Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ: "Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào"

thandieuhieplu11@

Bò lái xe
Chương I. Một vấn đề danh dự “Tôi rất tiếc câu trả lời là không”

Người Mỹ không còn dám nhìn thẳng vào mắt tôi nữa, tôi biết rằng thế là hết rồi. Chúng tôi ngồi trong nhà của tôi ở Tân Sơn Nhứt, căn cứ không quân Sài Gòn nằm ở ngoại ô, cách thành phố một vài dặm. Mặc dù lúc bấy giờ là một dân thường, tôi vẫn còn giữ cấp bậc thiếu tướng không quân và vẫn có quyền ở trong “khu gia đình”. Đêm 22-4-1975, tôi đang ngồi tại đó, đối diện với Erich Von Moarbod, một trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và hai cố vấn quân sự dường như là Stevenson và Smith.


Căn phòng được trang bị đơn giản với ghế bành êm và những chiếc bàn. Các cửa sổ căn phòng nhìn ra khu vực rộn rịp của căn cứ, nơi mà tôi đã từng thực hiện hàng trăm chuyến bay chống lại quân địch. Hôm ấy trời nóng. Những chiếc cửa sổ mở không làm sao chặn được tiếng nổ của súng cối hay tiếng nổ to hơn của trọng pháo thỉnh thoảng vang lên, lúc lúc bị tiếng chuông hoặc tiếng còi hụ của một xe cứu thương hay xe chữa cháy cắt ngang.


Bầu trời đen tối bị nhuộm một màu đỏ bầm, giống như một bức tranh tầm thường vẽ một cảnh mặt trời lặn. Nhưng mặt trời đã lặn từ lâu rồi trên nhiều mặt chứ không phải chỉ trên một mặt, vì những vết đỏ xuất phát từ những trận pháo bao quanh ngoại ô Sài Gòn đã chẳng khác gì một giàn hoả táng cho Nam Việt Nam, cho một cuộc thất trận của một quốc gia lớn nhất trên giới cùng với nước bạn nhỏ hơn cùng đứng trong hàng ngũ chiến đấu với họ.


Ngay trong lúc đó, nhìn qua cửa sổ, tôi đã cố bám vào một hy vọng mỏng manh cuối cùng là dù thế nào đi nữa cũng có thể cứu vãn được danh dự khỏi cuộc hủy diệt này, nói một cách khác, là tôi có thể lao vào lửa để cứu lấy danh dự như người ta cứu lấy một ngọn cờ trận quý báu vậy. Nhiều tuần qua tôi đã tìm cách thuyết phục người Mỹ loại bỏ tổng thống Thiệu rồi ủng hộ tôi trong một cuộc đấu tranh một mất một còn đó có thể, dù không đem lại được chiến thắng nhưng ít ra cũng cho chúng tôi có cơ hội để thảo luận về những điều kiện hoà bình sau này, trên một tư thế mạnh nào đó.


Đó là lý do tại sao Von Marbod đã đến nhà tôi. Ông đại sứ Mỹ, Graham Martin đã từng ngồi trên chiếc ghế này, lạnh lùng và lặng lẽ như đá cẩm thạch lát ở nhà mồ.

Một người hầu rót thêm trà xanh và rượu Napoleon. Trong nhà chỉ còn có một chai rượu. Thế là tôi quay sang nói với Von Marbod, “ông biết kế hoạch của tôi rồi chứ. Ông biết rằng tôi đã giải thích cho ông Martin là chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu ở vùng châu thổ sông Cửu Long như thế nào rồi chứ. Tôi biết rồi có thể tổ chức cuộc kháng chiến và duy trì được, có lẽ là trong một vài tháng cuối cùng. Liệu chính phủ Mỹ sẽ có yểm trợ cho chúng tôi không? Không phải bằng người, mà bằng vũ khí. Chúng tôi chỉ yêu cầu bấy nhiêu đó thôi”.


