Hậu Chiến tranh Việt Nam: Hòa giải từ những nấm mồ

Nghĩa trang Biên Hòa

Nguồn hình ảnh,Phúc Ben
Chụp lại hình ảnh,Nghĩa trang Biên Hòa tháng 2/2025 vào dịp Tết Nguyên đán
4 giờ trước
"Chính phủ Việt Nam nói hòa giải mà cái nghĩa trang còn như vậy, hài cốt của anh em tù cải tạo vẫn còn nằm ở ngoài rừng không được đưa về an táng đàng hoàng thì làm sao có thể gọi là hòa giải thực sự?" ông Nguyễn Đạc Thành nói với BBC.
Ông Thành là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa và là người thành lập Sáng hội Việt Mỹ (Vietnamese American Foundation-VAF) để tiến hành việc quy tập hài cốt và trùng tu nghĩa trang của những binh sĩ mà ông gọi là "đồng đội, anh em".
Sau khi chiến tranh chấm dứt, dưới chế độ mới, nhiều nghĩa trang quân đội VNCH đã bị phá bỏ, nghĩa trang Biên Hòa là một trong số ít nơi an nghỉ còn sót lại, nơi có mộ phần của hơn 16.000 binh sĩ.
Sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang này được Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Trải qua nhiều năm bị bỏ hoang, không người chăm sóc, hàng ngàn ngôi mộ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cách một xa lộ là nghĩa trang liệt sĩ thành phố, mộ đồng đều, khang trang, sạch sẽ và khói nhang ấm áp. Còn nghĩa trang Biên Hòa thì điêu tàn.
Vào năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định chuyển mục đích sử dụng nghĩa trang quân đội Biên Hòa từ quản lý quân sự sang dân sự nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương và đổi tên thành nghĩa trang nhân dân Bình An.
Những ngôi mộ xuống cấp nằm phơi dưới nắng là hiện thân bi kịch của một cuộc chiến tưởng chừng như đã trôi xa vào quá vãng, đã qua nửa thế kỷ, nhưng thực ra, vết thương của nó vẫn hiện diện trong mọi ngõ ngách, trên từng phận người và trên bình diện quốc gia.
"Việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa khi chiến tranh đã qua là một việc làm nhân đạo. Nghĩa tử là nghĩa tận, một khi nằm xuống thì không còn phe này phe kia. Không thể nói bên thắng là vua, thua là giặc được. Khi chết rồi thì mọi thù hận không còn ý nghĩa nữa," ông Thành, nay đã 85 tuổi, chia sẻ với BBC ngày 24/4.
Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa trước năm 1975, một gia đình đang khóc thương cho người lính đã hy sinh tại mặt trận khác nhau quanh Sài Gòn

Nguồn hình ảnh,Françoise DEMULDER/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa trước năm 1975, một gia đình đang khóc thương cho người lính đã tử trận.

Lời hứa với đồng đội​

Trong hơn chín năm bị tù đày thời hậu chiến, ông Nguyễn Đạc Thành tận mắt chứng kiến nhiều sự ra đi của bạn bè, đồng đội: họ chết vì đói, vì rét, vì kiệt sức. Những người lính ra đi không thể nhắm mắt xuôi tay vì chưa được gặp vợ con một lần để nói lời từ biệt.
Khi lâm bệnh nặng trong tù, ông Thành cũng chỉ mong được gặp vợ con, nhưng ngày về không có, tự do là điều xa vời.
"Lúc đó tôi mới khấn với các anh rằng, nếu còn sống, được tự do, tôi sẽ đưa các anh em về," ông Thành kể.
Lời hứa đó mở đầu cho hơn 20 năm miệt mài tìm hài cốt, vận động cho việc trùng tu nghĩa trang của những người lính VNCH.
Sang Mỹ vào tháng 10 năm 1990, sau 17 năm ổn định gia đình, ông Thành đã trở lại Việt Nam. Trong chuyến đi vào đầu năm 2007, ông đã gặp thủ tướng về hưu Võ Văn Kiệt và theo lời ông Thành, chính ông Kiệt là người đầu tiên hứa sẽ giúp vận động việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, là người thực sự muốn lấp hố sâu ngăn cách, xóa bỏ hận thù để kiến thiết đất nước.
"Nhưng tiếc là ông Kiệt ra đi khi mộng chưa thành," ông Thành nói.
Nghĩa trang

