
Tọa lạc ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - tuyến đường sầm uất và biểu tượng hiện đại của TP Hồ Chí Minh, chung cư 42 Nguyễn Huệ từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ và du khách. Tuy nhiên, hiện chung cư đã xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Trần nhà, cột nhà, mái hiên ở nhiều nơi của chung cư đã bị bong tróc, trơ khung sắt rỉ sét.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc, tại đây đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, mảng bê tông vỡ lộ cả cốt thép bên trong. Hệ thống dây điện chằng chịt, cũ kỹ, cầu thang cũng đã rỉ sét...

Nhiều quán cà phê, cửa hàng vẫn hoạt động ở chung cư này.
Bà Võ Thị Tuyết, đang sống chung cư, bày tỏ sự lo lắng: “Chung cư này có tuổi đời cũng gần bằng tôi - khoảng 70 năm. Nhiều khi đi làm về khuya, tôi cứ lo mảnh tường nào đó có thể bất ngờ rơi xuống. Khoảng 2 tuần trước, tôi có xem trên báo, đài về động đất ở Myamar, nghĩ lại nơi mình đang sinh sống mà thấy lo”.

Bà Võ Thị Tuyết bày tỏ sự lo lắng, bất an vì chung cư quá cũ kĩ, không an toàn, mất vệ sinh.

Bên ngoài là mặt tiền thương mại, bên trong là những mảng trần chờ ngày sụp xuống.

Vì mưu sinh, một bộ phận cư dân không muốn rời đi, nhưng họ cũng biết mình đang sống cùng rủi ro.

Sống giữa trung tâm Thành phố, nhưng cư dân nơi đây luôn lo lắng, bất an.
Ông Nguyễn Văn Sự, sống ở lô C, chia sẻ: “Tôi rất mong chính quyền Thành phố sớm có kế hoạch tái định cư để người dân chúng tôi có nơi ở mới an toàn, rộng rãi hơn và được bồi thường một cách thỏa đáng”.
Bà Dương Thị Mai, đã sống tại đây hơn 30 năm, cũng cho biết: "Chung cư đã xuống cấp và quá già nua nên khó mà duy tu, bảo dưỡng, nếu có chắc phải xây mới. Nhưng vì vị trí quá thuận tiện, nên nếu phải di dời, tôi hy vọng sẽ được sắp xếp nơi ở mới tương đương cả về giá trị lẫn vị trí địa lý”.

Nguy cơ cháy nổ chực chờ bên trong chung cư, với hàng chục bảng hiệu quảng cáo cùng với dây điện chằng chịt.

Mặc dù chung cư 42 Nguyễn Huệ đang xuống cấp, nhưng vẫn là điểm “check-in” quen thuộc của khách du lịch quốc tế khi đến tham quan Thành phố.
Theo bà Ngô Thị Thanh Tần, Phó Ban quản trị chung cư, toàn bộ công trình gồm 3 lô, cao 10 tầng, được xây dựng trước năm 1975. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, rà soát và tiến hành sửa chữa khi phát hiện hư hỏng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là hoạt động kinh doanh diễn ra nhộn nhịp trong chung cư. Mỗi ngày, chung cư đón hàng trăm lượt khách tham quan, ăn uống, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn về cháy nổ và mất an ninh trật tự cũng như sự an toàn của các cư dân đang sinh sống tại đây”.

Lối đi chính vào chung cư rất chật chội, mất an toàn, nhưng hàng ngày nơi đây vẫn đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, thưởng thức món ăn bất chấp nguy hiểm đang rình rập từng ngày.

Hệ thống chữa cháy, cửa thoát hiểm bị che khuất bởi các vật dụng, đồ dùng cá nhân.
Ngoài ra, bà Tần cũng nhấn mạnh: “Đa số cư dân ở đây đều có thu nhập thấp, vì vậy chúng tôi rất mong Thành phố quan tâm, sớm có kế hoạch sửa chữa hoặc di dời nhằm đảm bảo an toàn lâu dài”.
Thực tế, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, từ tháng 12/2015, các căn hộ chung cư không được sử dụng làm địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều nơi, đặc biệt là tại những chung cư cũ có vị trí trung tâm.

Hàng quán được bày biện khắp chung cư từ lối đi chính đến hành lang.

Rác thải, nước bẩn, mất vệ sinh là nỗi bất an của nhiều cư dân đang sinh sống tại chung cư.

Nhiều mảng tường đã bục hoặc hư hỏng nặng.
TP Hồ Chí Minh có gần 500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó Quận 1 có 89 chung cư, Quận 5 có 206 chung cư, Quận 3 có 38 chung cư, Quận 10 có 32 chung cư, quận Tân Bình có 30 chung cư… Hiện những chung cư này hầu như đã xuống cấp, hư hỏng nhiều.