Ký ức gần 60 năm
Nỗi đau vẫn còn đó, cắt cứa, ám ảnh.
Như thể những chết chóc đau thương ấy chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
"Chúng tôi được ba tôi đánh thức và nhắc cả nhà xuống hầm... Tôi cầu trời che chở cho cả nhà. Nhưng điều đó không xảy ra."
"Tôi nhìn thấy những vệt pháo sáng.
"Điều tiếp theo mà tôi nhớ, là thấy tôi nằm trên sàn nhà, máu túa ra. Tôi bị bắn vào đầu.
"Tôi vẫn còn như thể đang thấy em trai tôi nằm cạnh tôi, bụng bị rạch toạc ra. Em thở nặng nhọc, những hơi thở cuối cùng...
"...Việt Cộng tràn vào nhà. Họ lấy bia ra và ăn uống. Trong khi đó, tôi thấy mẹ tôi nằm đó, đang hấp hối. Tôi nghe tiếng mẹ khóc trong đau đớn, thời gian như kéo dài cả thế kỷ...," ông Huấn, con trai Trung tá Tuấn, kể lại trong phim giây phút cả gia đình bị thảm sát.
Khi ấy, mới 9 tuổi, ông Huấn một thời gian sau đã nhìn thấy bức ảnh cả gia đình mình bị giết trên tạp chí
Time. Cạnh đó là bức ảnh
Hành quyết tại Sài Gòn, mà ông Lém được tin là "tên đao phủ".
"Nếu đặt bức
Hành quyết tại Sài Gòn cạnh bức ảnh gia đình tôi bị thảm sát, bức nào tàn bạo hơn?" ông Huấn đặt câu hỏi.
Với bà June, con gái Tướng Loan, tuổi vị thành niên của bà là một chuỗi những giận dữ và tổn thương dồn nén.
Khi bức ảnh
Hành quyết tại Sài Gòn được thảo luận ở các trường học tại Mỹ.
Khi bạn học nhìn bà với ánh mắt ghê sợ. "Cha mày là tên giết người này sao?"
Khi chính phủ Mỹ dự định trục xuất cha bà - Tướng Loan - dưới áp lực dư luận.
Khi bà nhìn thấy bức vẽ nguệch ngoạc trong nhà vệ sinh quán ăn của cha mẹ, viết rằng cha bà là một "tội phạm chiến tranh".
Với bà Loan, ông Thông - hai người con của Đại úy Lém, đó là ngôi mộ gió của người cha, mà họ chỉ biết mặt vào giây phút ông bị bắn chết - qua bức ảnh
Hành quyết tại Sài Gòn.
"Năm nào nhớ ba quá, chúng tôi chỉ ra mộ ngồi khóc dù biết rằng trong mộ không có hài cốt cha. Dịp 30/4, nhà nước có chiếu lên hình ảnh của ba [Bức ảnh
Hành quyết tại Sài Gòn], tôi chỉ nằm nhìn và khóc. Nếu như không có chiến tranh thì gia đình tôi đâu có như vầy," bà Loan nói trong nước mắt.
Nguồn hình ảnh,Naja Pham Lockwood
Chụp lại hình ảnh,Đạo diễn Naja Pham Lockwood
'Phía sau bức ảnh là một người cha'
Người xem còn được thấy những mặt khác, nhân văn hơn, đời hơn, của những "kẻ giết người" trong cuộc chiến đẫm máu đó.
Tướng Loan, Đại úy Lém, qua cái nhìn của các con, là những người cha nhân hậu, yêu thương, đáng tự hào.
Ông Loan, cởi bỏ mũ áo binh trường, trong mắt con gái, là một người cha làm việc quần quật bảy ngày mỗi tuần để nuôi gia đình, yêu thương các con vô điều kiện và luôn đặt quyền lợi của người khác lên trên hết.
Ông Lém, với các con, là một "anh hùng tham gia giải phóng dân tộc", được "nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang". Theo báo chí Việt Nam, vào ngày 17/4/2010, liệt sĩ Nguyễn Văn Lém cùng đơn vị từng do ông chỉ huy (đội 3, Biệt động Sài Gòn-Gia Định) được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Người xem cũng có thể thấy cả hai phía đều cố gắng "biện minh" cho hành động của cha mình.
Bà June trần tình:
"Bức ảnh chỉ là bức ảnh. Nó không nói lên toàn bộ câu chuyện. Nó không cho thấy điều đã xảy ra trước khi có bức ảnh. Điều xảy ra trước khi có bức ảnh là người đàn ông đó [ông Lém] đã đi khắp thành phố, ra lệnh giết người và giết nhiều người."
