Hậu 30/4/1975: Tại sao Việt Nam nhanh chóng lâm vào cuộc chiến với Khmer Đỏ và Trung Quốc?

Đặng Tiểu Bình (phải) rất yêu quý Pol Pot (trái)

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh,Đặng Tiểu Bình (phải) là một nhà bảo trợ của Pol Pot trong nỗ lực kiềm chế Việt Nam.
2 tháng 5 2025
Sau 30/4/1975, Việt Nam tạm im tiếng súng, nhưng vấn đề Khmer Đỏ và cuộc tấn công của Trung Quốc đã nhanh chóng làm tiêu tan giấc mơ tái thiết và một nền hòa bình thực sự.
Giữa lúc thế giới đang dõi theo cuộc di tản hỗn loạn bằng trực thăng trong những giờ phút cuối trước khi Sài Gòn sụp đổ, ít ai để tâm đến các đợt chạy nạn nhỏ lẻ của người Việt Nam ở Campuchia khỏi các cánh đồng chết của Pol Pot.
Sau khi chứng kiến biến cố ngày 30/4/1975, nhà báo Ấn Độ Nayan Chanda, lúc bấy giờ làm cho tờ Far Eastern Economic Review, vẫn ở lại Sài Gòn để đưa tin về giai đoạn hậu chiến, đặc biệt là các cuộc xung đột giữa Việt Nam với Campuchia Dân chủ (Khmer Đỏ) và Trung Quốc. Những cuộc chiến tranh này là chủ đề của cuốn sách Brother Enemy (tạm dịch: Huynh đệ tương tàn), được ông xuất bản vào năm 1988.
Điều mà Chanda không lường trước được là những hy vọng về một nền hòa bình lâu dài, về việc dồn tài nguyên cho tái thiết đất nước của Việt Nam đã nhanh chóng tan biến. Những vấn đề nội bộ của Việt Nam, sự chia rẽ hai miền, những khó khăn kinh tế sau chiến tranh và vướng mắc lịch sử với các nước láng giềng là bối cảnh dẫn đến các cuộc chiến tranh trên hai mặt trận: biên giới phía bắc và phía tây nam.
"Khi Hà Nội cuối cùng vén bức màn vào mùa xuân năm 1978, tôi và một số phóng viên nước ngoài được đưa đến chứng kiến những hiện trường thảm sát dân thường đầy máu me."
"Chúng tôi còn đến thăm các trại tị nạn Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cũng được sử dụng để tuyển mộ một 'đội quân kháng chiến' mà Việt Nam sau đó đưa sang Campuchia để lật đổ Pol Pot," ông Chanda nhớ lại.

Mối đe dọa ở biên giới Campuchia​

Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam trong mắt nhiều quốc gia trên thế giới đã trở thành biểu tượng của kháng chiến, một ví dụ cho thấy một dân tộc nghèo có thể thắng được siêu cường số một lúc bấy giờ.
"Khi chiến tranh kết thúc, tất nhiên là cảm giác hân hoan, vui sướng ngập tràn vì cuối cùng, sau bao năm chết chóc và tàn phá, Việt Nam đã có hòa bình.
"Và nền hòa bình ấy lúc đó có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Nhưng cũng ngay lập tức, khi người Mỹ đã rút đi, cùng với tất cả sự hỗ trợ chiến tranh biến mất, đất nước bỗng trở nên nghèo đói," nhà báo Nayan Chanda nói với BBC.
Do đó, Việt Nam buộc phải tự dựa vào sức của chính mình. Một trong những điều đáng chú ý nhất là chẳng bao lâu sau khi Sài Gòn sụp đổ, thành phố vốn là "thủ phủ Honda" với hàng triệu xe máy tấp nập trên đường, bỗng chốc trở nên im ắng khi các trạm xăng cạn sạch nhiên liệu.
Đói nghèo, thất nghiệp trở thành những vấn đề nghiêm trọng, nhiều người dân miền Nam bắt đầu tìm cách vượt biên để thoát khỏi việc bị trả thù.
"Hòa bình vẫn còn đó. Nhưng hóa ra nền hòa bình ấy không kéo dài được bao lâu, bởi ở biên giới phía tây, Campuchia đã rơi vào tay một nhóm người có cách nhìn rất khác về lịch sử và vai trò của họ. Họ phát động một chiến dịch mang tính phân biệt sắc tộc nhằm loại trừ người Việt ở Campuchia và những người Việt này phải chạy về Việt Nam để lánh nạn," Chanda nói với BBC.
Ngày 10/5/1975, tức chỉ 10 ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, quân Khmer Đỏ của Pol Pot chiếm đảo Thổ Chu. Theo các nguồn sử liệu Việt Nam, quân Pol Pot đã bắt và sát hại hơn 500 người dân sinh sống trên đảo. Phía Việt Nam đã ngay lập tức tiến hành một chiến dịch để đánh đuổi Khmer Đỏ khỏi quần đảo trên Vịnh Thái Lan này.
Khmer Đỏ đã đẩ̀y hàng triệu người dân Campuchia đến chỗ chết

