
Chuyên gia cho rằng thuế khoán tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Việc xóa bỏ cơ chế này sẽ giúp minh bạch thu nhập, chống thất thu và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

"Không rành công nghệ, lại quá nhiều lừa đảo"
Trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành, một điểm đáng chú ý là yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh chậm nhất vào năm 2026.Hiện nay, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó gần 2 triệu hộ, tương đương 66% vẫn đang nộp thuế theo hình thức khoán. Trung bình trong quý I, mỗi hộ nộp khoảng 672.000 đồng/tháng.
Thông tin bỏ thuế khoán khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ lo lắng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (huyện Kim Thành, Hải Dương) cho biết gia đình chị bán đặc sản quê hương cả online lẫn tại cửa hàng tại nhà, nhiều năm nay nộp thuế khoán khoảng 1 triệu đồng/tháng.
"Tôi không có nhân sự kế toán, cũng không quen dùng máy móc, phần mềm hay xuất hóa đơn. Nếu phải đầu tư máy tính tiền, phần mềm, rồi kết nối dữ liệu điện tử, tôi sợ chi phí vượt quá khả năng", chị chia sẻ.
Theo chị Bích, với các hộ nhỏ như gia đình mình, việc duy trì kinh doanh ổn định đã khó, nay lại thêm nỗi lo về chi phí và kỹ thuật nếu phải áp dụng mô hình quản lý thuế như doanh nghiệp.

Nhiều chủ hộ kinh doanh bày tỏ lo lắng khi bãi bỏ thuế khoán (Ảnh: Nguyễn Vy).
Tương tự, ông Trần Quang Huyền - chủ cửa hàng kinh doanh xe đạp thể thao và xe đạp điện tại TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng bày tỏ những băn khoăn nếu phải chuyển đổi khỏi hình thức thuế khoán. Ông cho biết đã quen quản lý bằng sổ sách ghi tay, hóa đơn viết tay, nên việc chuyển sang hệ thống số hóa khiến ông e ngại. "Tôi không rành công nghệ cao, trong khi hiện nay có quá nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng," ông chia sẻ.
Một thực tế khác khiến ông Huyền lo lắng là đặc thù kinh doanh của cửa hàng không chỉ bán xe mới nhập từ hãng mà còn thu mua xe từ khách hàng rồi sửa chữa, tân trang để bán lại. Vì vậy, ông mong sớm có hướng dẫn cụ thể về cách kê khai các khoản chi phí đầu vào này để được trừ trước khi tính thuế.
Ngoài ra, dù doanh thu từ việc bán xe có thể lên đến vài tỷ đồng mỗi năm, ông cho biết lợi nhuận thực tế lại không cao. Nếu bỏ hình thức thuế khoán, ông lo mức thuế phải nộp sẽ bị đội lên so với trước đây nhiều lần. Ông cho rằng cần có hướng dẫn tính thuế phù hợp với các hộ kinh doanh nhỏ, có doanh thu 3-4 tỷ đồng/năm.
Cơ chế thuế khoán dần bộc lộ nhiều hạn chế
TS Ngô Minh Vũ, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho biết, việc xóa bỏ cơ chế thuế khoán phản ánh định hướng cải cách mang tính đồng bộ từ phía Nhà nước, nhằm nâng cao năng lực quản lý thuế và khuyến khích các hộ kinh doanh tiến tới hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp hơn.Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang số hóa, cơ chế thuế khoán được xem là giải pháp tạm thời trong giai đoạn trước. Cơ chế này dần bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là trong việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch.

TS Ngô Minh Vũ, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (Ảnh: UEF).
Thực tiễn cho thấy, thuế khoán từng là một công cụ hữu hiệu khi phần lớn hộ kinh doanh chưa có khả năng kê khai đầy đủ, thiếu phương tiện công nghệ để xác định nghĩa vụ thuế chính xác. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt và các công cụ hỗ trợ quản lý doanh thu phát triển mạnh, việc tiếp tục duy trì thuế khoán không còn phù hợp.
TS Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Vụ trưởng Tổng cục Thuế, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, hiện nay là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho biết cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh song chỉ số ít là kê khai lên hộ doanh nghiệp.
Theo ông, hạn chế tồn tại là không có sổ sách kế toán nên cơ quan quản lý không thể nắm rõ tình hình kinh doanh thực tế là bao nhiêu. Ông đánh giá hình thức thuế khoán hiện hành không đi vào thực chất, gây thất thu ngân sách Nhà nước, thậm chí phát sinh tiêu cực.
Theo ông Tú, nếu tiếp tục duy trì hình thức thuế khoán trong bối cảnh cả nước đang chuyển sang kinh tế số sẽ tạo ra khoảng trống. "Các doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ… trong khi hộ kinh doanh không có. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ, mắt xích với nhau", ông nói và cho rằng việc duy trì hình thức thuế khoán gây bất bình đẳng trong xã hội.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Theo ông tú, hình thức thuế khoán lẽ ra phải được bỏ từ lâu. "Nhưng muộn còn hơn không. Việc bỏ là cần thiết và khách quan", ông nói.
Theo ông, khi bỏ hình thức thuế khoán, các hộ kinh doanh sẽ phải thực hiện hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán… Bức tranh nền kinh tế từ đó được minh bạch, thu thuế đúng hơn, đủ hơn.
Ông cho rằng không ít hộ kinh doanh cá thể tiềm năng lớn nhưng nộp thuế rất thấp. "Gần 2 triệu người làm công ăn lương, không kinh doanh mà nộp thuế thu nhập cá nhân một năm lên tới 170.000 tỷ đồng, bằng 9-10% ngân sách Nhà nước. Trong khi đó khối hộ kinh doanh lớn mạnh hơn hàng năm chỉ nộp thuế từ 25.000-26.000 tỷ đồng", ông nêu ví dụ.

