

- Tác giả,Thương Lê
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- một giờ trước
Theo bài viết xuất bản ngày 18/4 của 19FortyFive, dẫn một nguồn tin ẩn danh, Việt Nam đã chốt mua ít nhất 24 tiêm kích F-16 của Mỹ, loại vũ khí sát thương ra đời từ trải nghiệm không mấy dễ chịu của phi công Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là thỏa thuận vũ khí lớn nhất từ trước đến nay giữa Hà Nội và Washington, trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách hiện đại hóa, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí khi nhà cung cấp lâu năm là Nga đang tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tin tức này làm dấy lên mối quan tâm trong giới phân tích quân sự quốc tế cũng như những người quan tâm tại Việt Nam, khi Tổng thống Donald Trump, một người rất thích "giao dịch", có ý định áp mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam do mất cân bằng thương mại.
Liệu một thỏa thuận F-16 giữa hai cựu thù có khả thi? Liệu đây có phải là động thái nâng cấp năng lực không quân của Việt Nam hay là con bài mặc cả thuế quan với Mỹ?
BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với các chuyên gia quốc phòng quen thuộc với vấn đề để giải đáp những câu hỏi trên.
Thương vụ này có khả thi?
F-16 Fighting Falcon là chiến đấu cơ hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Đây là loại máy bay quân sự cánh cố định phổ biến nhất trên thế giới kể từ năm 2015.Theo số liệu trên trang web của nhà sản xuất Lockheed Martin vào tháng 5/2025, hiện có khoảng 3.100 chiếc F-16 đang được sử dụng trong lực lượng không quân của 29 quốc gia trên khắp toàn cầu.
Nếu thỏa thuận này thành hiện thực, quân đội Việt Nam sẽ trở thành lực lượng thứ năm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mua chiến đấu cơ này.
Ông Raymond Powell, Tùy viên Không quân Mỹ tại Việt Nam từ năm 2013-2016, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông hoài nghi các thông tin từ nguồn tin ẩn danh về vấn đề này.
"Tôi biết việc bán vũ khí cho Việt Nam từ phía Mỹ là khó khăn đến mức nào. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm cách thức giao dịch, giá cả và sức ép chính trị."
"Họ [Việt Nam] có xu hướng thích các giao dịch đơn giản hơn so với những gì chúng tôi thực hiện thông qua Chương trình bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS). Họ cũng thấy thiết bị của Mỹ thường đắt trong cách thức bán hàng vì chúng tôi bán kèm theo các dịch vụ hậu cần. Trong khi mức giá của chúng tôi cao, thì bạn có thể có một giao dịch đơn giản và rẻ hơn nếu mua từ một quốc gia khác. Và tất nhiên có sức ép chính trị từ Trung Quốc lên Việt Nam về mua bán vũ khí sát thương," ông giải thích.
"Đó là lý do vì sao khi tôi làm tùy viên Không quân Hoa Kỳ ở Việt Nam từ 2013-2016, chúng tôi hầu như chỉ tập trung vào việc sắp xếp các giao dịch bán máy bay huấn luyện T-6C, loại khí tài đầu tiên mà Mỹ bán cho Không quân Việt Nam," ông Powell, người hiện là Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, cho biết.
Cho đến nay, ngoài nguồn tin ẩn danh trong bài viết của 19FortyFive, được các trang The Diplomat, South China Morning Post, Radio Free Asia dẫn lại kèm phân tích, chưa xuất hiện nguồn tin nào khác.
"Tôi đã thấy khi Việt Nam làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, họ ký kết tăng cường hợp tác quốc phòng mà không đưa ra bất kỳ chi tiết nào. Và giờ đây, khi Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có chuyến sang Nga, ông ấy có thể đã có những cuộc thảo luận kín với Moscow. Nhưng cũng trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam vào tháng 6/2024, đã không có thông báo công khai nào được đưa ra vì vấn đề quá nhạy cảm."
Theo ông Thayer, vấn đề cốt lõi là đội máy bay Su-22 của Việt Nam đã lỗi thời, thường gặp tai nạn và không còn đủ điều kiện bay, "thậm chí không xin được chứng nhận bay".
Đội máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam hiện tại gồm các tiêm kích bom Su-22 được Liên Xô chuyển giao từ những năm 1980, cùng với các tiêm kích Su-27 và các biến thể Su-30.
Với tuổi đời gần 40 năm, khoảng 30 chiếc Su-22 của Việt Nam đã đến cuối vòng đời hoạt động. Trong những năm qua, một số chiếc đã bị rơi, có thể kể đến hai chiếc Su-22 rơi gần đảo Phú Quý năm 2015 khiến hai phi công thiệt mạng.
Tháng 1/2023, một chiếc Su-22 đã rơi trong lúc tập luyện khiến một phi công tử nạn tại Yên Bái. Gần đây nhất là vụ Su-22 rơi ở Quảng Nam vào tháng 1/2024, phi công nhảy dù an toàn.
"Việt Nam hiện tại thực sự không còn năng lực không quân đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền, hoặc để răn đe. Đây là một nhu cầu cấp thiết," Giáo sư Thayer nhấn mạnh.
Một yếu tố khác cần xét đến là mối quan hệ giữa Việt Nam và nhà cung cấp vũ khí lâu năm là Nga, theo Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS, Singapore.
"Quân đội Mỹ có thể không mấy mặn mà với việc Việt Nam mua F-16 do mối quan hệ chặt chẽ giữa quân đội Nga và Việt Nam. Washington sẽ không muốn Moscow tiếp cận những chiếc F-16 của họ, ngay cả khi chúng là phiên bản cũ," ông nói với BBC.
Tuy vậy, ông Storey, tác giả sách Putin's Russia and Southeast Asia: The Kremlin's Pivot to Asia and the Impact of the Russia-Ukraine War (Nước Nga của Putin và Đông Nam Á: Sự chuyển hướng của Điện Kremlin sang châu Á và tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine, tháng 5/2025), nói dù khả năng Hà Nội mua 24 chiếc F-16 là không cao nhưng "có thể có bất ngờ!"

Nguồn hình ảnh,THANH HO
Chụp lại hình ảnh,Tiêm kích bom Su-22 của Không quân Việt Nam đã lỗi thời, kém an toàn