

Nguồn hình ảnh,Getty Images
- Tác giả,Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai
- Vai trò,Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sydney, Úc
- một giờ trước
Hồi ký một người lính
Tôi sinh ra sau chiến tranh và chỉ bắt đầu biết đến khái niệm hòa hợp dân tộc vào năm 2000.Tất cả bắt nguồn từ một sự kiện trong gia đình: ông cụ thân sinh của tôi qua đời vì bệnh ung thư.
Những ngày cuối cùng nằm trong viện, ông nhờ tôi ghi chép lại lời kể của mình. Có lẽ ông đã hy vọng mình sống đủ lâu để viết thành một cuốn hồi ký.
Câu chuyện thoạt đầu là những nốt thăng khi ông hồi tưởng lại thời thanh xuân. Đó là những ngày tháng mà con dân nước Việt quy tụ lại dưới ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp, bất kể đảng phái chính trị, bất kể tư sản hay nông dân, bất kể doanh nhân hay nghệ sĩ.
Ông nhớ lại sự xả mình và tinh thần quyết tử của một chàng trai đang tuổi đôi mươi. Tự nguyện chia tay người vợ mới cưới, với trái tim trẻ trung ấy, con đường cách mạng giành tự do cho non sông mới chính là lẽ sống.
Ông càng yếu, thuốc càng nhiều, thì mạch chuyện càng trầm lại. Bắt đầu xuất hiện những cái chết đầu tiên. Hết giặc Pháp đến giặc Mỹ, hồi ức của ông bắt đầu dày đặc những lần "giết chết" và "thoát chết". Lớp lớp huy chương lát đường cho người lính bước lên vị trí chỉ huy, từ kẻ tuân lệnh thành người ra lệnh.
Có những hôm ông nói được duy nhất một câu: "Trận đó điều một trung đội ra, chết non nửa. Xong thằng Chiến trung đội trưởng mang về một cái mũ của bọn kia (lính Việt Nam Cộng Hòa) còn bê bết máu. Nó vừa đái vào vừa tru lên khóc." Nói xong ông nằm im cả tiếng cho đến lúc tôi phải về đi học. Không phải vì mệt.
Ngoài những trang tôi ngồi bên cạnh để viết còn có những trang ông tự cầm bút khi tôi chưa kịp vào viện. Các dòng chữ của một người mắc bạo bệnh từ nắn nót rõ ràng chuyển dần sang xô lệch, méo mó. Câu cuối cùng có chữ to bằng ngón tay cái, nguệch ngoạc như trẻ con lớp vỡ lòng.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cầu Hiền Lương, nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc trong hơn hai thập niên (ảnh chụp năm 1966)
Một mạng người = một mạng người
Trước ngày ông mất vài hôm, chị gái tôi kể rằng mỗi lần vào viện, ông cứ nắm chặt tay chị, giọng run rẩy: "Lan ơi, mày cứu tao." Chị tôi hoảng hốt hỏi có đau lắm không thì để gọi bác sĩ.Nhưng đó không phải là nỗi đau thể xác. Ông bảo: "Suốt mấy ngày nay tao cứ thấy một đàn ma quỷ đứng chờ tao ở ngoài cổng bệnh viện. Chúng nó muốn bắt tao. Mày phải cứu tao."
Tôi không biết tại sao một vị đại tá đã đi qua ba cuộc chiến, một quân nhân đã cầm súng chinh phạt ở những chiến trường khốc liệt nhất như Quảng Trị, Khe Sanh, một người lính mà cuộc đời là chuỗi dài của những khoảnh khắc vào sinh ra tử, cách cái chết chỉ bằng sợi tóc… nhưng cuối đời ông lại sợ những hồn ma?
Tôi cũng không biết liệu bầy ma quỷ ấy là những sinh linh chưa được hóa kiếp của những người lính bên nào chiến tuyến? Họ là những thanh niên ông buộc phải gửi vào cõi chết? Hay họ là những chàng trai đã chết bằng viên đạn của chính ông và những người đồng đội của mình?
Liệu có phải khi chuẩn bị đối mặt với ngày phán xử, ông đã nhận ra rằng một mạng người = một mạng người?
Những tháng ngày dài chờ chết khiến sự ra đi của người đàn ông trong nhà không còn là một cú sốc tinh thần cho người ở lại. Nhưng bất chấp cuộc sống đã ổn như bình thường, tôi là nhân vật duy nhất trong nhà cứ nửa đêm là la hét trong mơ. Khi mẹ lay tỉnh dậy, tôi không hề biết mình đã khiến mọi người tỉnh giấc.