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Khmer Đỏ đã đẩ̀y hàng triệu người dân Campuchia đến chỗ chết
Ban đầu, cánh nhà báo vẫn chưa thực sự hình dung được mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh. Nhưng sau đó, bức tranh ngày càng hiện rõ khi có thêm hàng ngàn người Việt và Khmer tháo chạy khỏi Campuchia do sợ bị tàn sát.
"Dần dần việc Trung Quốc đang gửi một lượng lớn vũ khí, xe tăng, súng ống, đại bác tầm xa và thậm chí cả máy bay chiến đấu cho Khmer Đỏ cũng lộ rõ. Từ góc nhìn của Việt Nam, rõ ràng Trung Quốc đang cố gắng tạo áp lực từ biên giới phía tây nam bằng cách hậu thuẫn cho Khmer Đỏ."
Chiến dịch thanh trừng người Việt tại Campuchia nhanh chóng leo thang thành những cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới – những khu vực mà Khmer Đỏ tuyên bố là đất của Campuchia.
Như vậy, chỉ trong ba năm, "khối ung nhọt Khmer Đỏ" đã tràn qua lãnh thổ Việt Nam, hàng trăm người Việt sống dọc biên giới đã bị sát hại trong các cuộc tấn công âm thầm vào ban đêm.
Cuối tháng 4/1978, tức chỉ ba năm sau biến cố tại Sài Gòn, Khmer Đỏ gây ra vụ thảm sát ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), khiến hơn 3.000 dân thường bị tàn sát (số liệu chính thức của Việt Nam là 3.157 người).
Rõ ràng, Việt Nam không thể khoanh tay chịu đựng thêm nữa và đã tổ chức, tập hợp lực lượng để đáp trả.
"Có nhiều trại tị nạn được dựng lên ở Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp nhận nạn dân từ Campuchia về. Cũng tại những nơi này, thanh niên trai tráng được tuyển mộ để đến Campuchia chiến đấu," ông Chanda kể lại.

Play video, "Nhìn lại chế độ Khmer Đỏ và nạn diệt chủng ở Campuchia", Thời lượng 5,31

