/1964, Nguyễn Văn Nhung được cho là đã tự bắn vào đầu mình ở nơi ông sống, trong khuôn viên dinh thự của Dương Văn Minh.

Miền Nam sau cái chết của Ngô Đình Diệm​

Cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ đánh dấu sự kết thúc của nền Đệ nhất Cộng hòa, mà còn để lại một vết nứt sâu sắc trong chính trường miền Nam. Trách nhiệm về cái chết của ông Diệm trở thành một vấn đề chính trị kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của những người kế nhiệm.

Vấn đề ai là người giết Tổng thống Diệm là một chủ đề nhạy cảm khi các nhóm giáo dân Công giáo lẫn các quan chức chính phủ dần bắt đầu công khai tổ chức lễ tưởng niệm cho ông Diệm và ông Nhu.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971, cái chết của ông Diệm còn được xem như một chủ đề vận động tranh cử giữa ông Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh. [7]

Tướng Minh đổ trách nhiệm về cái chết của Diệm lên Thiệu, khẳng định rằng, với tư cách là một Phật tử, ông chưa bao giờ muốn ông Diệm bị ám sát trong cuộc đảo chính năm 1963.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Thiệu lại đổ lỗi cho Dương Văn Minh về cái chết của Diệm, cho rằng ông Minh đang cố gắng tránh né trách nhiệm để giành lấy sự ủng hộ từ cộng đồng Công giáo.

Vào năm 1968, cựu đại sứ Mỹ Frederick Nolting nhận định rằng quyết định lật đổ ông Diệm của chính phủ Hoa Kỳ là một sai lầm chết người. [8] Trên thực tế, một năm sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tình hình chính trị và quân sự của Nam Việt Nam không những không khởi sắc như hy vọng của nhiều người mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. [9]

Cuộc chiến với Việt Cộng ngày càng ác liệt, trong khi chính quyền trung ương thì bất ổn, thiếu hiệu quả và mất dần kiểm soát. Dù có viện trợ của Hoa Kỳ nhưng họ vẫn không thể đảo ngược tình thế. Việt Cộng gia tăng các cuộc tấn công, kiểm soát và tiến hành ám sát hàng trăm quan chức Nam Việt Nam.

Trong khi đó, sự thay đổi liên tục trong chính quyền và quân đội khiến nỗ lực bình định trở nên vô hiệu.

Linh mục Cao Văn Luận - đồng sáng lập viên và là viện trưởng Viện Đại học Huế, kể lại trong quyển hồi ký “Bên giòng lịch sử” rằng, sau cái chết của Diệm, Đại sứ Mỹ Cabot Lodge đã hỏi ông về cách giải quyết khó khăn ở Việt Nam. [10] Ông Luận trả lời rằng lẽ ra Hoa Kỳ phải tính đến điều này trước khi lật đổ Diệm.

Mười hai năm sau ngày anh em Diệm - Nhu bị ám sát, Trần Văn Đôn trở thành phó thủ tướng và tổng trưởng quốc phòng. Ông lên một chiếc máy bay trực thăngcủa Mỹ tối ngày 29/4/1975 và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. [11]

Trưa hôm sau, tướng Dương Văn Minh - khi đó đã là tổng thống - bị Việt Cộng áp giải ra khỏi Dinh Độc Lập sau khi đọc tuyên bố đầu hàng.

Sài Gòn sụp đổ.
 

Có thể bạn quan tâm

Top