Sự im lặng dường như chẳng bao giờ chấm dứt. Thế rồi chỉ một câu ngắn ngủi đã làm tan vỡ sự im lặng đó. Von Marbod nói, “Tôi rất tiếc, câu trả lời là “không”.

Ông ta nói với một giọng tẻ nhạt, yếu đuối, không dám nhìn thẳng vào tôi. Tôi tự hỏi giọng nói đó, một giọng nói chẳng hề có âm điệu, đã muốn nói lên điều gì. Thất vọng chăng? Nhẫn nhục chăng? Hay là tủi nhục?


Von Marbod ngó lên và nói một giọng bình thản, “Khi rôi rời Việt Nam, thưa tht, ngài sẽ đi với tôi chăng?” Rồi ông nói thêm với một vẻ hào phóng đặc biệt: “ngài nên cho gia đình đi ngay đi. Và đừng lo ngại gì, Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, ngài có thể đi Mỹ và sinh sống ở đó”.


Có thể Hoa Kỳ đã chẳng bao giờ thắng được cuộc chiến. Nhưng dù cho người ta không chiến thắng được đi nữa thì điều người ta có thể lựa chọn được đâu nhất thiết phải là nỗi nhục nhã của cuộc đầu hàng hèn hạ.

Người chiến thắng thu chiến lợi phẩm. Nhưng đối với kẻ chiến bại thì vẫn còn có thể giữ được danh dự. Khi Von Marbod bước ra xe díp và chạy dọc theo con đường loang lổ vì đạn phái đi đến đại sứ quán Mỹ, tôi biết rằng ngay cả điều đó giờ đây chúng tôi cũng bị khước từ.
 
Chương II. BƯỚC VÀO CUỘC CHIẾN: LÝ DO TẠI SAO

Một trong những nhược điểm trong vai trò hào phóng nhưng đôi khi lại bị lệch lạc của Mỹ ở Việt Nam, có thể được tóm gọn một cách hay nhất bằng câu châm ngôn “Hiểu biết ít là một điều rất nguy hiểm”. Là những người đến Việt Nam với quyết tâm sẵn sàng giúp đỡ, các sĩ quan và các đoàn viện trợ Mỹ ít khi lại có thể hiểu rõ được tâm trạng của dân tộc chúng tôi, chính vì sự hiểu biết nông cạn mà họ tiếp thu được qua chương trình huấn luyện nhanh chóng trong vài tuần lễ trước khi lên đường, thực ra chỉ là một sự hiểu biết hời hợt mà thôi.


Đối với nhiều người Mỹ ở Việt Nam thì đại để chúng tôi chỉ là “Người Trung Hoa”. Thực ra không phải vậy. Chúng tôi là người Việt Nam, người Mỹ đã không ý thức được rằng mặc dù viên chúa tướng Trung Quốc đầu tiên tiến vào vùng châu thổ sông Hồng của chúng tôi vào năm 200 trước Công nguyên và Trung Hoa đã ở lại trong 10 thế kỷ nhưng hầu như ở châu Á chỉ có một mình chúng tôi là đã đánh bại được họ khi người Việt như người ta gọi chúng tôi như vậy vào hồi ấy, đã đánh quân nhà Đường và một thế kỷ sau cũng đã đánh bại quân nhà Tống. Vào thế kỷ thứ 17, Việt Nam có nghĩa là “lãnh thổ ở phía Nam”, không chỉ còn là một nước nhỏ bé phải đương đầu với kẻ thù không đội trời chung ở phương Bắc nữa mà Việt Nam đã mở rộng bờ cõi cho đến khi dân tộc chúng tôi đã phóng được tầm nhìn ra tận Vịnh Thái Lan.