Theo bà June, trừ phi bạn là một người lính, bạn sẽ không thể hiểu vì sao những người lính như cha bà lại phản ứng như vậy, khi mà thực tế khắc nghiệt diễn ra xung quanh tác động sâu sắc tới họ.
"Với những trải nghiệm mà tôi đã có với ông, tôi không hoài nghi những gì ông đã làm," bà June cương quyết.
Trong khi đó, bà Loan và ông Thông, cũng kiên quyết khẳng định "không có chuyện cha tôi vào giết cả gia đình" ông Huấn và rằng ông Lém "không có thời gian để làm việc đó".
Nguồn hình ảnh,Naja Pham Lockwood
Chụp lại hình ảnh,Bà June, con gái Tướng Loan - poster phim tài liệu
Đất lành chim đậu
Nguồn hình ảnh,Carmen Delaney
Chụp lại hình ảnh,Poster phim
Đất lành chim đậu
Hoà giải và chữa lành
Phim không (và hẳn là không thể) đào sâu vào các chi tiết có thể hỗ trợ các lời biện minh này. Như đạo diễn Naja Pham Lockwood chia sẻ với
BBC News Tiếng Việt, rằng không ai (hiện còn sống) có thể biết rõ hay chứng minh điều gì đã xảy ra vào ngày hôm đó.
Nhưng đó hẳn không phải là mục đích chính của những người có mặt trong phim.
Dù khó khăn, họ đã nhắc đến "vượt qua", "chữa lành".
Dù chặng đường này còn gian nan.
Ở độ tuổi 60, dù đã trở thành đề đốc trong Hải quân Hoa Kỳ để "tiếp nối di sản cha", hình ảnh gia đình bị thảm sát ngày mùng 2 Tết chưa bao giờ thôi hiển hiện sống động trong tâm trí ông Huấn.
Ông vẫn trách mình là người đã "xông nhà" đêm 30, vì đó mà mang bất hạnh tới cho gia đình.
Ông vẫn thầm hỏi, vì sao ông là người duy nhất còn sống. "Vì sao lại là tôi?"
Dù chưa bao giờ có câu trả lời, bây giờ, ông muốn "cậu bé 9 tuổi ấy vượt qua quá khứ để thực hiện những điều lớn lao hơn".
Cũng có cả sự bao dung trong phim.
Ông Huấn nói dù được thấy bức ảnh về kẻ được tin là giết gia đình mình, ông "không thể xác minh điều đó" và chỉ có thể phát biểu theo trí nhớ của một đứa trẻ 9 tuổi.
Ngoài những day dứt về quá khứ, không có lời nào oán hận.
Với bà June, 50 năm qua, bà chưa từng trở lại Việt Nam và từng "kiên quyết" không quay trở về.
Việc trở về thăm Việt Nam, theo bà, sẽ là thiếu tôn trọng đối với người cha - Tướng Loan - người đã "dành cả đời đấu tranh chống ******** để bảo vệ đất nước của ông".
Nhưng nay bà quyết định "làm lành với quá khứ".
Bà nói các con bà muốn trở về Việt Nam để tìm hiểu cội nguồn của mình. Và bà, dù không nói rằng bà sẽ trở về, nhưng đã nói "sẽ không ngăn điều đó [các con bà về thăm Việt Nam] xảy ra".
Với ông Thông, bà Loan, những người đã vượt qua đói nghèo để xây dựng một cuộc sống no đủ hơn ở Việt Nam, họ muốn khép lại quá khứ, sau 50 năm, để bước sang một trang mới.
"Trang mới này chắc chắn tốt đẹp hơn," ông Thông nói.
Thực tế có thể không đơn giản như vậy.
Nguồn hình ảnh,Naja Pham Lockwood
Chụp lại hình ảnh,Ông Thông, con Đại úy Lém - trong phim tài liệu
Đất lành chim đậu
Với những người Việt Nam "thua trong cuộc chiến", họ tới Mỹ và "chưa bao giờ có cơ hội khép lại những gì đã xảy ra", theo lời ông Huấn.
Với nhiều gia đình, cuộc sống bươn chải ở Mỹ để thoát đói nghèo khiến họ không có thời gian để chữa lành hay vượt qua những chấn thương.
Với những gia đình khác, đơn giản là họ muốn quên đi quá khứ mà họ bị cho là "bên thua cuộc".
"Chấn thương chiến tranh vẫn còn đó ở cả hai phía. Vậy làm sao chúng ta có thể cùng nhau vượt qua, tiến về phía trước?" lời ông Huấn tự sự trong phim không ngay lập tức có câu trả lời.
Nhưng vẫn còn đó hi vọng, như ông Huấn nói lời kết trong phim: "Đất lành chim đậu".