05:31
p06xm911.jpg.webp

Chụp lại video,Nhìn lại chế độ Khmer Đỏ và nạn diệt chủng ở Campuchia
Khmer Đỏ của lãnh tụ Pol Pot vốn theo chủ nghĩa ******** và có quan hệ đồng chí với Đảng Lao động Việt Nam trong thời Chiến tranh Việt Nam. Khi chưa nắm quyền tại Campuchia, Pol Pot từng thăm Hà Nội và hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sau khi chiếm được Phnom Penh vào tháng 4/1975 để thành lập nhà nước Campuchia Dân chủ, Pol Pot ngày càng đi theo chủ nghĩa Mao, trở nên cực đoan trong các chính sách cải tạo xã hội, triển khai việc thanh trừng người Việt và dần trở thành kẻ thù của Việt Nam.
Từ năm 1975 cho tới cuối năm 1978, Khmer Đỏ đã liên tục tấn công biên giới Việt Nam, giết hàng ngàn người (có nguồn số liệu cho biết số người Việt bị giết trong giai đoạn này lên tới 30.000 người, bao gồm trong các cuộc thảm sát dọc biên giới và số người bị bắt cóc rồi thủ tiêu).
Cũng trong những năm này, Hà Nội và Phnom Penh từng tìm cách hóa giải khác biệt và xây dựng quan hệ hữu nghị, với các chuyến thăm qua lại của lãnh đạo hai bên và thỏa thuận chủ quyền đối với đảo Wai trên Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, các nỗ lực ấy đã không thành công trong việc ngăn ngừa chiến tranh.
Cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người ******** bắt đầu từ đó, với một bên là một Việt Nam vừa thoát ra khỏi chiến tranh, bên kia là Campuchia Dân chủ được Trung Quốc bảo trợ. Về sau, Việt Nam cùng lúc lâm vào hai cuộc chiến: với Trung Quốc ở biên giới phía bắc và với Khmer Đỏ tại Campuchia.
Hai cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ và Trung Quốc nổ ra trong các năm 1978 và 1979, nhưng sau đó còn âm ỉ suốt thập niên 1980. Trong bối cảnh bị cấm vận, các cuộc xung đột ấy đã đẩy một Việt Nam thống nhất vào hoàn cảnh kiệt quệ về mọi mặt.
Cuộc gặp tại Hà Nội vào năm 1966 (ảnh trên): Kayssone Phomvihane (Lào, trái), Hồ Chí Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa) và Pol Pot (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Campuchia, phải). Về sau, khi Việt Nam xung đột vũ trang với Khmer Đỏ, tấm ảnh này đã được chỉnh sửa bằng cách cắt Pol Pot ra khỏi khung hình trong các tài liệu tuyên truyền tại Việt Nam (ảnh dưới).

Chụp lại hình ảnh,Cuộc gặp tại Hà Nội vào năm 1966 (ảnh trên): Kaysone Phomvihane (Lào, trái), Hồ Chí Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa) và Pol Pot (Tổng Bí thư Đảng ******** Campuchia, phải). Về sau, khi Pol Pot trở thành một lãnh tụ diệt chủng và Việt Nam xung đột vũ trang với Khmer Đỏ, tấm ảnh này đã được chỉnh sửa bằng cách cắt Pol Pot ra khỏi khung hình trong các tài liệu tuyên truyền tại Việt Nam, nhưng vẫn còn bàn tay của Pol Pot (ảnh dưới, từ website của Văn phòng Trung ương Đảng ******** Việt Nam).
Lê Duẩn (trái), Pol Pot (giữa) và Lê Đức Thọ - Sau 1975, Việt Nam và Campuchia Dân chủ do Pol Pot lãnh đạo từng tìm cách xây dựng quan hệ hữu nghị nhưng bất thành.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lê Duẩn (trái), Pol Pot (giữa) và Lê Đức Thọ - Sau 30/4/1975, Việt Nam và Campuchia Dân chủ do Pol Pot lãnh đạo từng tìm cách hóa giải bất đồng và xây dựng quan hệ hữu nghị nhưng bất thành.
Trở lại bối cảnh dẫn tới xung đột, nhà báo Chanda kể rằng trong một buổi họp báo dành cho phóng viên quốc tế vào tháng 3/1978, Thứ trưởng Ngoại giao Võ Đông Giang (trước đó là một thiếu tướng quân đội) đã nói thẳng rằng kết cục của cuộc xung đột, theo ông, sẽ diễn ra theo một trong hai hướng – "Hoặc chính quyền Campuchia thay đổi chính sách, hoặc chế độ đó sẽ bị chính nhân dân Campuchia lật đổ."
 
