Don Jong Un
Lỗ đýt gợi cảm

Với lời hứa đưa ngành sản xuất của nước Mỹ trở lại thời kỳ vàng son, Tổng thống Donald Trump đã tung ra loạt thuế quan lớn và dồn dập, với hy vọng ép các công ty, xí nghiệp phải “
dọn về nước
” sản xuất, biến Hoa Kỳ thành “đại công xưởng” toàn cầu. Lý lẽ của ông nghe rất hợp tai người dân – vì nó gợi lại cái thời mà chỉ cần đứng dây chuyền nhà máy, một người công nhân bình thường cũng có thể nuôi sống cả gia đình. Những năm 1950 ở Mỹ, cứ ba người đi làm thì có một người là công nhân sản xuất; còn ngày nay, con số ấy chỉ còn một trên mười hai. Nhưng tiếc thay, giấc mộng đẹp đẽ ấy đang va vào bức tường khổng lồ của các quy luật kinh tế đã âm thầm bám rễ qua nhiều thập niên.
Từ nhiều năm nay, hiện tượng công ăn việc làm sụt giảm trong ngành sản xuất ở các nước giàu vẫn luôn khiến nhiều nhà sách lược bực bội không chấp nhận. Ngành sản xuất được coi là một phần quan trọng giúp nền kinh tế phát triển vì năng suất cao và khả năng kéo theo các ngành khác cùng phát triển. Những công việc trong các nhà máy, xí nghiệp cũng thường được xem như tấm vé đổi đời cho những ai không có trình độ cao – vì chúng mang lại nguồn thu nhập đủ sống và ổn định. Nếu không còn những công việc như vậy, công nhân buộc sẽ phải chuyển sang làm các công việc trong ngành dịch vụ với thu nhập bấp bênh, khiến tầng lớp trung lưu bị thu hẹp và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn.
Tuy nhiên, công ăn việc làm trong các ngành sản xuất dần mai một không phải là dấu hiệu của sự sa sút, mà cho thấy sự chuyển mình trong kinh tế. Theo Trung tâm Groningen về Tăng trưởng và Phát triển (Groningen Growth and Development Centre), một tổ chức nghiên cứu của Hà Lan, tỷ lệ việc làm trong các ngành sản xuất thường tăng lên ở giai đoạn đầu, sau đó giảm mạnh – giống như hình chữ U ngược. Khi một quốc gia công nghiệp hóa, người dân rời bỏ ruộng đồng để làm việc trong nhà máy. Nhưng khi quốc gia đó giàu hơn, lao động lại rời khỏi nhà máy để chuyển sang các ngành dịch vụ như tài chánh, chăm sóc sức khỏe hay giáo dục. Điều này khiến các công việc sản xuất dần ít đi.
Lý do nào khiến những quốc gia giàu có như Mỹ dần mất đi ngành công nghiệp sản xuất? Với Trump, câu trả lời khá rõ ràng: đó là do mậu dịch quốc tế. Khi TQ và một số nước đang phát triển bắt đầu tham gia vào thị trường quốc tế, các công ty Hoa Kỳ đã nhanh chóng chuyển nhà máy ra nước ngoài để tận dụng chi phí lao động thấp hơn. Theo cách nhìn của chính quyền Trump, hành động này đã khiến Mỹ “chuyển nền móng sản xuất của nước ta ra nước ngoài” và giúp TQ “vươn lên thành bá chủ toàn cầu trong các ngành công nghiệp quan trọng.”
Không thể phủ nhận rằng nhiều công ty Mỹ đã và đang “chạy” sang TQ. Nhưng phần lớn các kinh tế gia đều cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm việc làm trong ngành sản xuất ở Hoa Kỳ. “Thủ phạm” thực sự khiến hàng triệu công ăn việc làm trong các nhà máy biến mất chính là… năng suất lao động vượt trội. Máy móc hiện đại giúp mỗi một người công nhân tạo ra nhiều sản phẩm hơn, làm cho giá cả hàng hóa rẻ hơn và nhu cầu tuyển dụng giảm đi. Một nghiên cứu của Michael Hicks và Srikant Devaraj (Đại học Bang Ball, Indiana) cho thấy: từ năm 2000 đến 2010, có tới 88% số lượng việc làm trong ngành sản xuất bị mất đi là do năng suất làm việc tăng. Còn tác động của mậu dịch quốc tế chỉ chiếm 13%.
Không chỉ có năng suất làm việc, một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần làm suy giảm việc làm trong ngành sản xuất là do thói quen chi tiêu của người dân thay đổi theo mức sống. Theo định luật Engel trong kinh tế học, ở các nước nghèo, khi thu nhập tăng lên thì người ta giảm bớt chi phí cho đồ ăn, và bắt đầu mua sắm nhiều sản phẩm như TV, xe máy, điện thoại... Ngược lại, ở các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, người dân lại có khuynh hướng tiêu xài ít vào mua sắm hàng hóa, mà chuyển sang sử dụng dịch vụ nhiều hơn, như du lịch, ăn uống, chăm sóc sức khỏe… Điều này lý giải vì sao năm 1950, hàng hóa chiếm đến 60% trong tổng chi tiêu tại Mỹ, nhưng hiện nay con số đó đã giảm xuống chỉ còn 33%, phần lớn còn lại dành cho các ngành dịch vụ.
Vì vậy, phi công nghiệp hóa không phải là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang suy yếu, mà là một phần tự nhiên trong tiến trình phát triển và làm giàu – là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đang ngày càng thịnh vượng. Trong thời đại mà công ăn việc làm trong các ngành dịch vụ mang lại hiệu quả cao và mức lương hấp dẫn, thì việc quay lại với mô hình nhà xưởng lỗi thời không khác gì tự đâm đầu vào ngõ cụt. Hơn nữa, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi cục diện nhanh hơn bao giờ hết.
Nếu cứ khăng khăng níu kéo quá khứ như cách Trump đang làm, nước Mỹ sẽ không những không tiến lên nổi, mà còn bị tụt lại phía sau.

Did international trade really kill American manufacturing?
By Donald Trump’s telling it did. The data suggest otherwise