Mẹ lên chùa thỉnh về một loại lá cây, cứ tối xuống là đốt dưới gầm giường. Đốt được vài ngày thì tôi yên.
Nhưng có một điều mà tôi chưa bao giờ kể cho mẹ và chị biết. Suốt 25 năm qua, ông vẫn liên tục quay về trong giấc mơ của tôi, cứ vài tháng một lần, dù ban ngày tôi không hề suy nghĩ hay trăn trở quá nhiều về người cha đã mất khi tôi còn non trẻ. Trong những giấc mơ ấy, ông cũng không nói gì, chỉ đứng yên mà nhìn.
Tại tàng thức của tôi thích trỗi dậy? Tại tôi áy náy vì cuốn hồi ký chưa xong? Tại ông chưa đành lòng dứt mối nợ cha con? Hay tại vong hồn ông còn chưa siêu thoát?
Nếu thế giới tâm linh ấy có thật, một nhà khoa học như tôi có thể làm gì?

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lính Việt Nam Cộng hòa bị bắt tại Dinh Độc lập vào ngày 30/4/1975
Hòa hợp với Mỹ hay với chính đồng bào mình?
Ba năm trước, tôi quyết định tìm hiểu một cách tử tế về di sản chiến tranh từ góc nhìn hòa giải - hòa hợp dân tộc.Tôi ngạc nhiên khi thấy phần lớn nghiên cứu thường xoay quanh mối quan hệ với Mỹ trong khi rất ít công trình tập trung vào mối quan hệ giữa người Việt với nhau. Với các học giả nước ngoài thì điều đó là dễ hiểu, nhưng tại sao cả khoa học trong nước cũng không phải là một nguồn tài nguyên kiến thức lớn về vấn đề này như các quốc gia đã từng xảy ra chiến tranh khác?
Khi tôi hỏi một đồng nghiệp trong nước, chị ngạc nhiên hỏi lại: "Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên đương nhiên là mình chỉ nghiên cứu về mối quan hệ với Mỹ thôi".
Tôi không hài lòng với câu trả lời đó. Những câu chuyện bên giường của người sắp chết khiến tôi hiểu rằng: Sang chấn thời hậu chiến chủ yếu đến từ chồng chất thịt xương tan tành của những thi thể da vàng. Bỏ hết lớp quân phục, không ai biết cái xác đầu văng một nơi, chân văng một nẻo kia là ******** hay cộng hòa.
Ba năm vừa qua, tôi dùng thời gian cá nhân và tự bỏ tiền túi để thực hiện nghiên cứu độc lập này. Vì sự khan hiếm của những công trình đi trước, tôi sử dụng một phương pháp đề cao dữ kiện thực địa có tên là "lý thuyết nền" (grounded theory).
Tôi dành thời gian hàng ngày quan sát và thu thập các tư liệu liên quan. Tôi cũng đến thăm và dự các hội thảo về hòa hợp dân tộc ở một số quốc gia nơi quá trình này đã trở thành những case study nổi tiếng: Palestine, Đức, Campuchia, Nam Phi và Rwanda. Trong số này, Palestine là vùng đất đặc biệt nơi tôi đã gắn bó nhiều năm qua các dự án về đàm phán văn hóa và kiến tạo hòa bình.

Nguồn hình ảnh,VAF
Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Đạc Thành, sáng lập viên Sáng hội Việt Mỹ (VAF, thứ hai từ trái), cùng Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (áo vàng) thắp nhang tại Nghĩa trang Biên Hòa vào tháng 2/2013. Đây là nơi an nghỉ của khoảng 16.000 tử sĩ Việt Nam Cộng hòa.
Trăm trứng đồng bào
Với những gì được chứng kiến, bước tiếp theo, tôi quyết định tìm hiểu sâu về Việt Nam bằng phương pháp phỏng vấn. Những cuộc nói chuyện được lựa chọn để lấy dữ liệu cho nghiên cứu này kéo dài ít nhất 1-2 tiếng, thường xuyên 3 tiếng hoặc hơn. Nhiều khi tôi quay trở lại với một nhân vật vài lần, kiên nhẫn xây dựng đủ lòng tin để họ chia sẻ. Có khoảng hơn chục nhân vật tôi chỉ trao đổi bằng thư.Tôi chọn con số 100 - tượng trưng cho trăm trứng từ một bào thai của mẹ Âu Cơ. Một trăm con người tuổi từ 25 đến 99, từ đủ mọi nẻo đường của cuộc sống đã góp tiếng nói vào dòng chảy của những câu chuyện này.