Nước Mỹ được thuận lợi là tiến hành cuộc chiến tranh… từ xa. Còn tôi thì hầu như cả cuộc đời đều đã sống trong một bối cảnh có tiếng súng máy và tiếng bom nổ rền vang. Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về các cuộc không kích-do máy bay Mỹ gây ra-là khi tôi còn là một học sinh trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, lúc ấy tôi sống tại vùng mà sau này người ta gọi là Bắc Việt Nam. Tôi sinh trưởng ở miền Nam, tại Sơn Tây, một thị trấn không đầy 50.000 dân, cách Hà Nội 25 dặm về phía tây bắc. Mấy mươi năm sau, vào 1970, Sơn Tây đã được nói tới trên báo chí khi tổng thống Nixon đưa quân biệt kích đến giải thoát cho một số phi công Mỹ bị giam ở đó. Khi quân biệt kích đến nơi thì trại giam chẳng còn ai hết. Sau này tôi có nói với ông Nixon: “Nếu biết được ngài dự định cuộc tiến công đó thì có lẽ tôi đã cùng tham dự rồi vì tôi biết rõ vùng này như lòng bàn tay vậy”.


Dĩ nhiên, Bắc Việt Nam ngày nay không phải như là lúc tôi còn bé. Lúc bấy giờ là Bắc Kỳ. Sau khi hoàn tất cuộc chinh phục Đông Dương một cách chậm chạp vào những năm 1880, Pháp đã chia Đông Dương ra làm 5 xứ thuộc địa là Cao Miên, Lào, Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, ba xứ sau cùng nhập lại thành Việt Nam.


Thủ đô của Bắc Kỳ là Hà Nội, Trung Kỳ, phần đất ở giữa và đông dân nhất của Việt Nam, do Huế cai trị. Sài Gòn là thủ đô của Nam Kỳ, phần đất phía Nam của Việt Nam và chịu ảnh hưởng của Pháp nhiều nhất.


Lúc ban đầu họ đến Đông Dương với tư cách là những nhà truyền giáo hồi thế kỷ 17. Rồi qua nhiều năm họ đã trở nên giàu có nhờ lúa gạo, cao su và nha phiến, nhưng họ đã đóng góp rất ít để đền đáp lại vơi thuế má cắt cổ, họ đã làm cho những nông dân yên lành của chúng tôi phải bán các tài sản nhỏ bé của họ để đi làm kiếm lương trong những nhà máy hoặc đồn điền của Pháp. Hầu như họ đã chẳng làm gì để chuẩn bị cho Việt Nam có thể trở thành một nước độc lập, và tỷ lệ mù chữ đã lên tới mức kinh hoàng.


Tuy nhiên, hội nghị Geneve còn có tác dụng nhiều hơn nữa ngoài việc chia cắt một đất nước làm thành hai. Hội nghị này đã đưa Nam Việt Nam vốn chỉ là một vấn đề “địa phương" trở thành một vấn đề thuộc chính trị thế giới. Trước khi xảy ra hội nghị Geneve, mặc dù tiếp tế vũ khí cho Pháp để đánh Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn đứng ở ngoài xa. Sau hội nghị đó Mỹ đã nhận ra rằng mối đe doạ của chủ nghĩa ******** ở châu Á còn trầm trọng hơn cả ở châu Âu. Hoa Kỳ tự cho mình có nhiệm vụ che chở cho thế giới tự do chống lại sự xâm lược của ******** và như vậy, Đông Dương đã trở thành một con cờ ở một thế mới trong cuộc chiến tranh lạnh, sau khi “tương lai” của xứ này đã được các cường quốc (Hoa Kỳ, Liên Xô, Pháp, Anh và Trung Quốc) định đoạt trên bàn hội nghị. Vào lúc hội nghị này kết thúc, những nhà ngoại giao Mỹ quả quyết tin tưởng rằng một Nam Việt Nam vững mạnh là điều kiện sống còn đối với nền an ninh của thế giới-và của Mỹ nhất là khi mà Trung Hoa đỏ mới hình thành đã trở nên càng ngày càng hùng mạnh sau 5 năm cầm quyền của Mao Trạch Đông.


Cuộc chiến tranh thực sự đã bắt đầu với việc thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc (MTGPDT) ở Nam Việt Nam.