Do Trung Quốc là nhà bảo trợ Khmer Đỏ, những lá cờ Trung Quốc và chân dung Mao Trạch Đông, từng xuất hiện trong một giai đoạn ngắn ở Chợ Lớn sau ngày 30/4/1975, đã nhanh chóng bị yêu cầu gỡ bỏ.
Theo ông Chanda, đó là những dự cảm sớm về một trận chiến sắp tới và chỉ trong vòng hai năm, mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc đã bùng nổ thành một cuộc đối đầu cay đắng, kéo theo việc trục xuất hàng trăm ngàn người Hoa khỏi Việt Nam, được biết đến với tên gọi "nạn kiều". Phía Bắc Kinh khi đó cũng kêu gọi những người này hồi hương.
"Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi đến mức nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - người vừa được phục hồi địa vị chính trị - đã tạm gác lại mục tiêu hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc để lên kế hoạch cho chiến tranh.
"Tháng 7/1978, họ Đặng đã lãnh đạo Bộ Chính trị Trung Quốc bí mật quyết định 'dạy cho Việt Nam một bài học'. Quyết định cuối cùng về thời điểm và quy mô của cuộc tấn công phải chờ cho đến khi Việt Nam ra tay tại Campuchia," Chanda nói.
Mùa đông 1978, chỉ vài năm sau khi có được hòa bình, Việt Nam lại bước vào chiến tranh, thường được biết đến là Chiến tranh biên giới Tây Nam.
"Khi tiếng chuông mùa Giáng sinh bắt đầu vang lên ở nhiều nơi trên thế giới vào năm 1978, những người lính Việt Nam đội mũ cối, cưỡi trên xe tăng đã tiến vào Campuchia. Khi Pol Pot và lực lượng của ông ta rút lui về dãy núi Cardamom ở phía tây nam, Việt Nam đã dựng lên ở Phnom Penh một chính phủ thân Hà Nội gồm những người từng chạy sang tị nạn tại Việt Nam trước đó," ông Chanda nói với BBC.
Quân đội Việt Nam bắt đầu tiến vào Campuchia từ 25/12//1978

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Quân đội Việt Nam trên đường tiến vào Campuchia từ ngày 25/12//1978.

'Huynh đệ tương tàn'​

Theo phân tích của Chanda trong cuốn sách Huynh đệ tương tàn, khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (Chiến tranh Việt Nam) kết thúc năm 1975, với sự rút lui không mấy vẻ vang, có phần nhục nhã, của Mỹ, Trung Quốc đột nhiên phải đối mặt với một mối đe dọa hoàn toàn mới: bên cạnh hơn 50 sư đoàn bộ binh Liên Xô, cùng hàng loạt tên lửa và máy bay triển khai ở phía bắc Trung Quốc, lại nổi lên một liên minh Việt-Xô ngay sát sườn phía nam.
Trong sách, Chanda viết rằng: "Sự thống trị Đông Dương của Việt Nam dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô là mối đe dọa đối với Trung Quốc, đồng thời thách thức phạm vi ảnh hưởng được coi là 'tự nhiên' của Bắc Kinh ở Đông Nam Á."
"Việc thiết lập quan hệ Trung-Mỹ vào năm 1972 đã giúp Trung Quốc loại bỏ 'con sói' đế quốc Mỹ khỏi cửa nhà mình, nhưng đến năm 1978, theo quan điểm của Bắc Kinh, 'con hổ' Liên Xô, vốn luôn gầm gừ từ phương bắc, lại đang chuẩn bị lập sào huyệt ở phương Nam."
Trong bối cảnh như vậy, khó có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có thể làm ngơ trước lời kêu gọi giúp đỡ từ một "chư hầu phương Nam" - tức Khmer Đỏ - đang đối mặt với mối đe dọa tương tự, theo cuốn Huynh đệ tương tàn.
Pol Pot (trái) và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phải)