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Tình trạng nghĩa trang Biên Hòa thời điểm tháng 10/2014, một số ngôi mộ đất ở lô H4 gần như mất hết dấu tích.
Ngày 29/10/2008, ông Thành đã có cuộc họp với Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Sau đó, thông qua Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông nhận được lời mời của Bộ Ngoại giao đến tham dự cuộc họp vào ngày 31/10/2008 để trao đổi về một số vấn đề do ông đã đề nghị.
Theo lời kể của ông Thành, tại cuộc họp năm 2008, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã "bật đèn xanh" cho ông được phép trùng tu nghĩa trang Biên Hòa và cải táng hài cốt binh sĩ chết trong trại tù cải tạo vào trong nghĩa trang.
"Lúc bắt tay ra về, ông Sơn còn nói thêm: 'Nếu Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng ủng hộ ông, Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép ông làm việc này'."
Ông Thành giải thích rằng, thực chất chính phủ Việt Nam muốn thông qua VAF để có dịp trực tiếp đối thoại với Mỹ, nhờ Mỹ tìm giúp hài cốt 300.000 binh sĩ Bắc Việt mất tích trong chiến tranh.
Thông tin này được củng cố khi ông Thành được Tham tán Chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Michael Goldman sắp xếp cho ông Thành gặp quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Matthew Palmer và Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
"Trước khi bắt tay ra về, ông Palmer có nhắn câu cuối là nhờ tôi hỏi Bộ Ngoại giao Việt Nam một vài việc. Luật sư Wesley Coddou, cố vấn pháp luật của VAF nói đó mới là trọng tâm của cuộc họp."
Nghĩa trang Biên Hòa

Nguồn hình ảnh,Phúc Ben
Chụp lại hình ảnh,Nghĩa trang Biên Hòa đầu năm 2025
Và rồi ông Thành cùng luật sư Coddou đến gặp ông Trần Đức Hùng, Tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC:
"Tôi đã hỏi vì sao phải cần Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng ủng hộ VAF thì Việt Nam mới cho phép. Ông Hùng lập tức vào đề: 'Chánh phủ Việt Nam muốn Mỹ giúp tìm hài cốt 300.000 binh sĩ Bắc Việt và nếu Bộ Ngoại giao Mỹ muốn thảo luận với chánh phủ Việt Nam thì thảo luận với ông Nguyễn Bá Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Mỹ."
Ông Thành chia sẻ rằng chính lúc ấy, ông và luật sư Coddou nhận ra mình đang trở thành "con thoi" truyền tin giữa hai bộ ngoại giao Mỹ và Việt Nam.
"Kết quả là Mỹ đã đồng ý giúp Việt Nam tìm kiếm 300.000 hài cốt binh sĩ Bắc Việt mất tích. Đáp lại, ông Trần Đức Hùng và Đại sứ Lê Công Phụng đã vận động để Chính phủ Việt Nam cho phép VAF cải táng toàn bộ hài cốt binh sĩ VNCH tại Làng Đá, Yên Bái và sau đó cho trùng tu nghĩa trang Biên Hòa," ông Thành thuật lại.
Với sự ủng hộ ban đầu như vậy, ông Thành đã đi từ bắc chí nam, có khi lên tận biên giới Trung Quốc và đã tìm được 506 ngôi mộ VNCH, phần nhiều không có mộ bia.
"Tôi muốn đưa họ về cải táng dù chỉ còn là nắm xương vì người Việt Nam mình có câu 'sống cái nhà, chết cái mồ'. Khi đó ông Sơn cũng hứa sẽ cho tôi đưa những hài cốt đó về nghĩa trang Biên Hòa chôn cất, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được."
Những cây cổ thụ lớn trễ cây cắm sâu vào uống huyệt đạo của những người tử sĩ. Chính rễ cây và nước làm xói mòn là hai yếu tố rất quan trọng dẫn đến việc hư hại các ngôi mộ hiện tại.

Nguồn hình ảnh,Phúc Ben
Chụp lại hình ảnh,Cổ thụ có rễ cắm sâu vào huyệt của những nấm mộ tử sĩ. Chính rễ cây và nước làm xói mòn là hai yếu tố rất quan trọng dẫn đến việc hư hại các ngôi mộ hiện tại, theo VAF.