Họ là binh lính, sĩ quan, chính trị gia, nhà ngoại giao, chuyên gia tham mưu cho chính phủ, người hát rong, nghệ sĩ, kỹ sư, công nhân, nhà văn, nhà báo, doanh nhân, nông dân, sinh viên, nhà khoa học, nhà sử học, luật sư, tu sĩ, người thất nghiệp...
Ở trong nước, họ là những lão thành cách mạng từ thời chống Pháp, những đảng viên vẫn thường xuyên sinh hoạt chi bộ, những cựu binh ở cả hai bên chiến tuyến, những nhân viên từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn trước kia, và những người dân phi đảng phái.
Ở nước ngoài, họ là những thuyền nhân sống sót sau ngày vượt biển, con cháu thế hệ thứ hai và thứ ba của họ, những người Việt đi xuất khẩu lao động thời xưa, những người Việt đi du học và làm ăn sau này, những doanh nhân cứ tháng tháng lại đi đi về về. Tôi cũng lắng nghe cả tiếng nói của một vài nhân vật mà chính phủ Việt Nam cho là chống đối và kết án, hoặc bỏ tù.
Tôi nhận ra hầu như ai cũng quan tâm, dù chưa chắc đã muốn chia sẻ. Chỉ có ba người sau khi nhận lời mời thì từ chối một cách rõ ràng với lý do liên quan đến nội dung nhạy cảm. Rất nhiều người khi tôi vừa gửi tin nhắn thì lập tức muốn gọi điện ngay dù lúc đó giữa chúng tôi là một đại dương xa thẳm cách nhau 17 múi giờ và bên kia đã quá nửa đêm. Một cán bộ về hưu thậm chí đã cho phép tôi ngồi bên cạnh giường bệnh để trò chuyện. Tiếng ông thì thào ngắt quãng. Trên người ông vẫn còn cắm đầy dây dợ từ các bình truyền thuốc.
Vấn đề hòa giải - hòa hợp như một cơn sóng ngầm dường như chỉ chờ có cơ hội là trồi lên mãnh liệt.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Người dân Sài Gòn chạy nạn tại Tân Cảng vào ngày 29/4/1975
'Vỡ nghìn hang ổ'
Ba nhóm câu hỏi tôi dùng để làm khung điều hướng cho các buổi nói chuyện là:- Hiện trạng: Thế nào là hòa giải - hòa hợp? Giữa người Việt với nhau đã có hòa giải - hòa hợp chưa? Di sản và di chứng của quá trình đó trong các khía cạnh của cuộc sống hiện nay?
- Vấn đề: Những thành tựu gì về hòa giải - hòa hợp chúng ta đã đạt được sau 50 kết thúc chiến tranh? Những điều gì còn chưa ổn? Nguyên nhân của những điều chưa ổn đó?
- Giải pháp: Để hướng tới một tương lai nơi hòa giải - hòa hợp được trọn vẹn hơn, chúng ta phải có những giải pháp vĩ mô và vi mô như thế nào?
Nguyên tắc khoa học đảm bảo tất cả các nhân vật đều ẩn danh. Nếu có bất kỳ chi tiết nào khiến bạn đọc nhớ đến một con người cụ thể thì liên tưởng đó chỉ là sự trùng lặp tình cờ và hoàn toàn không chính xác.
Với gần 500 giờ phỏng vấn suốt 3 năm qua, tôi thấy mình vỡ ra rất nhiều nhờ sự giàu có của trí tuệ cộng đồng. Tâm trạng ấy có lẽ được miêu tả chính xác nhất bởi ba câu thơ mà một người bạn đã nhắn cho tôi khi chị nghe tin về loạt bài này:
"'Mở ra buổi sáng
Mới vỡ nghìn hang ổ
Của những gì cuộn nhau trong bóng đêm' - Nguyễn Đình Thi
Chờ em 'vỡ nghìn hang ổ', để đọc về 'những gì cuộn nhau trong bóng đêm'."
- Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo: Bài 2: Hòa giải đã lỡ, hòa hợp đang chờ
- Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực Khoa học Não bộ ứng dụng vào Giao tiếp-Quản trị đa văn hóa và Phát triển năng lực cá nhân. Đây là một phần trong loạt bài viết về nghiên cứu hòa hợp dân tộc của tác giả.