
Lần đầu tiên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, dùng để chế biến sashimi, sushi. Đây là kết quả đột phá, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.
Việt Nam là nước đầu tiên sinh sản thành công giống cá cam quý hiếm
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tỉnh Bắc Ninh thực hiện đã diễn ra phiên thảo luận về các lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản.
Tại đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I công bố thông tin Viện này nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, dùng để chế biến sashimi, sushi và có giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg.
PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, đây là lần đầu tiên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Trước đó đơn vị cũng nghiên cứu và sinh sản thành công cá nhụ bốn râu (cá chét, cá gộc). Đây là kết quả đột phá, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.

Cá cam là loài có giá trị cao, thường dùng để chế biến sashimi, sushi.
Ở Việt Nam, cá cam là loài bản địa, đã tiến hành nuôi thử nghiệm lần đầu vào năm 1991 tại khu vực bãi Nam (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) bằng nguồn giống khai thác từ tự nhiên. Vì nguồn giống phụ thuộc vào tự nhiên nên ngày càng cạn kiệt, dẫn đến mô hình không ổn định.
Bước đầu nghiên cứu sản xuất giống cá cam cho thấy cá cam bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên từ ngày ương thứ 18, mở ra cơ hội lớn cho việc thành công trong sản xuất giống cá cam vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt. Với nghiên cứu này, Việt Nam trở thành nước đầu tiên nhân giống thành công cá cam.
Do nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào con giống tự nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo cá cam nhưng chưa thành công.
Cá cam được nuôi khá phổ biến ở các nước như Chile, Mexico, đặc biệt tại Nhật Bản, cá cam là loài cá nuôi biển chủ lực, chiếm hơn 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên biển.
Nhật Bản cũng là quốc gia nuôi cá cam lớn nhất thế giới với sản lượng 150.000 tấn mỗi năm (chiếm 90% sản lượng toàn cầu) và giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, sử dụng để chế biến sashimi, sushi tại các nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, cá cam cũng được các nước Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu ưa chuộng và nhập khẩu nhiều.
Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết theo định hướng ngành sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án khoa học công nghệ dài hạn trong nghiên cứu chọn tạo giống thủy sản tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi quy mô công nghiệp như nuôi cá biển, nuôi cá nước mặt lớn (sông, hồ chứa), nuôi trồng và chế biến rong biển.
Nghiên cứu dịch tễ học về bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục triển khai đề án các sản phẩm quốc gia đối với tôm nước lợ, cá tra và đề xuất bổ sung loài nuôi biển…
Vì sao khó sinh sản giống cá cam?
PGS.TS Đặng Thị Lụa cho biết, lần đầu tiên cho sinh sản nhân tạo cá cam thu được khoảng 3 triệu trứng, tỉ lệ trứng thụ tinh cao trên 90%, kết quả ban đầu cho thấy ấp nuôi trong ao thời gian trứng nở sớm hơn so với ấp nuôi trong bể từ 6-8 tiếng. Tuy nhiên tỉ lệ nở trứng cả hai mô hình này còn hạn chế (đạt hơn 30%) và nguyên nhân tỉ lệ trứng nở thấp cần được tiếp tục nghiên cứu.
Kết quả ương cá cam từ cá bột lên cá giống (cá hương) từ trong hai mô hình nói trên cho thấy sự sai khác khá rõ rệt dù các điều kiện chăm sóc và cung cấp thức ăn là như nhau. Hiện tại cá cam đã 23 ngày tuổi và kết quả cho thấy nuôi ương trong ao tỉ lệ sinh trưởng, sống tốt hơn. Nuôi trong bể thì không thành công trong việc chuyển đổi thức ăn, còn nuôi trong ao thành công trong việc sử dụng thức ăn công nghiệp.
Việc cá cam bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên từ ngày ương thứ 18 mở ra cơ hội lớn của việc thành công trong sản xuất giống cá cam, vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc sản xuất giống cá cam ở một số nước chưa thành công là do điều kiện khí hậu lạnh ảnh hưởng đến tỉ lệ trứng thụ tinh, sự phát triển của phôi, ấu trùng và do nguồn thức ăn cho giai đoạn ấu trùng cá không phù hợp dẫn tới tỉ lệ sống giai đoạn cá con quá thấp.
Cá cam được xác định là loài nuôi biển cao cấp, có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt 3kg trong vòng 18 tháng nuôi. Cá cam phân bố rộng trong tự nhiên ở nhiều vùng biển nước ấm trên thế giới, phù hợp với nuôi lồng xa bờ, điều này giảm áp lực cho nuôi biển ven bờ.
Cá cam có tên tiếng Anh Greater amberjack, yellowtail và được gọi với nhiều tên khác như cá cam sọc, cá cu tùy theo địa phương. Chúng là loài cá thuộc họ cá khế được phát hiện lần đầu năm 1810. Cá cam sinh sống nhiều nơi trên thế giới như Đại Tây Dương, Địa Trung Hải hay Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, cá cam xuất hiện nhiều ở vùng ven biển miền Trung.
Thân hình cá cam thuôn dài tựa con thoi nhưng dẹt về 2 bên. Đầu cá tròn mềm, mắt to, miệng nhỏ. Kích thước cá cam khá lớn, khi trưởng thành có thể nặng 1.5kg. Cá cam sống trong môi trường nước mặn, rất nhiều thịt và được bao bọc bởi lớp vảy nhỏ màu trắng.
Quá trình sinh sản của cá cam cần phải di cư với hình thức đẻ trứng. Chu kỳ sinh sản đầu tiên của cá cam bắt đầu từ lúc 3 – 4 năm tuổi. Thời gian diễn ra chu kỳ sinh sản từ cuối mùa xuân, kết thúc đầu mùa hè tầm tháng 3 – tháng 6. Cá cam khi sinh sẽ di cư đến vùng nước sâu hoặc ở gần các con tàu chìm để có nơi trú ẩn khi đẻ.
Môi trường sống của cá cam khá rộng, phân bổ chủ yếu từ Ấn Độ Dương đến tận vùng biển Tây Thái Bình Dương. Nhiều quốc gia có số lượng cá cam nhiều như Trung Quốc, Nam Phi, Nhật Bản, Canada, Brazil, vịnh Mexico, biển Địa Trung Hải và Việt Nam. Ở Việt Nam khu vực biển miền Trung là nơi nhiều cá cam nhất.