 

Công cuộc trùng tu trắc trở​

Nghĩa trang Biên Hòa trước khi được trùng tu cho thấy có nhà vệ sinh do Quân khu 7 xây bên trong Nghĩa dũng đài, nơi vốn dành cho việc thờ phụng

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Nghĩa trang Biên Hòa trước khi được trùng tu cho thấy có nhà vệ sinh do Quân khu 7 xây bên trong Nghĩa dũng đài, nơi vốn dành cho việc thờ phụng. Ảnh chụp ngày 10/5/2012.
Ngày 15/10/2012, ông Nguyễn Thanh Sơn đã dẫn một phái đoàn qua Houston, Texas để thảo luận với VAF và cho phép việc trùng tu nghĩa trang nhưng ông Sơn nói rõ là chỉ cho phép trên nguyên tắc, còn chờ ông Sơn trình lên cấp trên quyết định.
"Trong lúc họp, tôi báo cho ông Sơn biết Quân Khu 7 đã xây một cầu tiêu và vài công trình trong Nghĩa dũng đài và tôi yêu cầu ông Sơn cho phá, tu sửa ngay vì đây là nơi thờ phượng."
"Phải nói ông Sơn là người có tâm, muốn hòa giải thật sự. Sau cuộc họp đó, khi về lại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã đến nghĩa trang, thấy tận mắt nhà vệ sinh trong Nghĩa dũng đài và cho lệnh đập bỏ ngay và yêu cầu chặt số cây mọc um tùm, dọn sạch cỏ," ông Thành nói.
Cuối cùng, Nghĩa dũng đài cũng được trùng tu và hoàn thành vào cuối tháng 2/2013. Chính quyền Bình Dương cho dựng thêm bàn thờ, bức tường đá đen và lư hương trang nghiêm đồng thời chi trả toàn bộ chi phí – khoản mà lẽ ra VAF phải lo liệu.
Ông Nguyễn Đạc Thành, sáng lập viên VAF (thứ hai từ trái qua) đứng cạnh Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (bận áo vàng) cùng nhau thắp nhang tại Nghĩa trang Biên Hòa vào tháng 2/2013, vài ngày sau khi hoàn tất việc trùng tu Nghĩa dũng đài

Nguồn hình ảnh,Nguyễn Đạc Thành
Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Đạc Thành, sáng lập viên VAF (thứ hai từ trái qua), cùng Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (áo vàng) thắp nhang tại nghĩa trang Biên Hòa vào tháng 2/2013, vài ngày sau khi hoàn tất việc trùng tu Nghĩa dũng đài.
Nghĩa trang Biên Hòa tháng 2/2025

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Nghĩa dũng đài được xây lại, có thêm bàn thờ và lư hương.
Đầu năm 2013, sau khi Nghĩa dũng đài được trùng tu xong, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã vào để làm việc với chính quyền địa phương và thăm nghĩa trang Biên Hòa. Buổi họp của ông Sơn với đại diện tỉnh Bình Dương và đại diện huyện Dĩ An, ông Thành cũng được mời tham dự.
"Trong cuộc họp, ông Sơn giơ cao tờ giấy nói rằng đây là quyết định cho phép trùng tu nghĩa trang Biên Hòa. Ông Sơn đề nghị tỉnh Bình Dương cấp giấy phép cho tôi trùng tu nghĩa trang rồi có mời tôi cùng vào nghĩa trang thăm và thắp hương cho người quá cố."
"Dù Bộ Ngoại giao cho phép như vậy nhưng chỗ khác lại không cho, phải có sự đồng ý của 5 cơ quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng chính phủ và chính quyền Bình Dương. Mà một trong năm cơ quan đó không đồng ý thì bốn cơ quan còn lại cũng bó tay. Đây là việc rất giản dị, nhưng tại sao lại bị làm khó như vậy?"
"Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần có một quyết định rõ ràng vì đây là một trong những cử chỉ thể hiện sự hòa giải, phải có sự triệt để từ trên xuống."
Trong suốt hành trình tìm hài cốt, tu sửa mộ phần cho các tử sĩ VNCH, bản thân ông cũng chịu áp lực từ nhiều phía nhưng ông kiên định rằng "là lính, tôi không thể bỏ mặc đồng đội mình".
Từ năm 2015 đến cuối năm 2019, có hơn 14.000 ngôi mộ đã được trùng tu như quét sơn, làm lại bia. Tuy nhiên, còn gần 1.700 cây trồng trong các dãy mộ vẫn chưa được cắt, hệ thống thoát nước và Vành khăn tang (công trình vòng tròn bao quanh Nghĩa dũng đài) bị hư hỏng nặng vẫn chưa được phép tu sửa dù VAF nói họ đã xin phép hơn ba năm qua.
Tình trạng các ngôi mộ ở lô B5, B3 ở nghĩa trang Biên Hòa trước và sau khi được tôn tạo