Đạo diễn Naja Phạm Lockwood nói với
BBC News Tiếng Việt rằng mục đích của bộ phim không phải là khơi lại những vết thương cũ, hay làm cho bức ảnh mang tính biểu tượng này trở nên giật gân hơn. Thay vào đó, mục đích là xem xét hành trình của chúng tôi, những người đến Mỹ với tư cách là những người Mỹ gốc Á mới, mang theo những vết thương và chấn thương cũ, trong khi tiến về phía trước, ở đất nước mà tất cả chúng tôi đều coi là nhà.
Bộ phim cũng đưa mọi người xích lại với nhau, tạo ra một không gian để hòa giải sau năm mươi năm, bằng sự thật và đồng cảm.
Vừa qua phim đã được chiếu tại một số thành phố tại Mỹ như San Francisco, Boston. Hiện phim
Đất lành chim đậu chưa có kế hoạch chiếu ở Việt Nam.
Lịch chiếu phim trong tháng 5/2025:
2/5: Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương, Directors Guild of America, Los Angeles, California
4/5: Liên hoan phim tài liệu 10, Rạp Davis, Chicago, Illinois
7/5: Văn phòng Salt Lake City, Salt Lake, Utah
9/5: Hội Điện ảnh Quận Cam, Rạp Lido, Newport Beach, California
21/5: Thư viện Tổng thống Gerald R. Ford, Ann Arbor, Michigan
22/5: Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford, Grand Rapids, Michigan
Tranh cãi về nhân vật Nguyễn Văn Lém
Trong diễn biến khác không liên quan tới phim
Đất lành chim đậu, đã có những tranh cãi quanh việc ai thực sự là nhân vật bị Tướng Loan bắn chết trong bức ảnh
Hành quyết tại Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Eddie Adams.
Có hai giả thuyết được đưa ra về nhân vật bị bắn trong bức ảnh.
Theo phim tài liệu
Từ một tấm ảnh (1998) của Hãng phim Giải Phóng, Đại tá Nam Hà, Bộ Tư lệnh TP HCM, đã xác nhận với truyền thông Việt Nam người trong bức ảnh giống Đại úy Nguyễn Văn Lém, thành viên Đội 3 Biệt động Sài Gòn–Gia Định.
Bà Nguyễn Thị Lớp (vợ ông Lém) cũng khẳng định người bị bắn có áo carô bị đứt nút mới khâu giống chồng mình.
Một số nhân vật khác cũng kể lại một số chi tiết mà nếu xâu chuỗi lại, người ta cho là trùng khớp với địa điểm và thời điểm bức ảnh
Hành quyết tại Sài Gòn được chụp.
Chẳng hạn, Đại tá Nguyễn Phương Nam - cựu cán bộ Sở Ngoại vụ TP HCM, người có nhiều quan hệ với đặc công - kể lại rằng ngày mùng 1 Tết Mậu Thân, sau khi tấn công thất bại vào Bộ Tư lệnh Hải quân, Bảy Lớp (hoặc Lốp) bị bắt và bị đưa đến Bộ Tư lệnh Cảnh sát dã chiến Việt Nam Cộng hòa.
Theo một phóng viên người Nhật Bản lúc đó, người này đã bị cảnh sát dã chiến đưa đến đường 20 cũ (đường Lý Thái Tổ hiện nay) sau đó bị bắn.
Đây cũng là khoảng thời gian và địa điểm mà bức ảnh được chụp.
Tuy nhiên, cũng theo phim tài liệu
Từ một tấm ảnh, một số nhân chứng khác lại cho rằng ông Lê Công Nà (tự Bảy Nà) mới chính là người trong bức ảnh.
Những người này gồm: bà Phạm Thị Sứ, cựu Bí thư Quận ủy Quận 5; ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Thường vụ Quận ủy Quận 5; bà Vũ Xuân Lý, cựu Phó bí thư Quận ủy Quận 5…
Đặc biệt, báo chí Việt Nam cho hay bà Ông Bích Liên, cựu cán bộ quận 5, bạn chiến đấu cũ của Bảy Nà, nói rằng năm 1968, xem báo và nhận ra Bảy Nà bị Tướng Loan bắn, bà và đồng đội "ai cũng khóc thương".
Bà Sứ thì xác nhận rằng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, bà đã thấy Lê Công Nà mặc áo ca rô.
Ông Lê Công Tứ (anh ruột của Lê Công Nà) khẳng định hai anh em rất giống nhau và người trong ảnh là em ông.
Ông Nà từng là chính trị viên quận đội, kiêm phó chỉ huy Quận 5, TP Sài Gòn-Gia Định của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Đến nay, tranh cãi này vẫn chưa ngã ngũ.