

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh,Đặng Tiểu Bình (phải) là một nhà bảo trợ của Pol Pot trong nỗ lực kiềm chế Việt Nam.
2 tháng 5 2025
Sau 30/4/1975, Việt Nam tạm im tiếng súng, nhưng vấn đề Khmer Đỏ và cuộc tấn công của Trung Quốc đã nhanh chóng làm tiêu tan giấc mơ tái thiết và một nền hòa bình thực sự.
Giữa lúc thế giới đang dõi theo cuộc di tản hỗn loạn bằng trực thăng trong những giờ phút cuối trước khi Sài Gòn sụp đổ, ít ai để tâm đến các đợt chạy nạn nhỏ lẻ của người Việt Nam ở Campuchia khỏi các cánh đồng chết của Pol Pot.
Sau khi chứng kiến biến cố ngày 30/4/1975, nhà báo Ấn Độ Nayan Chanda, lúc bấy giờ làm cho tờ Far Eastern Economic Review, vẫn ở lại Sài Gòn để đưa tin về giai đoạn hậu chiến, đặc biệt là các cuộc xung đột giữa Việt Nam với Campuchia Dân chủ (Khmer Đỏ) và Trung Quốc. Những cuộc chiến tranh này là chủ đề của cuốn sách Brother Enemy (tạm dịch: Huynh đệ tương tàn), được ông xuất bản vào năm 1988.
Điều mà Chanda không lường trước được là những hy vọng về một nền hòa bình lâu dài, về việc dồn tài nguyên cho tái thiết đất nước của Việt Nam đã nhanh chóng tan biến. Những vấn đề nội bộ của Việt Nam, sự chia rẽ hai miền, những khó khăn kinh tế sau chiến tranh và vướng mắc lịch sử với các nước láng giềng là bối cảnh dẫn đến các cuộc chiến tranh trên hai mặt trận: biên giới phía bắc và phía tây nam.
"Khi Hà Nội cuối cùng vén bức màn vào mùa xuân năm 1978, tôi và một số phóng viên nước ngoài được đưa đến chứng kiến những hiện trường thảm sát dân thường đầy máu me."
"Chúng tôi còn đến thăm các trại tị nạn Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cũng được sử dụng để tuyển mộ một 'đội quân kháng chiến' mà Việt Nam sau đó đưa sang Campuchia để lật đổ Pol Pot," ông Chanda nhớ lại.
Mối đe dọa ở biên giới Campuchia
Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam trong mắt nhiều quốc gia trên thế giới đã trở thành biểu tượng của kháng chiến, một ví dụ cho thấy một dân tộc nghèo có thể thắng được siêu cường số một lúc bấy giờ."Khi chiến tranh kết thúc, tất nhiên là cảm giác hân hoan, vui sướng ngập tràn vì cuối cùng, sau bao năm chết chóc và tàn phá, Việt Nam đã có hòa bình.
"Và nền hòa bình ấy lúc đó có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Nhưng cũng ngay lập tức, khi người Mỹ đã rút đi, cùng với tất cả sự hỗ trợ chiến tranh biến mất, đất nước bỗng trở nên nghèo đói," nhà báo Nayan Chanda nói với BBC.
Do đó, Việt Nam buộc phải tự dựa vào sức của chính mình. Một trong những điều đáng chú ý nhất là chẳng bao lâu sau khi Sài Gòn sụp đổ, thành phố vốn là "thủ phủ Honda" với hàng triệu xe máy tấp nập trên đường, bỗng chốc trở nên im ắng khi các trạm xăng cạn sạch nhiên liệu.
Đói nghèo, thất nghiệp trở thành những vấn đề nghiêm trọng, nhiều người dân miền Nam bắt đầu tìm cách vượt biên để thoát khỏi việc bị trả thù.
"Hòa bình vẫn còn đó. Nhưng hóa ra nền hòa bình ấy không kéo dài được bao lâu, bởi ở biên giới phía tây, Campuchia đã rơi vào tay một nhóm người có cách nhìn rất khác về lịch sử và vai trò của họ. Họ phát động một chiến dịch mang tính phân biệt sắc tộc nhằm loại trừ người Việt ở Campuchia và những người Việt này phải chạy về Việt Nam để lánh nạn," Chanda nói với BBC.
Ngày 10/5/1975, tức chỉ 10 ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, quân Khmer Đỏ của Pol Pot chiếm đảo Thổ Chu. Theo các nguồn sử liệu Việt Nam, quân Pol Pot đã bắt và sát hại hơn 500 người dân sinh sống trên đảo. Phía Việt Nam đã ngay lập tức tiến hành một chiến dịch để đánh đuổi Khmer Đỏ khỏi quần đảo trên Vịnh Thái Lan này.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Khmer Đỏ đã đẩ̀y hàng triệu người dân Campuchia đến chỗ chết
Ban đầu, cánh nhà báo vẫn chưa thực sự hình dung được mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh. Nhưng sau đó, bức tranh ngày càng hiện rõ khi có thêm hàng ngàn người Việt và Khmer tháo chạy khỏi Campuchia do sợ bị tàn sát.
"Dần dần việc Trung Quốc đang gửi một lượng lớn vũ khí, xe tăng, súng ống, đại bác tầm xa và thậm chí cả máy bay chiến đấu cho Khmer Đỏ cũng lộ rõ. Từ góc nhìn của Việt Nam, rõ ràng Trung Quốc đang cố gắng tạo áp lực từ biên giới phía tây nam bằng cách hậu thuẫn cho Khmer Đỏ."
Chiến dịch thanh trừng người Việt tại Campuchia nhanh chóng leo thang thành những cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới – những khu vực mà Khmer Đỏ tuyên bố là đất của Campuchia.
Như vậy, chỉ trong ba năm, "khối ung nhọt Khmer Đỏ" đã tràn qua lãnh thổ Việt Nam, hàng trăm người Việt sống dọc biên giới đã bị sát hại trong các cuộc tấn công âm thầm vào ban đêm.
Cuối tháng 4/1978, tức chỉ ba năm sau biến cố tại Sài Gòn, Khmer Đỏ gây ra vụ thảm sát ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), khiến hơn 3.000 dân thường bị tàn sát (số liệu chính thức của Việt Nam là 3.157 người).
Rõ ràng, Việt Nam không thể khoanh tay chịu đựng thêm nữa và đã tổ chức, tập hợp lực lượng để đáp trả.
"Có nhiều trại tị nạn được dựng lên ở Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp nhận nạn dân từ Campuchia về. Cũng tại những nơi này, thanh niên trai tráng được tuyển mộ để đến Campuchia chiến đấu," ông Chanda kể lại.
Play video, "Nhìn lại chế độ Khmer Đỏ và nạn diệt chủng ở Campuchia", Thời lượng 5,31
05:31