Chuyên gia cho rằng cơ chế thuế khoán tạo ra các "kẽ hở" trong quản lý thuế (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông cho rằng, khi loại bỏ hình thức thuế khoán, các hộ kinh doanh sẽ có điều kiện để quản trị được tài chính, hiểu được số liệu tài chính của mình. Việc xóa bỏ hình thức thuế khoán sẽ giúp phản ánh trung thực, đầy đủ hơn doanh thu thực tế của hộ kinh doanh.
Đồng quan điểm TS Ngô Minh Vũ nhận định cơ chế thuế cũ cũng bị cho là tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp chính quy thực hiện kê khai đầy đủ thì một bộ phận hộ kinh doanh - dưới dạng nhỏ lẻ nhưng có doanh thu lớn lại được hưởng mức thuế khoán thấp, gây ra cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời, điều này cũng tạo ra các "kẽ hở" trong quản lý thuế và chống thất thu ngân sách.
Cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp
Các chuyên gia cũng cho rằng dấu mốc 2026 đang đến gần, việc xóa bỏ ngay lập tức hình thức thuế khoán để áp dụng hình thức mới sẽ gặp nhiều khó khăn.Ông Tú đề xuất Nhà nước có những lộ trình phù hợp cũng như sẽ có Nghị định, Thông tư hướng dẫn phù hợp và những hình thức miễn, giảm thuế với những hộ kinh doanh nộp thuế áp dụng sổ sách kế toán mà doanh thu tăng đột biến. "Thậm chí Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích những hộ kinh doanh làm tốt, trung thực, kê khai đúng, để thực hiện chủ trương đất nước", ông nêu.
Theo vị này, trước đây, 5 triệu hộ kinh doanh chủ yếu nộp thuế khoán. Thay đổi không thể đột ngột. Ông đề xuất có thể phân loại các hộ kinh doanh quy mô lớn, ngành nào làm trước, làm sau. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, cần kịp thời xử lý những vi phạm giữa các ngành hàng, hộ kinh doanh với nhau.

Tiểu thương tại chợ Bình Tây, TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).
Còn theo ông Vũ, từ góc nhìn quốc tế, nhiều quốc gia có đặc điểm kinh tế tương đồng với Việt Nam. Đơn cử như Indonesia, quốc gia đã bắt đầu cải cách thuế đối với khu vực kinh doanh nhỏ từ sớm. Kể từ năm 2018, Indonesia đã khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký mã số thuế, kê khai và nộp thuế qua hệ thống điện tử, đi kèm với chính sách hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích tài chính nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi này.
Với Việt Nam, quá trình thay thế thuế khoán được nhận định là cần một giai đoạn chuyển tiếp hợp lý. Các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ rõ ràng, bao gồm cả hướng dẫn kỹ thuật đơn giản, công cụ kê khai thân thiện và ưu đãi kinh tế cụ thể để khuyến khích hộ kinh doanh chủ động thay đổi. Đồng thời, việc tuyên truyền, đào tạo và phổ cập kiến thức về kê khai thuế cũng là yếu tố không thể thiếu.
Về dài hạn, mục tiêu là từng bước đưa toàn bộ hộ kinh doanh vào hệ thống quản lý thống nhất, có mã số thuế riêng, kê khai định kỳ qua nền tảng điện tử. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thành công, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan thuế, quản lý thị trường và chính quyền địa phương, cùng với lộ trình rõ ràng và linh hoạt.
Sáng 20/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Luật Doanh nghiệp hiện nay chỉ áp dụng với các loại hình doanh nghiệp như công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, chưa bao gồm hộ kinh doanh.
Trước đây, năm 2020, đã có đề xuất đưa hộ kinh doanh vào luật, nhưng Quốc hội không thông qua vì cho rằng không phù hợp với phạm vi và tên gọi của luật.
Theo Bộ trưởng, căn cứ vào Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về hộ kinh doanh cá thể. Luật này nhằm xác định cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức và hoạt động cho nhóm kinh tế này.
Bộ Tài chính cũng đã xây dựng nhiều chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuế đất, giảm bớt thủ tục về kế toán, lao động và kê khai thuế.
Từ năm 2026, việc quản lý hộ kinh doanh sẽ thay đổi theo hướng bỏ thuế khoán, chuyển sang kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế, giống như doanh nghiệp, đồng thời phải xuất hóa đơn từ máy tính tiền.
Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh, với các giải pháp hiện có, hộ kinh doanh khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn, qua đó kỳ vọng đạt hiệu quả tích cực trong thời gian tới.