Tháng Mười hai 1960, khi tổng số quân Mỹ ở Việt Nam lên đến 900 người, MTGPDT đã đưa ra bản tuyên ngôn 10 điểm; chủ trương lật đổ chế độ thuộc địa của đế quốc Mỹ và tổng thống Diệm, và tái lập quan hệ bình thường Bắc Nam và cuối cùng thống nhất đất nước theo đường lối hoà bình, ngoài ra còn có một số vấn đề khác nữa. Trong vòng 10 năm, đội ngũ của họ tăng lên 300.000. Họ hoạt động kết hợp với Hà Nội, nơi mà họ phải tuỳ thuộc về mặt tiếp tế. Lực lượng dân quân tự vệ, bộ phận quân sự chủ yếu của họ, đã tiến hành các cuộc đột kích và phá hoại theo chiến tranh du kích, và đã xây dựng quân đội của họ theo chương trình “phát triển và phân tán”.

Chương III LÊN KHÔNG: TÔI LÀM VIỆC VỚI COLBY CỦA CIA

Đi bay trong những năm năm mươi là một điều thích thú vô cùng… Cứ mỗi một ngày trôi qua là tôi càng thấy yêu mến không gian hơn nữa. Chúng tôi đều trẻ tuổi, một tập thể được huấn luyện và làm việc chung với nhau.


Thời đó đi bay quả thực là điều đáng kể lắm. Đi bay vẫn còn đem lại cho người ta một vài khoái cảm giống như các chuyến bay khá ly kỳ và hồi hộp trong chiến tranh thế giới thứ II, vì ở Việt Nam khi ngồi lên một chiếc máy bay-nhất là những chiếc BC-3 cũ kỹ-thì người lái phải hoàn toàn tự xoay xở lấy. Thường thì tôi không có phương tiện trợ lực điều hành. Lúc đó cá nhân của con người mới là đáng kể. Tôi không phải chỉ là một “tài xế” của một chiếc máy bay lớn có thiết bị tự động để giúp đỡ tôi. Chúng tôi bay theo linh tính, giữa biết bao nhiêu nguy hiểm lại thêm các trận bão tố và cuồng phong miền nhiệt đới còn làm cho nguy hiểm hơn và thường chúng tôi không biết được một cách chính xác vị trí của sân bay gần nhất. Chúng tôi không thể bay cao 50.000 bộ như những phi công ngày nay. Ít khi chúng tôi được những người ngồi ở đài kiểm soát cho biết phải bay theo đường nào, hoặc với độ cao hay tốc độ là bao nhiêu.


Không quân Việt Nam phần lớn phụ trách việc chuyển vận-thường là chuyên chờ người và máy móc đến những tiền đồn hẻo lánh, cho máy bay đáp xuống những sân bay tạm thời-cho mãi đến khi có cuộc thay đổi đột ngột xảy ra vào năm 1960. Thời kỳ đó tôi là chỉ huy trưởng một căn cứ không quân ở ngay ngoại ô Sài Gòn. Tôi mới 30 tuổi. Trong một quân chủng nhỏ, việc thăng cấp thật là nhanh chóng. Bất ngờ, một bữa tư lệnh không quân cho người mời tôi. Ông nói: “Tôi đã bàn với CIA Mỹ về những kế hoạch mới để thả dù những nhân viên được huấn luyện đặc biệt xuống các vị trí then chốt ở Bắc Việt. CIA huấn luyện người và giúp ta chọn mục tiêu, dựa trên tin tức mà họ nhận được. Bây giờ điều tôi cần ở anh là làm sao có được một toán phi công được huấn luyện chu đáo để thả cho đúng người và đúng chỗ”.


Có lẽ ông đã thấy được cái nhìn thích thú của tôi vì ông cảnh giác tôi: “Sẽ không dễ dàng đâu. Các anh sẽ bay lượn với cao độ số không, trong tầm quan sát rada của địch. Các anh sẽ không có phương tiện trợ lực điều hành”. Rồi không mấy hứng thú, ông nói thêm: Và quả thật chiếc C-47 (từ quân sự để gọi máy bay BC-3) không phải là một máy bay hiện đại và dễ “điều khiển nhất trên thế giới”.