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Tình trạng các ngôi mộ ở lô B5, B3 ở nghĩa trang Biên Hòa trước và sau khi được tôn tạo
Vào tháng 10/2023, ông Kevin Đặng, Phó chủ tịch VAF, đã cùng Đại sứ Marc Knapper và Tổng Lãnh sự Susan Burns đi thăm nghĩa trang Biên Hòa.
"Trong chuyến đi đó, họ cũng đã thấy 16.400 ngôi mộ đang trong tình trạng rất điêu tàn và tình trạng mục nát của Vành khăn tang. Có nhiều ngôi mộ bị nước xói làm hỏng móng tới tận huyệt đạo của người mất," ông Kevin nói.
Ông cho biết thêm, trong hàng chục năm, đất bùn và lá đã che lấp các ống cống nên khi trời mưa thì nước không có chỗ thoát, góp phần làm xói mòn các ngôi mộ.
"Chánh phủ Việt Nam cũng cởi mở hơn trong việc cho phép các hội đoàn trong và ngoài nước trùng tu các ngôi mộ. VAF cùng một số hội đoàn, cá nhân trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều cho việc tu sửa những phần mộ đã bị hư hỏng nặng."
"Đó là một bước tiến tốt đẹp. Hy vọng với đà này, bà con trong và ngoài nước, cùng với sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể cùng nhau tu sửa những ngôi mộ đã hư hỏng để các chiến sĩ có được một nơi an nghỉ tươm tất."
"Hiện tại, hội VAF chúng tôi đang làm việc với tỉnh Bình Dương về việc chặt cây và tu bổ lại Vành khăn tang đang bị mục nát trong năm nay," ông Kevin nói với BBC.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đạc Thành nói rằng từ năm 2012, ông đã kiến nghị việc chặt bỏ 2.000 cây lim được trồng thẳng lên các phần mộ vì rễ cây theo thời gian đã làm bật móng và phá vỡ huyệt mộ của các tử sĩ. Nhưng đến nay, số cây mọc um tùm vẫn chưa bị cắt triệt để và cây ngày càng to lớn, thọc sâu rễ vào phần mộ làm nứt nẻ, vỡ nắp mộ.
Từ trái qua: bà Tổng Lãnh sự Susan Burns, ông Kevin Đặng, Đại sứ Mỹ Marc Knapper trong buổi thăm nghĩa trang Biên Hòa tháng 10/2023

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: Tổng Lãnh sự Susan Burns, ông Kevin Đặng, Đại sứ Mỹ Marc Knapper trong buổi thăm nghĩa trang Biên Hòa tháng 10/2023.

Hòa giải từ người đã khuất​

Trong sách Không gì là không thể, Đại sứ Osius kể rằng vào năm 2017, ông đã gợi ý với ông Lê Hoài Trung, lúc bấy giờ là thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam (hiện là chánh Văn phòng Trung ương Đảng), về việc "bên thắng cuộc" cần có một cử chỉ quan tâm tới nghĩa trang Biên Hòa.
Ông Trung đã đáp: "Vấn đề nghĩa trang Biên Hòa khó đấy. Những kẻ chống đối chúng tôi đã biến nó thành một chủ đề chính trị."
Đại sứ Osius mới đưa ra gợi ý cụ thể hơn: "Sẽ không có treo cờ hay biểu tượng hay chính trị gì cả. Chỉ có hai yêu cầu thôi: cho họ đào rãnh thoát nước và cắt rễ cây."
Sự lưỡng lự của Thứ trưởng Trung phần nào cho thấy chính quyền Hà Nội rất nhạy cảm với các vấn đề về VNCH.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 12/4, cựu Đại sứ Ted Osius, người từng đến thăm nghĩa trang hai lần trong nhiệm kỳ của mình, kể lại:
"Khi vừa được bổ nhiệm làm đại sứ vào năm 2014, tôi đã về Mỹ và gặp gỡ cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là ở miền Nam California.
"Tôi nghe rất nhiều người ở đó nhắc đến một nghĩa trang. Ban đầu tôi không hiểu nhưng rồi tôi nhận ra rằng, sau một cuộc chiến đầy đau thương, mất mát thì những nghĩa trang mang một ý nghĩa vô cùng to lớn."
"Tôi đến gặp chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và nói: Chúng ta không bàn đến biểu tượng hay vấn đề chính trị ở đây. Chỉ là chúng tôi muốn đào vài rãnh nước, chặt vài rễ cây. Một bước nhỏ, nhưng có thể là bước đầu tiên trên con đường hòa giải."
Nghĩa trang Biên Hòa