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Pol Pot (trái) và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phải) vào năm 1974.
Vài tháng trước cuộc tiến công Campuchia, Việt Nam đã ráo riết vận động về mặt ngoại giao để tái khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Washington vốn đang rơi vào bế tắc.
"Rõ ràng Trung Quốc đang gây sức ép với Việt Nam - cả từ phía biên giới phía bắc và thông qua Campuchia ở phía tây nam. Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để nối lại quan hệ với Mỹ, với hy vọng rằng nếu Mỹ mở đại sứ quán tại Hà Nội, Trung Quốc sẽ cẩn trọng hơn trong việc gây áp lực hoặc tấn công Việt Nam," Chanda nói.
Và một cuộc "chạy đua" để giành được sự ủng hộ từ Washington đã diễn ra giữa hai quốc gia ******** Việt Nam và Trung Quốc, trong các năm 1977 và 1978.
Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp nhau vào ngày 29/1/1979, khi ông Đặng nói rằng sẽ dạy cho Việt Nam một bài học và khoảng hai tháng sau, ông xua quân đánh vào lãnh thổ Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp nhau vào ngày 29/1/1979, ông Đặng đã nói rằng sẽ "dạy cho Việt Nam một bài học" và khoảng hai tháng sau, ông xua quân tiến vào lãnh thổ Việt Nam.
Cuối cùng, Trung Quốc giành phần thắng vì Zbigniew Brzezinski - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - đã thuyết phục Tổng thống Jimmy Carter rằng quan hệ với Trung Quốc là quá quan trọng, vì thế không nên mạo hiểm bằng cách bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
"Brzezinski có sự thù địch với Liên Xô và cũng cho rằng Việt Nam khi đó là tay sai của Liên Xô nên Brzezinski sẵn sàng đứng về phía Trung Quốc để chống lại Việt Nam. Để làm điều đó, ông ta không màng đến việc hậu thuẫn Khmer Đỏ.
"Ông ta còn nói với các nhà báo rằng, vâng, Khmer Đỏ đúng là gây ra tội ác, nhưng tôi không phiền nếu Trung Quốc giúp đỡ họ, miễn không phải là Mỹ nhúng tay vào hỗ trợ. Nói cách khác, ông ta đã ngầm ủng hộ Khmer Đỏ chống lại Việt Nam," Chanda phân tích với BBC.
Tổng Bí thư Lê Duẩn ký hiệp ước Hữu nghị Việt - Xô tại Điện Kremlin với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev

Nguồn hình ảnh,VNTTX
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Lê Duẩn ký hiệp ước Hữu nghị Việt-Xô tại Điện Kremlin với Tổng Bí thư Đảng ******** Liên Xô Leonid Brezhnev vào tháng 11/1978.
Vào mùa thu năm 1978, Việt Nam đã nhận ra rằng họ không thể đạt được mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, Khmer Đỏ vẫn tiếp tục tăng cường vũ trang ở vùng biên giới. Trước những đe dọa sát sườn, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã bay sang Moscow, đặt bút ký vào Hiệp ước Hữu nghị Việt-Xô tại Điện Kremlin với Tổng Bí thư Đảng ******** Liên Xô Leonid Brezhnev.
Trong cuốn sách của mình, Chanda phân tích rằng mối quan hệ Việt-Xô là dựa trên nhiều cân nhắc về mặt chiến lược hơn là ý thức hệ. Ông dẫn lời một quan chức Việt Nam giải thích rằng việc liên minh với Moscow là lựa chọn duy nhất giúp Hà Nội đối phó với Bắc Kinh:
"Suốt chiều dài lịch sử, chúng tôi chỉ thực sự an toàn trước Trung Quốc trong hai hoàn cảnh. Một là khi Trung Quốc suy yếu và chia rẽ nội bộ. Hai là khi Trung Quốc bị đe dọa bởi các bộ tộc man di từ phương bắc. Ngày nay, người Nga chính là những bộ tộc phương bắc ấy."
Lúc bấy giờ, bản hiệp ước vốn bị trì hoãn này được xem là sự "bảo trợ chính trị" để Việt Nam chống lại sự trả đũa từ Trung Quốc sau khi đồng minh Khmer Đỏ của Bắc Kinh bị lật đổ.
Chiến tranh biên giới Việt–Trung, còn được gọi là Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, Trung Quốc gọi đây là cuộc chiến tự vệ. Trong ảnh là xe tăng Trung Quốc tiến vào biên giới cách không xa thị xã Lạng Sơn của Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chiến tranh biên giới Việt–Trung, còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, Trung Quốc gọi đây là cuộc chiến tự vệ nổ ra vào đầu năm 1979. Trong ảnh là xe tăng Trung Quốc tiến vào biên giới cách không xa thị xã Lạng Sơn của Việt Nam.
Đúng như những lo ngại của Hà Nội, chỉ chưa đầy một tháng rưỡi sau khi Phnom Penh thất thủ vào ngày 7/1/1979, khoảng 200.000 quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam, với danh nghĩa là "cuộc phản công tự vệ."
"Vài tháng sau, tôi đi dọc khu vực biên giới miền núi của Việt Nam và chứng kiến nhiều tỉnh bị tàn phá thành đống đổ nát. Tôi cũng thấy xác xe tăng Trung Quốc. Sau này, khi tôi đến thăm Bắc Kinh, một quan chức Trung Quốc đã phàn nàn với tôi rằng người Việt vô ơn khi dùng xi măng do Trung Quốc viện trợ để xây dựng các công sự chống tăng Trung Quốc.
"Vào tháng 7 năm 1980, trên đường phố Nam Ninh, không xa biên giới Việt Nam, tôi thấy nhiều binh sĩ Trung Quốc tay quấn băng, chân tập tễnh chống nạng, đủ để cảm nhận rằng 'bài học' mà Trung Quốc định dành cho Việt Nam có lẽ đã không thành công như mong đợi," nhà báo Chanda viết trên tờ Global Asia.
Nhưng ông cũng nói với BBC rằng cái giá Việt Nam phải trả là quá lớn:
"Tôi đã đến miền Bắc để chứng kiến hậu quả từ cuộc tấn công của Trung Quốc. Các tòa nhà, đường sá, hạ tầng, bệnh viện tại miền Bắc Việt Nam bị quân Trung Quốc tàn phá hết. Tất cả điều đó hoàn toàn khác xa với kỳ vọng của Hà Nội sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975."
Nhà cửa ở Lào Cai, thủ phủ tỉnh Hoàng Liên Sơn (Việt Nam), bị quân Trung Quốc phá hủy trước khi rút lui. Những công trình này bị phá hủy hai ngày sau khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố rút quân vào ngày 7 tháng 3 năm 1979.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nhà cửa ở Lào Cai, thủ phủ tỉnh Hoàng Liên Sơn (Việt Nam), bị quân Trung Quốc phá hủy trước khi rút lui. Những công trình này bị phá hủy hai ngày sau khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố rút quân vào ngày 7 tháng 3 năm 1979.
Theo ông, cuộc đối đầu tốn kém máu xương và tiền của với Trung Quốc không phải là trở ngại duy nhất đối với giấc mơ tái thiết đất nước trong hòa bình của Hà Nội. Việc sa lầy ở Campuchia (Việt Nam đóng quân tại đây tới tháng 9/1989 mới rút), cùng với mối quan hệ ngày càng gắn bó với Moscow, đã làm tiêu tan hy vọng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế vốn đã kiệt quệ của Việt Nam.
"Không chỉ gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng và cơ sở hạ tầng, cuộc xâm lược của Trung Quốc còn khiến Việt Nam bị cô lập về ngoại giao. Tình trạng này kéo dài đến năm 1990, cho đến khi Việt Nam và Trung Quốc giảng hòa tại Hội nghị Thành Đô."
"Điều đó đặt nền tảng cho Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia năm 1991 được ký kết. Khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia, Cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba đã kết thúc và quan hệ giữa các bên tham chiến được bình thường hóa, Việt Nam cuối cùng cũng có thể nếm trải hòa bình thực sự," tác giả Chanda nói với BBC.
Khi được hỏi liệu việc Trung Quốc đánh Việt Nam có phải là điều tất yếu phải xảy ra hay không, Chanda nói rằng, từ góc độ chiến lược, Trung Quốc thấy cần phải kiềm chế Việt Nam:
"Bắc Kinh không muốn Việt Nam trở thành cường quốc khu vực ở Đông Nam Á. Việc Việt Nam kiểm soát Lào và Campuchia, đặc biệt sau khi đưa quân lật đổ chế độ Khmer Đỏ thân Trung Quốc ở Campuchia, đã khiến Trung Quốc mất mặt và không nuốt trôi nỗi nhục này. Theo tôi, cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 là điều khó tránh khỏi," Chanda kết luận với BBC.
Có thể thấy rõ điều đó trong các chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh trước khi xua quân vào biên giới Việt Nam hồi đầu năm 1979.
Các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc luôn tập trung khắc họa chân dung "tiểu bá" của Việt Nam, chẳng hạn: "Việt Nam là tiểu bá ở châu Á, xâm lược Campuchia, xua đuổi người Hoa"; "Việt Nam là tiểu bá theo đại bá Liên Xô"; "Trung Quốc quyết không để cho ai làm nhục"; cuộc tiến công của Trung Quốc vào Việt Nam là nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học".
 

Có thể bạn quan tâm

Top