Johnny Lê Nữu Vượng
Già làng

Dân trí) - Theo cáo trạng, để Tập đoàn Phúc Sơn được thực hiện các gói thầu ở nhiều địa phương, Nguyễn Văn Hậu đã đưa hối lộ hơn 132 tỷ đồng cho các cán bộ, lãnh đạo tỉnh.
Chủ nhật, 04/05/2025 - 06:19Trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo", Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, về 3 tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Theo cáo trạng, Hậu lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn để tạo điều kiện cho các công ty thuộc hệ sinh thái Phúc Sơn trúng thầu, thực hiện các dự án, gói thầu.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện các dự án gồm: dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm, Hệ thống kho vận và Khu đô thị Thương mại Vĩnh Tường (Dự án Chợ đầu mối); dự án Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường (dự án Tứ Trưng); dự án Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Tại Phú Thọ, Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng Trung tâm lễ hội, gói thầu phòng chống cháy rừng thuộc dự án hệ thống cấp nước các hồ cảnh quan và phòng chống cháy rừng (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng).

Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo" (Ảnh: Bộ Công an).
Tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn được thực hiện gói thầu số 12 thuộc dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi.
Để được thực hiện các dự án, gói thầu trên, Nguyễn Văn Hậu đã đưa hối lộ hơn 132 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, Hậu "Pháo" trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên dưới quyền đưa hối lộ cho 9 cá nhân là các lãnh đạo của 3 địa phương nói trên.
Trong đó, bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD (tương đương hơn 47,9 tỷ đồng), ông Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD...
Cáo trạng cho biết hành vi của Hậu và các đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, với số tiền hơn 1.160 tỷ đồng, đồng thời khiến hàng loạt cán bộ bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật.
Từ vụ án này, VKSND Tối cao cho rằng còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản. Đây là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Phạm Hoàng Anh, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: V.P.).
Về trách nhiệm, theo cáo trạng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã không kịp thời phát hiện những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn, các công ty, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.
Do đó, cơ quan tố tụng kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, triển khai thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo đúng thời hạn, hoạt động chuyển nhượng đất dự án có kê khai đúng giá trị mua bán và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, hoạt động định giá tài sản, kiểm toán đúng quy định pháp luật.
VKSND Tối cao cho biết sẽ kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật còn thiếu sót, sơ hở; kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.