Tôi hỏi: “Bao giờ chúng ta bắt đầu?!”


Rõ ràng là có nhiều nguy hiểm. Tôi quyết định sẽ không cưỡng ép một ai phải nhận lấy loại nhiệm vụ này và tôi kêu gọi những người tình nguyện. Trong số 70 hoặc 80 phi công trong không đoàn của tôi. Mọi người đều tình nguyện.


Trong vòng 2 ngày, chúng tôi bắt đầu huấn luyện triệt để, học cách bay trong những đêm trăng, cách mặt đất từ 10 đến 15 bộ. Tôi đưa ra phương thức “điều hành đôi” và đem theo trên mỗi chuyến bay hai người điều hành. Một người phải tập trung để đưa chúng tôi đến mục tiêu, còn người kia thì cứ 2 phút cho người lái biết vị trí của máy bay so với mặt đất, dựa vào sự quan sát. Chúng tôi học cách nghiên cứu từng chi tiết một của địa thế trong nhiều ngày trước khi bắt đầu bay để người điều hành bằng quan sát có thể nhờ ánh trăng theo dõi mặt đất lướt nhanh dưới chân chúng tôi một cách dễ dàng như đọc trên bản đồ vậy.


Trong khi tôi huấn luyện các toán bay thì CIA huấn luyện những người mà chúng tôi sẽ thả dù, về công việc bí mật, phá huỷ và thông tin vô tuyến. Người Mỹ đã có sẵn một bộ chỉ huy quân sự ở Sài Gòn, thế nhưng hồi bấy giờ, họ ở Việt Nam với vai trò thuần tuý cố vấn. Họ đã thay thế Pháp để giúp đỡ chúng tôi. Toán CIA huấn luyện những người nhảy dù là một bộ phận của ban chỉ huy đó. Cuối cùng hai cuộc huấn luyện tới hồi kết thúc, thì chúng tôi đã gặp nhau.


Sau một chuyến bay đêm, tôi trở vào nhà để máy bay, thì gặp một người lạ đang chờ tôi. Ông ta đeo kính, hơi mảnh khảnh nười, nước da trắng có mái tóc khó tả. Ông ăn nói rất dịu dàng và có vẻ là một con người trầm lặng. Tôi còn nhớ đã nghĩ rằng ông giống như là một sinh viên thiệt cho đến khi tôi trông thấy cặp mắt ở đằng sau cặp kính, một cặp mắt không lúc nào đứng yên, luôn luôn quan sát mọi cử chỉ, quan sát mọi người trong phòng.


Ông tự giới thiệu, một cái tên chẳng có nghĩa gì với tôi cả: William E.Colby. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với CIA và đó cũng là một tình huống kỳ quặc, vì chúng tôi có phần nào làm việc song song với nhau: trong khi Coldy huấn luyện những người nhảy dù thì tôi huấn luyện phi công. Người này không liên hệ với người kia, vì rõ ràng là việc huấn luyện khác biệt hoàn toàn. Sở dĩ tôi nêu ra điểm này là vì sau này đã có nhiều tờ báo Mỹ tố cáo rằng tôi đã làm việc cho CIA.


Nhưng tôi không làm việc cho CIA. Nói đúng ra là CIA đã làm việc cho chúng tôi, vì CIA không những huấn luyện người sẽ được thả dù mà còn cung cấp tin tức quan trọng về Bắc Việt Nam và do đó cũng đã thường chọn những địa điểm, đổ xô thả những biệt kích xuống phía trên vĩ tuyến 17.


Coldy có vẻ lo ngại và không bao lâu tôi đã tìm ra lý do. Như bất cứ một nhân viên tình báo cấp cao nào, ông ta rất lo ngại về vấn đề an ninh. Giờ đây, khi đã đến lúc việc huấn luyện gần chấm dứt và chúng tôi sẽ bước sang giai đoạn hành động, thì lại có tin đồn về khoảng 20 phi công lúc nào cũng mặc quân sự bay màu đen (đó là do ý kiến của tôi) và dường như họ sẽ đi bay ban đêm) làm những nhiệm vụ đặc biệt chưa bao giờ được công bố.