Nguồn hình ảnh,Alex Thái Võ
Chụp lại hình ảnh,Một số ngôi mộ bị rễ cây đâm thủng, bể nứt, bật luôn cả nắp mộ. Ảnh chụp vào tháng 7/2024
Ông Ted Osius nói rằng việc hòa giải giữa miền Bắc và miền Nam cần rất nhiều thời gian. Ngay trong lịch sử nước Mỹ, sau cuộc Nội chiến, phải rất lâu sau người Mỹ mới có thể nói đến sự hòa giải thực chất giữa miền Bắc và miền Nam.
"Tôi từng gặp những người mà với họ, hòa giải là điều không thể. Nỗi đau và mất mát họ mang là quá lớn, ký ức chiến tranh vẫn còn quá nhức nhối. Nhưng khi tôi trò chuyện với thế hệ trẻ – những người sinh thời hậu chiến, giờ đã chiếm phần lớn dân số ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt tại Mỹ – tôi thấy họ cởi mở hơn nhiều với khái niệm hòa giải," ông Osius chia sẻ.
Ông Nguyễn Đạc Thành là người đã đi cùng Đại sứ Ted Osius đến thăm nghĩa trang Biên Hòa vào những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của ông Osius. Ông Thành nói với BBC rằng trước khi Đại sứ Ted Osius kết thúc nhiệm kỳ thì đã nhờ người liên lạc với ông để mời thăm nghĩa trang của phía Bắc Việt.
"Đại sứ Osius muốn đề nghị chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam trùng tu hai nghĩa trang tiêu biểu cho cuộc chiến: một là nghĩa trang Biên Hòa, một là Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố ở phía bên kia xa lộ. Tuy nhiên, Bình Dương không chấp thuận và sau đó ông Osius nói rằng 'thôi, chắc là không được'."
Đại sứ Ted Osius (thứ ba từ trái sang) và ông Nguyễn Đạc Thành đến thăm nghĩa trang Biên Hòa

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Đại sứ Ted Osius (thứ hai từ phải) và ông Nguyễn Đạc Thành đến thăm nghĩa trang Biên Hòa.
Ông Thành, hiện đã 85 tuổi, nói rằng thế hệ trải qua cuộc chiến như ông không còn nhiều thời gian, nên việc tìm kiếm hài cốt và trùng tu nghĩa trang để có nơi an táng cho các hài cốt cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Nghĩa trang Biên Hòa, theo ông Thành, là di tích lịch sử của một quốc gia đã không còn tồn tại, chứng tích của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn với hàng triệu con dân Việt Nam hy sinh.
"Đó là nơi để con cháu mai sau nhìn vào để tránh vết xe đổ của ông cha. Sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979, chính phủ Việt Nam vẫn nhân đạo cho lập nghĩa trang chôn cất. Còn chiến tranh giữa hai miền kết thúc đã 50 năm nhưng đến bao giờ thù hận được xóa đi? Việc tôn tạo lại nghĩa trang này là hành động nhân đạo, đồng thời cũng là một cử chỉ hòa giải với người đã khuất."
"Chính phủ Việt Nam nói hòa giải mà cái nghĩa trang còn như vậy, hài cốt của những anh em tù cải tạo vẫn còn nằm ở ngoài rừng không được đưa về thì làm sao có thể gọi là hòa giải thực sự? Vì vậy cần có sự hòa giải bằng hành động, chứ không phải lời nói," ông Thành kết luận.
Câu chuyện hòa giải từ những người đã khuất lâu nay đã là một đề tài nhức nhối. Sau khi tan khói súng, Việt Nam và Mỹ đã hòa giải, cùng hợp tác với nhau để tìm hài cốt liệt sĩ Việt Nam và tù binh, quân nhân mất tích (POW/MIA) của Mỹ. Nhưng giữa những người Việt với nhau thì việc tiến tới hòa giải thực sự, bằng hành động cụ thể dành cho những người đã khuất, vẫn còn nhiều trắc trở.
Một số người dân nói với BBC rằng họ bị làm khó dễ khi đi viếng thăm nghĩa trang Biên Hòa trong dịp lễ này, với lý do "hòa hợp dân tộc, đừng khơi lại chuyện cũ".
Vào năm 2007, nhà thơ Linh Phương, tác giả bài thơ Kỷ vật cho em nổi tiếng thời chiến tranh đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, từng viết những dòng này trong bài thơ Để trả lời một câu hỏi:
Những người lính Bắc Việt chết- đều được trở về nhà
Những người lính Mỹ chết - đều được trở về Tổ quốc
Những người lính Việt Nam Cộng hòa chết
- vẫn còn nằm nơi rừng thiêng- nước độc.
 

Có thể bạn quan tâm

Top