Chụp lại video,Nhìn lại chế độ Khmer Đỏ và nạn diệt chủng ở Campuchia
Khmer Đỏ của lãnh tụ Pol Pot vốn theo chủ nghĩa ******** và có quan hệ đồng chí với Đảng Lao động Việt Nam trong thời Chiến tranh Việt Nam. Khi chưa nắm quyền tại Campuchia, Pol Pot từng thăm Hà Nội và hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sau khi chiếm được Phnom Penh vào tháng 4/1975 để thành lập nhà nước Campuchia Dân chủ, Pol Pot ngày càng đi theo chủ nghĩa Mao, trở nên cực đoan trong các chính sách cải tạo xã hội, triển khai việc thanh trừng người Việt và dần trở thành kẻ thù của Việt Nam.
Từ năm 1975 cho tới cuối năm 1978, Khmer Đỏ đã liên tục tấn công biên giới Việt Nam, giết hàng ngàn người (có nguồn số liệu cho biết số người Việt bị giết trong giai đoạn này lên tới 30.000 người, bao gồm trong các cuộc thảm sát dọc biên giới và số người bị bắt cóc rồi thủ tiêu).
Cũng trong những năm này, Hà Nội và Phnom Penh từng tìm cách hóa giải khác biệt và xây dựng quan hệ hữu nghị, với các chuyến thăm qua lại của lãnh đạo hai bên và thỏa thuận chủ quyền đối với đảo Wai trên Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, các nỗ lực ấy đã không thành công trong việc ngăn ngừa chiến tranh.
Cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người ******** bắt đầu từ đó, với một bên là một Việt Nam vừa thoát ra khỏi chiến tranh, bên kia là Campuchia Dân chủ được Trung Quốc bảo trợ. Về sau, Việt Nam cùng lúc lâm vào hai cuộc chiến: với Trung Quốc ở biên giới phía bắc và với Khmer Đỏ tại Campuchia.
Hai cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ và Trung Quốc nổ ra trong các năm 1978 và 1979, nhưng sau đó còn âm ỉ suốt thập niên 1980. Trong bối cảnh bị cấm vận, các cuộc xung đột ấy đã đẩy một Việt Nam thống nhất vào hoàn cảnh kiệt quệ về mọi mặt.

Chụp lại hình ảnh,Cuộc gặp tại Hà Nội vào năm 1966 (ảnh trên): Kaysone Phomvihane (Lào, trái), Hồ Chí Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa) và Pol Pot (Tổng Bí thư Đảng ******** Campuchia, phải). Về sau, khi Pol Pot trở thành một lãnh tụ diệt chủng và Việt Nam xung đột vũ trang với Khmer Đỏ, tấm ảnh này đã được chỉnh sửa bằng cách cắt Pol Pot ra khỏi khung hình trong các tài liệu tuyên truyền tại Việt Nam, nhưng vẫn còn bàn tay của Pol Pot (ảnh dưới, từ website của Văn phòng Trung ương Đảng ******** Việt Nam).

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lê Duẩn (trái), Pol Pot (giữa) và Lê Đức Thọ - Sau 30/4/1975, Việt Nam và Campuchia Dân chủ do Pol Pot lãnh đạo từng tìm cách hóa giải bất đồng và xây dựng quan hệ hữu nghị nhưng bất thành.
Trở lại bối cảnh dẫn tới xung đột, nhà báo Chanda kể rằng trong một buổi họp báo dành cho phóng viên quốc tế vào tháng 3/1978, Thứ trưởng Ngoại giao Võ Đông Giang (trước đó là một thiếu tướng quân đội) đã nói thẳng rằng kết cục của cuộc xung đột, theo ông, sẽ diễn ra theo một trong hai hướng – "Hoặc chính quyền Campuchia thay đổi chính sách, hoặc chế độ đó sẽ bị chính nhân dân Campuchia lật đổ."