Colby nói: “Nếu tin đồn tăng lên thì sẽ có sự tiết lộ đến tai Bắc Việt Nam, rồi chúng ta lại phải huỷ bỏ toàn bộ vấn đề".


Ông đưa ra một đề nghị không mấy hấp dẫn là tất cả những người được huấn luyện đặc biệt như chúng tôi nên cùng ở chung một biệt thự nằm trong căn cứ và không bao giờ được rời khỏi biệt thự ấy ngoại trừ trường hợp phải đi đến nhà để máy bay. Chúng tôi đành phải chịu, nhưng quả thật chẳng khác nào như ở tù. Trước cửa chúng tôi chỉ nhìn thấy duy nhất là cái lưng của một người lính gác Việt Nam. Chúng tôi thấy nhớ câu lạc bộ sĩ quan với chiếc bàn bida và quầy rượu. Cuối cùng, tôi nói với Colby: “Ít ra cũng nên để cho nhân viên của tôi đi lại trong căn cứ chớ”.


Colby nhận thấy điểm đó, thế là mặc dù chúng tôi vẫn sống trong biệt thự dưới sự canh phòng nghiêm ngặt, nhưng thỉnh thoảng tại câu lạc bộ chúng tôi cũng được hưởng trường hợp tương đương với “giờ vui sướng” của hải quân Mỹ.


Colby có một ý kiến khác nữa về an ninh-một ý kiến rất hay. Khi việc huấn luyện kết thúc, chúng tôi để các máy bay của không quân ở nhà máy bay và khởi sự sử dụng các chiếc máy bay chuyên chở tương tự như của hàng không dân sự Việt Nam, được kẻ nhãn hiệu rõ ràng là “Hàng không VIAT”. Đối với những cặp mắt tò mò thì có vẻ như chúng tôi chỉ giúp đỡ giới thẩm quyền dân sự đang gặp khó khăn mà thôi.


Đã gần đến đêm bay chuyến bay hành quân đầu tiên. Các toán bay mất một tuần lễ để nghiên cứu từng centimét của đoạn đường dẫn đến vùng thả dù. Trước khi đi mỗi người trong toán bay và mỗi người nhảy dù đều được cấp 100 đôla để có thể sống sót được, nếu chúng tôi bắt buộc đáp xuống một nơi ở ngoài Việt Nam. (Số tiền này phải trả lại sau mỗi chuyến bay).
 
Sáng nay tôi có ý định ghi vài dòng, xem như ghi chép cá nhân, về Nabokov vì tôi vừa đọc lại hơn một nửa tiểu luận trong quyển Nabokov and the Real World của Robert Alter, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Nabokov luôn có thể chờ. Vậy nên đã lỡ tay gõ phím, tôi muốn chuyển qua một tiểu luận trong quyển Nghĩ về văn học hải ngoại của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, đó là 'Đồng hồ dừng lại từ 30.4.1975', viết vào năm 2000.

Cũng giống như vụ đọc ngẫu nhiên trước với quyển sách của Nguyễn Hiến Lê, tôi đọc tiểu luận này cũng do tình cờ trong lúc chờ mạng Internet kết nối lại, do bên nhà mạng có thông báo bảo trì. Nguyễn Mộng Giác không phải nhà văn quen thuộc với tôi, truyện dài duy nhất của ông ấy tôi đọc là Tiếng chim vườn cũ, kèm một số bài viết lẻ trên mạng.

Nguyễn Mộng Giác bắt đầu bài viết bằng việc trích một đoạn từ quyển tiểu thuyết 'Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa' của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh. Đoạn hội thoại được trích là của hai nhân vật: trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh quân đoàn 1 và viên Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng. Ông Giác cho rằng việc tác giả lúc nào cũng để trung tướng Ngô Quang Trưởng gọi người Mỹ là "Ngài" (viết hoa) "rất chối tai". Ông nói thêm:

"Những người lớn lên ở Miền Nam đều biết rõ trong ngôn ngữ giao tế hằng ngày, từ vĩ tuyến 17 trở vào, không ai dung tiếng "Ngài" đầy khúm núm để thưa gửi trước những chức quyền cao hơn mình. Không phải người Miền Nam không sợ cấp trên, hoặc ở Miền Nam trước 1975 không hề có những bọn xu nịnh. Nhưng tiếng "Ngài" là một tiếng Việt đã lỗi thời, từ lâu không ai còn dùng nữa."

