
Trong lần đầu về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ căn dặn địa phương "phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu". Tại đây, Người đã để lại bút tích chỉ đạo sâu sắc, gợi ý cách xóa mù chữ mà không tốn tiền.
Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dânCách đây 78 năm, ngày 20/2/1947, Bác Hồ về thăm tỉnh Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong chuyến thăm này, ngoài việc dành tình cảm đặc biệt, động viên, thăm hỏi người dân cùng lãnh đạo tỉnh, Bác còn nói về công cuộc kháng chiến, kiến quốc và căn dặn: "Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu".
Trải qua 78 năm, hiện nay bút tích về ý kiến chỉ đạo "Thanh Hóa kiểu mẫu" của Người được lưu giữ trang trọng tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thành phố Thanh Hóa). Bài viết tuy ngắn gọn, chỉ 2 trang giấy, nhưng rất chi tiết, rõ ràng từng ý.

Đài tưởng niệm Bác Hồ ở Rừng Thông, thành phố Thanh Hóa - Nơi lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).
Theo sách "Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác" của Nhà xuất bản Thanh Hóa (2017), toàn văn bút tích của Bác Hồ đã được trích dẫn.
Trong nội dung bút tích, Bác Hồ nhấn mạnh mục tiêu để "Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu" là làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm; người nào cũng biết chữ, người nào cũng đoàn kết và yêu nước.
Bác Hồ cũng gợi ý phương pháp thực hiện cho người dân và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: "Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã...".
Người căn dặn thêm: "Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được".
Cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo...
Về kế hoạch tăng gia sản xuất, Bác nhấn mạnh, việc này Chính phủ làm một phần, để làm kiểu mẫu cho dân. Một phần do đồng bào địa phương tự làm. Chính phủ chỉ giúp ý kiến.

Bút tích bài viết "Thanh hóa kiểu mẫu" của Bác vào tháng 2/1947 (Ảnh: Thanh Tùng).
Người còn nêu rõ: "Chính phủ xuất 2 triệu đồng (do Bộ Tài chính giao) để làm 2.000 mẫu đồn điền (gồm công nhân, công cụ, súc vật, giống mạ…). Nếu thí nghiệm này thành công sẽ làm thêm".
Bác cũng chỉ định một ban phụ trách gồm 7 vị: Cụ Lê Thước, Chủ nhiệm kiêm thủ quỹ; anh Nhân kiêm đốc lý 1.000 mẫu; Cù Huy Cận, anh Bách, Đặng Việt Châu, hai vị nữa do 5 người trên cử thêm. Ban này sẽ có sắc lệnh của Chính phủ chuẩn y.
Bác căn dặn hai đốc lý phân công nhưng phải mật thiết hợp tác. Mỗi người chuyên trách 1.000 mẫu để thi đua nhau, nhưng về kinh nghiệm, dụng cụ, súc vật phải hỗ trợ lẫn nhau. Kế hoạch chung do Ban Trị sự bàn bạc.
Người cũng lưu ý về chi tiêu: "Tiền tiêu chưa đến 1.000 đồng thì phải có biên lai hẳn hoi của đốc lý, quá 1.000 đồng thì phải có toàn ban ký. Công nhân trong đồn điền phải có tổ chức, học chữ quốc ngữ, học quân sự thường thức, học chính trị: yêu nước, đoàn kết, kháng chiến…".
Ngoài chỉ đạo về tăng gia sản xuất, Bác còn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa.
Người viết: "Đồng bào hạ du còn hơn 50% mù chữ, đồng bào thượng du 90% mù chữ! Chính phủ giao cho cụ Lê Thước và anh Đặng Thai Mai tổ chức một Ban Văn hóa (mời thêm các nhà trí thức danh vọng)".

Học sinh tham quan tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Tùng).
Bác cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của Ban Văn hóa là làm sao cho đến tháng 6/1947, số người mù chữ phải bớt 50%.
Về kinh phí, Bác nêu rõ Chính phủ cấp một khoản tiền 100.000 đồng, do cụ Lê Thước giữ. Tuy nhiên, Bác nhấn mạnh "Ban Văn hóa phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được".
Người gợi ý mô hình như "Gia đình học hiệu", "Tiểu giáo viên", cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo...
"Không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dùng lẽ tre (cành tre nhỏ)…, không thiếu gì cách học mà không tốn tiền", Bác gợi ý.
Cuối cùng, Bác căn dặn, Ban tăng gia sản xuất Thanh Hóa cứ làm việc địa phương, rồi liên lạc với Ban tăng gia sản xuất Trung ương. Cần có kế hoạch dẫn thủy nhập điền cho 120.000 mẫu ruộng.