Ông Giác cho rằng ngôn ngữ của ông Hạnh đã đóng băng, và đáng lý ra sau hơn một phần tư thế kỷ, với tư cách là người cầm bút "có thẩm quyền" ở Việt Nam, ông Hạnh phải ý thức hơn.

"Vì quê hương đang ở trong tầm tay của ông. Ðám đông thấp cổ bé miệng mong mỏi được những nhà báo, nhà văn "có thẩm quyền" như ông hiểu rõ hoàn cảnh của họ, ước vọng của họ hôm nay, tháng Tư năm 2000. Nhưng ông suy nghĩ, viết lách như một người sống hai mươi lăm năm về trước. Ông không thông cảm nổi với những người đã từng chống ông trong chiến tranh, đấy là quyền của ông. Nhưng hình như ông cũng không thông cảm được với lớp trẻ tuổi trên dưới ba mươi hiện nay, là một nửa đám đông đang ở dưới quyền sinh sát của bạn bè ông."

Bài viết của ông Giác liên quan cảm xúc nhiều hơn lý lẽ vì ông thừa nhận người bỏ quê hương mà đi, đồng hồ của họ cũng đã dừng lại, tất cả hoài niệm quê hương họ mang theo giống "tranh tĩnh vật", việc thay đổi dù chỉ một chi tiết nhỏ trong đấy cũng là "xâm phạm lên cái gì thiêng liêng nhất của người lưu vong."

Tổng quan chất giọng của Nguyễn Mộng Giác không hẳn mang tính bút chiến, mà khá trầm. Ý kiến của ông Giác thế nào, tôi chưa có gì để nhận xét, nhưng bài viết này có vài điểm tôi thích và gợi cho tôi vài suy nghĩ.

Thứ nhất là đoạn trích sau:

"Không phải ngẫu nhiên mà hai người Việt xa lạ gặp nhau lần đầu, câu hỏi làm quen trước tiên là hỏi năm rời quê hương. Ðó là một cách định vị để dễ dàng tìm lời thích hợp mà trao đổi về sau. Không cùng chia nhau một thứ quê hương, khó ăn khó nói lắm!"

Thứ hai là tiểu luận này (và có thể là cả các bài khác trong cùng tập sách tôi chưa đọc tới) phảng phất không khí của một thế giới bị đẩy lùi quá xa. Trước giờ tôi vẫn thấy văn học hải ngoại tồn tại như thể nó là đối trọng của văn học trong nước, nhưng trước làn sóng toàn cầu hóa của thế kỷ 21, có vẻ khái niệm "văn học hải ngoại" người Việt ta hay dùng giờ như đã nằm hẳn trong lịch sử (dù ở nước ngoài nhiều người vẫn đang viết).

Thứ ba là nếu cân tiểu thuyết Nguyễn Mộng Giác và tiểu thuyết Trần Mai Hạnh để xem hai cách nhìn Việt Nam thì ta có gì? Tôi sẽ không nói hai người này giống nhau nhưng cả hai đều chia sẻ chung chút gì đó tinh thần nhẫn nhịn trước xô đẩy của thời cuộc.

Những suy nghĩ trên tôi có thể dành thời gian để nhìn nhận xa hơn, nhưng tôi biết tôi khó trở lại những chủ đề này, bản thân là người ăn buffet vô ý tứ, dĩa tôi giờ quá đầy. Liệu có ai là viết về văn học hải ngoại từng nhìn những vấn đề trên không, tôi rất muốn đọc thử.
 

Có thể bạn quan tâm

Top